Thứ Ba, 01/02/2022 16:00

Dù tăng trưởng bứt phá 7,5%, lạm phát chưa phá rào

Trong kịch bản lạc quan nhất, dịch bệnh được khống chế tốt, việc chung sống với dịch bệnh trở thành thói quen cùng sự trở lại mạnh mẽ của nhiều lĩnh vực sẽ tạo sức bật tăng trưởng năm 2022 lên tới 7 - 7,5%, nhưng lạm phát cả năm sẽ “kìm chân” ở mức 3,5 - 3,8%...

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, CPI bình quân năm 2021 tăng 1,84% so với bình quân năm 2020. Đây là chỉ số CPI thấp nhất trong 6 năm qua kể từ khi tính CPI theo phương pháp mới. Áp lực lạm phát năm 2022 với nền kinh tế không quá lo ngại nhưng cần theo dõi sát diễn biến giá cả để có biện pháp quản lý phù hợp.

Không quá lo "ẩn số" lạm phát 2022

Năm 2022, dù đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến khó lường nhưng nền kinh tế thế giới vẫn sẽ từng bước phục hồi. Nhu cầu về nguyên, nhiên vật liệu, về vật tư, linh phụ kiện và hàng hóa sẽ còn tiếp tục tăng cao, đây sẽ là nhân tố thúc đẩy lạm phát gia tăng.


PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh Học viện Tài chính

Bên cạnh đó, nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới trong thời gian dài vừa qua sử dụng các gói hỗ trợ tài khóa với quy mô lên tới 10.400 tỷ USD để kích thích kinh tế hồi phục và phát triển. Điều này sẽ làm giá trị đồng tiền của hầu hết các quốc gia giảm giá. Đó cũng là nhân tố thúc đẩy lạm phát trên thế giới tăng cao.

Hơn nữa, Ngân hàng Trung ương nhiều nước có các động thái giảm mua trái phiếu chính phủ và xem xét nâng lãi suất cơ bản trong năm 2022. Điều này có thể sẽ gây khó khăn cho hoạt động huy động vốn và làm cho tốc độ phục hồi kinh tế chậm lại.

Việt Nam là quốc gia có độ mở cửa hội nhập sâu rộng và toàn diện với thế giới, nên khả năng nhập khẩu lạm phát thông qua nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào là rất lớn. Năm 2022, nền kinh tế Việt Nam cũng được dự báo sẽ phục hồi và phát triển mạnh mẽ sẽ tạo áp lực lớn đến mặt bằng giá cả, lãi suất, tỷ giá và lạm phát.

Tuy nhiên, dù áp lực tăng cao của lạm phát trong năm 2022 so với năm 2021 là có thực, nhưng mức độ tăng của lạm phát năm 2022 không quá lo ngại.

Trước hết, khi nền sản xuất của Việt Nam có những dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ trong quý 4/2021, nhu cầu về nguyên, nhiên, vật liệu, về lao động tăng lên. Với một nền kinh tế mở cửa sâu rộng, giá nguyên nhiên, vật liệu nhập khẩu tăng sẽ đẩy tỷ lệ lạm phát tăng cao. Tuy nhiên, mức độ tăng giá nguyên, nhiên, vật liệu và hàng hóa trong năm 2022 sẽ không lớn như trong năm 2021.

Trong thời gian tới, giá xăng dầu cũng không tăng mạnh như năm 2021, bởi các nước OPEC+ cũng không muốn để giá xăng dầu quá cao, gây phương hại tới đà phục hồi kinh tế thế giới và thúc đẩy các nền kinh tế tìm các nguồn năng lượng thay thế, nhưng vẫn sẽ cố giữ giá dầu thô ổn định ở mức 80 – 90 USD/thùng.

Nhiều mặt hàng nguyên, nhiên vật, liệu nhập khẩu cho đầu vào của sản xuất Việt Nam với đà tăng giá mạnh trong năm 2021, sang năm 2022 mức tăng sẽ thấp hơn nhiều.

Dù sức ép tăng giá nhiên liệu, nguyên, vật liệu không quá lớn, nhưng nguy cơ rủi ro lạm phát là không thể chủ quan. Bởi cầu tiêu dùng tăng cũng là một nhân tố có thể thúc đẩy lạm phát tăng cao.

Mặt khác, thời gian qua, lãi suất ngân hàng xuống tương đối thấp. Khi sản xuất phục hồi, nhu cầu về vốn tín dụng tăng cao sẽ có khả năng thúc đẩy lãi suất và lạm phát tăng cao. Do lãi suất thấp, một lượng tiền lớn chuyển hướng vào lĩnh vực bất động sản và vào thị trường chứng khoán cũng tạo nên sự lo lắng. Vì vậy, cần theo dõi chặt chẽ sự biến động trên cả hai thị trường này để tránh rủi ro bất ngờ.

Giám sát kỹ những biến động thị trường 

Đáng lưu ý, năm 2022, tác động của các gói kích cầu kinh tế năm 2020, 2021 của Việt Nam sẽ bộc lộ rõ hơn bởi độ trễ của lượng tiền tệ được đưa vào thị trường.

Đặc biệt, năm 2020 tín dụng trong nền kinh tế tăng trưởng 12,17% nhưng nền kinh tế chỉ tăng 2,9% GDP. Năm 2021, tốc độ tăng trưởng tín dụng cũng khoảng 14% nhưng nền kinh tế chỉ tăng 2,58%, vì vậy, lượng tiền tệ trong nền kinh tế tương đối lớn có thể gây sức ép lạm phát.

Để có thể giữ tốc độ tăng chỉ số CPI ở mức dưới 4% như chỉ tiêu của Quốc hội và tìm cách ổn định thị trường tài chính tiền tệ, tiếp tục hạ thấp tỷ lệ lạm phát, cần thực hiện tốt một số biện pháp trọng tâm.

Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 và phòng ngừa các dịch bệnh khác sẽ là tiền đề tốt cho ổn định sản xuất, ổn định thị trường, bình ổn giá cả các mặt hàng.

Công tác tiêm phòng vaccine là biện pháp cơ bản để vượt qua dịch bệnh và hồi phục và phát triển nền kinh tế. Đẩy mạnh công tác tiêm chủng nhắc lại mũi 3 cho các đô thị, nơi có mật độ tập trung đông dân cư, các khu công nghiệp lớn trong cả nước. Đây sẽ là yếu tố tiên quyết cho khả năng tăng trưởng và ổn định kinh tế năm 2022.

Hai là, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cần xem xét kỹ lưỡng nhu cầu và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, tính toán cẩn trọng mức độ, thời hạn, hình thức, phương thức huy động vay nợ công để vừa đảm bảo kích thích nền kinh tế hồi phục và phát triển nhanh chóng, vừa đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn vay, đảm bảo khả năng trả nợ vay và sự ổn định và phát triển trong dài hạn của nền kinh tế.

Ba là, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục theo dõi sát tình hình biến động của nền kinh tế thế giới và thị trường tài chính tiền tệ, chủ động, thực hiện điều hành linh hoạt lãi suất, công cụ thị trường mở, tích cực quản lý và điều chỉnh tỷ giá hối đoái linh hoạt, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế, từng bước ổn định và nâng cao giá trị đồng Việt Nam, góp phần kìm giữ lạm phát cơ bản để làm cơ sở cho việc kìm giữ chỉ số giá tiêu dùng CPI.

Cần thường xuyên kiểm tra, giám sát việc cung tiền, mở rộng tín dụng và điều hành linh hoạt lãi suất, tỷ giá để giảm sức ép lạm phát trong các tháng cuối năm. Khả năng tăng tốc độ luân chuyển của đồng tiền khi dịch bệnh được kiểm soát cũng là một thực tế cần được tính toán khi xem xét khả năng tăng cao của lạm phát.

Đặc biệt, cần có sự theo dõi chặt chẽ của Chính phủ, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước về sự biến động trên cả thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán, tránh các tình huống có thể ảnh hưởng xấu đến thị trường tài chính tiền tệ và lạm phát. 

Bốn là, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương và Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động giá cả, thị trường.

Năm là, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về điều hành giá, công khai, minh bạch các thông tin về giá, đặc biệt là đối với các mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá, các mặt hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.

Sáu là, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật về giá, đẩy nhanh việc xây dựng và điều chỉnh các định mức kinh tế kỹ thuật để làm cơ sở xác định giá hàng hóa, dịch vụ cho các loại hình của dịch vụ y tế, giáo dục, xã hội theo đúng lịch trình tính đúng, tính đủ chi phí thực hiện vào giá và lộ trình cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công lập.

Dự báo trong năm 2022 nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, kinh tế thế giới phục hồi chậm, kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng ở mức 6,5 - 7% thì khả năng lạm phát cả năm sẽ trong khoảng 2,8 - 3,2%.

Nếu dịch bệnh được khống chế tốt, việc chung sống với dịch bệnh trở thành thói quen, kinh tế thế giới phục hồi tốt, doanh nghiệp Việt Nam tận dụng tốt các cơ hội, nắm bắt và thích ứng với các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết và những thay đổi lớn trong nền kinh tế thế giới, tăng trưởng năm 2022 đạt mức 7 - 7,5% thì khả năng lạm phát cả năm có thể sẽ ở mức là 3,5 - 3,8%.

Cần tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, tạo nền tảng cho phục hồi và phát triển bền vững của nền kinh tế. Tăng trưởng kinh tế sẽ là nhân tố hỗ trợ đắc lực cho việc giữ ổn định nền kinh tế, giúp tránh được tâm lý hoài nghi của các doanh nghiệp và các tầng lớp dân cư, tránh tình trạng “lạm phát do tâm lý”.

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh Học viện Tài chính

VnEconomy

Các tin tức khác

>   EVS chỉ ra các yếu tố hỗ trợ kinh tế Việt Nam tăng 6.8% năm 2022 (31/01/2022)

>   5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp phục hồi kinh tế của Chính phủ (31/01/2022)

>   Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 2/2022 (31/01/2022)

>   Kinh tế Việt Nam 2022: Cơ hội trong thách thức (29/01/2022)

>   Thu hút vốn đầu tư FDI khởi sắc ngay từ tháng 1/2022 (29/01/2022)

>   CPI tháng 1 tăng 0.19% so với tháng trước (29/01/2022)

>   Thủ tướng yêu cầu mạnh dạn mở cửa, không để lỡ nhịp phục hồi (28/01/2022)

>   Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không để "tháng Giêng là tháng ăn chơi" (28/01/2022)

>   VinaCapital: GDP Việt Nam có thể tăng trưởng vượt 7,5% năm 2022 (28/01/2022)

>   Thủ tướng yêu cầu khẩn trương mở cửa trường học, du lịch sớm nhất có thể (27/01/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật