Thứ Ba, 15/02/2022 08:15

TP.HCM chưa coi Covid-19 là bệnh thông thường

Đại diện Sở Y tế TP.HCM nói Covid-19 không giống như sốt xuất huyết hay bệnh lý thông thường. Vẫn còn sớm để có thể xử lý như một bệnh đặc hữu.

Chiều 14/2, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế TP.HCM tổ chức họp báo định kỳ thông tin về tình hình dịch. Nhiều nội dung liên quan việc tiêm vaccine cho trẻ em, đánh giá cấp độ dịch và hoạt động kinh doanh xăng dầu được đại diện các cơ quan chức năng thông tin.

"Còn sớm để coi Covid-19 như cúm mùa"

Tại họp báo, chúng tôi đặt câu hỏi về số ca tử vong tại TP.HCM (không tính ca ngoại tỉnh) trong 7 ngày vừa qua. Ngoài ra, theo quan điểm của Sở Y tế, TP.HCM đã có thể xem Covid-19 là bệnh đặc hữu hay chưa?

Trả lời câu hỏi này, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho rằng Covid-19 không giống như sốt xuất huyết hay bệnh lý thông thường.

“Còn sớm lắm để có thể coi nó như cúm mùa và xử lý như một bệnh lý thông thường”, bà Mai đưa ra nhận định.

Về nguy cơ của Covid-19 với trẻ em, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho biết các chuyên gia dịch tễ nhận định dịch Covid-19 còn rất mới và rất sớm để nói về tác động với trẻ em. Nhưng qua theo dõi tại TP.HCM, trẻ mắc Covid-19 thường không có diễn biến nặng và ít tử vong hơn so với người lớn tuổi.

Tuy nhiên, các trẻ suy dinh dưỡng, có bệnh nền… cần rất chú ý vì có thể trạng yếu nên có nguy cơ cao hơn khi mắc Covid-19. Để bảo vệ nhóm này, bà Mai khuyến cáo các phụ huynh cần nhắc nhở các con thực hiện 5K và tiêm vaccine ngay khi đến lượt.

Về số ca Covid-19 tại TP.HCM, tính từ 8 đến 14/2, số tử vong tại TP.HCM dao động từ 0-2 ca. Trong đó, 2 ngày 9/2 và 14/2, TP.HCM không có ca tử vong (không tính ca ngoại tỉnh).

Thuyết phục phụ huynh cho trẻ tiêm vaccine

Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết hiện nay, Bộ Y tế chưa có hướng dẫn chi tiết về kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ 5-11 tuổi. Tuy nhiên, Sở Y tế TP đã tham mưu UBND TP.HCM về kế hoạch tiêm ngay khi có thể triển khai.

Theo ông Tâm, trẻ sinh sống tại TP.HCM từ 5 đến 11 tuổi có khoảng 970.000 em. Trong số này, 950.000 trẻ đã đi học, 20.000 trẻ chưa đi học. 30 ngày sau khi tiêm mũi 1, trẻ sẽ được tiêm mũi 2.

dịch Covid-19 tại TP.HCM ảnh 1

TP.HCM thống kê có khoảng 970.000 trẻ em từ 5 đến 11 tuổi cần được tiêm vaccine. Ảnh: Việt Linh.

Trong thời gian chờ triển khai, HCDC đã tập huấn, hướng dẫn địa phương giám sát công tác tiêm chủng, bảo quản vaccine và xử lý những trường hợp tai biến… Trong trường hợp gia đình trẻ không đồng thuận, về nguyên tắc, trẻ vẫn được đi học bình thường. Tuy nhiên, địa phương và ngành y tế cố gắng thuyết phục phụ huynh cho trẻ tiêm vaccine.

Đánh giá về số ca mắc mới và tử vong tại TP.HCM trước và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần, ông Tâm cho biết trước Tết, số ca mắc mới trên địa bàn giảm mạnh. Sau Tết, do hoạt động đi lại, giao lưu tăng cường, số ca có tăng trở lại (300 ca/ngày). “Dịp Tết có sự nhích lên, tuy nhiên khoảng 2 tuần nay, số ca tử vong gần như giảm rất thấp. Đây là tín hiệu rất lạc quan”, ông Nguyễn Hồng Tâm nhận xét.

Theo ông Tâm, sắp tới, việc trẻ đi học lại sẽ tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm rất lớn. Do đó, ngành giáo dục và y tế luôn cảnh giác, chuẩn bị tốt nhất về quy trình xử lý, giám sát khi có F0, F1, cố gắng không để xảy ra lây lan dịch trong nhà trường.

Thay đổi cách đánh giá cấp độ dịch

Tại cuộc họp báo này, Ban Chỉ đạo sẽ thông tin về cấp độ dịch của TP.HCM (từ 7/2 đến 13/2) sau 5 tuần liên tiếp duy trì cấp độ 1. Các tuần trước, TP.HCM thường công bố cấp độ dịch vào thứ 7 hàng tuần. Tuy nhiên, từ 14/2, quy trình này có sự thay đổi.

Hôm 10/2, Sở Y tế TP.HCM có văn bản thông báo về quy trình đánh giá cấp độ dịch. Quy định này căn cứ trên Quyết định 218 của Bộ Y tế ngày 27/1/2022 về Hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết 128.

Theo đó, UBND quận, huyện, thành phố gửi kết quả đánh giá các tiêu chí trong cấp độ dịch về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) và Sở Y tế vào 10h thứ 2 hàng tuần, bắt đầu từ 14/2. Các địa phương cũng có trách nhiệm nhập dữ liệu cấp độ dịch vào phần mềm Cập nhật, công bố cấp độ dịch của Bộ Y tế trước 12h thứ 2 hàng tuần.

dịch Covid-19 tại TP.HCM ảnh 2

TP.HCM có 5 tuần liên tiếp duy trì dịch ở cấp độ 1. Ảnh: Chí Hùng.

Quy trình đánh giá cấp độ dịch mới gồm 3 bước. Bước 1, UBND cấp xã/phường đánh giá cấp độ dịch và gửi về UBND cấp quận/huyện trước 8h thứ 2 hàng tuần. Sau đó, kết quả được gửi về HCDC và Sở Y tế bằng văn bản và email.

Bước 2, HCDC phối hợp với Phòng Nghiệp vụ Y (Sở Y tế) đối chiếu kết quả đánh giá của các địa phương trước 12h thứ 2, trong đó trình bày rõ xã/phường có kết quả đánh giá sai lệch so với HCDC và phân tích nguyên nhân.

Bước 3, Phòng Nghiệp vụ Y sẽ tổng hợp kết quả đánh giá cấp độ dịch của xã/phường, trình Hội đồng đánh giá cấp độ dịch của Sở Y tế trước 14h thứ 2 hàng tuần. Hội đồng này sẽ thẩm định kết quả trước 15h cùng ngày và họp với địa phương để thống nhất cấp độ dịch nếu cần thiết.

Cuối cùng, Ban Giám đốc Sở Y tế báo cáo UBND TP.HCM kết quả đánh giá cấp độ dịch trước 16h thứ 2 hàng tuần.

Một số cửa hàng thiếu xăng RON 95 nhưng vẫn còn dầu

Tham gia họp báo, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết ngày 11/2 vừa qua, giá xăng dầu được điều chỉnh theo giá thế giới. Qua theo dõi tình hình, ông Phương cho biết hiện còn một số khó khăn trong hoạt động kinh doanh xăng dầu và sở đã yêu cầu các cửa hàng xăng dầu báo cáo ngay nếu thiếu nguồn cung. Nếu không báo cáo, khi bị các đoàn thanh, kiểm tra phát hiện, doanh nghiệp phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.

Ngoài ra, Sở Công Thương đang phối hợp với Cục Quản lý thị trường để kiểm tra, giám sát. Đơn vị này cũng đã tổ chức 2 đoàn kiểm tra về công tác nhập khẩu và kinh doanh xăng dầu.

Đến nay, Sở Công Thương TP.HCM đã kiểm tra 6 cửa hàng. Trong đó, chỉ có một cửa hàng đóng cửa vì không có xăng dầu để phân phối cho người dân. Còn lại, các cửa hàng đa số hết xăng RON 95 hoặc hết xăng, còn dầu. Sau khi kiểm tra, tình hình chung là các cửa hàng đều đã đăng ký đặt hàng với đầu mối nhưng hàng hóa chưa về.

dịch Covid-19 tại TP.HCM ảnh 3

Giá xăng RON 95 tăng lên mức 25.320 đồng/lít vào chiều 11/2. Ảnh: Phạm Ngôn.

Sở Công Thương và cơ quan quản lý thị trường đang theo dõi chặt; tiếp tục làm việc với các đơn vị cung cấp nguồn cung để báo cáo cho TP.HCM và Bộ Công Thương.

Tới đây, đơn vị này tiếp tục thực hiện nhiều nhiệm vụ, trong đó có chỉ đạo các quận/huyện/TP tăng kiểm tra giám sát. Bất cứ doanh nghiệp nào thiếu hàng, tạm dừng kinh doanh, kinh doanh không đúng quy định đều phải báo cáo về Bộ Công Thương.

Hiện nay, TP.HCM đã kiến nghị Bộ Công Thương để điều chỉnh giá linh động hơn trong trường hợp giá thế giới biến động nhanh nhằm đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp.

Phát hiện 3 F0 trong ngày đầu học sinh mầm non, tiểu học, lớp 6 đến trường

14/2 là ngày đầu trẻ mẫu giáo và học sinh lớp 1-6 ở TP.HCM tới trường. Ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, cho biết hôm nay có 159.325/228.262 trẻ mẫu giáo đến trường, tương đương 66,32%. Số học sinh tiểu học tới trường là 670.366/698.356 em, tương đương 95,99%. Số học sinh lớp 6 tới trường là 89.818/94.903 học sinh, tương đương 94,64%.

dịch Covid-19 tại TP.HCM ảnh 4

Ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM. Ảnh: Thu Hằng.

Trong tuần đầu đi học trở lại, khối mầm non không tổ chức ăn sáng. Bảo mẫu, giáo viên tập trung đón trẻ từ đầu buổi học.

Ở cấp tiểu học, nhiều cơ sở tổ chức học bán trú nhưng một số cơ sở chưa tổ chức lại hoạt động này do chưa đáp ứng đòi hỏi về quy định phòng chống dịch, cơ sở vật chất.

Về tầm soát dịch, ông Trọng cho biết khối mầm non có 1 F0, khối tiểu học có 1 F0, lớp 6 có 1 F0. Các cơ sở giáo dục đã phối hợp cơ quan y tế địa phương xử lý theo quy định. Theo ông Trọng, các F1 được phát hiện đều âm tính với SARS-CoV-2.

Nhiều giải pháp phòng ngừa tội phạm hoạt động

Tại họp báo, chúng tôi đặt câu hỏi: Công an TP.HCM dự báo thế nào về các nguy cơ ảnh hưởng tới an ninh, trật tự trong thời gian tới, khi tất cả hoạt động trở lại bình thường và giải pháp của cơ quan công an?

Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TP.HCM, cho biết Công an TP.HCM xác định công tác dự báo là vấn đề quan trọng. “Nếu không có dự báo để đưa ra giải pháp, kịp thời huy động sức mạnh hệ thống chính trị, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn sẽ diễn biến phức tạp sau dịch. Tội phạm ở lĩnh vực hình sự kinh tế, môi trường gia tăng”, thượng tá Hà nhận định.

Công an TP.HCM đã chỉ đạo công an quận, huyện chủ động nắm tình hình, xây dựng kế hoạch, trong đó, lực lượng tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như: Triển khai có hiệu quả công tác nghiệp vụ cơ bản, công tác phòng ngừa đấu tranh tội phạm gắn với phòng chống dịch; đẩy mạnh tham mưu, kết nối cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia để quản lý tội phạm; tăng cường quản lý kiện toàn xã/phường là pháo đài phòng chống tội phạm; đầu tư, nâng cấp camera giám sát tại địa bàn để phát hiện, hỗ trợ công tác điều tra tội phạm.

5 ca nhiễm Omicron cộng đồng có lây nhiễm?

Mới đây, TP.HCM phát hiện 5 ca Omicron trong cộng đồng qua tầm soát ngẫu nhiên. Phóng viên đặt câu hỏi về kết quả tầm soát lây nhiễm của các trường hợp liên quan 5 ca nhiễm này.

Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc phụ trách HCDC, cho biết tới 10/2, TP.HCM chưa phát hiện thêm ca Omicron ngoài 125 ca đã phát hiện trước đó (trong đó có 10 ca trong cộng đồng).

Liên quan 5 ca nhiễm cộng đồng nêu trên, ông Tâm cho biết các trường hợp liên quan đã được xét nghiệm và có phát hiện ca dương tính. Ngành y tế đang giải trình tự gene các trường hợp này để xác định họ có nhiễm biến chủng Omicron hay không.

Thu Hằng - Thư Trần

Zing.vn

Các tin tức khác

>   Biến tướng đa cấp mới: Chữa được COVID-19 qua ứng dụng điện tử (13/02/2022)

>   Lý do Nhật Bản đi ngược xu thế chống dịch của thế giới (13/02/2022)

>   Nhiều nỗi lo khi giá xăng dầu tăng cao kỷ lục (13/02/2022)

>   Hết Tết, hết tiền (12/02/2022)

>   Cái chết của những 'ngôi làng Taobao' ở Trung Quốc (11/02/2022)

>   Hoa hồng Đà Lạt tăng giá 2-3 lần trước dịp Valentine (10/02/2022)

>   Doanh nghiệp khốn khổ vì bán mỗi lít xăng lỗ gần 1.000 đồng (10/02/2022)

>   Công nhân trở lại làm việc được hỗ trợ gì? (09/02/2022)

>   Hàng không dồn dập tăng chuyến, vé máy bay đi TPHCM hạ nhiệt (08/02/2022)

>   Cấp độ dịch Covid-19 mới nhất của 63 tỉnh, thành phố (07/02/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật