Thứ Năm, 24/02/2022 10:26

Tác động của khủng hoảng Ukraine đến các nền kinh tế châu Á

Các nhà kinh tế cảnh báo cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine có thể là thảm họa đối với các nền kinh tế châu Á khi giá nhiên liệu và hàng hóa tăng vọt.

Kệ hàng hoá tại một siêu thị ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Reuters

Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, mặc dù các quốc gia phương Tây đã ngừng ban hành biện pháp trừng phạt trực tiếp nhằm vào nguồn cung hàng hóa từ Nga, song căng thẳng leo thang ở biên giới Ukraine đã gây ra những ảnh hưởng kinh tế sâu rộng cho các nền kinh tế châu Á. Giới chuyên gia nhận định làn sóng tăng giá đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ chốt của Nga - như dầu, khí đốt và nguyên liệu sản xuất kim loại thô - dự kiến sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát vốn đang gia tăng và sản xuất ngừng trệ do đại dịch COVID-19.

Nhiều quốc gia châu Á vẫn đang trong giai đoạn phục hồi sau những gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch gây ra suốt 2 năm qua. Song nếu Nga phản đối các lệnh trừng phạt của phương Tây bằng cách cắt giảm nguồn cung, một số nền kinh tế lớn thường nhập khẩu hàng hoá từ Nga - như Nhật Bản và Hàn Quốc - sẽ không chỉ phải đối mặt với giá tăng, mà còn có khả năng thiếu hụt nguồn cung trầm trọng.

Ông Tom Rafferty, Giám đốc khu vực của Cơ quan phân tích kinh tế Economist Intelligence Unit cho rằng: “Hậu quả trước mắt của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine sẽ là biến động kinh tế, làm đảo lộn triển vọng tăng trưởng của châu Á”. Ông nhận định điều đó cũng là yếu tố khiến giá năng lượng toàn cầu đang ở mức cao. Đồng thời, leo thang căng thẳng có thể khiến giá hàng hoá tăng vọt, kích thích lạm phát và ảnh hưởng lớn đến chi tiêu tiêu dùng.

“Mặc dù các nước châu Á không trực tiếp tham gia cuộc xung đột nào, nhưng các tác động địa chính trị và kinh tế của cuộc khủng hoảng đối với khu vực này vẫn sẽ rất đáng kể”, ông cho biết.

Các nhà phân tích chỉ ra rằng trong những năm gần đây, châu Á ngày càng đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực xuất khẩu của Nga. Nhà phân tích Chris Devonshire-Ellis, thuộc Công ty tư vấn Dezan Shira & Associates, cho biết trong khi khoảng một nửa lượng hàng xuất khẩu của Nga được đưa đến châu Âu trong năm 2020, hơn 40% được chuyển đến các nước châu Á - đặc biệt là Trung Quốc, Kazakhstan, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Máy bơm dầu ở Scheibenhard, gần Strasbourg, Pháp. Ảnh: Reuters

Sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin công nhận hai nước cộng hoà tự xưng Donetsk và Lugansk là hai quốc gia độc lập, tiếp đến là động thái Đức ngừng phê duyệt dự án đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Dòng chảy Phương Bắc 2, giá dầu đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 7 năm, đạt 99 USD/thùng vào hôm 22/2. Giá xăng cũng tăng vọt.

Nhà kinh tế Pushpin Singh thuộc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh cảnh báo các nhà sản xuất Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ phải chống chọi với chi phí đầu vào tăng cao vì cả 2 quốc gia đều phụ thuộc nhiều vào dầu thô và khí đốt của Nga. Ông nói rằng điều đó sẽ ngăn cản hơn nữa hoạt động kinh tế ở hai quốc gia này trong thời gian trung hạn.

“Đối với Nhật Bản và Hàn Quốc - hai nền kinh tế tập trung vào xuất khẩu và sản xuất, giá năng lượng và hàng hóa tăng đột biến như vậy sẽ làm trầm trọng thêm các vấn đề vốn đã gây khó khăn cho họ trong năm 2021 và năm 2022. Cả hai nền kinh tế đều đang phải đối mặt với lạm phát giá sản xuất cao, với mức đỉnh vượt 9%. Các động thái của Nga chắc chắn sẽ gây áp lực hơn nữa, làm gia tăng tỷ lệ lạm phát tiêu cực”, ông Singh nói.

Hôm 23/2, Thủ tướng Fumio Kishida cho biết Nhật Bản sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga và hai nước cộng hoà tự xưng ở Ukraine. Theo đó, chính phủ nước này sẽ ngừng cấp thị thực, đồng thời đóng băng tài sản đối với những người có liên quan đến khu vực mà Nga công nhận độc lập, cấm xuất khẩu sang khu vực này, cấm lưu thông phát hành trái phiếu mới của Nga tại Nhật Bản.

Sau các lệnh trừng phạt, các nhà kinh tế dự đoán lạm phát của Nhật Bản sẽ tăng từ khoảng 0,5% hiện nay lên 2% vào tháng 4, Tuy nhiên, theo nhà kinh tế học Tom Learmouth của Capital Economics, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sẽ không thay đổi chính sách tiền tệ vội vàng, đặc biệt là khi tác động kinh tế của các lệnh trừng phạt có thể sẽ không đáng kể.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida. Ảnh: AP

Tuy nhiên, chuyên gia Singh cho biết đối với cả Tokyo và Seoul, việc tham gia trừng phạt sẽ rất rủi ro vì Moskva có thể đáp trả bằng cách cắt giảm xuất khẩu. Song ông nhận thấy kịch bản này khó xảy ra. Ông giải thích: “Do Nga xuất khẩu nhiều năng lượng sang Nhật Bản và Hàn Quốc, nên Nga cắt giảm xuất khẩu có thể là thảm họa cho cả hai nền kinh tế”.

Giới chuyên gia dự đoán rằng cả hai quốc gia sẽ xem xét tăng cường chuỗi cung ứng, đặc biệt là các ngành bán dẫn và ô tô, thông qua dự trữ và các nguồn cung thay thế. Tuy nhiên, ông Singh nói thêm rằng do các hợp đồng dầu khí thường được ký kết trong dài hạn nên việc chuyển sang các nhà cung cấp khác có thể sẽ khó khăn.

Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Yeo Han-koo tuần trước cho biết ông đã cảnh giác về tình trạng lạm phát gia tăng và chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Chính trị gia này cũng lưu ý thêm rằng gần như tất cả nhu cầu năng lượng của Hàn Quốc đều dựa vào nhập khẩu.

Ngoài Nhật Bản và Hàn Quốc, Trung Quốc và Ấn Độ cũng là những nước nhập khẩu dầu khí lớn của Nga. Bà Katrina Ell, chuyên gia kinh tế cấp cao, cho biết giá cả tăng có thể thực sự gây tổn hại cho các nền kinh tế lớn nhất châu Á, từ lĩnh vực sản xuất tới lĩnh vực tiêu dùng. Bà cho rằng giá năng lượng cao có thể ảnh hưởng đến chi phí canh tác và thúc đẩy giá lương thực gia tăng, đặc biệt là ở các nền kinh tế châu Á mới nổi, nơi thực phẩm chiếm phần lớn trong lĩnh vực tiêu dùng.

Khi các quốc gia tìm kiếm nguồn cung dầu và khí đốt khác, tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng sẽ xảy ra. Đồng thời, các ngân hàng trung ương cũng sẽ phải “nhúng tay” vào kiềm chế vấn đề lạm phát bằng cách tăng lãi suất. Tuy nhiên, bà Ell cho rằng điều này có thể sớm kìm hãm đà tăng trưởng kinh tế của các quốc gia trong khu vực. Bà nói: "Sự can thiệp của các chính phủ nhằm kiềm chế giá năng lượng cao cũng đều có tác động tiêu cực mà sẽ không hoàn toàn tạo ra đòn bẩy”.

Lawrence Wong, Bộ trưởng Tài chính Singapore cho biết, nếu tác động từ cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine lan sang các nền kinh tế châu Á, chính phủ sẽ không ngần ngại áp dụng mọi biện pháp để đảm bảo duy trì nền kinh tế tiếp tục phát triển.

Song giới chuyên gia cảnh báo rằng ngoài lạm phát và tăng trưởng chậm, các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga cũng sẽ làm phức tạp các khoản đầu tư hiện tại và các dự án đã lên kế hoạch trước, cũng như việc cho vay của các ngân hàng ở châu Á.

Vân Khánh

Báo Tin tức

Các tin tức khác

>   Lo giá dầu tăng mạnh, Mỹ cân nhắc xả kho dự trữ dầu (24/02/2022)

>   Nga không kích Kiev và đưa quân băng qua biên giới Ukraine (24/02/2022)

>   Từng rơi vào khủng hoảng sống còn, Apple, Starbucks và Netflix “lội ngược dòng” thế nào? (24/02/2022)

>   Australia, Canada, Nhật Bản trừng phạt Nga  (23/02/2022)

>   Thị trường địa ốc toàn cầu trước làn sóng tăng lãi suất (23/02/2022)

>   New Zealand nâng lãi suất lần thứ 3, báo hiệu sẽ tăng lãi suất mạnh hơn (23/02/2022)

>   Tổng thống Biden công bố lệnh trừng phạt mới đối với Nga (23/02/2022)

>   Thủ tướng Anh công bố lệnh trừng phạt nhằm vào Nga (22/02/2022)

>   Nhiều nước mở lại biên giới, hàng không châu Á quay cuồng khôi phục đường bay quốc tế (22/02/2022)

>   Xuất khẩu phục hồi mạnh, kinh tế Thái Lan 2021 vẫn tăng trưởng chậm hơn Việt Nam, Philippines (22/02/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật