Thứ Sáu, 28/01/2022 13:00

Trên thị trường tài chính, nhà đầu tư nhỏ lẻ nên được bảo vệ ra sao?

Các dịch vụ tài chính như ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, và các hình thức đầu tư khác có giá trị giao dịch rất lớn nên ở nhiều quốc gia, hệ thống pháp lý để bảo vệ người tiêu dùng các dịch vụ này ngày càng hoàn thiện và chặt chẽ.

Mới đây, Bộ Công Thương lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), nhưng dịch vụ tài chính vẫn không có vị trí trong dự thảo này. Như vậy, hoặc là quyền lợi của người tiêu dùng dịch vụ tài chính vẫn chưa được quan tâm, hoặc là sẽ phải có một luật riêng để bảo vệ bên yếm thế hơn.

Chú trọng ở các dịch vụ đầu tư

Khác với ngân hàng và bảo hiểm, các dịch vụ đầu tư có nhiều rủi ro hơn từ phía người tiêu dùng vì không chỉ có rủi ro mất phí mà còn có thể mất cả vốn gốc. Chính vì vậy mà các dịch vụ đầu tư gắn liền với các công cụ tài chính như cổ phiếu, trái phiếu, phái sinh (derivatives), và nhiều sản phẩm tài chính cấu trúc (structured products) được cung cấp bởi các ngân hàng, các công ty chứng khoán, các quỹ đầu tư là đối tượng điều chỉnh chính của nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Ngoài ra, hoạt động của các sàn giao dịch như chứng khoán, hàng hóa (commodities) cũng nằm trong các phạm vi này.

Những rủi ro phổ biến trong đầu tư

Có một số rủi ro trong việc sử dụng dịch vụ đầu tư của khách hàng nhỏ lẻ như sau.

Thứ nhất là có động cơ vụ lợi trong việc cung cấp dịch vụ đầu tư mà bên cung cấp nhận được từ bên thứ ba các lợi ích hay các hình thức thanh toán khác nhau (inducements). Chẳng hạn một công ty chứng khoán sẽ khuyến nghị mua một số mã cổ phiếu không khách quan, khi có lợi ích liên quan hay nhận được lợi ích từ công ty niêm yết. Một ví dụ khác là ngân hàng hay một tổ chức đầu tư khuyến khích khách hàng mua trái phiếu doanh nghiệp một cách không khách quan. Có những xung đột về lợi ích giữa nhà đầu tư và bên cung cấp dịch vụ đầu tư mà nhà đầu tư lại không được biết.

Có ba trụ cột cần củng cố đó là bảo vệ nhà đầu tư thông qua việc nâng cao hiểu biết nhận thức; thông qua tính nghiêm minh của pháp luật; và thông qua việc ban hành hệ thống các quy định pháp luật kịp thời hữu hiệu.

Thứ hai là thông tin về sản phẩm đầu tư mà khách hàng nhỏ lẻ nhận được không đầy đủ, đặc biệt là các thông tin liên quan đến các khoản phí phải trả, các điều khoản phát sinh khi hợp đồng dịch vụ đang có hiệu lực. Trường hợp này là rất phổ biến ở các quỹ đầu tư khi họ thường chỉ công bố lợi nhuận ròng của quỹ, cũng như những bất lợi của khách hàng khi thanh lý hợp đồng trước hạn.

Một thông tin khác cũng ít khi được minh bạch với nhà đầu tư nhỏ lẻ đó là mức độ rủi ro của sản phẩm đầu tư. Có nhiều nơi cung cấp sản phẩm đầu tư chỉ đề cập chung chung là đầu tư tài chính luôn có rủi ro, mà không đề cập cụ thể một số chỉ số đo lường rủi ro của sản phẩm thời gian qua, chẳng hạn thông số độ lệch chuẩn của tỷ suất sinh lợi (volatility/Std.) của 1, 3, 5 năm gần nhất.

Thứ ba là việc bảo vệ thông tin dữ liệu cá nhân của nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng như tài sản của họ. Ở các nước phát triển, việc bảo vệ thông tin cá nhân là rất nghiêm ngặt, trong khi đó ở Việt Nam, bạn mở một tài khoản ở công ty chứng khoán và rất có thể e-mail của bạn nhận được nhiều quảng cáo mà bạn không hề đăng ký. Tài sản của nhà đầu tư là ưu tiên bảo vệ hàng đầu của các nhà cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp, sẽ không có chuyện vì hệ thống bị tấn công (hacked) mà tài khoản nhà đầu tư bị mất.

Những gian lận phổ biến trong đầu tư

Các bên cung cấp dịch vụ đầu tư, có thể trực tiếp hoặc gián tiếp tiếp tay cho những gian lận, lừa đảo trong đầu tư như tạo ra hệ thống đa cấp kiểu kim tự tháp, vẽ ra những cơ hội kinh doanh có lợi nhuận hấp dẫn và người tham gia sau sẽ là người trả cho người tham gia trước. Đến một lúc nào đó kim tự tháp sẽ bị sập và chỉ có một số ít người ở tầng trên là được hưởng lợi.

Trong lĩnh vực đầu tư chứng khoán, chiêu thức bơm và xả (pump and dump) vẫn còn được áp dụng và nhiều nhà đầu tư vẫn còn bị rơi vào bẫy này. Khi các mạng xã hội càng phát triển thì loại hình lừa đảo này càng có đất để diễn, như các nhóm Zalo, Facebook, Telegram, Discord. Đặc biệt là trong những giai đoạn thị trường chứng khoán tăng trưởng nhanh, sức hút của nó càng mạnh với các nhà đầu tư còn non nớt.

Nhưng rủi ro không chỉ đến từ những cá nhân, tổ chức bên ngoài tổ chức phát hành, mà còn đến từ ngay chính bên trong tổ chức đó. Trên thị trường tài chính điều này được gọi là việc lạm dụng thị trường (market abuse) và nó tồn tại chủ yếu dưới ba hình thức sau đây.

Trước hết là các giao dịch nội gián. Đó là việc những người có thông tin nội bộ dùng nó để mua – bán, điều chỉnh, hay hủy các lệnh hiện có, bao gồm cả khuyến nghị hay thúc đẩy người khác thực hiện để đổi lấy lợi ích. Việc giao dịch nội gián thường gắn liền với các quản lý cấp cao của doanh nghiệp, hay những người nắm cổ phần chi phối của doanh nghiệp.

Tiếp đến là hình thức tiết lộ thông tin nội gián trái quy định của pháp luật. Trường hợp này xảy ra khi thông tin nội bộ được cung cấp ra bên ngoài mà không nằm trong khuôn khổ công việc, nghề nghiệp, trách nhiệm của một người có liên quan đến sản phẩm tài chính đó. Chẳng hạn như giám đốc tài chính hay giám đốc sản phẩm của một doanh nghiệp tiết lộ tình hình kinh doanh chưa công bố với bạn bè, người thân.

Hình thức thứ ba là thao túng thị trường, bao gồm cả có ý định thực hiện hành vi thao túng. Phổ biến nhất của thao túng là làm giá, điều chỉnh giá theo ý muốn của mình. Một nhóm nhà đầu tư kiểm soát một lượng lớn cổ phiếu thì hoàn toàn có thể quyết định mức giá khi mà bên mua và bán đều chính là họ.

Để bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ

Các hành vi xâm phạm lợi ích của khách hàng, nhà đầu tư nhỏ lẻ thường tập trung ở việc cung cấp không đúng, không đủ những thông tin quan trọng về sản phẩm đầu tư, thao túng giá, lừa đảo chiếm đoạt tài khoản của nhà đầu tư, giao dịch nội gián, hay cung cấp những sản phẩm đầu tư chưa cấp phép.

Vì vậy mà hệ thống pháp luật ở nhiều nước tập trung vào giám sát, theo dõi chặt chẽ việc công bố thông tin, sự chậm trễ trong việc công bố các thông tin nội bộ, quản lý danh sách những người trong diện người bên trong (insider list), các giao dịch bị nghi ngờ, các khuyến nghị đầu tư, và các giao dịch có liên quan đến những người có trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành (persons discharging managerial responsibility – PDMRs).

Và để làm hiệu quả và triệt để việc bảo vệ người tiêu dùng dịch vụ tài chính, nhà đầu tư nhỏ lẻ, có ba trụ cột cần củng cố đó là bảo vệ nhà đầu tư thông qua việc nâng cao hiểu biết nhận thức (education); thông qua tính nghiêm minh của pháp luật (enforcement) – tức xử lý thật nghiêm những trường hợp vi phạm; và thông qua việc ban hành hệ thống các quy định pháp luật kịp thời hữu hiệu (rulemaking).

TS. Võ Đình Trí

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Năm Dần, cẩn trọng với những cổ phiếu “nóng’’ trên lưng Cọp (28/01/2022)

>   Góc nhìn 28/01: Thận trọng là cần thiết? (27/01/2022)

>   Phải chăng nhà đầu tư trẻ đang kỳ vọng quá cao vào thị trường chứng khoán? (27/01/2022)

>   Chứng khoán có thể giảm 30 - 40% khi thị trường được nâng hạng (26/01/2022)

>   Góc nhìn 27/01: Giải ngân với khối lượng nhỏ để "ném đá dò đường"? (26/01/2022)

>   Góc nhìn 26/01: Cẩn trọng? (25/01/2022)

>   Ông Petri Deryng: Căng thẳng Nga - Ukraine không ảnh hưởng gì đến chứng khoán Việt Nam (25/01/2022)

>   Góc nhìn 25/01: Nhịp điều chỉnh có thể mở rộng? (24/01/2022)

>   Kỳ vọng gì khi mua CTG, KDH, HMR? (24/01/2022)

>   Góc nhìn tuần giao dịch cuối cùng năm Tân Sửu: Xuất hiện nhịp giảm? (23/01/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật