Thủ tướng Chính phủ: "Nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân được thụ hưởng thật"
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa có chuyến công tác đặc biệt "xuyên Việt, xuyên Tết" kéo dài 3 ngày, trên cung đường bộ dài gần 1,600km và nhiều chặng bay vào Nam ra Bắc, với ý nghĩa và kết quả quan trọng trên nhiều mặt.
Thủ tướng động viên đội ngũ cán bộ, công nhân đang thi công trên các hầm thuộc tuyên cao tốc Bắc - Nam phía Đông - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
|
Với lịch trình di chuyển, kiểm tra và làm việc dày đặc gần như không nghỉ trong ba ngày, chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác bắt đầu với lễ khánh thành tuyến cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn tại Ninh Bình sáng sớm 4/2.
Sau đó, Thủ tướng và đoàn đã kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đúc rút các kinh nghiệm, bài học trong công tác thi công các dự án cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45, cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu qua địa phận các tỉnh Ninh Bình - Thanh Hóa - Nghệ An. Tối đó, Thủ tướng chủ trì cuộc họp kiểm điểm tiến độ thi công các dự án từ Ninh Bình tới Thừa Thiên Huế. Ngay sau đó, đoàn di chuyển bằng đường hàng không từ Nghệ An vào Khánh Hòa.
Ngày 5/2, đoàn tiếp tục làm việc dọc các tuyến cao tốc đang thi công từ Khánh Hòa tới Đồng Nai: Nha Trang - Cam Lâm (theo hình thức PPP), Cam Lâm - Vĩnh Hảo (hình thức PPP), Vĩnh Hảo - Phan Thiết (đầu tư công), Phan Thiết - Dầu Giây (đầu tư công). Tối muộn cùng ngày, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng chủ trì cuộc họp kiểm điểm tiến độ thi công 4 dự án này.
Ngày 6/2, Thủ tướng tiếp tục đi kiểm tra công trường dự án xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành và họp kiểm điểm tiến độ dự án. Ngay sau đó, ông tiếp tục lên đường kiểm tra, đôn đốc các dự án giao thông trọng điểm tại Đồng bằng sông Cửu Long gồm tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận và cầu Mỹ Thuận 2.
Tính chung 3 ngày, đoàn công tác đã di chuyển trên quãng đường bộ gần 1.600 km, băng qua những cung đường hiểm trở đang trong quá trình thi công, chưa kể các chặng bay từ Bắc vào Nam.
Trăn trở của Thủ tướng và tinh thần tiến công, tranh thủ từng giờ từng ngày
Trong chuyến công tác, Thủ tướng biểu dương các cơ quan, đơn vị, đội ngũ cán bộ, công nhân đã làm việc với tinh thần "xuyên Tết" và khí thế tấn công trên công trường. Và chính Chính phủ, Thủ tướng cũng làm việc với tinh thần này khi ngay ngày mùng 3 Tết, Thường trực Chính phủ đã họp về tình hình Tết và các nhiệm vụ trọng tâm sau Tết.
Thực tế, đây là yêu cầu thường trực đặt ra với đất nước ta trong quá trình phát triển, nhưng càng trở nên cấp bách sau năm 2021 khó khăn nhất kể từ khi đổi mới. Cho dù với nỗ lực rất lớn, chúng ta đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện, nhưng tình hình vẫn đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực hơn nữa, quyết tâm hơn nữa, quyết liệt hơn nữa. Trong quý IV năm 2021 và tháng đầu năm 2022, kinh tế khởi sắc rõ nét, nhưng cả nước vẫn cần tranh thủ từng giờ, từng ngày cho công việc để bù đắp lại những khó khăn, mất mát do dịch bệnh, phục hồi nhanh, phát triển bền vững.
Còn nhiều lý do khác để Thủ tướng lựa chọn các công trình trọng điểm ngành giao thông, cụ thể là tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông và sân bay Long Thành cho chuyến công tác đầu năm mới. Trong suốt 3 nhiệm kỳ Đại hội toàn quốc lần thứ XI, XII và XIII, Đảng ta đã xác định phát triển hạ tầng là một trong 3 đột phá chiến lược, trong đó hạ tầng giao thông đóng vai trò đặc biệt quan trọng.
Chia sẻ với các đại biểu trong chuyến công tác, Thủ tướng cho biết ông rất trăn trở khi trong 20 năm qua, chúng ta mới chỉ triển khai được trên 1.000 km cao tốc. Cùng với đó, đầu tư công những năm qua luôn chậm trễ, phải xử lý tình huống, dẫn tới bị động, lúng túng và hiệu quả không cao.
Hơn nữa, khi chúng ta đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tổng số vốn đầu tư công cần hấp thụ trong năm 2022-2023 rất lớn, nếu không đổi mới tư duy, cách tiếp cận, cách làm, tổ chức thực hiện, giám sát, kiểm tra thì không thể hoàn thành nhiệm vụ. Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 và chương trình phục hồi và phát triển kinh tế các năm 2022-2023, đầu tư công cho hạ tầng giao thông chiếm tỷ lệ lớn.
Không phải "cưỡi ngựa xem hoa", "vỗ tay là xong"
Chuyến công tác của Thủ tướng một lần nữa khẳng định quan điểm được Thủ tướng nhiều lần khẳng định về chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: "Nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân được thụ hưởng thật". Thủ tướng động viên, biểu dương những cán bộ, công nhân bám trụ làm việc xuyên Tết, đồng thời phê bình nghiêm khắc cả những nơi "biểu dương lực lượng" một cách không thực chất.
Ông nhấn mạnh, đoàn công tác muốn thấy thực tế triển khai công việc. "Các anh cứ làm việc, chúng tôi tới tận nơi công nhân đang làm. Triển khai công việc phải thực chất, nghiêm túc, hiệu quả chứ không phải khi lãnh đạo đến kiểm tra thì mới huy động máy móc, thiết bị hoành tráng đến một chỗ này, dừng công việc lại, lãng phí thời gian", Thủ tướng nhắc nhở và chia sẻ với cấp dưới.
Người đứng đầu Chính phủ cũng nhiều lần nhấn mạnh, việc đi kiểm tra phải thực chất, ra vấn đề, không phải "cưỡi ngựa xem hoa", "vỗ tay hoan hô" rồi đi, rồi mọi việc lại đâu vào đấy. Theo đúng tinh thần này, cùng với việc ghi nhận, biểu dương những nỗ lực và kết quả đạt được của các dự án, Thủ tướng đã thẳng thắn chỉ ra và cả nghiêm khắc phê bình những tồn tại, hạn chế, cách làm việc thiếu chuyên nghiệp, bài bản ở một số nơi.
Đơn cử, tại công trường dự án sân bay Long Thành, Thủ tướng bày tỏ không hài lòng khi nơi làm việc của ban quản lý dự án tại công trường còn tạm bợ. Ông yêu cầu các cơ quan phải sắp xếp nơi làm việc tập trung, liên thông ngay tại công trường, phải lên hiện trường làm việc, sát cánh cùng với địa phương, cùng với dân thì mới sớm có mặt bằng cho dự án. "Phải bám sát công trường, ăn ngủ với công trường, yêu dự án này như con cái thì mới ra công trình được", ông chia sẻ.
Nhìn rộng hơn, nhìn lại hơn 6 năm triển khai các công việc liên quan tới sân bay Long Thành, Thủ tướng đánh giá, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, công tác quản lý nhà nước, công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan, việc tổ chức thực hiện và đôn đốc, kiểm tra, giám sát chưa xứng tầm với một công trình trọng điểm quốc gia, nên vẫn còn những tồn tại, khó khăn, vướng mắc.
Cũng tại đây, ông chỉ rõ, việc san lấp mặt bằng theo dự kiến hoàn thành vào 30/12/2024 để đưa sân bay vào hoạt động trong năm 2025 là không khả thi. Bởi logic rất thông thường là mất 3 năm san lấp mặt bằng thì rất khó có thể hoàn thành được một công trình lớn, phức tạp về kỹ thuật trong 1 năm còn lại. Ông yêu cầu, chậm nhất phải xong mặt bằng trong tháng 9/2022, nếu không làm được thì báo lại, ai làm được thì quyết tâm, ra sức thực hiện; ai không làm được thì đứng ra một bên cho người khác làm.
Việc tổ chức thực hiện phải bám sát thực tiễn để bảo đảm quy trình, tiến độ, chất lượng, có lộ trình cụ thể cho từng phần việc liên quan tới nguồn vốn, kỹ thuật, thiết kế, đầu thầu, thi công, vật liệu… Việc phối hợp giữa các cơ quan chặt chẽ, nhịp nhàng, hiệu quả, phân công trách nhiệm rõ ràng, đúng vai, thuộc bài.
Thủ tướng theo dõi bản đồ thi công tuyến cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu - Ảnh VGP/Nhật Bắc
|
Hàng loạt bài học quý giá, nhiều giải pháp khẩn trương phải thực hiện
Theo Thủ tướng, nếu vẫn giữ tư duy, phương pháp luận, cách tổ chức thực hiện như cũ thì không thể hoàn thành mục tiêu đất nước có 5.000 km cao tốc trong những năm tới, cũng như không thể hoàn thành sân bay Long Thành đúng thời hạn Quốc hội yêu cầu. Do đó, phải đổi mới tư duy, phương pháp luận, cách tổ chức thực hiện.
Quan điểm của Thủ tướng trong triển khai các dự án là phải có cách tiếp cận tổng thể, đồng bộ, toàn diện, liên thông, có trọng tâm trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó, tăng cường kỷ luật kỷ cương, tăng cường trách nhiệm cá nhân và đặc biệt là chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, đấu thầu "quân xanh, quân đỏ"…
Đặt yêu cầu chung với các dự án cao tốc là phải đẩy nhanh tiến độ lên ít nhất 3 tháng, bảo đảm chất lượng và an toàn lao động cho công nhân, ông cũng yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương phải bảo đảm các điều kiện để nhà đầu tư, nhà thầu thực hiện mục tiêu này. Đồng thời, rút kinh nghiệm sâu sắc để tiếp tục phát huy những bài học tốt, tránh lặp lại những cách làm chưa ổn.
Thứ nhất, phải giao nhiệm vụ cơ quan nhà nước có thẩm quyền để đầu tư các dự án cho phù hợp, ai làm tốt nhất thì giao, tinh thần là tăng cường phân cấp phân quyền đi đôi với tăng cường giám sát, kiểm tra, phân bổ nguồn lực phù hợp và nâng cao năng lực cán bộ thực thi. Các bộ, ngành phải tin tưởng giao trách nhiệm cho các địa phương và khi được giao, địa phương phải cố gắng cao nhất, khẳng định trách nhiệm của mình với dân, với nước.
Thực tiễn đã cho thấy, trong 11 dự án thành phần của tuyến cao tốc phía Đông, cho tới nay mới chỉ có dự án Cao Bồ - Mai Sơn đã hoàn thành, vừa được khánh thành ngày 4/2. Dự án này giao cho tỉnh Ninh Bình là cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Gần đây, dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận cũng giao cho địa phương (tỉnh Tiền Giang) là cơ quan nhà nước có thẩm quyền vừa được thông tuyến.
Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu các địa phương chuẩn bị quy hoạch, sẵn sàng nhận nhiệm vụ để đầu tư các dự án cao tốc, làm sớm thì địa phương phát triển nhanh, phát triển sớm. Các địa phương phát huy tinh thần tự lực, tự cường, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không trông chờ, ỷ lại vào Trung ương trong việc xây dựng các dự án cao tốc.
Cùng với đó, cần xử lý vấn đề nguyên vật liệu cho các dự án đúng luật, hài hòa lợi ích của nhà nước, nhân dân và doanh nghiệp. Đây cũng là vấn đề bức xúc, cấp bách được Thủ tướng đề cập nhiều lần tại nhiều cuộc họp trong nhiều tháng qua. Thời gian qua, nhiều chủ mỏ găm hàng nguyên vật liệu xây đắp cao tốc trong lúc chúng ta cần đẩy nhanh tiến độ các dự án, khiến cản trở tiến độ, nâng giá, gây cạnh tranh không lành mạnh và nảy sinh nhiều tiêu cực, tạo nguy cơ "mất tiền, mất thời gian, mất cán bộ".
Thủ tướng thẳng thắn chỉ rõ, việc này có lỗi của cơ quan nhà nước đã không kiểm tra, giám sát tổng thể, toàn diện, quyết liệt để đề xuất các cấp có thẩm quyền sửa đổi quy định liên quan, cần rút kinh nghiệm sâu sắc.
Chính phủ đã có các nghị quyết về vấn đề này, tạm thời xử lý được vấn đề nguyên vật liệu cho các cao tốc, nhưng mới giải quyết được phần ngọn, chưa xử lý được một cách căn cơ, triệt để. Ông yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương rà soát các quy định, quy định nào không sát thực tiễn cuộc sống thì phải đề xuất sửa ngay.
Trong khi chờ sửa đổi các quy định, các địa phương chủ động tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật nếu có hiện tượng các chủ mỏ nguyên vật liệu cấu kết để găm hàng, nâng giá, trục lợi. Yêu cầu là không để đất, đá, sỏi, cát thuộc sở hữu toàn dân nhưng do cách quản lý không tốt khiến thất thoát tài sản, giá trị chênh lệch rơi vào túi tư nhân, không để thêm một khâu trung gian nữa cản trở sự phát triển, không gây phiền hà cho doanh nghiệp và người dân, chống tiêu cực, tham nhũng.
Qua chuyến công tác, hàng loạt vấn đề vừa cụ thể liên quan tới việc thi công các dự án, vừa liên quan tới các quy định chung về thể chế, cơ chế, chính sách được chỉ ra.
Điển hình là quy định hiện hành về hợp tác công tư (PPP). Thực tế cho thấy tại dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo, hiện phần vốn nhà nước khoảng 60%, vốn ngoài nhà nước khoảng 40%, trong khi Luật đầu tư PPP (có hiệu lực sau khi dự án được thông qua) đang quy định vốn nhà nước tham gia dự án PPP không quá 50% tổng vốn đầu tư. Như vậy, như với dự án Cam Lâm – Vĩnh Hảo, sẽ bỏ lỡ gần 40% vốn của các nhà đầu tư trong dự án.
Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa quy định hiện hành để huy động tối đa các nguồn vốn từ bên ngoài nhà nước. Trên tinh thần hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro giữa nhà nước, nhà đầu tư và người dân, hợp tác PPP phải huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn ngoài nhà nước, có thể qua thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, vốn tín dụng, hợp đồng hợp tác kinh doanh và các nguồn hợp pháp khác.
Một thực tế khác là qua đấu thầu, đã có những dự án giảm được gần 1.000 tỷ đồng so với dự toán ban đầu. Thủ tướng đề nghị các cơ quan tiếp tục đánh giá kỹ lưỡng theo các quy định, nếu đúng là giảm được chi phí thì tính toán việc thưởng cho nhà thầu để khuyến khích đổi mới sáng tạo. Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương xây dựng nghị định về vấn đề thưởng phạt thi công hợp đồng, trình ban hành trong thời gian sớm nhất.
Cùng với đó, Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, triển khai việc bán quyền khai thác tuyến đường đầu tư công theo tinh thần vừa làm vừa rút kinh nghiệm, làm từ ít đến nhiều, từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp.
Nhiều vấn đề cần tiếp tục trăn trở, suy nghĩ được Thủ tướng gợi mở để các cơ quan nghiên cứu, có giải pháp phù hợp. Chẳng hạn, các dự án PPP giao thông có bình quân đơn giá không quá 150 tỷ đồng mỗi km đường nhưng các dự án đầu tư công thì bình quân trên dưới 200 tỷ đồng.
Thủ tướng một lần nữa lưu ý việc triển khai các dự án cao tốc cần đi theo hướng tuyến thẳng nhất, ngắn nhất có thể, không bám theo đường cũ hay khu dân cư, "qua sông bắc cầu, qua đồng đổ đất, qua núi khoét núi", qua đó giảm được khâu giải phóng mặt bằng, giảm chi phí, thời gian và tạo ra không gian phát triển mới. Cùng với đó, tránh tình trạng có quá nhiều đơn vị thi công trên một tuyến đường, mất nhiều thời gian làm các thủ tục, khó kiểm soát tiến độ và chất lượng, dễ nảy sinh tiêu cực.
Thủ tướng yêu cầu các bộ xem xét, giải quyết ngay các đề xuất của nhà đầu tư, nhà thầu liên quan tới chi phí dự án, vấn đề kỹ thuật, thiết kế, thiết bị,... theo các quy định của pháp luật.
Nhật Quang
FILI
|