VinaCapital: Nhà đầu tư nhỏ lẻ ngày càng thông minh đáng kinh ngạc
Trong báo cáo “Hướng về tương lai năm 2022” vừa mới công bố, VinaCapital đánh giá năm 2022 sẽ là một năm thuận lợi nữa cho thị trường chứng khoán Việt Nam.
VinaCapital đánh giá, thị trường chứng khoán của Việt Nam tăng 37.3% (tính theo USD) trong năm 2021, chủ yếu nhờ vào mức tăng trưởng lợi nhuận dự kiến trên 30%.
VinaCapital kỳ vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tăng khoảng 24% trong năm 2022, theo đó thúc đẩy thị trường chứng khoán đạt được nhiều mốc cao hơn.
Thêm vào đó, nhà đầu tư nhỏ lẻ ở Việt Nam cũng ngày càng thông minh hơn một cách đáng kinh ngạc khi họ bắt đầu tập trung vào các yếu tố tăng trưởng kinh tế, môi trường vĩ mô thế giới (bao gồm cả việc Fed cắt giảm chương trình nới lỏng định lượng,...), và các tiến triển mới của các ngành cụ thể.
Nhóm nhà đầu tư nhỏ lẻ hiện đang chiến khoảng 90% khối lượng giao dịch hằng ngày trên thị trường chứng khoán Việt Nam, do đó các nhà đầu tư chủ động với phương pháp đầu tư đúng đắn, dự đoán được dịch chuyển giữa các ngành và có thể ước đoán chính xác tăng trưởng lợi nhuận của các công ty đơn lẻ sẽ có vị thế thuận lợi để tăng vượt chỉ số VN-Index.
Chiến lược đầu tư hiện tại của VinaCapital vẫn tập trung vào việc xác định các cổ phiếu và lĩnh vực được hưởng lợi từ phục hồi kinh tế, bao gồm các cổ phiếu nhóm ngành tiêu dùng, tài chính, bất động sản, và nguyên vật liệu.
Theo đó, lợi nhuận của các ngân hàng có khả năng tăng khoảng 30% trong năm 2022, nhờ tăng trưởng tín dụng 14% và các ngân hàng của Việt Nam ít bị ảnh hưởng bởi COVID hơn vào năm 2022. Cụ thể, hai xu hướng đang diễn ra sẽ hỗ trợ lợi nhuận của các ngân hàng Việt Nam vào năm 2022, bao gồm: 1) cải thiện cơ cấu cho vay (tức là, nhiều khoản cho vay bán lẻ và doanh nghiệp vừa và nhỏ hơn), và 2) chi phí cấp vốn thấp hơn. Ngoài ra, các biện pháp xử lý nợ xấu của Chính phủ sẽ cho phép các ngân hàng bù đắp khoản lỗ cho vay do Covid trong ba năm qua, điều này sẽ hỗ trợ lợi nhuận của các ngân hàng trong năm nay.
VinaCapital dự báo tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng năm 2022 cao nhất là 25%. Nguyên nhân là Ngân hàng Nhà nước sẽ phân bổ hạn ngạch tín dụng khác nhau dựa trên chất lượng tài sản giữa các ngân hàng và tăng trưởng tín dụng dự kiến đạt từ 11 - 12% đến hơn 20% trong năm nay.
Ngoài ra, nhiều yếu tố như giao dịch bancassurance với các công ty bảo hiểm nước ngoài (thường đòi hỏi các khoản trả trước) và câu chuyện xoay quanh việc M&A/tái cấu trúc cũng có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận và giá cổ phiếu.
Đối với cổ phiếu nhóm ngành bất động sản, VinaCapial duy trì đánh giá tích cực khi đặt kỳ vọng lợi nhuận của các công ty bất động sản sẽ tăng gần 25% vào năm 2022, do doanh số bán/bán trước căn hộ mới tăng gần gấp đôi sau khi giảm hơn 50% trong năm 2021 do Covid cũng như các vấn đề pháp lý/quy định hiện đang được giải quyết.
Ngoài ra, dòng vốn đầu tư vào bất động sản sẽ tiếp tục tăng một phần nhờ lãi suất huy động thấp, điều này sẽ thúc đẩy giá bất động sản tiếp tục tăng trong năm 2022.
Với ngành bán lẻ, VinaCapital dự báo chi tiêu của người tiêu dùng Việt Nam sẽ tăng mạnh trở lại vào năm 2022, trong đó tập trung vào các sản phẩm dịch vụ cho sức khoẻ.
Fed tăng lãi suất cũng không áp lực lên Việt Nam?
Hầu hết nhà đầu tư và giới phân tích kỳ vọng Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất 3 lần trong năm 2022, gây ra tổn hại đối với giá cổ phiếu ở các thị trường chứng khoán mới nổi và cận biên, bao gồm có Việt Nam.
Tuy nhiên, Vinacapital không tin rằng Fed sẽ tuân thủ đúng theo những kế hoạch dự kiến về tăng lãi suất 3 lần mà họ thông cáo, và quan trọng hơn, Việt Nam đang ở vị thế đủ thuận lợi để giữ bình tĩnh trước những đợt tăng lãi suất quyết liệt từ Fed trong năm nay.
Bên cạnh đó, Ngân hàng dự trữ Liên bang Dallas vừa xuất bản nghiên cứu về sự kiện “taper tantrum” năm 2013, trong đó kết luận rằng các thị trường mới nổi và cận biên trước đó chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi đợt “cắt giảm chương trình nới lỏng định lượng” của Fed, thường là các quốc giá có lượng dự trữ đồng USD khiêm tốn và/ hoặc có quá nhiều nợ được định danh bằng đồng USD.Theo IMF, so sánh tác động của sự kiện “taper tantrum” lên tỷ giá hối đoái của những nền kinh tế mới nổi, giữa các quốc gia không có đủ dự trữ ngoại hối so với các quốc gia có đủ dự trữ. Tỷ giá hối đoái của các quốc gia dự trữ không đủ ngoại hối đã bị mất giá hơn 10% trong sự kiện “taper tantrum”, dẫn đến sự điều chỉnh trên thị trường chứng khoán của các quốc gia này; còn những quốc gia có đủ dự trữ ngoại hối đã đứng dậy sau sự kiện “taper tantrum” và tương đối không có tổn thương.
Khang Di
FILI
|