Thứ Hai, 31/01/2022 17:00

5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp phục hồi kinh tế của Chính phủ

Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ đã đưa ra năm nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 11 ngày 30-1 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (Chương trình) và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình.

Nghị quyết nêu rõ đối tượng hỗ trợ bao gồm: Người dân, người lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các ngành, lĩnh vực tạo động lực phục hồi và phát triển cho nền kinh tế. Thời gian hỗ trợ thực hiện trong hai năm 2022-2023; một số chính sách có thể kéo dài, bổ sung nguồn lực thực hiện tùy theo diễn biến dịch bệnh.

Nghị quyết đề ra năm nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Cụ thể:

Thời gian tới, Chính phủ sẽ tăng cường năng lực y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp vùng để đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch. Ảnh: HOÀNG GIANG

1. Mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh

Chính phủ sẽ ban hành và tổ chức thực hiện hiệu quả, kịp thời Chương trình phòng chống dịch COVID-19 (2022-2023); tiếp tục hướng dẫn và triển khai thực hiện lộ trình mở cửa lại du lịch, vận tải hàng không, các ngành dịch vụ giải trí, văn hóa, nghệ thuật gắn với bảo đảm an toàn dịch bệnh.

Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân các dự án đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp cơ sở khám chữa bệnh ở những nơi cần thiết, tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ của hệ thống y tế cơ sở.

Cùng với đó là tăng cường năng lực y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp vùng; nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh của viện và bệnh viện cấp trung ương gắn với đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế, sản xuất vaccine trong nước và thuốc điều trị COVID-19, bảo đảm yêu cầu phòng chống dịch.

2. Bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm

Nghị quyết nêu rõ hỗ trợ ba tháng tiền thuê nhà cho người lao động có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm. Trong đó mức hỗ trợ đối với người lao động quay trở lại thị trường lao động là 1 triệu đồng/tháng và người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp là 500.000 đồng/tháng. Thời gian thực hiện trong sáu tháng đầu năm 2022.

Người lao động quay trở lại thị trường lao động được hỗ trợ ba tháng tiền thuê nhà, mỗi tháng 1 triệu đồng. Ảnh: NGUYỆT NHI

Tiếp tục rà soát, nghiên cứu, có chính sách hỗ trợ kịp thời cho người dân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn do tác động của dịch bệnh.

Thực hiện hiệu quả các chính sách cho vay ưu đãi qua Ngân hàng Chính sách xã hội, cụ thể: Cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; cho vay đối với học sinh, sinh viên để mua máy vi tính, thiết bị học tập trực tuyến và trang trải chi phí học tập. Việc cho vay để trang trải chi phí học tập; tiếp tục tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội để cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho người lao động, bảo đảm tính khả thi và tổ chức triển khai nhanh trong thực tế…

3. Hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh

Một trong những biện pháp của nhóm này là miễn, giảm thuế, phí, lệ phí. Cụ thể, trong năm 2022, các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% được giảm 2% thuế suất (còn 8%); giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay; giảm 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2022; giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước theo Nghị định 103/2021…

Tiếp tục rà soát, giảm các loại phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19…

Hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong hai năm 2022 - 2023 thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại đối với các khoản vay thương mại cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi trong các ngành, lĩnh vực: hàng không, vận tải kho bãi; du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, giáo dục và đào tạo; nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản; công nghiệp chế biến, chế tạo…

Tiếp tục thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay và giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, theo dõi sát diễn biến kinh tế, thị trường tiền tệ để có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phù hợp, đồng thời bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng.

Tiếp tục nghiên cứu xem xét giảm tiền điện, tiền nước cho doanh nghiệp, người dân…

Cao tốc Nội Bài - Lào Cai là một trong các dự án thành phần thuộc tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam. Ảnh: V.LONG

4. Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng

Với nhóm này, Chính phủ sẽ tập trung vốn cho các dự án quan trọng, cấp thiết, có tác động lan tỏa lớn, có khả năng giải ngân nhanh và hấp thụ ngay vào nền kinh tế, phù hợp với quy hoạch, sử dụng nguồn vốn hiệu quả, bảo đảm khả năng cân đối vốn để hoàn thành dự án trong giai đoạn 2022 - 2025; ưu tiên hỗ trợ giải phóng mặt bằng đối với một số dự án mới có ý nghĩa quan trọng với phát triển kinh tế - xã hội.

Phấn đấu sớm hoàn thành toàn tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, các tuyến kết nối vùng miền núi phía Bắc, Tây Nguyên với Miền Trung, các tuyến cao tốc vùng Đông Nam Bộ, vùng đồng bằng sông Cửu Long; hạ tầng giao thông kết nối các vùng, cảng biển, cửa khẩu, khu và cụm công nghiệp; hạ tầng số, chuyển đổi số; hạ tầng y tế, xã hội; lao động - việc làm; phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, bảo đảm an toàn hồ chứa nước, thích ứng với biến đổi khí hậu, khắc phục hậu quả thiên tai.

5. Cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Chính phủ sẽ khẩn trương xây dựng, trình ban hành đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các Luật, Nghị quyết tại Kỳ họp thứ 2 và Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội Khóa XV.

Tiếp tục rà soát, tháo gỡ các rào cản về thể chế, cơ chế, chính sách, quy định pháp luật cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh; đẩy nhanh lộ trình thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường xử lý thủ tục hành chính trên nền tảng trực tuyến; khẩn trương nghiên cứu, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật, quy hoạch và quỹ đất liên quan đến nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân…

Một trong những nhóm giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế của Chính phủ là cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Ảnh: NGUYỆT NHI

Tập trung nâng cao năng lực quản lý nhà nước, quản trị xã hội, trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành, các địa phương; tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý nghiêm sai phạm.

Điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác hỗ trợ tích cực cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

Theo dõi chặt chẽ các chỉ số vĩ mô để có giải pháp kịp thời bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn, trong đó đặc biệt chú trọng đến chỉ tiêu về lạm phát, nợ xấu; phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi, giảm bội chi để đạt được các chỉ tiêu trong Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025; trường hợp có biến động, rủi ro lớn, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định…

Nghị quyết của Chính phủ cũng nêu rõ mục tiêu của Chương trình là phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, ưu tiên một số ngành, lĩnh vực quan trọng, phấn đấu đạt mục tiêu của giai đoạn 2021 - 2025: tăng trưởng GDP bình quân 6,5 - 7%/năm, chỉ tiêu nợ công dưới mức cảnh báo Quốc hội cho phép tại Nghị quyết 23/2021/QH15, tỉ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung hạn và dài hạn.

Tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền, bảo đảm tính chủ động, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế và người dân; phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả; bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, nhất là người lao động, người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội. 

N.THẢO

Pháp luật TPHCM

Các tin tức khác

>   Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 2/2022 (31/01/2022)

>   Kinh tế Việt Nam 2022: Cơ hội trong thách thức (29/01/2022)

>   Thu hút vốn đầu tư FDI khởi sắc ngay từ tháng 1/2022 (29/01/2022)

>   CPI tháng 1 tăng 0.19% so với tháng trước (29/01/2022)

>   Thủ tướng yêu cầu mạnh dạn mở cửa, không để lỡ nhịp phục hồi (28/01/2022)

>   Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không để "tháng Giêng là tháng ăn chơi" (28/01/2022)

>   VinaCapital: GDP Việt Nam có thể tăng trưởng vượt 7,5% năm 2022 (28/01/2022)

>   Thủ tướng yêu cầu khẩn trương mở cửa trường học, du lịch sớm nhất có thể (27/01/2022)

>   Thực hiện Chương trình phục hồi, phát triển KT-XH: 'Chậm ngày nào sốt ruột ngày đó' (25/01/2022)

>   Cơ hội cho tăng trưởng kinh tế 2022 từ gói hỗ trợ mới (25/01/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật