Đại dịch Covid-19 toàn cầu bao giờ kết thúc?
Với làn sóng biến chủng Omicron dịu đi, nhiều người hy vọng đại dịch Covid-19 sắp chuyển sang giai đoạn bệnh đặc hữu. Nhưng giới chuyên gia cho rằng còn quá sớm để tin như vậy...
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.
|
Giới chức y tế Mỹ gần đây trấn an công chúng vốn đã mệt mỏi vì đại dịch ở nước này rằng Mỹ đang tiến gần tới thời điểm khi Covid-19 không còn là một vấn đề lớn trong cuộc sống thường ngày. Lời trấn an được đưa ra trong bối cảnh làn sóng ca nhiễm và nhập viện do Covid-19 bắt đầu dịu đi ở nhiều nơi ở Mỹ.
Tuy vậy, khi nào đại dịch kết thúc ở Mỹ và trên toàn cầu vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn hồi tuần trước, cố vấn y tế cấp cao nhất về Covid-19 của Chính phủ của Mỹ, tiến sỹ Anthony Fauci, nói rằng Mỹ đang thoát khỏi “giai đoạn đại dịch toàn diện” của Covid-19. Ông Fauci nói rõ rằng Mỹ sẽ không xoá sạch được Covid-19, nhưng ông tin tưởng nước này có thể đưa virus về tầm kiểm soát để Covid-19 không còn gây quá tải cho hệ thống bệnh viện hay gián đoạn các hoạt động kinh tế.
“Tổng thống đã nhận thấy rõ ràng rằng chúng ta đang tiến tới một giai đoạn mà Covid-19 sẽ không gây đảo lộn cuộc sống thường nhật nữa, Covid-19 sẽ không còn là một cuộc khủng hoảng kéo dài nữa, nên chúng ta không còn phải lo sợ phong toả hay đóng cửa nữa, mà có thể quay trở lại một cách an toàn với những việc mà chúng ta yêu thích”, điều phối viên về phản ứng với Covid-19 của Nhà Trắng, ông Jeff Zients, nói trong một cuộc họp báo vào tuần trước.
DÙ ĐỘC LỰC YẾU HƠN, OMICRON VẪN CÓ THỂ GÂY BÙNG DỊCH
Các nghiên cứu từ thế giới thực trên toàn cầu đã cho thấy biến chủng Omicron, dù có sức lây mạnh hơn, nhìn chung có độc lực thấp hơn biến chủng Delta. Dù số ca nhiễm tăng vọt, số ca nhập viện và tử vong không tăng với tốc độ như vậy.
Các bác sỹ và chuyên gia về bệnh truyền nhiễm ở Nam Phi rút ra đánh giá trong một nghiên cứu gần đây rằng làn sóng Omicron lên nhanh, xuống nhanh ở nước này cho thấy một hướng đi rất khác so với các biến chủng trước. Họ nói đây có thể là một dấu hiệu cho thấy đại dịch sắp bước sang giai đoạn bệnh đặc hữu (endemic), với mức độ ảnh hưởng ít nghiêm trọng hơn đối với xã hội.
“Bệnh đặc hữu có nghĩa là căn bệnh xảy ra ở mức độ thường xuyên và dễ đoán hơn. Chẳng hạn như cúm, năm nào cũng có mùa cúm”, tiến sỹ James Lawler, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm thuộc Đại học Nebraska, phát biểu.
Tuy nhiên, chưa một định nghĩa chính xác nào về bệnh đặc hữu. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định nghĩa đại dịch là sự lây lan không thể kiểm soát của một virus trên phạm vi toàn cầu, và bệnh đặc hữu là khi sự lây lan được hạn chế trong một quốc gia hay khu vực. Một mức độ lây nhiễm đều đặn không dẫn tới dịch bùng phát trên diện rộng thường được xem là bệnh đặc hữu.
Cố vấn y tế cấp cao nhất về Covid-19 của Chính phủ của Mỹ, tiến sỹ Anthony Fauci - Ảnh: Reuters.
|
Về cơ bản, mức độ lây nhiễm đều đặn có được khi hệ số lây (reproductive rate) của virus là 1 hoặc thấp hơn. Điều đó có nghĩa là mỗi người nhiễm virus chỉ lây cho khoảng một người khác. Chủng đầu tiên của Covid-19 có hệ số lây khoảng 2, trong khi biến chủng Delta có hệ số lây là 5 hoặc cao hơn – theo dữ liệu của Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ. Biến chủng Omicron có mức độ lây cao gấp hơn 3 lần so với Delta – theo các nhà nghiên cứu Nhật Bản.
Sự xuất hiện của Omicron - biến chủng có khả năng lây nhiễm ở cả những người đã tiêm đủ vaccine, thậm chí cả tiêm nhắc lại - đã làm thay đổi quan điểm về việc khi nào thế giới có thể bước vào một giai đoạn bệnh đặc hữu Covid-19 và giai đoạn đó – nếu có – sẽ như thế nào. Theo cơ quan y tế Đan Mạch, đối với những người đã tiêm đủ vaccine, biến chủng Omicron vẫn có mức độ lây cao gấp 2,7-3,7 lần so với biến chủng Delta, đồng nghĩa virus này vẫn có thể gây dịch bùng phát trong những cộng đồng có tỷ lệ tiêm chủng cao.
KHÓ ĐẠT MIỄN DỊCH CỘNG ĐỒNG NHỜ LÂY NHIỄM, VACCINE VẪN RẤT QUAN TRỌNG
Omicron cũng đã chứng tỏ được khả năng gây tái nhiễm: một nghiên cứu mới đây ở Anh cho thấy 2/3 những người mắc Omicron cho biết họ đã từng mắc Covid-19 trước đây. Điều này có nghĩa là miễn dịch cộng đồng khó đạt được hơn đánh giá ban đầu. Trong năm đầu tiên của đại dịch, giới chức nhiều nước hy vọng chiến dịch tiêm chủng toàn cầu sẽ giúp xoá sổ Covid-19 bằng cách mang lại miễn dịch cộng đồng – trạng thái mà mọi người có đủ sự bảo vệ có được thông qua nhiễm bệnh hoặc tiêm vaccine, đến nỗi Covid-19 không còn tìm được vật chủ mới để nhiễm.
“Ý tưởng miễn dịch cộng đồng không dựa vào vaccine là phi thực tế về mặt khoa học”, giáo sư Ottar Bjornstad thuộc Đại học Pennsylvania phát biểu.
Nhưng dù lây nhiễm đột phá (nhiễm Covid-19 dù đã tiêm đủ vaccine) đã trở nên phổ biến với Omicron, tỷ lệ mắc ở những người đã tiêm vaccine vẫn thấp hơn ở những người chưa tiêm - ông Bjornstad khẳng định. Quan trọng hơn cả, vaccine vẫn hiệu quả trong việc ngăn những ca bệnh nặng và tử vong – một vấn đề rất quan trọng để lập lại cuộc sống bình thường.
Khi hiệu quả của 2 mũi tiêm đầu tiên giảm xuống, mũi tiêm nhắc lại giữ vai trò đặc biệt lớn trong việc kiềm chế đại dịch. Theo dữ liệu từ Anh, mũi tiêm nhắc lại vaccine Pfizer/BioNTech đạt hiệu quả 75% trong việc chống lại lây nhiễm có triệu chứng.
Tuy nhiên, vẫn đang có một hy vọng là thông qua tiêm chủng và sự lây nhiễm Omicron trên diện rộng, sẽ có đủ miễn dịch trong dân số đến mức mà số người có nguy cơ nhiễm bệnh giảm nhanh – theo chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, tiến sỹ Kelly Cawcutt thuộc Đại học Nebraska.
Khi Covid-19 xuất hiện vào tháng 12/2019, hệ miễn dịch của con người còn chưa được “đào tạo” để chống lại virus gây bệnh này. Đó là lý do vì sao đại dịch lại thảm khốc đến như vậy ở giai đoạn đầu. Đặc biệt, người già là nhóm có mức độ bảo vệ yếu trước virus, nên dễ mắc bệnh thể nặng và có nguy cơ tử vong cao hơn các nhóm tuổi khác.
Khi miễn dịch trong cộng đồng gia tăng theo thời gian thông qua tiêm chủng và mắc bệnh, thế hệ trẻ em có thể sẽ trở thành nhóm chính còn lại chưa bị phơi nhiễm virus – theo chuyên gia Jennie Lavine thuộc công ty công nghệ sinh học Karius.
Dù mức độ rủi ro không phải bằng 0, trẻ em nhìn chung ít mắc Covid-19 thể nặng hơn so với người trưởng thành, theo CDC Mỹ. Điều này có nghĩa là theo thời gian, virus sẽ trở thành một căn bệnh nhẹ hơn tương tự như cảm cúm khi trẻ em là nhóm chính còn sót lại chưa phơi nhiễm virus – theo bà Lavine.
Ngoài vấn đề miễn dịch cộng đồng, đại dịch còn có thể khép lại nếu bản thân virus tự chuyển biến thành dạng ít nguy hiểm hơn. Omicron nhìn chung có độc lực thấp hơn Delta, nhưng điều đó không có nghĩa là các biến chủng trong tương lai sẽ ngày càng nhẹ đi. “Ý tưởng cho rằng virus sẽ ngày càng nhẹ đi chỉ là chuyện cổ tích mà thôi”, ông Lawler nói.
THUỐC ĐẶC TRỊ COVID-19 KHÔNG PHẢI LÀ CHÌA KHOÁ CHẤM DỨT ĐẠI DỊCH
Việc trở lại cuộc sống giống như trước đại dịch sẽ tuỳ thuộc nhiều vào việc mỗi cá nhân sẵn sàng chấp nhận mức độ rủi ro như thế nào, và việc xã hội sẵn sàng chấp nhận Covid-19 lây lan ở mức độ như thế nào.
Ông Fauci có nói rằng một khi miễn dịch trong dân số đủ cao, Covid-19 sẽ trở nên giống như bệnh cúm mùa. Ông cũng thận trọng khi nói rằng Mỹ đang trên đà kiểm soát được đại dịch, nhưng số ca nhiễm mới, nhập viện và tử vong vẫn còn đang cao.
Tiêm vaccine Covid-19 ở Freeport, New York, Mỹ hôm 30/22/2021 - Ảnh: Getty.
|
Mỹ trải qua mùa cúm tồi tệ nhất thập kỷ qua vào mùa thu năm 2017 kéo dài đến hết mùa đông 2018. Trong khoảng thời gian đó, Mỹ có 52.000 người chết và 710.000 người nhập viện vì cúm – theo CDC. Trong khi đó, Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 236.000 người và khiến gần 1,5 triệu người phải nhập viện ở nước này từ mùa thu năm ngoái đến nay – theo phân tích của CNBC dựa trên dữ liệu của Đại học John Hopkins và Bộ Y tế và dịch vụ nhân sinh Mỹ.
Trong 6 tuần kể từ khi Omicron trở thành biến chủng chủ đạo của Covid-19 ở Mỹ, hơn 26 triệu người đã mắc bệnh. Số ca nhiễm mới lập kỷ lục bình quân hơn 803.000 ca mỗi ngày trong tuần tính đến ngày 15/1. Từ đó, số ca nhiễm mới đã giảm khoảng 75%, còn bình quân 207.000 ca mỗi ngày trong tuần tính đến ngày thứ Năm tuần trước.
Số ca nhập viện cũng giảm nhanh. Có bình quân 103.000 bệnh nhân Covid-19 điều trị trong các bệnh viện ở Mỹ mỗi ngày trong tuần tính đến thứ Hai tuần này, giảm 20% so với tuần trước đó và 35% so với mức đỉnh vào hôm 20/1.
Số ca nhiễm mới vẫn là một chỉ báo quan trọng về đường đi của đại dịch, nhưng số ca nhập viện đã trở thành thước đo chính về khả năng của virus trong việc gây đảo lộn xã hội – theo ông Michael Osterholm, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bệnh truyền nhiễm và chính sách thuộc Đại học Minnesota.
Đến hiện tại, vaccine vẫn là vũ khí quan trọng nhất để chống lại Covid-19. Pfizer/BioNtech đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng vaccine dành riêng chống Omicron vào tháng trước, dự kiến đến tháng 3 sẵn sàng đưa vaccine này vào sử dụng. Moderna cũng đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng một mũi tiêm nhắc lại nhằm riêng vào Omicron.
Các loại thuốc kháng virus đặc trị Covid-19 dạng viên uống của Pfizer và Merck cũng được đặt kỳ vọng. Tuy nhiên, ông Lawler cảnh báo rằng các thuốc này không phải là chìa khoá để chấm dứt đại dịch. Ông nói niềm tin như vậy không khác gì tin rằng sẽ không còn ai chết do nhiễm khuẩn vì đã có thuốc kháng sinh.
Nhiều người vẫn đang hy vọng Omicron báo hiệu sự kết thúc của đại dịch, nhưng ông Fauci hoài nghi về ý tưởng rằng biến chủng này sẽ giữ vai trò “sự kiện tiêm chủng diện rộng” của Mẹ Thiên nhiên. Ông cảnh báo một biến chủng mới có thể xuất hiện với khả năng xuyên thủng miễn dịch mà Omicron tạo ra.
“Tôi sẽ ngạc nhiên nếu không có một biến chủng mới xuất hiện, với khả năng ‘né’ miễn dịch và gây ra một làn sóng lây nhiễm khác”, ông Lawler nói. “Không có dữ liệu nào cho thấy virus đã hết khả năng đột biến và tạo ra biến chủng mới cả”.
An Huy
VnEconomy
|