Thứ Ba, 15/02/2022 08:15

Kế hoạch sử dụng dòng vốn mới tỷ đô của VPBank

Một bản kế hoạch phát triển chiến lược cho VPBank trong 5 năm, giai đoạn 2022 – 2026 dự kiến sẽ được trình tại ĐHCĐ diễn ra vào tháng 4 này. Với nguồn vốn đang được gia tăng hết sức mạnh mẽ, mối quan tâm lớn nhất của ban lãnh đạo VPBank hiện nay là tìm kiếm những động lực tăng trưởng mới, duy trì vị thế dẫn đầu của ngân hàng.

Trong buổi gặp gỡ nhà đầu tư để chia sẻ về định hướng kinh doanh của VPBank tuần trước, Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Vinh nhiều lần nhấn mạnh rằng 2022 sẽ là năm rất đặc biệt với ngân hàng, là nền tảng để định hình các chiến lược phát triển VPBank trong 5 năm tới.

Chia sẻ của ông Vinh đến sau một năm 2021 gặt hái nhiều thành tích ấn tượng của VPBank. Bất chấp việc phải chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19, kết quả kinh doanh của VPBank vẫn hết sức ấn tượng. Lợi nhuận ngân hàng mẹ trong năm 2021 đạt xấp xỉ 38 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 4 lần so với năm 2020.

Đóng góp lớn vào lợi nhuận đột biến của VPBank trong năm qua đến từ số tiền thu sau thương vụ bán 49% cổ phần công ty con FE Credit cho đối tác Nhật Bản SMBC. Báo cáo tài chính quý 4 của VPBank đã ghi nhận số tiền ngân hàng thu về trong thương vụ M&A lớn nhất lịch sử ngành tài chính Việt Nam là trên 20 nghìn tỷ đồng.

Khoản tiền lớn thu về còn góp phần giúp tổng tài sản hợp nhất của VPBank tăng vọt 30.7% trong năm 2021 lên xấp xỉ 550 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, vốn chủ sở hữu của VPBank đã tăng lên gần 90 nghìn tỷ đồng, bỏ xa nhiều ngân hàng trong nhóm TMCP tư nhân và vươn lên top đầu toàn ngành ngân hàng.

Thương vụ bán vốn của FE Credit như một sự khẳng định cho sự thành công của VPBank trong chiến lược đầu tư và phát triển ngân hàng những năm qua. Tuy nhiên, sau niềm vui từ thương vụ bán vốn thành công, ban lãnh đạo ngân hàng cũng phải đối mặt với áp lực làm sao để tận dụng hiệu quả nguồn vốn mới.

Với hơn 20 nghìn tỷ đồng thu về từ thương vụ bán vốn FE Credit, hệ số an toàn vốn của VPBank theo chuẩn Basel II đã tăng lên gần 14.3%, cao hơn rất nhiều so với mức 11.7%. Hệ số an toàn vốn cao đảm bảo cho ngân hàng hoạt động ổn định. Mặc dù vậy, hệ số quá cao cũng đồng thời cho thấy hiệu quả hoạt động của ngân hàng chưa tối ưu. Chỉ số lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của VPBank trong năm 2021 đã giảm xuống còn 16.9%, so với mức bình quân trên 21% trong 5 năm gần đây.

Bài toán trên càng trở nên phức tạp khi nguồn vốn của VPBank dự kiến tiếp tục tăng trưởng dồi dào hơn nữa sau khi kế hoạch chào bán phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho đối tác chiến lược nước ngoài hoàn tất ngay trong nửa đầu năm 2022.

“Kế hoạch kinh doanh của VPBank năm 2022 và những năm tới rất thách thức và rất tham vọng, đặc biệt khi xác định mục tiêu trở thành ngân hàng dẫn đầu thị trường. Sau những kết quả thu về, chúng tôi đang tìm kiếm, xác định, đánh giá lại các bài toán của ngân hàng để tìm kiếm động lực tăng trưởng mới. Đây là thách thức và cũng là mối quan tâm lớn nhất của ban lãnh đạo VPBank hiện nay”, ông Nguyễn Đức Vinh chia sẻ.

Trong 1 thập kỷ qua, VPBank đã bứt phá thần tốc vào nhóm các ngân hàng dẫn đầu nhờ vào chiến lược trọng tâm đi vào phân khúc vay rủi ro cao. Chiến lược này, theo lãnh đạo của VPBank, sẽ vẫn đóng vai trò chủ chốt trong gian đoạn tới. Mục tiêu đặt ra là phải đảm bảo đà tăng trưởng của VPBank cao hơn nhiều so với trung bình ngành, có như vậy mới duy trì được vị thế dẫn đầu của ngân hàng.

Bước đi đầu tiên của VPBank đã diễn ra hồi đầu tháng 1 vừa qua, khi ngân hàng mua lại công ty chứng khoán ASC. Cách đây 5 năm, VPBank đã quyết định thoái vốn khỏi mảng chứng khoán khi thời điểm đó, nguồn vốn của ngân hàng không nhiều và cần tập trung cho nhiều mảng kinh doanh khác. Tuy nhiên, hiện nay, vốn của VPBank rất dồi dào, cho phép ngân hàng có thể quay trở lại tìm kiếm cơ hội.

Tương tự, Tổng Giám đốc VPBank đánh giá nhiều lĩnh vực khác như ngân hàng đầu tư, phát triển hệ sinh thái đầu tư, cơ hội M&A các công ty công nghệ… cũng có thể là hướng đi mang lại kết quả tốt, thu nhập ổn định.

Song song với đó, dòng vốn mới vẫn sẽ được dùng để phát triển các mảng thế mạnh sẵn có của ngân hàng như cho vay khách hàng cá nhân, cho vay tiêu dùng, chi tiêu qua thẻ… Mảng khách hàng doanh nghiệp, VPBank vẫn sẽ tập trung vào nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây đều là những phân khúc được ban lãnh đạo ngân hàng đánh giá có tiềm năng tăng trưởng gấp nhiều lần trong vòng 5 năm tới.

“Một bản kế hoạch phát triển chiến lược cho VPBank trong 5 năm, giai đoạn 2022 – 2026 dự kiến sẽ được trình tại ĐHCĐ diễn ra vào tháng 4 này. Với nguồn vốn đang được gia tăng hết sức mạnh mẽ, VPBank tự tin vẫn sẽ đảm bảo được hiệu quả sinh lời cao cho các cổ đông. Trong ngắn hạn, ROE của ngân hàng có thể giảm xuống 15%, nhưng trong dài hạn, chúng tôi tự tin tỷ suất sinh lời vẫn sẽ trên 20%”, ông Vinh cho biết.

FILI

Các tin tức khác

>   ĐHĐCĐ 2021 Eximbank lần 2: Bầu được nhân sự nhưng nhiều vấn đề khác không được thông qua (15/02/2022)

>   Thu nhập ngoài lãi sẽ tạo động lực chính cho MSB tăng trưởng trong năm 2022 (14/02/2022)

>   Doanh nghiệp có hưởng lãi vay thấp như mong đợi? (14/02/2022)

>   Nên đầu tư vào đâu khi lạm phát tăng trong năm 2022? (13/02/2022)

>   19 văn bản pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng hết hiệu lực toàn bộ (12/02/2022)

>   Giá USD suy yếu (11/02/2022)

>   Doanh nghiệp được miễn phí chi lương trực tuyến trọn đời cùng Gói dịch vụ chi trả lương của SHB (11/02/2022)

>   Mảng bán lẻ thuộc top đầu ngành, VIB tiếp tục bứt phá với nền tảng số hóa hiện đại (11/02/2022)

>   Chủ tịch ngân hàng lớn nhất Việt Nam muốn gì trước khi cổ phần hóa? (10/02/2022)

>   Lãi suất qua đêm bất ngờ vọt thẳng đứng (10/02/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật