Thứ Tư, 16/02/2022 14:34

Triển khai quyết liệt nhiều giải pháp phục hồi kinh tế

Giảm thuế VAT, tiếp tục miễn giảm lãi suất cho vay và đặc biệt đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công… chương trình phục hồi kinh tế đang được triển khai quyết liệt.

Giảm 2% thuế giá trị gia tăng để hỗ trợ phục hồi kinh tế

Triển khai quyết liệt và hiệu quả Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công - đây là nội dung trong Công điện số 126 vừa được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra, theo Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị quyết số 11 của Chính phủ.

Thực hiện công điện của Thủ tướng, các bộ ngành, các địa phương đã nhanh chóng lên kế hoạch, triển khai ngay vào việc. Trong đó, chính sách tài khóa, tiền tệ được coi là triển khai sớm nhất, khi ngay từ 1/2 thuế giá trị gia tăng (VAT) của nhiều mặt hàng được giảm từ 10% xuống còn 8%.

Việc áp dụng mức giảm thuế 2%, từ 10% xuống 8%, hiện được áp dụng với hầu hết các nhóm hàng hóa, dịch vụ, trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và một số sản phẩm có quy định rõ. Chính sách này sẽ được áp dụng đến hết ngày 31/12.

Người dân mua sắm tại một siêu thị tỉnh Ninh Bình. (Ảnh: TTXVN)

Các chuyên gia cho rằng, việc giảm thuế giá trị gia tăng được xem như là đòn bẩy kích cầu tiêu dùng của cả xã hội, qua đó sẽ góp phần hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh, giúp doanh nghiệp và nền kinh tế sớm phục hồi.

Ngoài ra, giảm thuế VAT cũng giúp các nguyên liệu đầu vào cũng có thể được giảm trực tiếp, giúp cho sức cạnh tranh của các doanh nghiệp được hỗ trợ tích cực trong năm tiếp theo.

Để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng và để chính sách được thực hiện một cách nghiêm túc, hiệu quả, Tổng cục Thuế cũng vừa có công điện yêu cầu các Cục Thuế địa phương xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh không giảm thuế giá trị gia tăng xuống 8% cho khách hàng.

Ngân hàng tiếp tục miễn giảm lãi suất cho vay

Không chỉ giảm thuế thuế giá trị gia tăng, những doanh nghiệp ủng hộ, tài trợ cho các hoạt động phòng, chống dịch bệnh COVID-19, sẽ được tính vào chi phí được trừ khi đóng thuế thu nhập doanh nghiệp. Theo tính toán của Bộ Tài chính dự kiến chính sách này và giảm thuế giá trị gia tăng sẽ có tác động giảm thu Ngân sách của Nhà nước khoảng trên 51 nghìn tỷ đồng.

Ngân hàng tiếp tục miễn giảm lãi suất cho vay. Ảnh minh họa.

Về chính sách tiền tệ, Thủ tướng Chính phủ giao cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định hướng dẫn việc thực hiện hỗ trợ lãi suất cho vay, từ ngân sách nhà nước đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Trong đó, điểm nhấn là hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh.

Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng Nghị định hướng dẫn. Trong lúc chờ đợi, nhiều ngân hàng thương mại cũng đã chủ động đưa ra các gói vay ưu đãi lãi suất cho doanh nghiệp.

Nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất, nhiều ngân hàng đã tiếp tục kéo dài các gói vay ưu đãi. Những nhóm ngành được tập trung vốn nhiều nhất là xuất nhập khẩu, nông lâm nghiệp, cho vay tiểu thủ công nghiệp, du lịch, lưu trú...

Một số ngân hàng nước ngoài còn đưa ra mức ưu đãi cho vay thấp hơn, nhờ họ có lợi thế về nguồn vốn đầu tư giá rẻ từ nước ngoài. Đổi lại, những doanh nghiệp muốn tiếp cận được nguồn vốn này cũng phải đảm bảo các phương án kinh doanh khả thi và minh bạch thông tin hơn trong quá trình thẩm định cho vay.

Song song với giảm lãi suất, các ngân hàng thương mại cho biết sẽ tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giãn hoãn nợ để các doanh nghiệp có thế thêm thời gian phục hồi, không bị chuyển nhóm nợ xấu. Từ đó, có thể tiếp tục tiếp cận vốn quay trở lại nhịp sản xuất bình thường.

Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công

Một vấn đề quan trọng được nhấn mạnh trong Công điện của Thủ tướng Chính phủ đó là đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp danh mục, dự án và phương án bố trí vốn có trọng tâm, trọng điểm trong 2 năm 2022 - 2023, theo đề xuất của các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương.

Sau đó báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Ngay trong chiều 15/2, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Bộ đã đôn đốc các bộ ngành, địa phương rà soát các danh mục của dự án, đề xuất mức vốn cụ thể để giao cho dự toán năm 2022.

Ông Trần Quốc Phương - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay: "Bộ kế hoạch và Đầu tư đã có ngay văn bản hướng dẫn các bộ, địa phương rà soát các danh mục của dự án, đề xuất những mức vốn cụ thể để giao cho dự toán năm 2022 từ nguồn của Nghị quyết 43 bố trí thực hiện giải ngân bổ sung ngoài nguồn đã có của năm 2022. Với điều kiện các dự án được giao bổ sung này phải có khả năng thực hiện giải ngân rất nhanh cho năm 2022 để đảm bảo giải ngân hết số vốn được giao bổ sung. Vì vậy, công tác rà soát cũng như công tác lập kế hoạch về mức vốn cụ thể của các bộ ngành địa phương là rất quan trọng".

Gỡ vướng để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, ngoài việc phân bổ vốn sớm cũng cần phải có cơ chế tháo gỡ những vướng mắc, những "nút thắt" của các dự án, để tránh lặp lại tình trạng "có tiền mà không tiêu được".

Cao tốc Bắc - Nam và sân bay Long Thành là 2 công trình giao thông trọng điểm chiếm lượng vốn đầu tư công lớn. Việc tích cực tháo gỡ những vướng mắc khó khăn trong quá trình triển khai cũng đang được cộng đồng doanh nghiệp xây dựng chờ đợi, để gia tăng khối lượng thi công và tiến độ giải ngân vốn.

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, ngoài việc phân bổ vốn sớm cũng cần phải có cơ chế tháo gỡ những vướng mắc. Ảnh minh họa - Ảnh: PLO.

Thời điểm này, các dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 đang chạy đua tiến độ sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Tuy nhiên, theo các nhà thầu, nguồn vật liệu phục vụ cho dự án đang là vướng mắc lớn.

Không ít nhà thầu gặp phải tình trạng mỏ vật liệu nằm gần dự án chưa được địa phương cấp phép, phải tìm kiếm nguồn vật liệu ở xa. Các nhà thầu cho rằng, sớm tháo gỡ vướng mắc này ngay từ đầu năm sẽ là thời gian vàng cho công tác thi công và giải ngân vốn của các dự án.

"Các tỉnh có thể tháo gỡ được việc phê duyệt các mỏ vật liệu đất đây là một thời gian vàng cho việc thi công cao tốc Bắc - Nam bởi vì công tác nền không thể thi công trong mùa mưa được mà chúng ta cần phải tranh thủ mùa khô của đầu năm để kết thúc cho việc thi công nền, sau đó mới chuyển sang thi công mặt đường", ông Nguyễn Khắc Mẫn - Đại diện Ban quản lý dự án 1, Tổng công ty Vinaconex cho hay.

Ông Lê Đức Thọ - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Cienco 4 cho biết: "Làm sao đó có một cơ chế để trao quyền khai thác mỏ cho các ban quản lý dự án và nhà thầu trực tiếp có nguồn mỏ này phục vụ cho dự án để các bên cùng phối hợp thực hiện".

Năm nay, giai đoạn 2 của cao tốc Bắc - Nam gồm 12 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công tiếp tục được triển khai. Theo Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam, việc phân chia hợp lý giá trị của các gói thầu là yếu tố quan trọng để các doanh nghiệp xây dựng có động lực tham gia, đảm bảo tiến độ thi công và giải ngân.

"Cái gói thầu phân như thế nào để cho hợp lý vừa sức với các nhà thầu bởi vì đã là thực hiện hợp đồng chúng ta phải có bảo lãnh thực hiện hợp đồng, bảo lãnh tạm ứng và rất nhiều quy định khác của cơ quan ngân hàng. Vì vậy vừa qua chúng tôi có kiến nghị Thủ tướng trong việc phân định các gói thầu nên từ 5 - 10 nghìn tỷ thì vừa sức với các nhà thầu Việt Nam và cũng phù hợp với quy mô vốn của các doanh nghiệp giao thông hiện nay", ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam cho hay.

Các nhà thầu cũng cho rằng, việc xem xét điều chỉnh định mức dự toán phù hợp với công nghệ thi công tại các công trình và chỉ số giá vật liệu xây dựng nhằm đối phó với tình trạng giá tăng cao như trong năm vừa qua cũng sẽ tạo điều kiện thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Để tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; có chế tài xử lý nghiêm, kịp thời đối với các hành vi tham nhũng, tiêu cực, nhũng nhiễu, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.

Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc áp dụng một số cơ chế đặc thù tại Điều 5 Nghị quyết số 43 của Quốc hội, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân các dự án đầu tư thuộc Chương trình.

VTV

Các tin tức khác

>   Tháo "chốt chặn" hấp thụ gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng (16/02/2022)

>   Thủ tướng nhấn mạnh 8 nhóm nhiệm vụ để thúc đẩy kinh tế tập thể (15/02/2022)

>   Mỹ công bố Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mới, Việt Nam là đối tác hàng đầu khu vực (15/02/2022)

>   Giá xăng dầu tăng sẽ tác động mạnh tới tăng trưởng và áp lực lạm phát (14/02/2022)

>   HSBC tăng mức dự báo lạm phát năm 2022 của Việt Nam lên 3% (14/02/2022)

>   Chương trình phục hồi, phát triển KT-XH: Thủ tướng yêu cầu ''làm việc nào dứt điểm việc đó'' (14/02/2022)

>   9 Bộ “xắn tay” vào kiểm soát biến động giá cả, kiềm chế lạm phát (11/02/2022)

>   Cần những "quả đấm" để phục hồi kinh tế: Để TP HCM giữ vững vai trò "đầu tàu" (11/02/2022)

>   Xuất khẩu phân bón tháng 1 tăng 682% so với cùng kỳ (11/02/2022)

>   Lạm phát 2022: Áp lực từ yếu tố “cầu kéo” và “chi phí đẩy” (10/02/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật