Thứ Tư, 23/02/2022 13:00

Cách điều hành cũ và… cú tăng giá phí mới!

Mới “chạy khởi động” đầu năm - sau Tết, người tiêu dùng, khách hàng đã “vấp” phải hai cú tăng giá khiến ai nấy không khỏi xây xẩm mặt mày. Từ chiều 21/02, giá xăng E5 RON 92 được điều chỉnh lên 25,530 đồng/lít, tăng 960 đồng, lập kỷ lục mức tăng cao nhất trong 17 năm qua; RON 95 là 26,280/lít, tăng 960 đồng, thấp hơn mức tăng kỷ lục tháng 07/2014 khoảng 110 đồng/lít.

Là biến động theo giá thị trường xăng dầu thế giới, hay theo chu kỳ điều chỉnh giá xăng (mà đa phần là tăng ít, tăng nhiều, tăng… kỷ lục!) của liên Bộ; là do nguồn cung bị đứt gãy từ cú lỗ nghìn tỷ của nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, dẫn tới tình trạng thiếu xăng cục bộ, chiết khấu thấp, thậm chí âm nên doanh nghiệp càng bán càng lỗ, cuối cùng chỉ có người tiêu dùng là hứng trọn. 

Trong khi cơ chế điều hành giá xăng, thông qua quỹ bình ổn và khung điều chỉnh tỷ giá lại chưa được thay đổi theo hướng linh hoạt, bám sát diễn biến thị trường. Nắm rõ, dự báo tình hình chung để sớm trích quỹ bình ổn nhằm bù đắp phần chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán hiện hành, tránh sự xáo trộn. Chưa kể, khi nguồn cung trong nước bị gián đoạn, cộng với mức tăng được điều chỉnh càng dễ đẩy tới sự bất ổn.

Việc duy trì 3 ngày 01-11-21 hàng tháng để điều chỉnh giá mà không bám sát diễn biến thị trường mỗi ngày, thậm chí mỗi giờ, dẫn tới giá xăng dầu trong nước luôn “một mình một cõi”, phát sinh tâm lý lẫn vấn nạn găm hàng chờ tăng giá hay chạy đua xả hàng trước khi giá giảm. Sự bất cập này là nguyên nhân dẫn tới rối loạn thị trường, đã được kiến nghị, đề xuất thay đổi từ nhiều năm nay. Nhưng không hiểu sao liên Bộ vẫn chưa “thích ứng linh hoạt”, để người tiêu dùng và một bộ phận doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chịu thiệt.

Xăng tăng, chi phí vận chuyển tăng, giá cả hàng tiêu dùng bắt đầu nhảy múa. Những khó khăn sau cú hoàn hồn vượt qua cơn đại dịch chưa kịp tháo gỡ, lại đối diện với thập diện giá phí tăng kỷ lục. Đâu là lời giải cho những hỗ trợ cụ thể, hiệu quả doanh nghiệp, người dân qua điều hành giá của liên Bộ?

Cú vấp “muốn té” thứ hai là phí dịch vụ thông báo biến động số dư qua tin nhắn điện thoại (SMS banking) của một số ngân hàng tăng gấp 5-7 lần khiến khách hàng bức xúc, lên tiếng rủ nhau hủy dịch vụ.

Điều đáng nói, nhiều ngân hàng thực hiện chính sách miễn phí chuyển tiền (từ đầu năm 2021) nhưng lại tìm cách tăng phí thông báo qua điện thoại lên gấp nhiều lần. Vậy quyền lợi thật sự của khách hàng đã được các ngân hàng xem trọng hoặc quyết liệt, mạnh mẽ bảo vệ?

Sở dĩ nói như vậy là bởi, theo giải thích từ các đại diện ngân hàng có mức phí tăng cao là do chính họ đã và đang phải bù lỗ khi các nhà mạng thu cước tin nhắn SMS quá cao.

Theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), giá cước các nhà mạng đang thu đối với tin nhắn dịch vụ ngân hàng hiện cao gấp 3 lần so với tin nhắn thông thường. Trong đó, MobiFone và VinaPhone thu 820 đồng/SMS giao dịch tài chính; 500 đồng/SMS quảng cáo chăm sóc khách hàng. Tương tự, Viettel thu 500 đồng/SMS (không phân biệt loại tin nhắn), và từ năm 2019, nhà mạng này đã nâng giá cước lên 785 đồng/SMS đối với tin nhắn giao dịch tài chính. Thử so sánh với mức phí nhà mạng thu khách hàng cá nhân, Viettel hiện thu 100-300 đồng/SMS, Vinaphone thu 99-350 đồng/SMS, Mobifone thu 200-350 đồng/SMS.

Được biết, VNBA đã 4 lần gửi văn bản kêu gọi sự “xuống tay” của các nhà mạng nhưng đến giờ, “đường truyền” phản hồi vẫn… tắc nghẽn! Vì sao, Nghị quyết 63 của Chính phủ được Bộ Thông tin và Truyền thông cụ thể hóa bằng chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông giảm giá cước để hỗ trợ khách hàng sử dụng dịch vụ viễn thông nhằm chia sẻ khó khăn bởi đại dịch Covid-19 vẫn chưa được áp dụng?

Các tổ chức tín dụng cũng là một đối tượng khách hàng của các nhà mạng, sự ảnh hưởng của đại dịch lên nó là không tránh khỏi. Thay vì vừa thể hiện sự chia sẻ, hỗ trợ; vừa chấp hành chỉ đạo của Chính phủ và trên hết, là bù đắp phần nào khó khăn cho người dân, khách hàng trực tiếp hay gián tiếp của mình, các doanh nghiệp viễn thông, nhà mạng lại vẫn… ngó lơ, mặc cho mức giá cao gấp 3 lần ấy cuối cùng đổ xuống khách hàng. 

Còn các “đại gia” ngân hàng, để giảm lỗ, chỉ còn cách đẩy phí thật cao về phía người dân.

Quốc Học

FILI

Các tin tức khác

>   Thủ tướng Phạm Minh Chính: Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, phát triển bền vững (21/02/2022)

>   Tháo ''rào'' thể chế, quyết liệt khơi thông gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng (18/02/2022)

>   Đột phá để phục hồi kinh tế (18/02/2022)

>   Đến năm 2050, Việt Nam phấn đấu không còn hộ nghèo (17/02/2022)

>   Để trở lại cao tốc tăng trưởng (17/02/2022)

>   Triển khai quyết liệt nhiều giải pháp phục hồi kinh tế (16/02/2022)

>   Tháo "chốt chặn" hấp thụ gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng (16/02/2022)

>   Thủ tướng nhấn mạnh 8 nhóm nhiệm vụ để thúc đẩy kinh tế tập thể (15/02/2022)

>   Mỹ công bố Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mới, Việt Nam là đối tác hàng đầu khu vực (15/02/2022)

>   Giá xăng dầu tăng sẽ tác động mạnh tới tăng trưởng và áp lực lạm phát (14/02/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật