Thứ Năm, 17/02/2022 15:29

Người Mỹ chi tiêu mạnh tay trong tháng 1, doanh số bán lẻ tăng 3.8%

Người dân Mỹ chi mạnh tay hơn trong tháng đầu năm khi đợt bùng phát biến chủng Omicron bắt đầu suy yếu và lạm phát tăng mạnh nhất trong 40 năm.

Trong tháng 1/2022, doanh số bán lẻ – thước đo chi tiêu tại cửa hàng, trực tuyến và nhà hàng – tăng 3.8% so với tháng trước đó, Bộ Thương mại Mỹ cho biết trong ngày 16/02.

Con số này đánh dấu tháng tăng mạnh nhất về chi tiêu bán lẻ kể từ tháng 3/2021 – thời điểm các gói hỗ trợ bắt đầu được phân phối cho người dân Mỹ. Đà tăng này còn phát đi tín hiệu rằng nền kinh tế Mỹ khởi đầu năm 2022 với lượng việc làm dồi dào, mức tăng tiền lương lớn và người tiêu dùng có nhiều tiền mặt để chi tiêu, bất chấp đà tăng của lạm phát. Các doanh nghiệp đang tạo ra việc làm một cách nhanh chóng trong tháng 1/2022 và tỷ lệ thất nghiệp ở mức 4%. Tỷ lệ sa thải cũng ở mức thấp trong bối cảnh thiếu lao động.

“Nếu xem xét vị thế tài chính của người tiêu dùng và tình hình thị trường lao động, bạn hẳn sẽ đánh giá: Nhìn chung mọi thứ đang khá tốt”, Joshua Shapiro, Chuyên gia kinh tế tại công ty tư vấn Maria Fiorini Ramirez, nhận định.

Tháng trước, các quan chức Fed bàn luận về việc đẩy nhanh quá trình nâng lãi suất – dự kiến bắt đầu từ tháng 3/2022 – giữa lúc lạm phát tăng mạnh. Biên bản họp tháng 1/2022 của Fed cho thấy các quan chức cũng đang xem xét thu hẹp bảng cân đối kế toán 9,000 tỷ USD trong năm nay. Đây cũng là một cách để Fed thắt chặt điều kiện tài chính để hạ nhiệt lạm phát.

Diane Swonk, Chuyên gia kinh tế trưởng tại Grant Thornton, cho biết số liệu doanh số bán lẻ cho thấy “đà tăng trưởng đang mạnh dần” khi các gián đoạn chuỗi cung ứng suy giảm. “Điểm mấu chốt là các yếu tố đều phù hợp để Fed nâng lãi suất”, bà nói thêm.

Không như các báo cáo dữ liệu kinh tế khác của Mỹ, doanh số bán lẻ không được điều chỉnh lạm phát. Điều này có nghĩa doanh số bán lẻ cao hơn có thể phản ánh mức giá cao hơn thay vì khối lượng mua nhiều hơn.

Chính phủ Mỹ không ước tính tác động của lạm phát trong báo cáo về chi tiêu bán lẻ, nhưng các chuyên gia kinh tế cho rằng lạm phát tác động mạnh tới giá trị chi tiêu trong những tháng gần đây và lạm phát đang bào mòn sức mua của người tiêu dùng.

Craig Johnson, Chủ tịch của Customer Growth Partners, ước tính trong năm 2021, khoảng 1/3 mức tăng của doanh số bán lẻ đến từ lạm phát. Ông nghĩ rằng con số này sẽ tăng lên 60% trong năm 2022.

Mức tăng chi tiêu diễn ra trên diện rộng trong tháng 1/2022, với các khoản mua xe hơi, nội thất và vật liệu xây dựng đều tăng. Doanh số trực tuyến cũng tăng mạnh. Hóa đơn thanh toán tại nhà hàng và quán bar giảm trong tháng trước khi người tiêu dùng hạn chế các dịch vụ trực tiếp trong đợt bùng phát dịch gần nhất.

Chi tiêu bán lẻ cũng trồi sụt trong vài tháng gần đây khi người tiêu dùng đối mặt với lạm phát ngày càng cao và gián đoạn chuỗi cung ứng, dù rằng tình hình tài chính của hộ gia đình vẫn tương đối ổn.

Drew O’Shanick cho biết phần lương tăng thêm trong 1 năm qua giúp anh có thể chi tiêu nhiều hơn và có khả năng chịu đựng trước đà tăng của giá cả.

Ông gần đây đã chuyển nhà và có thể trang hoàng căn hộ mới bằng các nội thất cao cấp hơn. “Tôi đang cố chi nhiều hơn cho các hàng hóa chất lượng cao hơn”, O'Shanick nói, đồng thời cho biết thêm ông cũng chú ý tới đà tăng giá của các mặt hàng sử dụng hàng ngày như hàng tạp hóa.

Vũ Hạo (Theo WSJ)

FILI

Các tin tức khác

>   Charlie Munger: Lạm phát nguy hiểm chỉ sau “chiến tranh hạt nhân” (17/02/2022)

>   Singapore, Hàn Quốc, Indonesia ghi nhận ca nhiễm Covid-19 kỷ lục do biến thể Omicron (17/02/2022)

>   Fed sẵn sàng nâng lãi suất nhanh hơn dự kiến nếu lạm phát cao kéo dài (17/02/2022)

>   Thị trường nhà đất toàn cầu đang lo lắng về các đợt tăng lãi suất (17/02/2022)

>   Giới chức Ngân hàng Trung ương châu Âu lo ngại lạm phát tăng phi mã (17/02/2022)

>   Indonesia chi gần 46 tỷ USD cho chương trình phục hồi kinh tế (17/02/2022)

>   Thái Lan đổi tên thủ đô Bangkok thành Krung Thep Maha Nakhon (17/02/2022)

>   Hành trình “thất sủng” của các thương hiệu phương Tây ở Trung Quốc (16/02/2022)

>   Lạm phát Anh tăng lên 5.5%, cao nhất trong 30 năm (16/02/2022)

>   Lạm phát của Trung Quốc hạ nhiệt (16/02/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật