Thứ Sáu, 18/02/2022 10:41

Mỹ thêm WeChat và AliExpress vào danh sách "thị trường khét tiếng" về hàng giả, hàng nhái

Hàng hóa vận chuyển trực tiếp từ Trung Quốc hoặc qua Hồng Kông chiếm 79% tổng số lượng hàng giả bị thu giữ tại hải quan Mỹ và chiếm 83% tổng giá trị...

Hàng giả bị hải quan Mỹ thu giữ được trưng bày tại Cơ sở Kiểm tra Liên bang về Vận tải Hàng không gần Sân bay Quốc tế Los Angeles vào ngày 4/2/2022 - Ảnh: Getty Images / AFP

Theo SCMP, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) ngày 17/2 đã đưa thêm 6 nền tảng bán hàng trực tuyến và 9 chợ bán lẻ của Trung Quốc vào danh sách “thị trường khét tiếng” về hàng giả, vi phạm luật nhãn hiệu và bản quyền của Mỹ.

Cụ thể, báo cáo “Đánh giá thị trường khét tiếng về hàng giả và vi phạm bản quyền” của USTR có thêm những nền tảng bán hàng trực tuyến lần đầu xuất hiện gồm AliExpress và WeChat. Danh sách này còn có những cái tên lâu năm như Baidu Wangpan, DHGate, Pinduoduo và Taobao.

Báo cáo nói rằng WeChat – có tên Weixin ở Trung Quốc và có 1,2 tỷ người dùng trên toàn cầu tính tới năm 2021 – ngày càng trở thành một nguồn thuận tiện để mua hàng nhái thông qua các đường liên kết “liền mạch” giữa mạng xã hội và các trang thương mại điện tử bán hàng giả, bao gồm các tính năng như “Khoảnh khắc”, “Chương trình nhỏ”.

"AliExpress và Taobao hiện sở hữu một số công cụ chống hàng giả tốt nhất trong ngành nhưng bản thân họ lại đang tiếp thị nhiều hơn cho hàng giả. Hơn nữa, các báo cáo cho thấy việc loại bỏ người bán hàng giả trên các nền tảng này ngày càng khó khăn hơn", USTR cho biết trong báo cáo.

Trong số các nền tảng trực tuyến khác của Trung Quốc, dịch vụ lưu trữ đám mây Baidu Wangpan được cho là đã chia sẻ rộng rãi các bộ phim vi phạm bản quyền và kể cả khi bị xóa, chúng vẫn nhanh chóng xuất hiện trở lại.

USTR cũng đưa một số chợ truyền thống của Trung Quốc vào danh sách trên, bao gồm Trung tâm Mua sắm Quà tặng & Quần áo Xinyang Châu Á - Thái Bình Dương ở Thượng Hải; Quận Chenghai ở Sán Đầu (Quảng Đông); Trung tâm mua sắm điện tử Huaqiangbei ở Thâm Quyến; Chợ bán buôn hàng may mặc Kindo và Zhanxi ở Quảng Châu; và Chợ Tơ lụa ở Bắc Kinh.

Theo báo cáo của USTR, nạn hàng giả toàn cầu gây thiệt hại cho nền kinh tế Mỹ khoảng 29,2 tỷ USD mỗi năm và Trung Quốc là nhà sản xuất hàng giả lớn nhất thế giới.

“Hoạt động buôn bán hàng giả và hàng nhái trên toàn cầu làm suy yếu sự đổi mới và sáng tạo quan trọng của Mỹ và gây hại cho người lao động Mỹ. Hoạt động buôn bán bất hợp pháp này cũng làm tăng sự dễ tổn thương của người lao động khi tham gia vào sản xuất hàng giả”.

Báo cáo trên cho biết rất khó để xác định lao động trẻ em và các cơ sở vi phạm trong chuỗi cung ứng của các công ty đa quốc gia danh tiếng, chưa nói đến những công ty sản xuất hàng nhái.

“Các cơ sở này biết hoạt động của họ là bất hợp pháp, do đó có biện pháp để tránh bị phát hiện”, báo cáo viết và dẫn ví dụ về một số khẩu trang và dụng cụ bảo hộ Covid-19 khác tại Trung Quốc được sản xuất trong “điều kiện không sạch sẽ, bao gồm cả ở những cửa hàng vi phạm pháp luật từng được dùng để sản xuất các loại hàng giả khác”.

Dẫn một nghiên cứu của Tổ chức Hải quan Thế giới và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, báo cáo chỉ ra rằng “thế giới đen tối” của hàng giả có mối tương quan chặt chẽ với việc sử dụng lao động cưỡng bức và bóc lột trẻ em.

Theo báo cáo dài 56 trang này, hàng may mặc, đồ điện tử, giày dép và phụ kiện thời trang đứng đầu danh sách hàng giả bị Hải quan Mỹ thu giữ, trong đó chủ yếu là hàng hóa xuất xứ từ Trung Quốc. Hàng hóa vận chuyển trực tiếp từ Trung Quốc hoặc qua Hồng Kông chiếm 79% tổng số lượng hàng giả bị thu giữ tại hải quan Mỹ và chiếm 83% tổng giá trị.

Báo cáo này, một phần của Báo cáo 301 đặc biệt được lập hàng năm của USTR - giám sát việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trên toàn cầu, được tách riêng từ năm 2010 để chỉ rõ những doanh nghiệp nước ngoài vi phạm.

“Báo cáo này là một công cụ quan trọng để xác định những doanh nghiệp xấu. Nó cũng cho thấy các công ty và tổ chức đã đầu tư vào sự minh bạch và trách nhiệm giải trình của chuỗi cung ứng”, Nicole Bivens Collinson, giám đốc thương mại quốc tế tại hãng luật Sandler, Travis & Rosenberg.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng Mỹ cũng cần hành động mạnh mẽ hơn nữa để đảm bảo tuân thủ pháp luật ở trong nước, bao gồm kiểm soát chặt chẽ hơn với các nhà bán lẻ Mỹ và kiểm soát dữ liệu về hàng nhái tốt hơn.

Nạn hàng giả toàn cầu gây thiệt hại cho nền kinh tế Mỹ khoảng 29,2 tỷ USD mỗi năm và Trung Quốc là nhà sản xuất hàng giả lớn nhất thế giới - Ảnh: AP

“Báo cáo của USTR không chỉ ra chúng ta đang làm gì để giải quyết các vấn đề này, Amazon đang làm gì”, Mark Cohen, giám đốc trung tâm luật và công nghệ thuộc Đại học California, Berkeley, nói. “Tôi vẫn cho rằng Mỹ hầu như chỉ là nạn nhân, nhưng một số nơi đang ngày càng hời hợt”.

Dù tập trung đặc biệt vào Trung Quốc, báo cáo của USTR cũng nêu chi tiết về những vi phạm tại hàng chục quốc gia từ Canada cho tới Campuchia, Ấn Độ cho tới Indonesia và Brazil cho tới Bulgaria. Báo cáo này nêu tên 42 nền tảng bán hàng trực tuyến và 35 chợ truyền thống trên toàn cầu, nhưng cũng nhấn mạnh rằng vấn đề quá lớn nên chưa thể có bức tranh toàn diện.

Một vấn đề khác là USTR chủ yếu phụ thuộc vào lượng hàng hóa bị Hải quan Mỹ bắt giữ để theo dõi tình trạng vi phạm. Theo ông Cohen, hàng hóa bị bắt giữ chủ yếu do áp lực từ các nhóm ngành công nghiệp. Tuy nhiên, có nhiều ngành không có động thái gây áp lực như vậy với Hải quan, do đó, danh sách trên chưa không mang lại cái nhìn toàn cảnh.

Trang Linh

VnEconomy

Các tin tức khác

>   Kế hoạch 'dời đô' của Thái Lan hứa hẹn, nhưng khó thực hiện (18/02/2022)

>   Người Mỹ chi tiêu mạnh tay trong tháng 1, doanh số bán lẻ tăng 3.8% (17/02/2022)

>   Charlie Munger: Lạm phát nguy hiểm chỉ sau “chiến tranh hạt nhân” (17/02/2022)

>   Singapore, Hàn Quốc, Indonesia ghi nhận ca nhiễm Covid-19 kỷ lục do biến thể Omicron (17/02/2022)

>   Fed sẵn sàng nâng lãi suất nhanh hơn dự kiến nếu lạm phát cao kéo dài (17/02/2022)

>   Thị trường nhà đất toàn cầu đang lo lắng về các đợt tăng lãi suất (17/02/2022)

>   Giới chức Ngân hàng Trung ương châu Âu lo ngại lạm phát tăng phi mã (17/02/2022)

>   Indonesia chi gần 46 tỷ USD cho chương trình phục hồi kinh tế (17/02/2022)

>   Thái Lan đổi tên thủ đô Bangkok thành Krung Thep Maha Nakhon (17/02/2022)

>   Hành trình “thất sủng” của các thương hiệu phương Tây ở Trung Quốc (16/02/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật