Có nên mua TNG, GMH, CKG?
Các công ty chứng khoán (CTCK) khuyến nghị tăng giá mục tiêu đối với TNG do hưởng lợi từ thị trường xuất khẩu cũng như Công ty đang hướng tới tự chủ nguồn nguyên liệu; mua GMH do còn nhiều dư địa tăng trưởng nhờ hưởng lợi từ đầu tư công; mua CKG do có tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn nhờ quỹ đất lớn giá rẻ.
TNG: Giá mục tiêu 42,700 đồng/cp
Theo CTCK Funan (PNS), CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (HNX: TNG) nằm trong top 10 doanh nghiệp tiêu biểu toàn diện của ngành May Việt Nam. Đang chiếm những lợi thế lớn trong toàn ngành, sở hữu các hợp đồng gia công quốc tế cho các nhãn hiệu nổi tiếng như Adidas, Nike, Zara, Decathlon,... hướng đến bán hàng trực tiếp cho các nhà bán lẻ hàng đầu thế giới nhằm gia tăng lợi nhuận.
Động lực tăng trưởng trong thời gian tới của TNG là việc kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng ở mức cao đã lấy lại được mức trước đại dịch, cùng với đó là nhu cầu tăng cao các sản phẩm dệt may của các thị trường như Mỹ, EU.
Bên cạnh nhu cầu, TNG còn được hưởng lợi từ ưu đãi thuế suất từ các hiệp định EVFTA, thuế suất ưu đãi đối với ngành dệt may sẽ được hưởng lợi trong dài hạn, hầu hết thuế suất hàng dệt may của EU dao động từ 3% đến 12%. Lộ trình cắt giảm thuế mà EU dành cho hàng dệt may Việt Nam tối đa là 7 năm.
Đối với nguồn nguyên vật liệu, TNG đặt mục tiêu tự chủ 80% nguồn cung bông khi mở nhà máy bông (hiện tại còn bị phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu từ các nước khác như Trung Quốc, Đài loan, Hồng Kông), tương ứng chỉ phải nhập khẩu khoảng 20% nguyên vật liệu đầu vào sau khi đưa nhà máy bông vào hoạt động.
Một lợi thế khác của TNG là trong khi đa phần các doanh nghiệp dệt may tại Việt Nam dù có thể có nhiều đơn đặt hàng khi hưởng lợi từ các hiệp định nhưng do ảnh hưởng bởi giá đầu vào từ phía nguồn cung nguyên vật liệu sẽ tạo sức ép lên biên lợi nhuận, TNG cố gắng giải quyết vấn đề này trong tương lai. Ngoài ra, khi các FTAs được thực thi chất lượng sản phẩm phải được đặt lên mức cao mới, TNG đồng bộ được dây chuyền sản xuất, đáp ứng được yêu cầu xuất xứ từ vải và sợi trở đi sẽ là lợi thế để tạo nên các đơn hàng FOB mới.
Bên cạnh đó, các nhà máy mới sẽ đóng góp thêm vào công suất của TNG, cụ thể là nhà máy Võ Nhai và Đồng Hỷ, nhà máy phụ trợ TNG sông Công, sẽ đóng góp thêm vào 34 chuyền may vào năng suất hoạt động.
Các nhà máy đang hoạt động của TNG
Nguồn: PNS
|
Mặt khác, ngoài mảng dệt may, mảng bất động sản khu công nghiệp của TNG cũng được hưởng lợi từ dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam, bên cạnh đó bất động sản dân dụng thì được hưởng lợi từ gói kích thích đầu tư công.
PNS ước tính doanh thu thuần của cả năm 2021 của TNG sẽ vào khoảng 5,450 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế sẽ vào khoảng 250 tỷ đồng. Đối với năm 2022, ước tính EPS của TNG là 2,966 đồng sau khi nhà máy Võ Nhai giai đoạn 2 đi vào hoạt động và lượng đơn hàng dồi dào vẫn tiếp diễn như trong năm 2021, tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của TNG vẫn được duy trì ở mức lần lượt là 23.4% và 27.7%.
Với triển vọng trong việc tự chủ nguồn nguyên liệu và thị trường xuất khẩu, PNS khuyến nghị TNG có thể đạt giá mục tiêu 42,700 đồng/cp.
Xem thêm tại đây
Mua GMH với giá mục tiêu 33,800 đồng/cp
Theo CTCK Stanley Brothers (SBSI), cuối tháng 7/2021, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Nghị quyết số 29/2021/QH15 về Kế hoạch Đầu tư công Trung hạn giai đoạn 2021 – 2025, trong đó nêu rõ mục tiêu giải ngân và tỷ trọng giải ngân cho từng ngành nghề, cơ quan đơn vị, và địa phương. Điểm đáng lưu ý ở đây là với cơ cấu nền kinh tế Việt Nam, tỷ trọng đầu tư công hiện đang chiếm khoảng 6-7% tổng GDP và được kỳ vọng sẽ là động lực tăng trưởng trung hạn cho Việt Nam sau khi vượt qua đại dịch Covid-19.
Đối với chủ trương giải ngân vốn đầu tư theo cấp tỉnh, các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng trong khu vực như GMH sẽ được hưởng lợi lớn nhờ lợi thế về giá thành sản xuất và chi phí vận chuyển.
Một trong những dự án nổi bật của tỉnh Quảng Trị sắp tới là xây dựng sân bay, dự án này đang được đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện báo cáo khả thi, kỳ vọng có thể khởi công xây dựng trong năm 2022, và dự kiến bắt đầu vận hành vào cuối năm 2024. Đây là cơ hội rất lớn cho để GMH có thể mở rộng và tối đa công suất nhà máy trong những năm tới cũng như là cơ sở để duy trì mức giá bán ổn định. Theo quy hoạch, sân bay sẽ là sân bay dân dụng dùng chung quân sự quy mô cấp 4C, diện tích 316 ha, và có công suất phục vụ mỗi năm đạt 1 triệu hành khách và 3,100 tấn hàng hoá.
Bên cạnh cơ hội từ các dự án tại địa phương, GMH còn được hưởng lợi từ việc giá các loại vật liệu xây dựng được duy trì ở mức cao và được dự báo sẽ tiếp tục duy trì đà tăng do Sức ép từ lạm phát, nhu cầu đầu tư các dự án đường cao tốc, và rào cản xây dựng nhà máy sản xuất gạch, xi măng mới tại tỉnh Quảng Trị.
Với việc nhu cầu sử dụng vật liệu các dự án xây dựng tại tỉnh Quảng Trị đều có lộ trình triển khai dài, lên đến 5–10 năm, tạo cơ sở cho GMH có thể duy trì mức doanh thu và lợi nhuận ấn tượng như trong năm 2021. Nếu nhu cầu trong dài hạn tiếp tục được duy trì bởi các chính sách đầu tư của tỉnh và trung ương, khả năng cao GMH sẽ đầu tư mới và tăng công suất thiết kế nhà máy để đáp ứng nhu cầu trong địa bàn hoạt động.
Cụ thể, GMH hiện đang sở hữu 5 nhà máy sản xuất, gồm 3 nhà máy Gạch nung (Tuynel) với tổng công suất thiết kế 70 triệu viên; 1 nhà máy Gạch không nung với công suất thiết kế 10 triệu viên/năm (gạch không nung) và 180,000 m2/năm (gạch lát nền); 1 nhà máy Xi măng với công suất thiết kế 160,000 tấn/năm (loại PCB 30 và PCB 40).
Dự kiến trong năm 2022, Công ty sẽ bắt đầu xây dựng một nhà máy sản xuất gạch nung công nghệ cao với công suất 50 triệu viên/năm, theo nâng tổng công suất gạch nung lên 120 triệu viên/năm.
Với triển vọng hưởng lợi từ đầu tư công cũng như giá nguyên vật liệu neo ở mức cao, SBSI khuyến nghị mua GMH với giá mục tiêu 33,800 đồng/cp.
Xem thêm tại đây
Mua CKG với giá mục tiêu 44,200 đồng/cp
Theo CTCK Đông Á (DAS), CTCP Tập đoàn Tư vấn Đầu tư và Xây dựng Kiên Giang (HOSE: CKG) đang sở hữu nhiều dự án có thể đảm bảo tăng trưởng trong dài hạn cho Công ty.
Dự án đầu tiên là Dự án khu đô thị lấn biển Tây Bắc, diện tích 99.8 ha, gồm 1,929 căn và 1,513 nền tái định cư, dự án đã gần như được bán toàn bộ, song song với đó CKG được phép chuyển đổi một phần đất tái định cư sang dự án nhà ở xã hội và quý 3/2021 CKG đã khởi công thêm dự án này, với 756 căn và dự kiến đem lại khoảng 1,000 tỷ đồng doanh thu, tổng thể đây là dự án ghi nhận doanh thu lớn giai đoạn 2022-2025.
Dự án thứ hai là Dự án khu dân cư phường An Bình, diện tích 22.6 ha, gồm 863 căn nhà + đất, ước tính đã bán được khoảng 80% dự án, ước tính ghi nhận một phần doanh thu khoảng 300 tỷ đồng từ quý 4/2021 đến hết 2022. Dự án thứ ba là Dự án Biệt thự Búng Gội, Phú Quốc diện tích 6.9 hecta với 98 căn biệt thự, khởi công từ cuối 2019, DAS ước tính dự án ghi nhận 2022-2024.
Dự án tiếp theo là Dự án Hoa viên nghĩa trang Vĩnh Hằng, diện tích 40.22 ha với 29,673 phần mộ, tỷ lệ bồi thường giải phóng mặt bằng đạt 100%, dự án đã bán được khoảng 1,000-1,100 phần mộ và phần lớn dự án còn lại DAS cho rằng sẽ được ghi nhận đến năm 2040.
Cuối cùng là Dự án khu dân cư Nam An Hòa, quy mô 14.5 ha gồm 288 căn và 297 nền tái định cư, ước tính đã bán được khoảng 250 căn/nền, dự báo rằng phần lớn doanh thu được ghi nhận 2022-2023. CKG còn khoảng 8-10 dự án gối đầu, diện tích có thể lên đến 100 ha.
Đối với năm 2021, DAS dự phóng doanh thu của CKG có thể đạt 913 tỷ đồng (giảm 18% so với kết quả năm 2020) và lợi nhuận ròng đạt 135 tỷ đồng (tăng 1%). Ước tính 2022, Công ty có thể ghi nhận doanh thu 1,260 tỷ đồng (tăng 38%) và lợi nhuận ròng đạt 131 tỷ đồng (giảm 2.7%), chủ yếu do CTCK thận trọng với việc chi phí tăng trong năm 2022 cũng như tăng phần lợi ích cổ đông thiểu số.
Dự phóng kết quả kinh doanh của CKG
|
Với tiềm năng trong dài hạn và những dự báo về kết quả kinh doanh trong tương lai gần, DAS khuyến nghị mua CKG với giá mục tiêu 44,200 đồng/cp.
Xem thêm tại đây
---
Khuyến nghị mua bán cổ phiếu của các công ty chứng khoán được trích dẫn lại có giá trị như một nguồn thông tin để nhà đầu tư tham khảo cho các quyết định đầu tư. Các khuyến nghị này có thể có những xung đột lợi ích với nhà đầu tư.
Thượng Ngọc
FILI
|