Nhịp đập Thị trường 07/01: Các cổ phiếu trụ vẫn đang rung lắc
Cuối phiên giao dịch ngày 07/01/2022, VN-Index tạm đóng cửa với mức giảm nhẹ 0.01%, còn 1,528.48 điểm. Trong khi đó, HNX-Index lại có diễn biến trái chiều khi đây là phiên tăng thứ 6 liên tiếp của chỉ số này. HNX-Index đóng cửa đạt 493.84 điểm, tăng 1.85%.
Khối lượng giao dịch khớp lệnh và thỏa thuận của sàn HOSE đạt hơn 1 tỷ cổ phiếu với giá trị giao dịch hơn 31,800 tỷ. Sàn HNX đạt hơn 150 triệu cổ phiếu. Khối ngoại bán ròng trên HOSE với 477.07 tỷ đồng nhưng mua ròng trên HNX với 66.70 tỷ đồng.
VN30-Index điều chỉnh mạnh khi mất 0.82% chỉ còn 1,532.24 điểm với mẫu hình nến Black Opening Marubozu. Điều này cho thấy sự bi quan của nhà đầu tư về triển vọng của chỉ số. Hiện tại, cổ phiếu đang rơi về gần đường SMA 50 ngày, nếu đường này bị phá vỡ thì tình hình sẽ tiêu cực hơn. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch vẫn duy trì trên mức trung bình 20 phiên cho thấy dòng tiền vẫn đang dồi dào.
Sắc đỏ chiếm ưu thế trong rổ VN30 với chỉ 8 mã còn giữ được sắc xanh khi kết phiên. POW là cổ phiếu tích cực nhất khi tăng gần 5%. Theo sau là GAS và BID khi lần lượt tăng hơn 3%, PLX tăng hơn 1%. Các cổ phiếu còn lại là MBB, VCB, MSN và VHM có mức tăng không đáng kể (chưa tới 1%). Ở chiều ngược lại, VRE, TPB, CTG, STB, VIC và NVL là những cổ phiếu giảm sâu nhất với mức giảm lần lượt hơn 2%.
Các cổ phiếu họ nhà Vingroup sau phiên tăng giá trước đó giúp VN-Index bay cao thì nay lại diễn biến trái chiều. VRE giảm sâu nhất trong rổ VN30 với mức giảm 2.4%, VIC giảm 2.2% và lấy đi 2.1 điểm của VN-Index. Trong khi đó, VHM chỉ có mức tăng nhẹ 0.1%.
13h45: Vẫn chưa thể vượt mức 1,530 điểm
Sau giai đoạn ngụp lặn quanh mức tham chiếu, VN-Index tăng tốt trong đầu phiên chiều. Tuy nhiên, mức 1,530 điểm (ngưỡng Fibonacci Projection 61.8%) vẫn là thử thách khó nhằn khiến chỉ số đã nhanh chóng điều chỉnh trở lại.
GAS đang là cổ phiếu có đóng góp tích cực nhất cho chỉ số sàn HOSE khi góp gần 2.5 điểm, tiếp theo sau là các mã BID, MSN, BCM, VHM, GEX, DIG,… Ở chiều ngược lại, VIC điều chỉnh sau phiên tăng ấn tượng trước đó và đang là mã kìm hãm đà tăng của chỉ số.
Rổ VN30 vẫn đang chìm trong sắc đỏ với ưu thế thuộc về bên bán khi có 18 mã giảm giá, 10 mã tăng và 2 mã đứng giá. Ở bên tăng, POW và GAS tiếp tục bứt phá khi bật mạnh trên 4%, BID tiến hơn 2%, MSN và PLX vượt 1%. Ở nhóm giảm, các mã của nhóm này tuy chiếm số đông nhưng đa phần các mã này chỉ giảm chưa tới 2%.
Ở nhóm cổ phiếu họ FLC, sắc tím đang bao phủ các mã của nhóm này. Trong đó, KLF, AMD và HAI tăng hết biên độ, FLC cũng tiến gần đến trạng thái này. ART bật tăng 7%, ROS vượt hơn 4% trong khi GAB giằng co quanh mức tham chiếu.
Chỉ số ngành thiết bị điện tăng trưởng hơn 4% ở thời điểm hiện tại với sự đóng góp tích cực của GEX, SAM đang là ngành dẫn đầu thị trường. Theo sau là các ngành tiện ích, khai khoáng, sản xuất thiết bị - máy móc, bán buôn và nông - lâm - ngư.
Phiên sáng: Large Cap điều chỉnh, VN-Index liên tục giằng co
Kết phiên sáng, VN-Index giảm 1.49 điểm, xuống còn 1,527.08 điểm; HNX-Index tăng 2.32 điểm, đạt mức 487.21 điểm. Độ rộng toàn thị trường kết phiên sáng nghiêng về bên mua với 543 mã tăng và 450 mã giảm. Trong rổ VN30, sắc đỏ đang có sự áp đảo với 22 mã giảm, 7 mã tăng và 1 mã tham chiếu giá.
Khối lượng giao dịch của VN-Index trong phiên sáng đạt 583.4 triệu đơn vị, với giá trị đạt 18.1 ngàn tỷ đồng. HNX-Index ghi nhận khối lượng giao dịch đạt 93.2 triệu đơn vị, với giá trị giao dịch đạt 2.45 ngàn tỷ đồng.
Tạm dừng phiên sáng, GAS và MSN là hai mã có ảnh hưởng tích cực nhất đến VN-Index. Ở chiều ngược lại, sự điều chỉnh của hai Large Cap VIC và VHM là nguyên nhân chính khiến chỉ số di chuyển giằng co trong sáng nay.
Với HNX-Index, sắc xanh của L14 và KSF đang là động lực chính giúp chỉ số tăng điểm. Ngược lại, NVB và THD đang là những mã tác động tiêu cực nhất.
Nhóm chứng khoán giao dịch phân hóa với 10 mã tăng, 12 mã giảm và 3 mã tham chiếu. Trong đó, APS, VIX và ART cùng tăng trên 2%, AGR, APG và PSI tăng từ 1%-1.7%, các mã VIG, BVS, HCM và EVS nhích nhẹ trên tham chiếu. Ở chiều ngược lại, WSS và FTS giảm lần lượt 2.8% và 2.2%, VND, TVS, TVB… lùi từ 1%-1.7%, các mã còn lại như SHS, IVS, VDS… giảm dưới 1%.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng có diễn biến ảm đạm khi chỉ có ba mã BID, OCB và MBB giữ được sắc xanh nhẹ. Đa số các mã xuất hiện mức giảm nhẹ dưới 1% như TCB, ACB, TPB... Các mã CTG, VPB, STB và SHB giảm trên 1%.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu họ dầu khí đang có diễn biến khá tích cực. PVD tăng 3.2%, các mã PVC, GAS và OIL có mức tăng trên 2%, PVS, PLX, PVT và BSR tăng từ 1.2%-1.8%.
Nhóm cổ phiếu mang tính đầu cơ cao như nhóm FLC vẫn thu hút được dòng tiền. Cụ thể, AMD và HAI tiếp tục kịch trần 7%, KLF cũng tăng mạnh 8.5%, FLC tăng 4%, ART tăng 2.4%, ROS tăng 1%.
Diễn biến các nhóm ngành cuối phiên sáng 07/01. Nguồn: VietstockFinance
Thiết bị điện đang là ngành tăng mạnh nhất thị trường với mức tăng 5.09%. Ngược lại, chăm sóc sức khỏe là ngành giảm mạnh nhất với mức giảm 2.45%.
Khối ngoại bán ròng 320 tỷ đồng trên sàn HOSE, trong đó VRE và VIC là hai mã bị bán ròng nhiều nhất. Trên sàn HNX, khối ngoại mua ròng 50.1 tỷ đồng, trong đó DL1 là mã được mua ròng nhiều nhất.
10h30: Bên bán chiếm ưu thế với nhóm Large Cap
Bên bán chiếm ưu thế trong nhóm Large Cap kéo chỉ số VN-Index giảm nhẹ xuống dưới mức tham chiếu. Tuy nhiên, chỉ số nhanh chóng lấy lại được sắc xanh ngay sau đó và hiện đang tăng nhẹ hơn 1 điểm.
Trong rổ VN30, có đến 19 mã giảm, 7 mã tăng và 4 mã đứng giá. Giảm mạnh nhất rổ VN30 hiện đang là các cổ phiếu SAB, VIC, TPB và NVL, các mã này đang giảm trung bình quanh mức 1%. Ở chiều ngược lại, POW tăng tốt hơn 4%. Theo sau POW là sắc xanh đến từ các mã MSN, GAS và MBB.
Ngành chăm sóc sức khỏe đang là ngành giảm điểm mạnh nhất. Trong đó, cổ phiếu DHG giảm mạnh gần 5%. Một số cổ phiếu khác cùng hiện sắc đỏ trong nhóm là IMP, DBD, TNH, DMC,… Ngược lại, FIT đang tiến tốt hơn 3%, DCL và DHT cùng tăng giá nhẹ lên trên tham chiếu.
Ngành sản xuất nhựa - hóa chất cũng đang giao dịch trong sắc đỏ. Ông lớn GVR giảm nhẹ gần 1%, PHR lùi hơn 2%. Các cổ phiếu phân bón trong nhóm cũng giao dịch hết sức ảm đạm. Mã DCM giảm hơn 2%, DPM sụt hơn 1%,…
Trong khi đó, ngành tiện ích đang khởi sắc với sự tích cực đến từ hai ông lớn GAS và POW. Trong khi POW bứt phá hơn 4% thì GAS cũng tăng cho mình hơn 2% giá trị. Một số cổ phiếu nổi bật khác trong nhóm như GEG, BWE và TTA tiến hơn 2%, PGD tăng mạnh hơn 3%.
Mở cửa: Giằng co quanh mức 1,530 điểm, dầu khí dậy sóng
Sắc xanh tiếp tục xuất hiện ở các chỉ số của thị trường trong đầu phiên giao dịch cuối tuần. Tuy nhiên, VN-Index vẫn đang khá giằng co quanh mức 1,530 điểm. Nhóm cổ phiếu ngành dầu khí đang là điểm nhấn khi hầu hết các mã của nhóm này đều xuất hiện sắc xanh.
Bên mua đang chiếm ưu thế lớn ở rổ VN30 với 20 mã tăng, 6 mã giảm và 4 mã đứng giá. Mức độ biến động của các mã trong nhóm này hiện không quá lớn khi đa phần các cổ phiếu tăng giảm trên dưới 1% so với mức tham chiếu. VRE, BID,HDB và PLX là những mã tăng mạnh nhất nhóm này khi cùng vượt hơn 1%.
Giá TNG tăng trưởng hơn 4% và là mã dẫn đầu nhóm cổ phiếu ngành dệt may. Bên cạnh đó, VGT nối gót theo sau khi tiến hơn 3%, MSH tăng gần 1% và TCM nhích nhẹ trên mức tham chiếu. Trái ngược với các cổ phiếu cùng ngành, GIL đang hiện sắc đỏ 1% và hiện đang chuyển biến dần tích cực.
Giá dầu tăng mạnh quanh mức 80 USD/Oz vào ngày 06/01 do tình hình bất ổn leo thang ở thành viên sản xuất dầu Kazakhstan thuộc OPEC+ cùng sự gián đoạn nguồn cung ở Libya. Điều này là thông tin tích cực giúp nhóm cổ phiếu dầu khí dậy sóng. Trong đó, OIL và PVD bật mạnh trên 2%, BSR, PVS và PLX vượt hơn 1%, các mã còn lại cũng duy trì được đà tăng của mình.
Lý Hỏa
FILI
|