Thứ Ba, 18/01/2022 19:01

Bài cập nhật

Góc nhìn 19/01: Giảm điểm trong ngắn hạn?

TVSI đánh giá rằng VN-Index đã tạm thời mất đà tăng trong trung hạn. Trong ngắn hạn, VN-Index đã bước vào xu hướng giảm điểm.

Nhà đầu tư nên ưu tiên chiến lược hạ margin tại các nhịp hồi

 

CTCK Yuanta Việt Nam: Thị trường tiếp tục đà giảm trong phiên nhưng thu hẹp mức giảm về cuối phiên. Chỉ số VN-Index đóng cửa giảm 1.06% dừng tại 1437.41 điểm trong khi HNX-Index giảm 5.67%, Upcom-Index giảm 1.84%. Giá trị giao dịch khớp lệnh sụt giảm so với phiên liền trước khi đạt 24,629 tỷ đồng trên cả 3 sàn.

Điểm tích cực phiên 18/1 là nhóm vốn hoá có sự phân hoá tích cực với 19 mã tăng và 11 mã giảm. GAS (+2.3%) nhờ giá Dầu tiếp tục tăng cùng với BID (+2.9%), STB (+4%), STB (+2%), HDB (+1.9%), VJC (+3.3%) tăng mạnh hơn thị trường. Ngược lại, POW (-6.7%), BVH (-2.1%), SSI (-6.6%), TPB (-3.2%), VHM (-2.7%) ghi nhận mức điều chỉnh mạnh trong phiên 18/1.

Về nhóm ngành, nhóm cổ phiếu Nước và Khí đốt, Du lịch và giải trí là 2 nhóm ngành tăng giá trong phiên 18/1 trong khi ngược lại nhóm Dịch vụ Tài chính tiếp tục 1 phiên giảm mạnh.

Khối ngoại mua ròng hơn 598 tỷ đồng. STB (130 tỷ), SSI (45 tỷ), VNM (44 tỷ) dẫn đầu ở chiều mua ròng. Ở chiều ngược lại, họ bán ròng chủ yếu tại SGB (309 tỷ), CTG (71 tỷ), HPG (56 tỷ).

Yuanta cho rằng thị trường có thể sẽ hồi phục trong phiên giao dịch kế tiếp và chỉ số VN-Index có thể sẽ biến động quanh ngưỡng 1,450 điểm. Đồng thời, chỉ báo tâm lý giảm mạnh vào vùng bi quan quá mức cho thấy rủi ro ngắn hạn có chiều hướng giảm dần và thị trường có thể sẽ xuất hiện các nhịp hồi phục trong ngắn hạn. Điểm tích cực Yuanta nhận thấy là dòng tiền có xu hướng dịch chuyển vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.

Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức GIẢM. Do đó, Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn nên hạn chế bán ra ở giai đoạn này và ưu tiên chiến lược hạ margin tại các nhịp hồi. Đồng thời, các nhà đầu tư ngắn hạn chưa nên bắt đáy hoặc mua mới ở giai đoạn này.

 

Thị trường sẽ tiếp tục thu hẹp đà giảm và phục hồi trong các phiên cuối tuần?

 

CTCK MB (MBS): Thị trường đã giảm sang phiên thứ 4 liên tiếp, chuỗi giảm tương đương đầu năm 2021. Chỉ số VN-Index đã giảm hơn 110 điểm, tương đương giảm 7.28% kể từ mức đỉnh. Tín hiệu tích cực lúc này là đà giảm đã chững lại nhờ nhóm cổ phiếu bluechips, đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngân hàng, dầu khí,…như VCB, BID, GAS,… Thông thường sau nhịp giảm sâu thì điều cần chú ý là đà giảm chậm lại, thanh khoản thấp dần do áp lực bán giảm, thị trường cần có sự phân hóa và xuất hiện nhóm cổ phiếu dẫn dắt, ở thời điểm hiện tại, nhóm cổ phiếu ngân hàng, dầu khí, phân bón,… đang có nhiều tín hiệu khả quan, có thể thay nhau kiềm chế áp lực giảm từ thị trường. Về kỹ thuật, chỉ số VN-Index đã có phiên retest thành công ngưỡng MA100 lần thứ 5. MBS cho rằng, thị trường sẽ tiếp tục thu hẹp đà giảm và phục hồi trong các phiên cuối tuần.

 

Hạ bớt tỷ trọng đối với nhóm cổ phiếu đầu cơ trong những nhịp hồi

 

CTCK Agribank (Agriseco): Dưới góc nhìn kỹ thuật, chỉ số đã hình thành cây nến Doji ngay sau khi chạm đường hỗ trợ trung hạn MA100, thể hiện trạng thái cung - cầu thị trường đang dần tìm lại điểm cân bằng. Các chỉ báo động lượng MACD, RSI ngắn hạn cũng đang tiến về ngưỡng quá bán, vì vậy Agriseco Research kỳ vọng thị trường sẽ xuất hiện các nhịp hồi phục trong những phiên tới. Trước mắt, Agriseco duy trì quan điểm nhà đầu tư nên tận dụng những nhịp hồi phục để hạ bớt tỷ trọng đối với nhóm cổ phiếu đầu cơ và chưa nên bắt đáy nhóm này khi chưa có tín hiệu rõ ràng từ thị trường. Ngược lại, nhiều cổ phiếu Blue-chip đầu ngành đã điều chỉnh về mặt bằng giá hấp dẫn, nhà đầu tư có thể gia tăng tỷ trọng để đón sóng KQKD Quý 4 và cả năm 2021.

 

VN-Index có thể sẽ bước sang giai đoạn giằng co?

 

CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS): Thị trường giảm phiên thứ tư liên tiếp nhưng điểm tích cực có thể thấy là khối ngoại quay trở lại mua ròng với khoảng 900 tỷ đồng trên hai sàn. Thanh khoản tiếp tục suy giảm so với phiên trước đó và thấp hơn mức trung bình 20 phiên trong phiên thứ ba liên tiếp cho thấy áp lực bán đang dần cạn kiệt. Thị trường giảm phiên 18/1 một phần do lực cầu đang khá yếu ở thời điểm sắp đến kỳ nghỉ Tết. Với phiên giảm này thì VN-Index đã rơi về vùng hỗ trợ trong khoảng 1,400-1,450 điểm (tương ứng với vùng đáy của thị trường trong tháng 12/2021). Kết hợp với nền tảng thanh khoản thấp như hiện tại thì khả năng thị trường tiếp tục giảm mạnh trong thời gian tới là thấp. VN-Index có thể sẽ bước sang giai đoạn giằng co với biên độ trong khoảng 1,400-1,450 điểm và nếu bứt phá lên trên ngưỡng 1,450 điểm thì có thể kỳ vọng vào một nhịp hồi phục. Nhà đầu tư đã tham gia bắt đáy trong phiên 12/1 và đã gia tăng tỷ trọng cổ phiếu trong phiên 18/1 có thể tiếp tục canh những nhịp điều chỉnh về ngưỡng hỗ trợ tâm lý 1,400 điểm (nếu có) trong phiên tiếp theo để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu nhằm hướng đến sóng tăng của thị trường có thể diễn ra sau kỳ nghỉ Tết. Theo thống kê, điều này đã diễn ra 5/6 lần trong giai đoạn 2016-2021 (ngoại trừ năm 2020 thị trường giảm do Covid-19).

 

Có thể xuất hiện nhịp hồi kỹ thuật

CTCK Đông Á (DAS): Thị trường vẫn tiếp tục giảm điểm nhưng lực bán mạnh chủ yếu ở các mã cổ phiếu đầu cơ, trong khi đó nhóm cổ phiếu VN30 và cổ phiếu ngân hàng đã có sự giao dịch cân bằng, khối lượng giao dịch thấp do nhà đầu tư giảm bán khi giá đã chiết khấu sâu.

Trong các phiên tới, VN-Index có thể xuất hiện nhịp hồi kỹ thuật sau khi bị giảm nhanh về vùng 1,420 điểm, nhưng nhà đầu tư nên thận trọng tránh bắt đáy cổ phiếu đầu cơ vì những lý do dòng tiền thu hẹp mùa cuối năm. Với nhà đầu tư đang xây dựng danh mục đầu tư dài hạn có thể xem xét mua chọn lọc các cổ phiếu cơ bản, có định giá hấp dẫn đã bị chiết khấu  nhiều theo thị trường.

Nhà đầu tư ngắn hạn hạn chế sử dụng margin, có thể giao dịch T+ tận dụng nhịp hồi kỹ thuật. Nhà đầu tư theo chiến lược đầu tư trung dài hạn có thể giải ngân từng phần vào các cổ phiếu cơ bản đang có chỉ số định giá hấp dẫn, giá cổ phiếu bất ngờ chiết khấu cao do ảnh hưởng thị trường chung, quan tâm nhóm VN30 và các cổ phiếu ngân hàng.

Kiểm tra lại đường MA100

CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC): VN-Index tiếp tục một ngày mới tràn đầy hứng khởi với phiên ATO giảm điểm từ dư âm áp lực bán của phiên hôm qua (17/01) và diễn biến trượt chân xuống vực sâu tiếp tục được lặp lại. Chỉ số chỉ đơn giản là rơi xuống tiệm cận vùng MA100 và có những nhịp hồi yếu ớt trong phiên cùng với thanh khoản cả ngày giao dịch hôm nay giảm mạnh so với hôm qua. Hôm nay (18/01) bên cạnh anh cả Ngân hàng, người anh em Dầu khí cũng đã đóng góp vào lực đỡ của thị trường khi Dầu khí là 1 trong 4/19 ngành tăng điểm với mức tăng hơn 1%.

Điểm sáng tiếp tục là việc mua ròng tại cả 2 sàn HOSEHNX của khối ngoại. Với diễn biến khó lường của phiên hôm 18/01 và phiên đáo hạn phái sinh HĐTL VN30 tháng 1 diễn ra trong ngày 20/01, VN-Index sẽ có phiên kiểm tra lại đường MA100, tương đương với vùng 1,420 và tạo đáy ngắn hạn ở đây trước khi có những phiên tích luỹ để quay trở lại xu hướng tăng trung hạn được thiết lập trong suốt thời gian qua.

VN-Index bước vào xu hướng giảm điểm

CTCK Tân Việt (TVSI): Theo khung đồ thị tuần, đà tăng trung hạn của thị trường đã bị ảnh hưởng và mất đi, tuy nhiên đà tăng dài hạn vẫn đang được đảm bảo. Nếu tính theo điểm bắt đầu tạo lại kênh tăng giá vào cuối tháng 9 đến vùng đỉnh hiện tại thì các mốc hỗ trợ mạnh kế tiếp sẽ là vùng 1,400 – 1,426 điểm tương ứng mức thoái lui fibo 50 và 61.8. Các chỉ báo động lượng tiếp tục cho tín hiệu suy yếu, cho thấy thị trường cần thiết lập một vùng cân bằng mới và đã có tín hiệu hình thành trong phiên hôm 18/01. VN-Index đã tạm thời không còn xu hướng tăng trung hạn và nếu đóng tuần thấp hơn mốc 1,450 điểm thì xu hướng tăng trung hạn chính thức kết thúc.

TVSI đánh giá rằng VN-Index đã tạm thời mất đà tăng trong trung hạn. Trong ngắn hạn, VN-Index đã bước vào xu hướng giảm điểm.

Rung lắc ở vùng giá cao

CTCK Asean (Aseansc): Mặc dù xu hướng ngắn hạn của thị trường vẫn khá tiêu cực, tuy nhiên đà giảm có phần chững lại trong phiên giao dịch ngày hôm 18/01, nhờ lực đỡ đến từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là ngân hàng và dầu khí.

Aseansc cho rằng sự phân hóa này khả năng sẽ tiếp tục diễn ra trong phiên tới (19/01), khi mà dòng tiền đang tập trung vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, và chưa có dấu hiệu quay lại nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ.

Dự báo trong phiên giao dịch tới (19/01), vùng hỗ trợ gần 1,420-1,430 điểm có thể giúp chỉ số VN-Index hồi phục trở lại trong phiên sáng để kiểm tra vùng kháng cự gần 1,440-1,450 điểm, và xa hơn là vùng kháng cự 1,460-1,470 điểm. Sự rung lắc có thể diễn ra ở vùng giá cao, khiến VN-Index có thể sẽ thu hẹp đà tăng về phía cuối ngày.

Hàn Đông

FILI

Các tin tức khác

>   MSN: Nhiều tổ chức tài chính quốc tế khuyến nghị mua, giá mục tiêu lên đến 200,000 đồng/cp (18/01/2022)

>   "Nắn" dòng vốn vào thị trường chứng khoán: Trở về đầu tư giá trị (18/01/2022)

>   Góc nhìn 18/01: Test lại vùng 1,410 điểm? (17/01/2022)

>   Giải mã nguyên nhân gần 800 cổ phiếu giảm điểm  (17/01/2022)

>   Có nên mua TNG, GMH, CKG? (17/01/2022)

>   Góc nhìn tuần 17-21/01: Đi ngang, tích lũy? (16/01/2022)

>   EVS: Ngân hàng, BĐS khu công nghiệp và bán lẻ là những nhóm tiêu điểm năm 2022 (15/01/2022)

>   Phó TGĐ Nguyễn Hoàng Nam (PwC Việt Nam): ESG cần được đặt ở vị trí hàng đầu (04/02/2022)

>   Năm 2022, nhà đầu tư phải cật lực “đãi cát tìm vàng” (18/01/2022)

>   Chuyên gia Phú Hưng: Có thể chứng kiến thị trường chứng khoán điều chỉnh 10% trong năm 2022 (15/01/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật