Mỹ công bố Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mới, Việt Nam là đối tác hàng đầu khu vực
Nhà Trắng vừa công bố Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương dài 19 trang tái khẳng định mục tiêu thúc đẩy một "khu vực tự do và rộng mở", cũng như củng cố vị thế lâu dài của Mỹ trong khu vực...
Tổng thống Mỹ Joe Biden - Ảnh: Reuters
|
Chiến lược nêu rõ, chính quyền Tổng thống Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris đã đạt được những bước tiến lịch sử nhằm khôi phục vai trò lãnh đạo của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đồng thời điều chỉnh vai trò của mình cho phù hợp với thế kỷ 21.
Chiến lược này đề ra tầm nhìn của ông Biden nhằm củng cố vững chắc hơn vị trí của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đồng thời cũng tăng cường sức mạnh cho cả khu vực trong quá trình đó. Trọng tâm chính của Chiến lược là sự hợp tác bền vững và sáng tạo cùng với các nước đồng minh, đối tác, cũng như các thể chế cả trong và ngoài khu vực.
Theo đó, Mỹ theo đuổi 5 mục tiêu xây dựng một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
TỰ DO VÀ RỘNG MỞ
Với mục tiêu này, Mỹ xác định những lợi ích sống còn của nước này cũng như lợi ích của các đối tác thân cận nhất đòi hỏi phải có một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Và để đạt được điều đó, các chính phủ phải có thể đưa ra lựa chọn của riêng cho mình, đồng thời các khu vực chung được quản lý phù hợp theo luật pháp.
"Tương lai của mỗi quốc gia chúng ta - và cả thế giới - phụ thuộc vào một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, có sức chống chịu và hưng thịnh trong các thập kỷ sắp tới".
Tổng thống Mỹ Joe Biden
|
"Chiến lược của chúng tôi bắt đầu bằng việc tăng cường khả năng chống chịu, cả trong từng quốc gia, giống như chúng tôi đã làm ở Mỹ, cũng như giữa các quốc gia với nhau", Chiến lược nêu rõ.
Các biện pháp cụ thể được Chính phủ Mỹ đề ra gồm: Đầu tư vào các thể chế dân chủ, báo chí tự do, và một xã hội dân sự năng động; Cải thiện minh bạch tài khóa ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhằm phơi bày tham nhũng và thúc đẩy cải cách; Đảm bảo các vùng biển và bầu trời của khu vực được quản lý và sử dụng dựa theo luật pháp quốc tế; Thúc đẩy các phương pháp tiếp cận chung đối với các công nghệ then chốt và mới nổi, internet và không gian mạng.
KẾT NỐI
Chiến lược của Chính quyền Biden nêu rõ, một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở chỉ có thể đạt được nếu xây dựng được năng lực tập thể cho một kỷ nguyên mới. Các liên minh, tổ chức và quy tắc mà Mỹ cùng các đối tác đã góp phần xây dựng cần được điều chỉnh.
Theo đó, Mỹ xác định các nhiệm vụ cụ thể nhằm xây dựng năng lực tập thể cả trong và ngoài khu vực.
Trước tiên là tăng cường năm liên minh hiệp ước trong khu vực của Mỹ với Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và Thái Lan.
Tiếp đó là tăng cường quan hệ với các đối tác hàng đầu trong khu vực, bao gồm: Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Mông Cổ, New Zealand, Singapore, Đài Loan, Việt Nam và các quốc đảo ở Thái Bình Dương.
Mỹ cũng xác định đóng góp cho một ASEAN ngày càng có tiếng nói mạnh mẽ và thống nhất là một trong những mục tiêu trọng tâm.
Ấn Độ đóng vai trò quan trọng trong Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mới của Mỹ - Ảnh: Getty Images
|
Cùng với đó, Mỹ muốn tăng cường Nhóm Bộ tứ (QUAD - gồm 4 nước Ấn Độ, Australia, Nhật Bản và Mỹ) và thực hiện các cam kết của Nhóm. Đồng thời ủng hộ sự tiếp tục trỗi dậy cũng như vai trò lãnh đạo của Ấn Độ trong khu vực.
Mỹ cũng sẽ phối hợp để tăng cường khả năng chống chịu cho các quốc đảo ở Thái Bình Dương. Tạo dựng kết nối giữa khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương với khu vực Châu Âu-Đại Tây Dương.
Một nhiệm vụ quan trọng nữa là mở rộng sự hiện diện ngoại giao của Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đặc biệt là ở Đông Nam Á và các quốc đảo ở Thái Bình Dương.
THỊNH VƯỢNG
Chính quyền Tổng thống Biden xác định sự thịnh vượng hàng ngày của người Mỹ gắn liền với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Thực tế đó đòi hỏi cần có các khoản đầu tư nhằm khuyến khích đổi mới sáng tạo, tăng cường khả năng cạnh tranh kinh tế, tạo ra việc làm có thu nhập cao. Cùng với đó là xây dựng lại các chuỗi cung ứng, đồng thời mở rộng cơ hội kinh tế cho các gia đình thuộc tầng lớp trung lưu với 1,5 tỷ người ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ gia nhập tầng lớp trung lưu toàn cầu trong thập kỷ này.
Theo đó, Mỹ hướng thúc đẩy sự thịnh vượng của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, thông qua việc đề xuất một khuôn khổ kinh tế của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để qua đó có thể xây dựng những cách tiếp cận mới đối với thương mại, đáp ứng được các tiêu chuẩn cao về lao động và môi trường.
Bên cạnh đó, thúc dẩy quản lý nền kinh tế kỹ thuật số cũng như các dòng chảy dữ liệu xuyên biên giới theo các nguyên tắc mở, bao gồm: Thông qua một khuôn khổ mới cho phát triển kinh tế số; Thúc đẩy các chuỗi cung ứng có khả năng chống chịu và an toàn, đa dạng, cởi mở và dễ dự báo. Xúc tiến đầu tư chung vào kinh tế phi các-bon và năng lượng sạch.
Mỹ cũng sẽ thúc đẩy thương mại và đầu tư tự do, công bằng và cởi mở thông qua Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC), đặc biệt trong năm 2023 khi Mỹ sẽ là chủ nhà của APEC. Cùng với đó, thu hẹp khoảng cách về cơ sở hạ tầng trong khu vực thông qua sáng kiến Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn cùng với các đối tác trong nhóm G7.
AN NINH
Nhấn mạnh sự hiện diện quốc phòng mạnh mẽ và nhất quán cần thiết của Mỹ tại khu vực suốt 75 năm qua, Mỹ cho biết đang tiếp tục mở rộng và hiện đại hóa vai trò này, đồng thời nâng cao khả năng trong việc bảo vệ lợi ích của mình, ngăn chặn bất kỳ hành vi nào đe dọa tới lãnh thổ Mỹ, hay đe dọa các đồng minh và đối tác của Mỹ.
Chính quyền Biden khẳng định sẽ tăng cường an ninh khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, sử dụng tất cả các công cụ sức mạnh của mình để ngăn chặn hành vi gây hấn, chống lại những hành vi cưỡng ép, thông qua việc tăng cường khả năng răn đe tổng hợp, thắt chặt hợp tác và tăng cường khả năng phối hợp cùng với các đồng minh và đối tác.
Mỹ cũng nhấn mạnh mục tiêu duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực eo biển Đài Loan.
Cùng với đó, nước này sẽ đổi mới để tác nghiệp hiệu quả trong môi trường mới với mối đe dọa thay đổi nhanh chóng, bao gồm không gian, không gian mạng, cũng như các lĩnh vực công nghệ then chốt và mới nổi. Tăng cường khả năng răn đe và phối hợp mở rộng với các nước đồng minh gồm Hàn Quốc và Nhật Bản, đồng thời theo đuổi mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên.
Bên cạnh đó, Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện các mục tiêu của AUKUS (Hiệp định Đối tác tăng cường an ninh ba bên giữa Mỹ, Anh và Australia), mở rộng sự hiện diện của Tuần duyên Mỹ cũng như hợp tác chống lại các mối đe dọa xuyên quốc gia khác, vận động Nghị viện để tài trợ cho Sáng kiến răn đe Thái Bình Dương và Sáng kiến an ninh biển...
AUKUS được thành lập vào cuối tháng 9/2021 được xem là một phần chiến lược của Washington nhằm đối phó Trung Quốc tại châu Á - Thái Bình Dương. Trọng tâm của thỏa thuận này là Mỹ, Anh sẽ cung cấp công nghệ và hỗ trợ kỹ thuật để Australia chế tạo hạm đội 8 tàu ngầm hạt nhân. Thỏa thuận này được kỳ vọng tăng cường đáng kể sức mạnh hải quân cho Australia - một đồng minh thân cận của Mỹ ở Thái Bình Dương.
CÓ SỨC CHỐNG CHỊU
Cho rằng khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương phải đối mặt với những thách thức xuyên quốc gia to lớn, như biến đổi khí hậu, đại dịch Covid-19, khan hiếm tài nguyên, xung đột nội bộ..., Mỹ cho biết sẽ tăng cường khả năng chống chịu của khu vực đối với các mối đe dọa xuyên quốc gia trong thế kỷ 21 thông qua các nhiệm vụ cụ thể.
Trước hết là hợp tác với các đồng minh và đối tác nhằm xây dựng các mục tiêu, chiến lược, kế hoạch và chính sách tới năm 2030 và 2050, nhất quán với mục tiêu hạn chế sự ấm lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C. Cùng với đó, giảm thiểu khả năng dễ bị tổn thương của khu vực trước những tác động của biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường và chấm dứt đại dịch Covid-19, đồng thời củng cố an ninh y tế toàn cầu.
Trước đó, lập trường của Mỹ về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng được ông Biden nhiều lần nhấn mạnh. Tại thượng đỉnh các nhà lãnh đạo QUAD hồi tháng 9/2021, ông nói: "Tương lai của mỗi quốc gia chúng ta - và cả thế giới - phụ thuộc vào một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, có sức chống chịu và hưng thịnh trong các thập kỷ sắp tới".
“Chúng tôi mong muốn một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng mở, kết nối, thịnh vượng, có sức chống chịu và an ninh - và chúng tôi sẵn sàng hợp tác với mỗi người trong số các bạn để đạt được điều đó", ông phát biểu tại tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á ngày 27/10/2021.
Hoài Thu
VnEconomy
|