Bài cập nhật
Góc nhìn 09/02: Mở rộng thêm nhịp hồi phục?
Một số CTCK dự báo VN-Index vẫn đang có cơ hội mở rộng thêm nhịp hồi phục trước khi chịu áp lực điều chỉnh rõ nét hơn tại vùng kháng cự 151x.
VN-Index có thể sẽ kiểm định lại ngưỡng 1,512 điểm?
CTCK Yuanta Việt Nam: Thị trường duy trì nhịp hồi phục nhưng giằng co mạnh trong phiên trong bối cảnh thanh khoản có cải thiện nhưng vẫn dưới trung bình 20 phiên. Chỉ số VN-Index tăng 0.22% dừng tại 1500.99 điểm, Upcom-Index tăng 0.7% trong khi HNX-Index ngược chiều giảm 0.34%. Giá trị giao dịch khớp cải thiện khi đạt 23,806 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Nhóm bluechips có sự phân hóa trở với dòng tiền tập trung chủ yếu ở nhóm cổ phiếu Ngân hàng và Thép với ACB (+3%), VPB (+2.8%), VPB (+2.8%), MSB (+1.6%), HPG (+5.7%) là những mã tăng giá với khối lượng dẫn đầu toàn sàn HOSE. Ngược lại, VIC (-4.3%) tiếp tục giảm mạnh phiên thứ 2 liên tiếp trong khi VNM (-1.8%) cũng ghi nhận phiên giảm giá trở lại.
Nhóm cổ phiếu Bất động sản, Xây dựng tiếp tục yếu hơn thị trường chung với DIG, CEO, CII, HBC giảm hết biên độ. Ngược lại, nhóm Thủy sản (CMX, VHC), Thép (HPG, HSG, NKG) tiếp tục hồi phục mạnh.
Khối ngoại quay lại bán ròng sau 5 phiên mua ròng liên tiếp với hơn 323 tỷ trong đó VIC (290 tỷ), VNM (50 tỷ), HPG (49 tỷ) dẫn đầu ở chiều bán ròng. Ở chiều ngược lại, họ mua ròng chủ yếu tại KBC (64 tỷ), DXG (50 tỷ), CTG (32 tỷ).
Yuanta cho rằng thị trường có thể sẽ duy trì đà tăng và chỉ số VN-Index có thể sẽ kiểm định lại ngưỡng 1,512 điểm trong phiên giao dịch kế tiếp. Đồng thời, thị trường có dấu hiệu bước vào giai đoạn tích lũy ngắn hạn cho nên Yuanta đánh giá dòng tiền sẽ tiếp tục phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu, nhưng điểm tích cực là dòng tiền có xu hướng dịch chuyển vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục tăng mạnh cho thấy cơ hội ngắn hạn tiếp tục gia tăng.
Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức TRUNG TÍNH. Do đó, Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục tăng dần tỷ trọng cổ phiếu lên mức 35-40% danh mục.
Có thể giải ngân ở nhóm cổ phiếu đang dẫn dắt thị trường như thép, ngân hàng
CTCK Agribank (Agriseco): Về phân tích kỹ thuật, các chỉ báo động lượng MACD, RSI đang thể hiện tích cực khi MACD histogram vượt đường 0 và RSI vượt ngưỡng 50. Trong các phiên sắp tới, nhiều khả năng dòng tiền sẽ tiếp tục hướng tới các mã blue-chip do đây vẫn đang là tâm điểm thu hút dòng tiền những phiên gần đây và điều này có thể hỗ trợ chỉ số tăng điểm nhẹ. Nhà đầu tư có thể tìm cơ hội giải ngân ở nhóm các cổ phiếu tiềm năng tại các nhóm ngành đang dẫn dắt thị trường như nhóm ngành ngân hàng, khu công nghiệp, thép và thuỷ sản tại mức giá hợp lý.
Sự giằng co có thể sẽ diễn ra?
CTCK ASEAN (ASEANSC): Về kỹ thuật, đồ thị ngày VN-Index xuất hiện cây nến ‘Spinning top’ thứ 2 tại vùng kháng cự 1,505 – 1,510 điểm, và ‘Gap up’ tại vùng 1,485 – 1,490 điểm vẫn chưa được lấp, là các tín hiệu khá tiêu cực. Điều này cho thấy thị trường đang khó khăn trong việc thiết lập đà tăng, và rủi ro điều chỉnh vẫn còn hiện hữu. Điểm tích cực là thanh khoản cải thiện, và giá đóng cửa vẫn nằm trên đường trung bình động 20 ngày (MA20 ngày). Do đó, ASEANSC cho rằng, trong kịch bản tiêu cực, VN-Index có thể kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1,495 – 1,500 điểm, vùng hỗ trợ tiếp theo dự báo ở mức 1,485 – 1,490 điểm. Trong kịch bản tích cực, vùng kháng cự gần của VN-Index dự báo ở mức 1,505 – 1,510 điểm, vùng kháng cự tiếp theo dự báo ở mức 1,515 – 1,520 điểm. Trong đó, vùng hỗ trợ là vùng có thể xuất hiện lực cầu giúp chỉ số phục hồi trở lại, và vùng kháng cự là vùng có thể xuất hiện lực bán khiến chỉ số giảm trở lại.
Thị trường phiên 8/2 ghi nhận phiên tăng điểm thứ 3 liên tiếp, dưới sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu ngân hàng và thép, trong bối cảnh thanh khoản tăng khá nhưng vẫn thấp hơn trung bình 20 phiên. ASEANSC đánh giá sự trở lại của nhóm cổ phiếu ngân hàng và thép được xem là tín hiệu khá tích cực cho thị trường, trong bối cảnh dòng tiền suy yếu tại nhóm cổ phiếu bất động sản và xây dựng. Dự báo trong phiên giao dịch tới, sự giằng co có thể sẽ diễn ra giữa lực mua tại vùng hỗ trợ 1,495 – 1,500 điểm và lực bán tại vùng kháng cự 1,505 – 1,510 điểm, trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày.
Thị trường đang ở trạng thái khả quan
CTCK Mirae Asset: Tuy là phiên giao dịch tăng nhẹ, tuy nhiên số mã tăng điểm vẫn áp đảo số mã giảm giá (282 và 169). Nhóm Phân bón, Dệt may có phiên giao dịch tăng điểm vượt trội thị trường. Tuy nhiên, điểm sang lớn nhất trong ngày thuộc về 2 nhóm Thủy sản và Thép với hàng loạt cổ phiếu tăng trần như ANV, CMX, IDI, VHC, HSG, NKG, POM, SMC. Trong khi đó, Bất động sản tiếp tục chứng kiến CEO, DIG, DRH và HDC giảm sàn và VIC tiếp tục bị bán mạnh phiên thứ 2 liên tiếp. Khối ngoại phiên 8/2 bán ròng với giá trị gần 320 tỷ đồng, trong đó VIC bị bán mạnh nhất với giá trị 290 tỷ đồng. Tiếp tục là phiên tăng điểm và điểm số kỹ thuật quay về ngưỡng cao nhất. Hiện điểm số kỹ thuật theo thang điểm của Mirae Asset đã quay về mức +7, thể hiện trạng thái KHẢ QUAN trong ngắn hạn. Kết thúc phiên giao dịch 8/2, hệ số P/E của VN-Index là 17,0x.
Quan tâm nhóm cổ phiếu hưởng lợi phục hồi do kinh tế mở cửa lại
CTCK Đông Á (DAS): Chỉ số VN-Index vẫn giữ được mức tăng điểm trong phần lớn thời gian trong phiên giao dịch 08/02, nhưng các nhóm cổ phiếu có sự phân hóa mạnh với nhóm cổ phiếu bất động sản giảm điểm do tăng trưởng lợi nhuận 2021 chưa theo kịp mức tăng giá cổ phiếu thời gian qua, ở chiều ngược lại là cổ phiếu thép có lợi nhuận kinh doanh 2021 khá ấn tượng nên giá cổ phiếu phục hồi mạnh sau nhịp giảm sâu trước đó. Thanh khoản thị trường có cải thiện, quay lại mức trung bình trước kỳ nghỉ lễ. Nhà đầu tư dịch chuyển dòng tiền tìm đến các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, xu hướng này sẽ còn tiếp tục trong chu kỳ đầu tư mới. Các nhà đầu tư ngắn hạn đang có xu hướng mua nhóm cổ phiểu “tái mở cửa kinh tế” như hàng không, bán lẻ với kỳ vọng nhóm này có tình hình kinh doanh phục hồi nhanh từ mức đình trệ trước đó.
DAS khuyến nghị nhà đầu tư quan tâm nhóm cổ phiếu hưởng lợi phục hồi do kinh tế mở cửa lại như ngành hàng không, bán lẻ. hoặc có thể đầu tư nắm giữ dài hơn với nhóm cổ phiếu ngân hàng, cổ phiếu khu công nghiệp, xây dựng và vật liệu xây dựng.
Có khả năng quay trở lại test ngưỡng MA20
CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSI): Sau nhiều lần hụt hơi ngay trước vạch đích, cuối cùng VN-Index cũng thành công đóng cửa phiên 08/02 tại mốc 1,500.99, tăng nhẹ 3 điểm so với phiên 07/02. Bộ ba “bank, chứng, thép” tạm thời tách ra hoạt động riêng, trong khi thép và ngân hàng có phiên giao dịch tích cực 08/02 thì nhóm cổ phiếu chứng khoán lại có diễn biến trái chiều. Độ rộng thị trường nghiêng về phía tích cực với 11/19 mã tăng điểm. Thanh khoản phiên 08/02 tuy đã cải thiện nhưng vẫn còn khiêm tốn; trong những phiên tới kể từ 09/02 VN-Index có khả năng quay trở lại test ngưỡng MA20.
Đứng ngoài quan sát
CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS): Trong phiên giao dịch tiếp theo 09/02, chỉ số VN-Index có thể sẽ tiếp tục giằng co và rung lắc quanh ngưỡng tâm lý 1,500 điểm. Các nhà đầu tư đã tham gia mua vào trước Tết trong các phiên 12/1, 18/1 và 24/1 như khuyến nghị có thể tiếp tục nắm giữ danh mục và đứng ngoài quan sát.
Tiếp tục nắm giữ vị thế trung hạn
CTCK KB Việt Nam (KBSV): Chỉ số đang chịu áp lực rung lắc điều chỉnh nhẹ do diễn biến phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu. Mặc dù vậy, với dư địa tăng tại nhóm bluechips đầu ngành, VN-Index vẫn đang có cơ hội mở rộng thêm nhịp hồi phục trước khi chịu áp lực điều chỉnh rõ nét hơn tại vùng kháng cự 151x. Nhà đầu tư được khuyến nghị tiếp tục nắm giữ vị thế trung hạn nhưng kê chốt lời từng phần vị thế ngắn hạn tại các vùng giá cao khi giá cổ phiếu đi lên và tiếp cận các vùng cản gần.
Dòng tiền đã quay trở lại
CTCK MB( MBS): Dòng tiền đã quay trở lại đúng như kỳ vọng của nhà đầu tư, bên cạnh đó sự trở lại mạnh mẽ từ nhóm cổ phiếu thép cùng nhóm cổ phiếu ngân hàng đã giúp thị trường duy trì mạch tăng sang phiên thứ 3 liên tiếp trong chuỗi tăng 5/6 phiên vừa qua. Triển vọng để thị trường quay lại mức đỉnh cũ ngày càng cao khi dòng tiền đã quay trở lại và độ rộng thị trường lan tỏa từ nhóm bluechips sang các nhóm vừa và nhỏ.
Minh Hồng
FILI
|