Thứ Hai, 07/02/2022 08:54

Thị trường chứng khoán sẽ "chuyển mình" sang phát triển chiều sâu, bền vững hơn trong năm 2022

Năm 2021 là một năm đặc biệt với thị trường chứng khoán, khi thị trường đã thích ứng và chuyển nhanh sang trạng thái bình thường mới thành công. Những dấu ấn được tạo ra trong năm qua sẽ là những tiền đề quan trọng để thị trường chứng khoán phát triển mạnh hơn theo chiều sâu, tăng chất lượng và tính bền vững trong năm 2022.

Nhân dịp đầu Xuân mới Nhâm Dần 2022, phóng viên đã có cuộc trao đổi nhanh với Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng về những giải pháp trọng tâm để phát triển ổn định, bền vững thị trường chứng khoán (TTCK) trong năm 2022.

Ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Bối cảnh đặc biệt, nhưng thị trường chứng khoán cho kết quả khả quan

PV: Thưa ông, dù chịu tác động mạnh bởi đại dịch Covid-19, nhưng có thể nói năm 2021 là một năm thành công của TTCK. Ông có thể đánh giá một số kết quả nổi bật của thị trường trong năm vừa qua?

Ông Trần Văn Dũng: Có thể nói, năm 2021 là một năm rất đặc biệt đối với TTCK. Năm qua, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống của kinh tế - xã hội, và TTCK cũng không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, cả thị trường đã phải thích ứng linh hoạt và chuyển nhanh sang trạng thái bình thường mới, hoạt động của thị trường đều được bảo đảm trong mọi hoàn cảnh, thậm chí kịch bản trụ sở của các sở giao dịch và thành viên bị phong tỏa cũng đã được chuẩn bị sẵn sàng.

Chưa dừng ở đó, năm 2021 cũng là một năm đặc biệt về kết quả đạt được của thị trường trong bối cảnh nhiều biến động. Thanh khoản tăng rất nhanh và mạnh đã khiến hệ thống giao dịch trên HOSE bị nghẽn lệnh trong nửa đầu năm. Tuy nhiên, cũng trong năm qua, chúng ta chứng kiến sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, của Chính phủ, Bộ Tài chính và ngành Chứng khoán, nên tính chung cả năm, kết quả đạt được của TTCK là tương đối khả quan, toàn diện.

Chúng ta nhìn thấy, nếu như năm 2020, chỉ số VN-Index tăng trưởng khá tốt, thì đến năm 2021 chỉ số này đã đạt đỉnh, trên 1.500 điểm và kết thúc vào cuối năm đã tăng 35,7% so với đầu năm 2020.

Đặc biệt về thanh khoản, chúng ta cũng nhìn thấy một năm bùng nổ, với mức thanh khoản của năm 2021 đạt 3,6 lần so với năm 2020, đạt trên 26.000 tỷ đồng/phiên. Suốt trong 9 tháng liên tục vào cuối năm, giá trị giao dịch bình quân của TTCK Việt Nam đều đạt trên 1 tỷ USD/phiên, thậm chí có phiên tới 2,5 tỷ USD/phiên.

"Về yếu tố nội tại TTCK Việt Nam, chúng tôi cho rằng cho đến nay TTCK đã tích lũy được thành quả về cả “lượng và chất”, tăng khả năng chống chịu với yếu tố bên ngoài. Do đó, với những yếu tố khách quan hỗ trợ và bản thân nội lực, TTCK trong trung và dài hạn có triển vọng tiếp tục phát triển tích cực. Điều quan trọng là các cơ quan quản lý nhà nước về chứng khoán và TTCK phải chuẩn bị các giải pháp ứng phó để đảm bảo thị trường phát triển bền vững, minh bạch; đồng thời, chúng tôi cũng rất mong các nhà đầu tư tiếp cận thị trường một cách cẩn trọng, phân tích đầy đủ thông tin, tránh tâm lý đầu tư theo phong trào để hạn chế rủi ro" - ông Trần Văn Dũng.

Cùng với đó, năm 2021, số lượng tài khoản chứng khoán mở mới tăng kỷ lục, cho thấy sức hấp dẫn của thị trường đối với công chúng đầu tư. Tính cả năm 2021 có tới hơn 1,53 triệu tài khoản chứng khoán mở mới, gấp gần 4 lần so với cả năm 2020, lớn hơn cả 5 năm trước cộng lại. Tính tới cuối năm, tổng số tài khoản chứng khoán của TTCK Việt Nam đã đạt gần 4,3 triệu tài khoản, đạt hơn 4,3% dân số.

Chúng ta cũng nhìn thấy, 2021 là một năm rất khó khăn, nhưng các doanh nghiệp niêm yết đã cho thấy sức chống chịu và sự vươn lên rất tốt. Nhìn tổng hòa lại, bên cạnh những doanh nghiệp gặp khó khăn do Covid-19 (như ngành hàng không, du lịch,…) thì các doanh nghiệp niêm yết vẫn phát triển khá tốt, với mức lợi nhuận của toàn ngành là tăng khoảng 33%.

Cùng với đó, năm qua TTCK tiếp tục chứng minh được sự thành công trong công tác huy động vốn cho cả ngân sách nhà nước lẫn cho doanh nghiệp. Về ngân sách nhà nước, thông qua đấu thầu trái phiếu chính phủ, Nhà nước đã huy động 318.000 tỷ đồng, với mức lãi suất bình quân thấp nhất từ trước đến nay (2,9%/năm) và kỳ hạn huy động bình quân dài nhất từ trước đến nay (gần 14 năm). Đối với các doanh nghiệp, các công ty đại chúng, doanh nghiệp niêm yết trên thị trường nói chung cũng rất thành công, khi huy động vốn tăng 2,3 lần so với năm 2020.

Bên cạnh đó, có thể nói, 2021 còn là năm đánh dấu sự chuyển mình trên TTCK, khi Sở GDCK Việt Nam (VNX) đã đi vào hoạt động, bắt đầu tiến trình cơ cấu lại hoạt động theo hướng chuyên nghiệp.

Với thành công đó, TTCK Việt Nam đã được ghi nhận là một trong những thị trường thành công nhất trên thế giới trong năm 2021.

PV: Vậy, theo ông, đâu là những yếu tố tạo nên dấu ấn thành công của TTCK Việt Nam trong năm qua?

Ông Trần Văn Dũng: TTCK Việt Nam có được thành công như trong năm vừa qua là nhờ rất nhiều yếu tố.

Trước hết là các yếu tố nền tảng, các nhà đầu tư đã nhìn thấy tiềm năng phát triển của nền kinh tế Việt Nam nhờ vào sự chỉ đạo rất quyết liệt của Đảng, của Chính phủ trong việc thực hiện mục tiêu kép: “vừa thích ứng, linh hoạt trong chống dịch, vừa củng cố và thúc đẩy sản xuất kinh doanh của nền kinh tế”. Theo đó, nền kinh tế của chúng ta cuối năm đã đạt mức tăng trưởng 2,58% - là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng tốt nhất thế giới.

Cùng với đó, một nguyên nhân rất quan trọng là sự chỉ đạo một cách rất quyết liệt của Chính phủ và Bộ Tài chính đối với hoạt động của TTCK, đặc biệt là quan điểm chỉ đạo nhất quán “điều hành thị trường an toàn, hiệu quả trong mọi hoàn cảnh và tôn trọng quy luật cung – cầu của thị trường”. Đây là một điểm nhấn rất quan trọng trong chính sách của Bộ Tài chính.

Hơn thế nữa, Bộ Tài chính đã ban hành rất sớm và giữ các chính sách khuyến khích cho TTCK phát triển, đặc biệt là các chính sách giảm phí giao dịch.

TTCK trong năm qua cũng có nhiều biến động, nhưng Lãnh đạo Bộ Tài chính luôn có sự chỉ đạo rất kịp thời, quyết liệt, điển hình như trong việc chống nghẽn lệnh, hay khi xuất hiện tình huống phức tạp xảy ra… Khi xảy ra sự cố nghẽn lệnh, Bộ Tài chính đã chỉ đạo rất kịp thời, giúp UBCKNN xử lý tình huống khá thành công, từ đó giúp thị trường hoạt động thông suốt, an toàn, hiệu quả.

Chúng tôi còn thấy một nguyên nhân nữa, đó là hiệu lực của Luật Chứng khoán mới (hiệu lực từ 1/1/2021) đã bắt đầu đi vào cuộc sống – đây là nền tảng để cho Bộ Tài chính, UBCKNN xử lý các vấn đề trên TTCK, đặc biệt là việc thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm được nghiêm minh hơn và chuẩn mực hơn.

Một nguyên nhân rất quan trọng khác, đó là sự nỗ lực của các thành viên của thị trường. Phải nói là năm 2021, các công ty chứng khoán tận dụng tốt bối cảnh của TTCK phát triển để tăng vốn, mở rộng kinh doanh, dịch vụ và đặc biệt là đã phối hợp với UBCKNN và các sở giao dịch chứng khoán để tinh chỉnh, phát triển hệ thống giao dịch của mình một cách an toàn, hiệu quả, bảo đảm môi trường mới, đáp ứng nhu cầu giao dịch của nhà đầu tư.

Và chúng ta cũng thấy, các nhà đầu tư trong năm 2021 đã tham gia thị trường một cách rất tích cực, chủ động. Không chỉ tăng trưởng về số lượng với hơn 1,53 triệu tài khoản mở mới, mà chúng tôi còn thấy chất lượng các tài khoản mở mới là tốt hơn. Mặt bằng trình độ các nhà đầu tư tham gia cao hơn, hiểu biết nhiều hơn về TTCK. Chúng tôi đánh giá rất cao yếu tố này và cũng tin tưởng rằng trong thời gian tới, sự tham gia của các nhà đầu tư sẽ tiếp tục tăng cả “chất và lượng”.

Đặt trọng tâm nhiều hơn vào chất lượng, phát triển bền vững

PV: Thưa ông, nền tảng năm 2021 là một bệ đỡ rất vững chắc để TTCK có thể tự tin hơn tiến vào năm 2022. Đâu là giải pháp trọng tâm mà cơ quan quản lý hướng tới để đảm bảo cho thị trường vừa phát triển mạnh, tăng chiều sâu trong năm mới?

Ông Trần Văn Dũng: Có thể nói rằng thị trường 2021 đã rất thành công, song năm 2022 và những năm tiếp theo chúng ta sẽ tập trung phát triển TTCK theo hướng bền vững và khẳng định là một kênh huy động vốn trung và dài hạn chủ yếu của nền kinh tế như Nghị quyết của Đảng đã nêu. Để đạt được điều đó, trong năm 2022, Bộ Tài chính, UBCKNN sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó sẽ tập trung nhiều giải pháp quan trọng.

Trước hết, về quan điểm là sẽ phát triển TTCK hướng tới mục tiêu dài hạn và bền vững, vừa phát triển về mặt quy mô nhưng phải đặt trọng tâm nhiều hơn vào chất lượng và sự bền vững. Tinh thần dài hạn, bền vững và minh bạch cũng đã được thể hiện trong dự thảo Chiến lược phát triển TTCK giai đoạn 2021 – 2030.

Về năm 2022, chúng ta sẽ triển khai các giải pháp nhằm ổn định hoạt động của Sở GDCK Việt Nam và bắt đầu tiến trình cơ cấu lại các thị trường cổ phiếu, trái phiếu và phái sinh theo hướng chuyên nghiệp hóa, theo đúng lộ trình đã được Chính phủ phê duyệt và đã được thể hiện trong thông tư của Bộ Tài chính.

Một điểm nữa trong năm 2022 mà Bộ Tài chính, UBCKNN quyết tâm thực hiện là phải hình thành xây dựng và khai trương cho được thị trường trái phiếu giao dịch riêng lẻ. Như chúng ta đã biết, đây là một thị trường rất tiềm năng, nhưng cũng có rất nhiều vấn đề cần giải quyết để giảm thiểu các rủi ro cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia và nhằm mục tiêu phát triển đồng bộ các thị trường tài chính ở Việt Nam.

Cũng trong năm 2022, công tác thanh tra, giám sát, xử lý vi phạm trên TTCK cần phải được đẩy mạnh hơn nữa. Đây là yếu tố rất là quan trọng để bảo đảm cho thị trường được hoạt động công khai, minh bạch, công bằng, có kỷ cương, kỷ luật, từ đó giữ và củng cố được lòng tin của nhà đầu tư đối với thị trường.

Trong thời gian tới, TTCK vẫn sẽ tiếp tục đối mặt với những diễn biến khó lường, tuy nhiên cũng có nhiều tín hiệu khả quan. Chính phủ đã và đang đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 để kiểm soát dịch bệnh, cũng như kịp thời chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch phù hợp với tình hình mới, từ “Zero Covid” sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19, vừa phòng, chống dịch, vừa khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội đã thúc đẩy triển vọng phục hồi tích cực của nền kinh tế Việt Nam.

Mặt khác, chương trình phục hồi kinh tế của Chính phủ trình Quốc hội vào phiên họp bổ sung cuối năm 2021, thời gian áp dụng tập trung trong hai năm 2022 - 2023 với 5 nhóm giải pháp chủ yếu sẽ giúp doanh nghiệp sớm phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng, phát triển.

Cùng với đó, năm 2022, mặt bằng lãi suất thấp tiếp tục được duy trì; vì vậy, dòng tiền có khả năng vẫn tiếp tục được thu hút vào TTCK. Dư địa phát triển của TTCK vẫn còn rất lớn khi Chính phủ đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tác động của các gói kích thích kinh tế và xu hướng mở mới tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư vẫn tiếp tục tăng mạnh trong năm 2022.

Dù có nhiều tín hiệu khả quan cho TTCK trong năm 2022, tuy nhiên năm nay tiếp tục là một năm khó khăn, chúng ta vẫn đứng trước nguy cơ, thách thức của đại dịch Covid-19 dẫn tới lạm phát tăng cao, nền kinh tế thế giới đang còn khó khăn, với những thay đổi, biến đổi liên tục thất thường của các hoạt động kinh tế. Nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đang đưa ra tín hiệu về áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ nhằm đối phó với rủi ro lạm phát. Các chính sách này nếu được thực thi sớm trên thế giới sẽ tạo thêm áp lực cho TTCK.

PV: Xin cảm ơn ông!

Duy Thái

TBTCVN

Các tin tức khác

>   Góc nhìn tuần giao dịch đầu tiên năm Nhâm Dần: Tích lũy? (06/02/2022)

>   Năm Nhâm Dần, dự báo chứng khoán có còn 'dễ ăn'? (05/02/2022)

>   F0 covid và F0 chứng khoán (05/02/2022)

>   EVS chỉ ra các yếu tố hỗ trợ kinh tế Việt Nam tăng 6.8% năm 2022 (31/01/2022)

>   Trên thị trường tài chính, nhà đầu tư nhỏ lẻ nên được bảo vệ ra sao? (28/01/2022)

>   Năm Dần, cẩn trọng với những cổ phiếu “nóng’’ trên lưng Cọp (28/01/2022)

>   Góc nhìn 28/01: Thận trọng là cần thiết? (27/01/2022)

>   Phải chăng nhà đầu tư trẻ đang kỳ vọng quá cao vào thị trường chứng khoán? (27/01/2022)

>   Chứng khoán có thể giảm 30 - 40% khi thị trường được nâng hạng (26/01/2022)

>   Góc nhìn 27/01: Giải ngân với khối lượng nhỏ để "ném đá dò đường"? (26/01/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật