Còn động lực thúc đẩy tăng trưởng, gói hỗ trợ 350.000 tỷ cần thực thi nhanh
Theo TS. Cấn Văn Lực, Chính phủ cần sớm ban hành hai chương trình bao gồm phòng chống dịch trong bối cảnh mới, cập nhật Nghị quyết 128; và Chương trình hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế...
Sớm đưa chương trình vào thực tế
Theo TS. Cấn Văn Lực. chuyên gia kinh tế, năm vừa qua, dịch bệnh đã tác động ghê gớm đến mọi mặt kinh tế xã hội của Việt Nam mà chưa bao giờ có quý nào tăng trưởng kinh tế âm. Cho đến khi quy 4/2021, Chính phủ thay đổi chiến lược phòng chống dịch thì đã phục hồi tương đối tích cực và kéo theo cả năm được mức tăng trưởng 2,58%. Theo vị chuyên gia, đây là mức chấp nhận được trong bối cảnh dịch bệnh hết sức phức tạp, tuy nhiên, cũng là mức thấp nhất từ khi đất nước đổi mới đến nay. Chính vì vậy, Quốc hội và Chính phủ mới thấy rằng, phải có một chương trình để giúp nền kinh tế phục hồi tốt hơn, nhanh hơn và mạnh hơn. đồng thời không bị lỡ nhịp so với đà phục hồi của kinh tế thế giới, đặc biệt là tận dụng tốt cơ hội của quốc tế và trong nước mang lại.
Chính phủ và Quốc hội mong muốn với chương trình phục hồi lần này, cộng với việc làm tốt công tác phòng chống dịch sẽ giúp cho kinh tế Việt Nam trong năm 2022 tăng trưởng ít nhất đạt được ở mức từ 6- 6,5% (ảnh minh hoạ)
|
Quốc hội và Chính phủ đã thảo luận, lấy ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp, nhà khoa học rất kỹ và đây cũng là một kỉ lục trong thời lượng khoảng hai tháng, đã cọ sát và ra được một chương trình, cơ chế chính sách lớn nhất từ trước đến nay về hỗ trợ để phục hồi. Chương trình gồm 5 cấu phần rất quan trọng là: Giúp nâng cao năng lực ngành y tế bao gồm cả phòng chống dịch; An sinh xã hội; Phục hồi doanh nghiệp; Đầu tư cơ sở hạ tầng bổ sung ngoài kế hoạch đầu tư công; Và những hỗ trợ khác. Vậy tổng chính xác là 347.000 tỷ đồng, tương đương đâu đó khoảng 4,2% GDP.
“Con số trên là lớn hay nhỏ không cần bàn tới, vì mong đợi của doanh nghiệp, của giới chuyên gia, của người dân là muốn nó to hơn, như chúng tôi để xuất ban đầu là 450.000 tỷ đồng, nhưng tôi hiểu rằng, Quốc hội và Chính phủ đã phải cân đối đa chiều về năng lực, khả năng hấp thụ của nền kinh tế, về rủi ro có thể là hệ lụy xảy ra, thì cuối cùng chốt lại phương án gần 350.000 tỷ như vậy”, TS. Cấn Văn Lực giải thích.
Về kỳ vọng, TS. Cấn Văn Lực cho rằng Chính phủ và Quốc hội mong muốn với chương trình phục hồi lần này, cộng với việc làm tốt công tác phòng chống dịch, thực hiện song song chương trình kế hoạch khác, sẽ giúp cho kinh tế Việt Nam trong năm 2022 tăng trưởng ít nhất đạt được ở mức Quốc hội đề ra là từ 6- 6,5%. Nhưng nếu chúng ta thực thi tốt, cộng với phòng chống dịch tốt. thì có thể đạt mức tăng trưởng cao hơn một chút là 6,5 -7 %, bởi vì chúng ta đang so với một nền rất thấp của năm 2021 và vẫn còn động lực để thúc đẩy tăng trưởng trong năm nay, kể cả về phía cung về phía cầu.
“Tuy vậy, ngay lập tức bây giờ, Chính phủ trên cơ sở chính sách và tài khóa - tiền tệ của Quốc hội đã thông qua, thì phải sớm ban hành hai chương trình mà tôi kỳ vọng trong tháng này đó là: Chương trình phòng chống dịch trong bối cảnh mới, cập nhật Nghị quyết 128; và Chương trình về phục hồi phát triển kinh tế xã hội của hai năm 2022 - 2023 trên nền tảng về chính sách tài khóa tiền tệ mà Quốc hội đã thông qua. Đây là hai vế của một phương trình, phải làm tốt thì mới đảm bảo được mục tiêu đề ra.
Về lượng tiền bơm ra có tác động đến các yếu tố khác, chúng tôi đã giúp các cơ quan điều hành đánh giá toàn bộ tác động của chương trình này. Đối với tăng trưởng, lạm phát, nợ công, thâm hụt ngân sách, nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ trong hai năm tới thì thấy rằng, tất cả cũng vẫn trong ngưỡng an toàn. Còn về tăng trưởng, chúng tôi dự báo nếu chúng ta làm tốt, thì tăng trưởng có thể thêm ở mức khoảng 1,5 -2 điểm phần trăm một năm. Riêng về lạm phát thì đúng là có tăng, bởi vì năm vừa qua chúng ta lạm phát rất thấp, chỉ 1,84% bình quân, chúng tôi đang ước tính năm nay dự báo lạm phát sẽ gấp đôi là khoảng 3,5- 3,8%, cũng một phần là do dòng tiền của gói hỗ trợ này được đẩy ra”, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực phân tích.
Tăng cường đôn đốc, giám sát
Đồng tình với phân tích của TS. Cấn Văn Lực, ông Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công thương) cho rằng, với gói hỗ trợ này, lượng tiền mặt bơm ra chỉ một phần thôi, ví dụ như cho an sinh xã hội, hỗ trợ sinh viên, học sinh hay hỗ trợ người lao động, cùng với đó là hỗ trợ ở những dạng khác như về lãi suất. Cho nên trong gói 350.000 tỷ đồng, theo ước tính là không quá 1/3 lượng tiền mặt được bơm ra, để có thể gây ra lạm phát như nhiều ý kiến dự đóan.
Sự trông đợi của doanh nghiệp, người dân với cơ quan thực thi chính sách trong chương trình hỗ trợ phục hồi là rất lớn (ảnh minh hoạ)
|
“Trong chương trình này, tôi cũng có một số ý kiến như sau: Đây là gói hỗ trợ lớn nhất từ trước đến nay, tương đương khoảng 15 tỷ USD, được tung ra sau một loạt các gói trước đó, có quy mô lớn nhất với thời gian khá dài, ước tính khoảng hai năm để có thể đủ thời gian thực hiện. Lần này chúng ta thực hiện không tràn lan, mà tập trung vào 5 cấu phần chính và hy vọng sẽ làm tốt. Nhưng để làm tốt lại là một câu chuyện không dễ, vì việc giám sát nợ công, giám sát bội chi ngân sách phải hết sức chặt chẽ.
Tiền chúng ta lấy ra một phần từ tiết kiệm, một phần từ điều chỉnh lại ngân sách, nhưng cái quan trọng nhất vẫn phải là đi vay, vay nước ngoài và vay trong nước thông qua trái phiếu Chính phủ. Do đó, nếu thực hiện không hiệu quả thì tất cả không tạo ra năng lực mới, không tạo ra tài sản mới, mà cuối cùng sẽ chỉ tạo ra nợ xấu, bội chi không thể lấp đầy. Có thể chúng ta đang rất lạc quan, nhưng cũng phải hết sức thận trọng và chặt chẽ, để đảm bảo thực hiện đúng với số tiền khổng lồ như vậy”, ông Lê Quốc Phương khuyến nghị.
Chia sẻ về quan điểm của mình, ông Đào Huy Giám, Nguyên Trưởng đại diện Việt Nam tại WTO bày tỏ băn khoăn, về gói hỗ trợ lớn thì hơn chục năm nay đã có vài lần làm rồi, nhưng việc tung ra gói hỗ trợ đó dựa trên nền tảng của các kịch bản đã có trước, hay đến khi tình huống phát sinh về kinh tế xã hội mới đưa ra? Bên cạnh đó, trong quá trình đưa ra đề xuất về gói hỗ trợ, thì các khu vực tác nhân chính của nền kinh tế như giới chủ, là các doanh nghiệp và nghiệp đoàn là công đoàn được tham gia đến đâu, đặc biệt là tham gia có tính hệ thống đến đâu?
“Có tiền, có chương trình hỗ trợ phục hồi là rất quan trọng, nhưn khâu kiểm soát, đánh giá, đôn đốc cũng quan trọng không kém. Khi đi vào cụ thể, có một số ngành tôi thấy rất đáng lo như ngành vận tải, Logistics hình như vẫn được nhắc rất nhẹ, trong khi nó đóng một vai trò vô cùng to lớn trong nền kinh tế. Ví dụ một doanh nghiệp mà tôi biết có liên hệ với doanh nghiệp Logistics hàng tuần liền qua điện thoại, nhưng họ không nghe máy, không liên lạc được, làm cho công tác vận chuyển hàng hoá bị gián đoạn, đình trệ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của công ty. Từ đó để thấy, việc kiểm soát về logistics cũng có mối đe dọa rất lớn đến các hoạt động trong tương lai.
Hay cái cách chúng ta làm cũng quyết định rất lớn trong quá trình sắp tới, ví dụ cũng là đồng tiền để đưa vào hỗ trợ việc làm, nhưng hỗ trợ cho người không có việc làm nhận tiền mặt thì đó chỉ là hỗ trợ an sinh, mà cần hỗ trợ việc tuyển lao động có hợp đồng từ một năm trở lên, hoặc dài hạn và hỗ trợ cho đào tạo bao nhiêu,... Đó mới là những vấn đề rất đáng phải theo dõi trong quá trình triển khai sắp tới”, ông Đào Huy Giám nhấn mạnh.
Với phân tích, đánh giá của các chuyên gia đều nói lên rằng, sự trông đợi của doanh nghiệp, người dân với cơ quan thực thi chính sách là rất lớn. Đồng thời, các biện pháp đôn đốc, giám sát phải được thực hiện ngay từ đầu và có những cột mốc cụ thể để gói hỗ trợ đi vào đời sống xã hội một cách hiệu quả nhất, đúng như kỳ vọng của Quốc hội và Chính phủ đề ra.
Diễm Ngọc
Diễn Đàn Doanh Nghiệp
|