Lo giá dầu tăng mạnh, Mỹ cân nhắc xả kho dự trữ dầu
Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang cân nhắc phối hợp cùng các nước đồng minh xả kho dự trữ dầu chiến lược một lần nữa. Điều này nhằm ứng phó với tình trạng giá dầu leo thang do thiếu hụt nguồn cung và căng thẳng Nga-Ukraine, dựa trên nguồn tint hân cận từ Bloomberg.
Hiện chưa có quyết định nào được đưa ra, nhưng các cuộc thảo luận đang diễn ra tại Nhà Trắng, bao gồm ngưỡng giá dầu cần đạt để xả dự trữ, và phải phối hợp với các nước khác thế nào, dựa trên nguồn tin thân cận. Ngoài ra, các mô hình phân tích cũng đang được sử dụng để xác định lượng dầu cần xả.
Khi được hỏi liệu Chính phủ Mỹ có đang xem xét xả dự trữ dầu chiến lược để kìm đà tăng của giá xăng trong bối cảnh khủng hoảng Ukraine, thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nói rằng “đó chắc chắn là một phương án đang được cân nhắc”.
“Điều mà chúng tôi đang tập trung vào là thực hiện mọi biện pháp có thể cùng với các đối tác trên thế giới, với mục tiêu giảm thiểu ảnh hưởng đối với thị trường năng lượng toàn cầu”, bà Psaki cho biết.
Bất chấp thông tin trên, giá dầu Brent vẫn tiếp tục tăng 1.4% lên 98.2 USD/thùng, rất gần cột mốc 100 USD/thùng. Giá dầu tiếp tục giao dịch ở đỉnh 7 năm, bất chấp những biến động gần đây.
Trước đó, trong tháng 11/2021, Nhà Trắng đã chỉ đạo giải phóng 50 triệu thùng dầu thô dự trữ và động thái này được thực hiện phối hợp với Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc nhằm kiểm soát đà tăng của giá dầu khi các nước bắt đầu gượng dậy từ đại dịch.
Nhờ nỗ lực đó của chính quyền ông Biden, giá xăng bán lẻ ở Mỹ đã giảm được 10 xu/gallon trong dịp nghỉ lễ Giáng sinh và đón năm mới 2022. Tuy nhiên, ông Biden lại đang đối mặt sức ép lớn vì giá xăng dầu tăng trở lại và góp phần khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng mạnh. Điều này có thể tác động tới quyền kiểm soát của Đảng Dân chủ tại Thượng viện và Hạ viện trong cuộc bầu cửa giữa nhiệm kỳ vào cuối năm nay.
Giới phân tích nói rằng giá xăng bán lẻ ở Mỹ có thể vượt 4 USD/gallon nếu xung đột Nga-Ukraine tiếp tục gia tăng. Giá bán lẻ xăng bình quân trên toàn quốc ở Mỹ vào ngày 23/2 là 3.54 USD/gallon, theo dữ liệu từ AAA.
Khi căng thẳng địa chính trị leo thang, nhiều chuyên gia ở Phố Wall đã dự báo về khả năng trở lại của mức giá dầu 100 USD/thùng.
Ngày 23/02, JPMorgan Chase nói rằng giá dầu Brent có thể đạt mức bình quân 110 USD/thùng trong quý 2 năm nay, với giả định Nga-Ukraine tiếp tục căng thẳng trong khi Iran và phương Tây tái lập được thoả thuận về chương trình hạt nhân của Tehran.
Ngân hàng Bank of America dự đoán giá dầu Brent sẽ đạt mức 120 USD/thùng vào giữa năm 2022, đồng thời nhu cầu nhiên liệu toàn cầu sẽ tăng đột biến khoảng 3.6 triệu thùng/ngày lên tổng cộng gần 101 triệu thùng/ngày trong năm nay, cao hơn mức trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Người tiêu dùng Mỹ đang phải đối mặt với mức lạm phát cao nhất kể từ đầu thập niên 1980, vượt mức tăng trưởng tiền lương. Căng thẳng Nga-Ukraine có thể gây ảnh hưởng tới niềm tin, nhất là nếu giá xăng tiếp tục tăng, đồng thời lãi suất vay thế chấp ngày càng cao khiến người dân khó tiếp cận với nhà ở.
Nga là nước xuất khẩu khí đốt lớn nhất thế giới, chiếm thị phần 17% toàn cầu. Nước này cũng là một trong những nước xuất khẩu dầu lớn nhất, chiếm thị phần 12% toàn cầu, ngang với thị phần của Ả-rập Xê-út.
Phát biểu tại Nhà Trắng hôm thứ Ba tuần nầy, ông Biden cho biết chính quyền của ông đang “theo dõi chặt chẽ” nguồn cung năng lượng và sẵn sàng phối hợp với các nước sản xuất dầu lớn để đảm bảo nguồn cung và kiểm soát đà tăng của giá xăng.
“Tôi muốn hạn chế ‘nỗi đau’ mà người dân Mỹ cảm nhận ở trạm bơm xăng”, ông Biden nói.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FILI
|