Tính đến ngày 19/1/2022, chỉ số HNX-Index đã giảm 21% kể từ đỉnh của ngày 7/1/2022. Theo thông lệ của các thị trường chứng khoán thế giới, mức giảm này đã được coi là thị trường điều chỉnh (correction).
Mặc dù các cổ phiếu của sàn HNX chỉ chiếm một tỷ trọng nhỏ trong tổng mức vốn hóa của thị trường, nhưng cùng với nhiều cổ phiếu penny khác trên sàn HOSE đã làm mưa làm gió kể từ giữa năm 2020 thì nếu giảm nóng, sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của thị trường, đặc biệt là nhà đầu tư mới.
Tăng một cách phi lý
Trong bối cảnh dịch Covid-19 mà VN-Index đã tăng như năm 2020 và 2021 là một điều bất ngờ lớn. Nhưng khi nhìn lại và so với HNX-Index thì VN-Index trở nên thật mờ nhạt. Tính từ thời diểm cuối tháng 3/2020, HNX-Index đã tăng gần 500% vào đầu năm 2022, cụ thể là đỉnh ở ngày 7/1.
Với một nhà đầu tư lý trí, giá hợp lý của cổ phiếu hiện là giá của các dòng tiền trong tương lai, mà quan trọng nhất là đến lợi nhuận. Như vậy thì trong một thời gian ngắn, kinh tế quốc tế và trong nước còn nhiều bất định thì lợi nhuận như thế nào mới đủ làm cho giá cổ phiếu tăng 400, 500%? Một doanh nghiệp với tốc độ tăng trưởng 40%/năm thì cũng cần gần 5 năm để đạt được 500%.
Trong giai đoạn vừa qua, cũng đã có một số cổ phiếu bị bơm xả, như nhiều nhà đầu tư gọi là cây thông Noel, nhưng cho đến nay nhiều cổ phiếu penny trong VN-Index và đặc biệt là HNX-Index vẫn đang ở mức giá quá cao, dù đã điều chỉnh trong mấy ngày gần đây.
HNX-Index đã giảm qua mốc 20%, nhưng dù có tiếp tục xu hướng giảm thì cũng không thể coi là rơi vào thị trường con gấu (bear) bởi vì tâm lý và chỉ số quan trọng hơn của thị trường chứng khoán Việt Nam là VN-Index, mà 2 điều này thì không bị rơi vào bi quan, thêm vào đó là kinh tế vẫn giữ đà tăng trưởng.
Như vậy, HNX-Index và những cổ phiếu penny đã được đẩy lên quá cao có hai khả năng xảy ra.
Thứ nhất là các nhà đầu tư lớn sẽ xả hàng và xả mạnh, khi đó nhiều cổ phiếu sẽ bị chia 2 hoặc thậm chí chia 4, giảm 50-70% so với giá đỉnh. Người bị thiệt hại nhiều nhất là những người vào sau, khi mua ở những mức giá cao, hoặc mua trung bình giá cao. Ví dụ như giá cổ phiếu từ 10 ngàn đồng/cp, bỏ ra số vốn 10 triệu đồng, đến khi giá cổ phiếu lên 30-40 ngàn đồng/cp thì tham lam và bỏ cả trăm triệu đồng vào ở mức giá này và hy vọng nó sẽ tăng tiếp.
Khả năng thứ hai là các nhà đầu tư lớn sẽ xả từ từ và giữ nhịp để thị trường không bị hoảng loạn, khi đó những nhà đầu tư có kinh nghiệm hơn sẽ thoát từ từ, và nhiều nhà đầu tư không biết sẽ trở thành cổ đông dài hạn. Có điều phương án này khó xảy ra hơn vì sàn HNX vẫn được coi là sàn “hạng hai”, và không là đại diện cho thị trường chứng khoán Việt Nam.
Dòng tiền chảy về đâu?
Những cổ phiếu có vốn hóa lớn, tính thanh khoản cao, thời gian qua chưa tăng nóng hay còn gọi là nhóm cổ phiếu giá trị được dự đoán là sẽ thu hút dòng tiền từ các mã cổ phiếu đã tăng nóng thời gian qua. Trong số này, sẽ có một số doanh nghiệp được hưởng lợi từ nền kinh tế mở cửa phục hồi trở lại, liên quan đến FDI, xuất nhập khẩu, tiêu dùng bán lẻ, và dĩ nhiên là ngân hàng.
Với những nhà đầu tư lớn, việc quản trị rủi ro danh mục là rất quan trọng đối với họ, với tầm nhìn trong dài hạn, ngay cả tỷ suất sinh lợi 30-40%/năm ở một thị trường như Việt Nam là một điều gì đó rất thành công rồi. Cho nên những cổ phiếu nào có mức tăng trưởng nóng đến một ngưỡng nào đó thì tự động họ phải điều chỉnh lại danh mục. Khi đó sẽ luôn có một lượng bán nhất định. Chỉ nguy hiểm là khi nhiều nhà đầu tư lớn cùng bán chốt lời thì áp lực bán sẽ càng tăng.
Đối với các nhà đầu tư cá nhân, nếu không may chọn phải cổ phiếu ở mức giá đã quá cao và bắt đầu vào giai đoạn điều chỉnh thì hãy can đảm cắt lỗ và chuyển hướng sang những cổ phiếu giá trị, còn nếu không phải chấp nhận chôn vốn và trở thành cổ đông lâu dài, hy vọng ở một điều gì đó bất ngờ đột phá trong tương lai từ doanh nghiệp.
Việc điều chỉnh dòng tiền từ các cổ phiếu penny, từ sàn HNX sang các cổ phiếu giá trị sẽ là điều tích cực cho thị trường nói chung, vì nếu cứ tiếp tục bơm căng thì sẽ nổ bất ngờ, thay vì xả từ từ. Ngay cả HNX tiếp tục điều chỉnh mạnh thì cũng là một bài học cho những nhà đầu tư mới chạy theo giá cổ phiếu mà không theo giá trị nội tại của doanh nghiệp, muốn lướt sóng cổ phiếu thay vì lựa chọn doanh nghiệp để đầu tư dài hạn.
Phần lớn nhà đầu tư và công chúng mong muốn một thị trường phát triển, lớn lên nhưng là trong tình trạng khỏe mạnh chứ không cưỡng ép, lớn nhanh chín nhanh và nội tại bên trong không có gì. Để làm được vậy, thì vai trò là rất lớn ở các cơ quan quản lý, các tổ chức và cá nhận độc lập có những phân tích nhận định, nâng cao hiểu biết của nhà đầu tư.
TS. Võ Đình Trí