Thứ Bảy, 29/01/2022 20:05

Kinh tế Việt Nam 2022: Cơ hội trong thách thức

Nhìn lại bức tranh tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2021 và triển vọng năm 2022, tình kinh tế trong và ngoài nước những tháng qua tiếp tục có những diễn biến nhanh, phức tạp và khó lường…

Tuy nhiên, nền kinh tế cũng xuất hiện những tín hiệu tích cực.

Do đó, khả năng bắt nhịp một chương trình sâu rộng về phục hồi và phát triển kinh tế, cần có khung thời gian ít nhất đến năm 2023. Bởi, bên cạnh việc tháo gỡ khó khăn, tạo động lực trong ngắn hạn, chương trình này cần phải bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tạo nền tảng cho cải cách thể chế kinh tế mạnh mẽ hơn trong 3-5 năm tới.

Nhận diện các khó khăn

Thời gian tới, nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, hệ lụy nghiêm trọng từ dịch bệnh COVID-19.

Ở bên ngoài, các thị trường xuất khẩu sử dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm hạn chế hàng hóa nhập khẩu, trong đó có hàng hóa Việt Nam. Mặt khác, rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng đang làm tăng chi phí đáng kể cho doanh nghiệp xuất khẩu cũng như doanh nghiệp hoạt động thương mại trong nước.

Ngoài ra, dù có nhiều cố gắng cải thiện, công tác điều hành và chất lượng các văn bản chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vẫn còn hạn chế, bất cập. Trong khi đó, công tác phòng chống dịch tại một số địa phương chưa thực hiện đúng, đồng bộ các quy trình, biện pháp liên quan để giảm thiểu tác động tiêu cực đối với hoạt động lưu thông hàng hóa giữa các địa bàn.

Các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như giãn, hoãn thuế, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí... chưa đủ “sức nặng” cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp. Một số quy định về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch bệnh khi đi vào thực hiện đã gặp phải vấn đề phát sinh, vừa qua đã có những đề xuất sửa đổi điều kiện, quy trình hỗ trợ hay mở rộng đối tượng hỗ trợ.

Hơn nữa, nhiều lĩnh vực mới được đề cập nhằm để tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế, như kinh tế số, kinh tế tuần hoàn nhưng trên thực tế các thông tin, số liệu chính thống phục vụ cho đánh giá chính sách ở các mảng lĩnh vực này hiện còn thiếu rất nhiều.

Động lực phát triển kinh tế

Về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2022, theo tôi, một số yếu tố có thể ảnh hưởng như sau:

Thứ nhất, là khả năng kiểm soát dịch. Do đó, Việt Nam thực hiện kiểm soát nhanh và hiệu quả dịch bệnh, đẩy mạnh tiêm vaccine gắn với lộ trình mở cửa nền kinh tế phù hợp, có sự hợp tác tích cực của doanh nghiệp và người dân, thì hệ lụy đối với nền kinh tế, đặc biệt là các trung tâm kinh tế sẽ được giảm bớt.

Thứ hai, là khả năng bảo đảm phục hồi sản xuất. Đầu tư công được giải ngân tốt hơn và vốn tín dụng được điều tiết vào các lĩnh vực sản xuất hiệu quả hơn, sẽ có tác động lan tỏa trong việc phục hồi và thúc đẩy sản xuất sẽ tích cực. Bên cạnh đó, quá trình phục hồi sản xuất song hành thu hút và hợp tác hiệu quả với nhà đầu tư nước ngoài, sẽ hạn chế được những rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng đáng kể.

Phục hồi sản xuất cũng là điều kiện quan trọng để tận dụng các cơ hội từ đà phục hồi của kinh tế thế giới, đặc biệt khi Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại tự do quan trọng, như EVFTA, CPTPP và chuẩn bị đón đầu cơ hội từ Hiệp định RCEP.

Thứ ba là khả năng bắt nhịp thực hiện một chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sâu rộng. Trên cơ sở thông tin và nghiên cứu hiện có của chúng tôi, cho rằng Chương trình này cần có khung thời gian ít nhất 3 năm. Cùng với đó, tư duy chính sách cần lồng ghép hiệu quả việc tìm kiếm những mô hình, không gian kinh tế mới thay vì chỉ bó vào kích thích tài khóa- tiền tệ. Làm được điều đó, kinh tế Việt Nam sẽ có thêm điều kiện để phục hồi, hướng tới phát triển bền vững, nâng cao năng lực nội tại cũng khả năng chống chịu và sức cạnh tranh trong tương lai.

Xác định ba giai đoạn phục hồi

Từ góc độ một chuyên gia nghiên cứu về các chính sách kinh tế vĩ mô, tôi xin đưa ra ba kiến nghị ba giai đoạn trong chương trình phục hồi kinh tế.

Giai đoạn 1 (đến quý I/2022) ưu tiên phòng chống dịch, kết hợp với chính sách kinh tế vĩ mô, hỗ trợ cho doanh nghiệp “trụ vững” qua thời kỳ khó khăn.

Giai đoạn 2 (đến hết 2023) sau khi kiểm soát dịch COVID-19, tiến hành nới lỏng chính sách kinh tế vĩ mô, kích cầu cho nền kinh tế đồng thời tăng cường cải cách môi trường kinh doanh, tạo thêm không gian cho doanh nghiệp.

Giai đoạn 3 (sau 2023) bình thường hóa chính sách kinh tế vĩ mô, hướng tới củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô và thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế sâu rộng.

Ngoài ra, tôi cũng đề xuất việc vận dụng các chính sách kinh tế vĩ mô cần linh hoạt theo các kịch bản, để có thể ứng phó với các diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới và khu vực (cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ-Trung Quốc, diễn biến dịch COVID-19, kịch bản thương mại với Mỹ hay rủi ro khủng hoảng nợ toàn cầu).

Với doanh nghiệp xuất khẩu, cần đẩy mạnh đa dạng hàng hóa, trên cơ sở nghiên cứu, nắm bắt thông tin kịp thời về các thị trường, những loại sản phẩm còn dư địa khai thác trong bối cảnh dịch bệnh cũng như khả năng đáp ứng các Hiệp định thương mại tự do (FTA) quan trọng. Cùng với đó, các cấp quản lý cần nghiên cứu, khuyến khích các mô hình kinh tế mới để tạo thêm không gian kinh tế cho các hoạt động sản xuất-kinh doanh nội địa.

Cuối cùng, cần đẩy nhanh tiến độ triển khai các gói hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đã ban hành và thường xuyên đánh giá kết quả thực hiện các gói hỗ trợ và tiến hành tháo gỡ ngay những vướng mắc trong quá trình thực hiện.

TS Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)

Diễn Đàn Doanh Nghiệp

Các tin tức khác

>   Thu hút vốn đầu tư FDI khởi sắc ngay từ tháng 1/2022 (29/01/2022)

>   CPI tháng 1 tăng 0.19% so với tháng trước (29/01/2022)

>   Thủ tướng yêu cầu mạnh dạn mở cửa, không để lỡ nhịp phục hồi (28/01/2022)

>   Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không để "tháng Giêng là tháng ăn chơi" (28/01/2022)

>   VinaCapital: GDP Việt Nam có thể tăng trưởng vượt 7,5% năm 2022 (28/01/2022)

>   Thủ tướng yêu cầu khẩn trương mở cửa trường học, du lịch sớm nhất có thể (27/01/2022)

>   Thực hiện Chương trình phục hồi, phát triển KT-XH: 'Chậm ngày nào sốt ruột ngày đó' (25/01/2022)

>   Cơ hội cho tăng trưởng kinh tế 2022 từ gói hỗ trợ mới (25/01/2022)

>   Thủ tướng kể về quyết định không ban bố tình trạng khẩn cấp ở TP.HCM (24/01/2022)

>   Còn dư địa thời gian phục hồi kinh tế? (24/01/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật