Cần những "quả đấm" để phục hồi kinh tế: Để TP HCM giữ vững vai trò "đầu tàu"
TP HCM có nhiều điểm nghẽn về cơ sở hạ tầng và mô hình kinh tế nhưng nếu biết cách tháo gỡ, dư địa để thành phố hồi phục nhanh sau dịch Covid-19 là rất lớn.
Gói chính sách tài khóa, tiền tệ lớn nhất trong lịch sử với quy mô lên tới 350.000 tỉ đồng trong 2 năm 2022-2023 để phục vụ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội đã được Quốc hội thông qua cuối năm 2021. Đây được coi là giải pháp rất quan trọng song không phải là tất cả.
Mở cửa, cải cách mạnh hơn nữa
Để phục hồi hoạt động sản xuất - kinh doanh, doanh nghiệp (DN) và người dân cần hỗ trợ lớn về dòng tiền bên cạnh các chính sách ưu đãi thuế, phí. Thế nhưng, dòng tiền chỉ phát huy sức mạnh khi nó được đưa vào sản xuất một cách thuận lợi và lưu thông, sử dụng trong một môi trường thông thoáng. Gói hỗ trợ tiền tệ, tài khóa lớn đến đâu mà thủ tục phức tạp, thời gian triển khai chậm khiến cộng đồng DN và người dân bỏ lỡ thời gian "vàng" hồi phục thì cũng không còn ý nghĩa.
Hiện nay, chỉ số xếp hạng về môi trường kinh doanh của Việt Nam chỉ ở mức trung bình trên thế giới và trong khu vực với vị trí khoảng thứ 70/140 quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia bảng xếp hạng. Mức độ cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh của Việt Nam tuy đáng ghi nhận trong vài năm gần đây song chưa thật sự xuất sắc. Do đó, để phục hồi và phát triển kinh tế trong và sau đại dịch Covid-19, trong tổng thể các giải pháp toàn diện về tiền tệ, tài khóa, chính sách vĩ mô..., việc xây dựng một môi trường đầu tư - kinh doanh lành mạnh, ít rào cản, ít phiền hà, ít chi phí là điều quan trọng hàng đầu.
Cùng với cải thiện chất lượng môi trường đầu tư - kinh doanh, Chính phủ và các địa phương cần nhất quán tư duy về việc mở cửa thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho DN, các thành phần kinh tế sớm quay trở lại và khôi phục hoạt động sản xuất - kinh doanh vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề trong nửa cuối năm 2021. Mở cửa thị trường ở đây không chỉ là xóa bỏ ngăn sông cấm chợ, hạn chế kinh doanh mà còn bao gồm cả mở cửa thị trường quốc tế, đặc biệt là nối lại các đường bay.
Bên cạnh đó, các bộ - ngành, địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động xúc tiến thương mại - đầu tư, quảng bá sản phẩm Việt Nam, hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của DN. Những việc này đã được không ít địa phương, đặc biệt là TP HCM, thực hiện khá tốt trong nhiều năm qua. Song, trong bối cảnh nền kinh tế đất nước, nhất là khu vực phía Nam, bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh bùng phát, việc này cần làm rốt ráo hơn nữa. Trong đó, các quỹ, các dự án hỗ trợ DN vừa và nhỏ, DN khởi nghiệp cần thể hiện vai trò rõ rệt hơn.
TP HCM cần triển khai nhiều giải pháp để giữ vững vai trò đầu tàu trong kinh tế vùng, khu vực và cả nước.Ảnh: HOÀNG TRIỀU
|
TP HCM: Hồi phục và lan tỏa
TP HCM đã trải qua năm 2021 vừa "đáng quên" nhưng cũng vừa "đáng nhớ" bởi phải chống chọi với dịch bệnh khốc liệt, nhiều người dân mãi mãi ra đi, nhiều DN đóng cửa, phá sản... Từ trong khó khăn, TP HCM đã thể hiện được bản lĩnh tiên phong, đi đầu khi nhanh chóng khống chế được dịch bệnh, tái lập cuộc sống bình thường, mở cửa kinh tế, khôi phục nhiều hoạt động quan trọng. Với sự quyết liệt, dũng cảm của bộ máy lãnh đạo, TP HCM đã "lành bệnh" và hồi sinh nhanh hơn chúng ta tưởng tượng ban đầu.
Trong thời gian tới, để tiếp tục duy trì trạng thái bình thường mới, tận dụng thời cơ hồi phục, phát triển kinh tế và giữ vững vị thế, vai trò đầu tàu kinh tế, TP HCM cần có những kế hoạch, chiến lược quyết liệt hơn nữa để khơi thông nguồn lực tại chỗ, tận dụng ưu đãi của Chính phủ... nhằm nối lại chuỗi cung ứng, tháo điểm nghẽn hạ tầng và cải cách thể chế hiệu quả. Chính phủ, các địa phương vẫn luôn kỳ vọng TP HCM không chỉ dừng ở việc tiên phong mở cửa, "sống chung" với dịch bệnh mà còn dẫn dắt công cuộc cải cách của quốc gia, lan tỏa những bài học kinh nghiệm quan trọng trong tiến trình vực dậy nền kinh tế từ dưới đáy.
Cụ thể, TP HCM cần dồn sức vào 3 nhiệm vụ quan trọng. Thứ nhất, đánh thức lại tiềm năng du lịch thông qua việc mở cửa, thu hút du khách song song với các kế hoạch kiểm soát dịch bệnh tốt nhất có thể.
Thứ 2, triển khai các dự án lớn, dự án trọng điểm, đặc biệt trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, để tạo hiệu ứng lan tỏa đến các ngành kinh tế cũng như tạo điều kiện thuận lợi về giao thương. Trong đó, đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công, huy động nguồn lực đầu tư tư nhân, đầu tư theo hình thức đối tác công tư. TP HCM đang có điểm nghẽn lớn về mặt hạ tầng nhưng đây cũng chính là dư địa để bứt phá phát triển nếu tìm được cách tháo gỡ.
Thứ 3, quyết liệt đẩy nhanh tiến độ xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại TP HCM trên cơ sở coi đây là động lực bứt phá mới và quan trọng.
Không thể phủ nhận thực tế trong vài năm trở lại đây, TP HCM tuy vẫn đóng vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước nhưng vị thế dần giảm sút. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này nhưng quan trọng nhất là bởi TP HCM đã dần mất đi lợi thế phát triển và mô hình kinh tế đã trở nên cũ kỹ.
Hướng phát triển mới cho TP HCM là hình thành một mô hình kinh tế với cơ cấu chọn lọc, đề cao giá trị gia tăng và tính kết nối vùng, khu vực, quốc tế. Thay vì TP HCM trở thành đại công trường và duy trì những ngành thâm dụng lao động với giá trị gia tăng thấp như dệt may, da giày..., cần chuyển đổi triệt để hơn nữa sang nền kinh tế tri thức, kinh tế số và những hoạt động tài chính cao cấp. Cùng với đó, cần xác định rõ phát triển kinh tế TP HCM không phải là biến thành phố thành một người khổng lồ đơn độc mà phải giải được bài toán liên kết vùng, khu vực. Trong đó, TP HCM đóng vai trò đầu tàu, dẫn dắt kinh tế toàn vùng cũng như cả đất nước.
TS VŨ TIẾN LỘC, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội
Người lao động
|