Về cơ bản, dòng tiền rút ra trước kỳ nghỉ lễ đang dần trở lại, thanh khoản hệ thống ngân hàng cũng bớt căng thẳng...
Ghi nhận trên thị trường liên ngân hàng phiên hôm qua (15/2), Ngân hàng Nhà nước chào thầu 10.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 2,50%. Tuy nhiên, không có khối lượng trúng thầu.
Như vậy, đây là phiên đầu tiên sau kỳ nghĩ lễ, nhà điều hành không cần phải bơm tiền hỗ trợ hệ thống. Trái lại, trong phiên có 209,9 tỷ đồng đáo hạn nên giá trị các ngân hàng thương mại “vay nóng” đã giảm xuống còn 15.764,76 tỷ đồng.
Mặc dù về cơ bản thanh khoản hệ thống đã được cân bằng nhưng lãi suất VND liên ngân hàng vẫn neo cao. Đồng thời, đường cong lãi suất vẫn bị đảo ngược, lãi suất kỳ hạn ngắn cao hơn lãi suất kỳ hạn dài.
Cụ thể, chốt ngày 15/2, các mức lãi suất suất dừng tại: qua đêm 2,84%; 1 tuần 2,78%; 2 tuần 2,60% và 1 tháng 2,62%.
Với các diễn biến như trên, sẽ có quan điểm cho rằng: Tại sao các ngân hàng phải tự giao dịch với nhau với mức lãi suất 2,60% cho kỳ hạn 2 tuần, trong khi có thể sử dụng kênh hỗ trợ từ phía nhà điều hành với lãi suất chỉ 2,50% cho kỳ hạn tương ứng để tiết kiệm chi phí?
Lý giải điều này, giới chuyên môn cho biết, một số thành viên có thể rất hạn chế về sở hữu giấy tờ có giá để tiếp cận nguồn vốn trên OMO để có lãi suất chỉ 2,50%, nên họ buộc phải vay nóng trên liên ngân hàng với lãi suất cao hơn nhiều thời điểm vừa qua.
Nhìn chung, dòng tiền rút ra trước kỳ nghỉ lễ đang dần trở lại hệ thống. Theo đó, lãi suất liên ngân hàng được kỳ vọng sớm hạ nhiệt và đường cong lãi suất sẽ quay về trạng thái bình thường. Tuy nhiên, thời “tiền rẻ” có lẽ đã không còn trên thị trường liên ngân hàng với những mức lãi suất dưới 1%/năm như trước nữa.
Các thành viên của Hội Nghiên cứu Thị trường liên ngân hàng Việt Nam (VIRA) đưa ra dự báo, lãi suất VND kỳ hạn 1 tuần trên thị trường liên ngân hàng sẽ hạ từ từ và dừng ở mức 1,8%/năm trong tháng 2/2022.
Dự báo của VIRA về thị trường liên ngân hàng trong tháng 02/2022
|