Chợ Bến Thành sẽ được thay 'áo' mới
Tồn tại hơn 100 năm, được nhiều người xem là biểu tượng của TP.HCM, thế nhưng hiện nay chợ Bến Thành - ngôi chợ mang giá trị lịch sử này - có nhiều dấu hiệu xuống cấp, tiểu thương phải giăng bạt, dùng chậu để chống dột.
Bảo tồn nguyên trạng
Mới đây, Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Lê Hòa Bình đã chỉ đạo các ngành liên quan tiến hành cải tạo, chỉnh trang lại chợ Bến Thành (Q.1). Theo đó, chợ Bến Thành sẽ được sửa chữa lại khang trang hơn, xứng đáng là một biểu tượng, bộ mặt của TP.HCM. Để thực hiện, ông Bình giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TP (viết tắt Ban quản lý) phối hợp với đơn vị tư vấn thiết kế nhằm triển khai ý tưởng chi tiết hơn để báo cáo UBND TP. Ngoài ra, UBND Q.1 phối hợp với Ban quản lý, đơn vị tư vấn triển khai thực hiện phương án thiết kế chi tiết. Trong đó phải thống kê có bao nhiêu gian hàng và tiểu thương kinh doanh trong chợ, các nội dung đề xuất thay mới, sửa chữa, cải tạo, chỉnh trang hoặc trùng tu: nền chợ, hệ thống cấp thoát nước, điện, chiếu sáng, phòng cháy chữa cháy. Kiểm định hệ thống kết cấu chịu lực của mái và hệ thống tường bao, điều chỉnh chiều cao mái để thông thoáng và lấy sáng, lợp mái ngói thay thế mái tôn giả ngói hiện trạng, quảng cáo điện tử, trùng tu 4 cổng chính... Vẽ thiết kế chi tiết modul các gian hàng (sẽ thực hiện sau khi hoàn thành công tác cải tạo chỉnh trang chợ, tiểu thương tự bỏ kinh phí làm theo thiết kế để đảm bảo đồng bộ), dự toán chi phí thực hiện. Trong quá trình thực hiện cần lấy ý kiến của Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng, Sở Công thương và Trung tâm bảo tồn di tích (Sở VH-TT) để hoàn thiện phương án.
|
Hiện nay chợ Bến Thành xuống cấp trầm trọng và tiểu thương buôn bán ế ẩm. ĐÌNH SƠN
|
Không phải đến bây giờ việc sửa chữa, cải tạo, chỉnh trang chợ Bến Thành mới được đưa ra. Trước đó vào năm 2020, khi còn là Bí thư Thành ủy TP.HCM, ông Nguyễn Thiện Nhân trong một lần đi thăm khu chợ này cũng nói rằng không thể chấp nhận một khu chợ hơn 100 năm tuổi, biểu tượng của TP.HCM, nhưng xuống cấp trầm trọng. Là quận giàu nhất TP.HCM, thu ngân sách có năm hơn nhiều tỉnh nhưng Q.1 không có tiền sửa chữa ngôi chợ mang tính biểu tượng của TP.HCM là rất vô lý. Ông Nhân khi đó đã chỉ đạo, chợ Bến Thành hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp có thu, nên việc sửa chữa không dùng vốn ngân sách mà dùng vốn sự nghiệp. Các đơn vị liên quan cần nhanh chóng hoàn chỉnh hồ sơ công nhận di tích cấp TP đối với chợ Bến Thành.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Việt Anh, Giám đốc điều hành Công ty TA Landscape (đơn vị tư vấn thiết kế dự án), cho biết trước đây mái chợ Bến Thành là mái ngói, sau này thay bằng tôn giả ngói nên nóng và ồn. Không những thế, các tòa nhà cao tầng xây dựng nhiều đã làm cho nền chợ một số chỗ bị “võng”. Theo kết luận của UBND Q.1 và đơn vị kiểm định thì kết cấu chợ vẫn còn tốt nên chỉ cần thay mái tôn bằng ngói, sơn lại đúng màu sơn như trước, nâng nền chống ngập, thay hệ thống điện, tu sửa những nơi xuống cấp để đảm bảo an toàn và thiết kế lại các sạp hàng trong chợ cho chuẩn hóa, sạch sẽ, khang trang hơn. Các sạp chợ này sẽ được thiết kế làm nhiều mẫu để lấy ý kiến tiểu thương. TA Landscape đang thực hiện nhiều dự án cho TP, nên đã được chọn để tham gia thiết kế, tư vấn bằng hình thức xã hội hóa (công ty hỗ trợ - NV). Phương án đã đạt đồng thuận để sửa lại.
Nhiều điểm xuống cấp
Chợ Bến Thành là một trong những biểu tượng của TP.HCM, nơi du khách, nhất là khách nước ngoài ghé thăm, mua sắm rất đông. Chợ được khởi công xây dựng từ năm 1912, với diện tích 13.056 m². Ban đầu, vị trí của chợ nằm bên bờ sông Bến Nghé, cạnh một bến sông gần thành Gia Định (bấy giờ là thành Quy, còn gọi là thành Bát Quái). Bến này dùng để cho hành khách vãng lai và quân nhân vào thành, vì vậy mới có tên gọi là Bến Thành và khu chợ cũng có tên gọi là Bến Thành (tên gọi chính thức vẫn được sử dụng cho đến ngày nay). Tờ USA Today từng xếp hạng chợ Bến Thành đứng thứ 15 trong tổng số 45 ngôi chợ có ẩm thực tuyệt vời nhất thế giới. Cuối tháng 1.2012, chợ được tạp chí ẩm thực Food and Wine chọn là một trong 10 điểm đến có món ăn đường phố hấp dẫn nhất hành tinh.
“Hiện tuyến metro số 1 và đặc biệt là nhà ga Bến Thành - Suối Tiên sắp đi vào vận hành, chợ Bến Thành lại nằm sát bên nên đây sẽ là nơi người dân, du khách quốc tế ghé rất nhiều. Lúc này cải tạo, sửa chữa lại chợ để đón khách là hợp lý”.
Ông Việt Anh, Giám đốc điều hành Công ty TA Landscape
|
Đặc biệt, hình ảnh mặt tiền cửa nam của chợ Bến Thành xuất hiện trên các bưu thiếp (post card) của người Pháp, trên tem bưu chính và trên nhiều ấn phẩm đại chúng, trong tâm trí người Sài Gòn và người dân cả nước gần như mặc định đây là một biểu tượng xứng đáng cho thành phố này. Hiện chợ Bến Thành nằm ở khu vực trung tâm TP.HCM, giữa các đường Phan Bội Châu - Phan Chu Trinh - Lê Thánh Tôn - Công trường Quách Thị Trang. Chợ kinh doanh các ngành hàng gồm: quần áo, vải sợi, giày dép, thời trang, thủ công mỹ nghệ, thực phẩm tươi sống, trái cây, hoa tươi… Thời điểm thịnh vượng, chợ đón hàng nghìn lượt khách nước ngoài đến tham quan, mua sắm mỗi ngày.
Do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, lượng khách quốc tế giảm mạnh khiến việc kinh doanh ở chợ Bến Thành trở nên ảm đạm. Nhiều tiểu thương buộc phải đóng cửa, cho thuê hoặc sang lại sạp. Trong báo cáo về hiện trạng của chợ Bến Thành, UBND Q.1 cho biết khu chợ rộng gần 12.900 m2, có gần 1.500 quầy sạp. Do tác động của dịch bệnh nên rất nhiều sạp, chủ yếu các ngành hàng phục vụ khách du lịch (quần áo, túi xách, đồ mỹ nghệ, đồ lưu niệm, bánh kẹo, trà, cà phê) đã tạm dừng kinh doanh. Hiện chợ đang xuống cấp, mái dột nhiều điểm nên tiểu thương phải để xô, chậu trên nóc quầy sạp, căng bạt trên lối đi để hứng nước mưa. Ngoài ra, nhiều mảng bê tông trên cột, đòn tay bong tróc, dễ rơi rớt; phần mái hiên phía trước (khu vực tiếp giáp vòng xoay) bị nứt. Cùng với đó, nền chợ thấp hơn mặt đường, khi mưa lớn kết hợp với triều cường dễ gây ngập. Tuy nhiên, kết cấu của chợ Bến Thành vẫn đảm bảo chịu lực, nên chỉ cần cải tạo, sửa chữa lại cho phù hợp.
Tiểu thương cầm cự chờ hồi sinh
Ghé vào khu chợ Bến Thành vào trưa 18.2, chúng tôi phần nào cảm nhận được cảnh vắng lặng, buôn bán ế ẩm của chợ. Ngoài các sạp bán hoa tươi, bán trái cây khu vực mặt tiền đường Lê Thánh Tôn còn buôn bán được, thì các quầy sạp bên trong vắng khách, các tiểu thương ngồi cầm điện thoại lướt mạng chứ không còn cảnh tấp nập như trước. Gặp chúng tôi, chị Phương Liên, chủ một sạp kinh doanh hàng thời trang, than thở: Mang tiếng là chợ nổi tiếng nhưng các tiểu thương ở đây rất tội nghiệp. Nắng thì oi bức, ngộp không chịu nổi, nhất là hiện nay để phòng dịch bệnh phải đeo khẩu trang suốt ngày. Còn trời mưa thì thấm dột, có khi bị ngập nước do nền chợ thấp hơn mặt đường xung quanh. Do dịch Covid-19 nên buôn bán ế ẩm, nhiều chủ sạp đóng cửa, nhiều người cho nhân viên bán lấy tiền xài mà cũng không ai làm. “Khu chợ hiện xuống cấp trầm trọng nên mong muốn của các tiểu thương là cần thay mái tôn bằng mái ngói, sơn lại màu cho đồng bộ, thiết kế lại các sạp. Khi sửa lại sạp để tiểu thương trưng bày cho đẹp, cho đồng bộ thì tiểu thương chúng tôi đồng lòng sẵn sàng chung tay cùng TP để làm. Nghe sửa lại chợ, chúng tôi mừng lắm vì khu chợ sẽ sạch đẹp, khang trang hơn, mát hơn chứ hiện nay du khách đến đây nóng chịu không nổi. Có sửa chữa là có tương lai rồi”, chị Liên hồ hởi.
Chị Phương, một tiểu thương kinh doanh đồ lưu niệm ở khu chợ này gần 20 năm, cho biết chưa bao giờ chị chứng kiến cảnh buôn bán ế ẩm như hai năm nay, khi mà khách du lịch quốc tế không đến VN được. Chị và các tiểu thương đang cố gắng cầm cự để chờ ngày “hồi sinh” và mong chợ sớm được cải tạo, sửa chữa mới khang trang hơn. Đồng thời chị cũng mong có biện pháp hỗ trợ tiểu thương vượt qua khó khăn hiện tại.
Đình Sơn
Thanh niên
|