Thứ Sáu, 18/02/2022 09:33

Đột phá để phục hồi kinh tế

Đề án triển khai một trung tâm tài chính quốc tế ở TP HCM có thể xem là ý tưởng đột phá nhất cần được ủng hộ thời điểm này...

Ngày 17-2, Báo Người Lao Động đã tổ chức tọa đàm "Tạo đột phá để phát triển kinh tế cả nước và TP HCM" nhằm trao đổi, hiến kế giải pháp tạo đột phá trong phát triển kinh tế đất nước, đặc biệt là cú hích cho TP HCM tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu, là động lực phát triển kinh tế vùng, kinh tế của cả nước.

Thời cơ vàng để đẩy nhanh cải cách thể chế

Chia sẻ tại tọa đàm, TS Vũ Tiến Lộc - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam - nhận định cả nước đã bắt đầu có tâm thế hoàn toàn mới trong công cuộc chống đại dịch và phục hồi kinh tế. Trong hành trình này, TP HCM đã bước qua đau thương của dịch bệnh để tiên phong thực hiện. Do đó, sự hồi phục phát triển kinh tế của TP HCM là rất quan trọng bởi đó là động lực cho cả nước.

TS Vũ Tiến Lộc đưa ra 5 giải pháp quan trọng trong chương trình phục hồi và phát triển nền kinh tế và ví đó như 5 cánh sao trên ngôi sao hy vọng của nền kinh tế Việt Nam, có ý nghĩa dẫn dắt cả nước và TP HCM vượt lên đại dịch.

Thứ nhất, mở cửa theo nghĩa rộng nhất, đỉnh cao là mở cửa kinh tế quốc tế, mở lại đường bay quốc tế, không hạn chế về tần suất khai thác của các hãng hàng không miễn là có nhu cầu. Thứ hai, bảo đảm an sinh xã hội, chăm sóc và quan tâm đến đối tượng yếu thế trước biến động của kinh tế.

Đột phá để phục hồi kinh tế - Ảnh 1.

Các chuyên gia, khách mời trao đổi bên lề tọa đàm “Tạo đột phá để phát triển kinh tế cả nước và TP HCM”. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Thứ ba, duy trì sinh kế bằng cách thực hiện giải pháp hỗ trợ để doanh nghiệp (DN), HTX, hộ kinh doanh có động lực phục hồi nền kinh tế. Thứ tư, nâng cấp hạ tầng thông qua đẩy mạnh hàng loạt dự án đầu tư công để thúc đẩy phát triển tăng trưởng trong ngắn hạn, tạo đà cho phát triển dài hạn. Thứ năm là tăng cường thể chế. "Gói hỗ trợ quy mô 350.000 tỉ đồng chính là chất kích hoạt cho 5 giải pháp nêu trên. Điều quan trọng là phải thực hiện các giải pháp minh bạch, hiệu quả với tinh thần coi gói hỗ trợ tài khóa tiền tệ là biện pháp lớn nhất để tạo sự khởi đầu cho giai đoạn đột phá của nền kinh tế" - TS Vũ Tiến Lộc nói.

Còn theo TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, câu chuyện khá mới và nóng hiện nay là Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình và các địa phương cũng bắt tay vào thực hiện. Những ngày qua, Thủ tướng Chính phủ liên tục đốc thúc các bộ, ngành phải triển khai ngay.

TS Cấn Văn Lực cho rằng đây là chương trình rất quan trọng và phụ thuộc rất lớn vào quá trình thực thi. Và để đạt được những mục tiêu đề ra, Chính phủ nên ban hành Chương trình phòng chống dịch, cập nhật Nghị quyết 128, vì hiện tại các địa phương đang chờ đợi chương trình phòng chống dịch bài bản hơn, trong đó chú trọng nâng cao năng lực y tế. Bởi, rất nhiều bệnh viện công thiếu trang thiết bị y tế, kể cả thuốc cũng khan hiếm...

Thêm nữa, các bộ, ngành, địa phương triển khai Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị quyết 11 của Chính phủ, Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội 2022-2025 nhưng cần một vài cập nhật, điều chỉnh, sau khi Chính phủ đã chính thức ban hành Nghị quyết 11 vừa qua. "Đây là cơ hội vàng để đẩy nhanh cải cách thể chế, nhất là môi trường đầu tư, kinh doanh. Cơ hội rất tốt để thu hút đầu tư trong và ngoài nước, khi có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm tới Việt Nam những năm qua, vì vậy cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh là rất quan trọng" - TS Cấn Văn Lực nhìn nhận.

TP HCM chủ động, nỗ lực trở lại

TS Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cho hay chương trình phục hồi kinh tế ở TP HCM đã được xây dựng ngay trong thời điểm mỗi ngày có 5.000-7.000 ca bệnh và hàng trăm ca tử vong. Ngay khi tất cả đang đóng cửa "bế quan" thì thành phố đã lấy ý kiến chuyên gia để xây dựng chương trình khôi phục. "Điều này cho thấy TP HCM chưa bao giờ "tê liệt" trong 4 tháng liền. Lãnh đạo thành phố đã tính con đường mở cửa dù khó khăn đến mấy; tìm cách tạo sinh kế cho người dân bởi không có nhà nước nào nuôi nổi người dân trong một thời gian dài" - TS Trần Du Lịch nói.

Từ ngày 1-10-2021, Chính phủ đã chuyển hướng từ "Zero Covid" sang thích ứng, sống chung với dịch. Đây được coi là sự tiếp sức quan trọng cho TP HCM để tự tin xây dựng chương trình hồi phục này.

Quan điểm chung: TP HCM là nơi "đứt gãy" nặng nề nhất nên giải pháp cho thành phố phải mạnh hơn giải pháp chung thì mới đủ sức phục hồi. Cùng với đó, TP HCM không chỉ đặt vấn đề phục hồi nguyên trạng mà còn tận dụng thời cơ để tái cơ cấu, đột phá cao hơn.

Chia sẻ về những giải pháp khôi phục kinh tế thành phố, ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM, cho biết thời gian qua, thành phố đã triển khai nhiều giải pháp, tiến hành 3 gói hỗ trợ từ khi dịch bùng phát tới nay cho người dân, người lao động bị ảnh hưởng trực tiếp bởi Covid-19. Dù nguồn lực chưa đáp ứng hết nhu cầu của các đối tượng bị tác động của dịch nhưng phần nào giúp người lao động yên tâm. Đến nay, nhiều DN TP HCM đã phục hồi sản xuất - kinh doanh.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM, cho biết đẩy mạnh hỗ trợ DN cũng là một trong những giải pháp được ngành ngân hàng nói riêng và TP HCM đẩy mạnh triển khai trong năm nay. Thời gian tới, ngành ngân hàng sẽ tập trung hỗ trợ các DN vượt khó, phục hồi sản xuất theo Nghị quyết 11 của Chính phủ. "Trong khi chờ hướng dẫn cụ thể từ ngân hàng trung ương, trong năm nay, chúng tôi thực hiện kết nối ngân hàng - DN, phối hợp các sở, ngành tháo gỡ khó khăn cho DN, hỗ trợ DN nhỏ và vừa cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi suất... Đồng thời, tiếp tục cải cách hành chính với nội hàm là nâng cao chất lượng dịch vụ, đẩy mạnh hiệu quả, năng suất, chi phí đầu vào để trên cơ sở đó giảm lãi suất cho vay" - ông Nguyễn Đức Lệnh nói.

Trung tâm tài chính quốc tế vì lợi ích cả nước

Cũng theo ông Trần Anh Tuấn, TP HCM đang triển khai một trong những nội dung của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII là đưa thành phố thành trung tâm tài chính quốc tế của Việt Nam. Mới đây, Chủ tịch UBND TP HCM đã ký bản ghi nhớ với Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) để giúp thành phố nghiên cứu cụ thể hóa cơ chế chính sách để phát triển trung tâm tài chính. Mục đích của bản ghi nhớ là thu hút được những tập đoàn, nhà đầu tư có năng lực thật sự vào TP HCM...

PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đánh giá như TP HCM, việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế là cần thiết nhưng nhìn ở góc độ xin cơ chế đặc thù cho riêng thành phố là rất khó, nhiều khi các đại biểu Quốc hội cũng chưa nắm rõ nên cần nhấn mạnh đây là trung tâm tài chính quốc tế tầm quốc gia và việc có một trung tâm tài chính quốc tế tại TP HCM là vì mục tiêu phát triển, vì tương lai của cả nước. "Khi đó, mấu chốt là trung tâm tài chính này phải theo quy mô, thế hệ mới cho tương lai. Mô hình trung tâm tài chính quốc tế cũng cần phải cạnh tranh không chỉ vượt trội mà còn phải khác biệt, làm sao cạnh tranh được với khu vực và quốc tế, vài chục năm nữa cũng vẫn hiệu quả. Vì vậy, trung tâm tài chính quốc tế ở TP HCM phải có năng lực cạnh tranh quốc tế, khác biệt. Đây là điểm then chốt trong câu chuyện cạnh tranh của Việt Nam và quốc tế" - PGS-TS Trần Đình Thiên nói.

Góc nhìn của vị chuyên gia này là TP HCM phải làm đề xuất với tinh thần đây là đề án quốc gia, mong sự đồng thuận để nhìn về tương lai của kinh tế cả nước. "Tôi ủng hộ ý tưởng đột phá và trung tâm tài chính quốc tế của TP HCM; và thời điểm này, đó có thể được xem là một ý tưởng mang tính đột phá mạnh mẽ nhất nên cần được ủng hộ" - PGS-TS Trần Đình Thiên nêu quan điểm.

Cam kết rót hàng tỉ USD vào Việt Nam

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG), cho biết tập đoàn của ông làm việc từ năm 2016 đến nay và đã có kế hoạch, lộ trình về trung tâm tài chính Việt Nam đặt tại TP HCM và Đà Nẵng. "Đơn hàng" nghiên cứu đề án này cũng được đặt hàng và chuyển cho một đơn vị tư vấn của Mỹ xây dựng và nghiên cứu.

Nếu đề án được thông qua, theo những gì và phía nhà đầu tư Mỹ đã cam kết bước đầu, trước mắt họ sẽ đồng ý rót vốn khoảng 10 tỉ USD vào Việt Nam, trong đó 4 tỉ USD ở Đà Nẵng và 6 tỉ USDTP HCM để xây dựng trung tâm tài chính quốc tế.

THÁI PHƯƠNG

Người lao động

Các tin tức khác

>   Đến năm 2050, Việt Nam phấn đấu không còn hộ nghèo (17/02/2022)

>   Để trở lại cao tốc tăng trưởng (17/02/2022)

>   Triển khai quyết liệt nhiều giải pháp phục hồi kinh tế (16/02/2022)

>   Tháo "chốt chặn" hấp thụ gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng (16/02/2022)

>   Thủ tướng nhấn mạnh 8 nhóm nhiệm vụ để thúc đẩy kinh tế tập thể (15/02/2022)

>   Mỹ công bố Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mới, Việt Nam là đối tác hàng đầu khu vực (15/02/2022)

>   Giá xăng dầu tăng sẽ tác động mạnh tới tăng trưởng và áp lực lạm phát (14/02/2022)

>   HSBC tăng mức dự báo lạm phát năm 2022 của Việt Nam lên 3% (14/02/2022)

>   Chương trình phục hồi, phát triển KT-XH: Thủ tướng yêu cầu ''làm việc nào dứt điểm việc đó'' (14/02/2022)

>   9 Bộ “xắn tay” vào kiểm soát biến động giá cả, kiềm chế lạm phát (11/02/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật