Bị bán tháo mạnh, chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông giảm hơn 5%
Chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông lao dốc mạnh trong ngày 15/03, mặc dù Trung Quốc vừa công bố dữ liệu kinh tế lạc quan hơn dự báo.
Khép lại phiên ngày 15/03, chỉ số Hang Seng của Hồng Kông sụt hơn 1,117 điểm (tương đương 5.72%) xuống 18,415.08 điểm. Với mức giảm hơn 10% trong 2 phiên vừa qua, chỉ số Hang Seng đã “gãy” xu hướng tăng kéo dài hơn 2 thập kỷ qua.
Đường xu hướng kéo dài khoảng 24 năm được coi là hỗ trợ cho Hang Seng đã bị bẻ gãy, qua đó phủ bóng đen u tối lên triển vọng dài hạn với thị trường chứng khoán Hồng Kông.
Các cổ phiếu công nghệ Trung Quốc niêm yết ở Hồng Kông biến động cực mạnh. Chỉ số Hang Seng Tech – vốn theo dõi các cổ phiếu Trung Quốc niêm yết tại Hồng Kông – sụt hơn 8.1% xuống 3,472.42 điểm.
Khi nhà đầu tư theo dõi khả năng hủy niêm yết cổ phiếu công nghệ Trung Quốc ra khỏi sàn giao dịch Mỹ, các cổ phiếu công nghệ Trung Quốc ở Hồng Kông sụt cực mạnh, với Alibaba lao dốc 11.5%, JD.com rớt 9.94% và NetEase sụt 7.93%.
Hãng sản xuất xe điện Nio – niêm yết ở cả Mỹ và Hồng Kông – lao dốc 10.74% sau khi cổ phiếu niêm yết ở Mỹ rớt mạnh vì nỗi lo bị hủy niêm yết.
Tâm lý của những người nắm giữ cổ phiếu công nghệ Trung Quốc bị tác động mạnh trong ngày 14/03 sau khi xuất hiện thông tin Tencent có thể đối mặt với án phạt kỷ lục vì vi phạm quy định chống rửa tiền.
“Khả năng Tencent nộp khoản phạt kỷ lục đã khiến nhà đầu tư e sợ rằng chiến dịch kiểm soát của Bắc Kinh với lĩnh vực công nghệ vẫn chưa dừng lại”, Vishnu Varathan của Mizuho Bank cho biết trong báo cáo ngày 15/03.
Ở Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite sụt 4.95% xuống 3,063.97 điểm, còn Shenzhen Component tụt 4.363% xuống 11,537.24 điểm.
Dữ liệu từ Trung Quốc cho thấy sản lượng công nghiệp tăng 7.5% trong tháng 1-2/2022, cao hơn dự báo tăng 3.9% của các chuyên viên phân tích tham gia cuộc thăm dò của Reuters.
Doanh số bán lẻ tại Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm cũng vượt kỳ vọng, tăng 6.7% so với cùng kỳ. Con số này vượt dự báo tăng 3% của các chuyên viên phân tích.
Tuy vậy, hiện Trung Quốc đang đối mặt với đợt bùng phát dịch bệnh tồi tệ nhất kể từ năm 2020, với nhiều thành phố lớn như Thâm Quyến phải ra biện pháp hạn chế di chuyển.
“Đây thực sự là môi trường cực kỳ khó khăn. Ý tôi là thị trường đang rơi vào trạng thái quá bán trầm trọng”, Steve Brice, Giám đốc đầu tư tại Standard Chartered Wealth Management, cho hay trong ngày 15/03. “Có lẽ khi mọi thứ trở nên ít xấu đi thì thị trường sẽ hồi phục cực mạnh”.
Ở các thị trường khác, chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 0.91% xuống 2,621.53 điểm và ASX 200 của Australia hạ 0.73% xuống 7,097.40 điểm.
Trong khi đó, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 0.15% lên 25,346.48 điểm.
Chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) sụt 2.85%.
Giá dầu sụt hơn 5%
Các hợp đồng dầu thô tương lai tiếp tục lao dốc trong ngày 15/03 khi nhà đầu tư tiếp tục theo dõi nỗ lực đàm phán từ Ukraine và Nga, trong khi đợt bùng phát dịch Covid-19 tại Trung Quốc khiến thị trường lo ngại về nhu cầu sử dụng dầu.
Hợp đồng dầu Brent sụt gần 6% xuống sát mốc 100 USD/thùng. Trong khi đó, hợp đồng dầu WTI tương lai giảm 5.7% xuống 97.12 USD/thùng. Cả hai hợp đồng này đều tăng mạnh kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt vào ngày 24/02 và vẫn còn tăng hơn 30% kể từ đầu năm.
Rebecca Babin, Trader năng lượng cấp cao tại CIBC Private Wealth U.S, cho rằng đà sụt giảm của giá dầu là do sự kết hợp của các yếu tố địa chính trị và nhu cầu. Nga và Ukraine dự kiến sẽ nối lại các cuộc đàm phán hòa bình vào ngày thứ Hai, trong khi nhu cầu tháng 3 của Trung Quốc có thể thấp hơn do các lệnh phong tỏa mới vì Covid-19. Ngoài ra, hợp đồng mở (open interest) đối với dầu Brent đã giảm, có nghĩa là các nhà đầu tư đã giảm bớt rủi ro.
“Diễn biến ngày hôm nay phản ánh sự thay đổi trong diễn biến đàm phán Nga-Ukraine, qua đó thôi thúc trader bán ra. Lo ngại về nhu cầu vì các đợt phong tỏa ở Trung Quốc cũng khiến trader chốt lời và áp lực về mặt kỹ thuật cũng xuất hiện khi giá dầu rớt mốc tâm lý quan trọng”, Rebecca Babin cho biết.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FILI
|