Vietstock Daily 06/01/2022: VN-Index vẫn sẽ tiếp tục xu hướng tăng?
Sau khởi đầu ấn tượng, VN-Index đã không thể duy trì đà tăng của mình sang phiên kế tiếp dù có lúc tăng gần 10 điểm. Khối lượng giao dịch có sự cải thiện đáng kể trên cả hai sàn HOSE và HNX. Xu hướng tăng trong ngắn hạn đã được VN-Index xác định sau khi vượt đỉnh lịch sử, trong thời gian tới ngưỡng Fibonacci Projection 61.8% (quanh mức 1,530 điểm) sẽ là vùng kháng cự tiếp theo cần phá vỡ.
I. PHÂN TÍCH THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN CƠ SỞ NGÀY 05/01/2022
- Các chỉ số thị trường giao dịch trái chiều trong phiên ngày 05/01/2022. Cụ thể, chỉ số VN-Index giảm 0.2%, xuống mức 1,522.50 điểm; HNX-Index tăng mạnh 1.32%, lên mức 480.36 điểm.
- Khối lượng khớp lệnh trên HOSE đạt hơn 987 triệu đơn vị, tăng 17.55% so với phiên giao dịch trước. Khối lượng khớp lệnh trên HNX tăng 35.7%, đạt gần 132 triệu đơn vị.
- Khối ngoại bán ròng trên sàn HOSE với giá trị gần 224 tỷ đồng, mua ròng trên sàn HNX với giá trị gần 36 tỷ đồng.
- Sau phiên giao dịch đầu tiên của năm 2022 đầy hứng khởi và thiết lập đỉnh lịch sử mới, VN-Index đã điều chỉnh giảm nhẹ trong phiên 05/01/2021. Ở đầu phiên sáng, VN-Index lình xình quanh mốc tham chiếu, trước khi tiến chậm rãi để vượt lên trên mức 1,530 điểm. Bước vào giờ nghỉ trưa, VN-Index có cho mình gần 10 điểm tăng. Tuy vậy, diễn biến ở phiên chiều lại ngược lại hoàn toàn so với phiên sáng, khi mà thị trường liên tục thu hẹp đà tăng trước đó và dần dần đánh rơi toàn bộ điểm tăng đã tích lũy. Sự đi xuống của nhóm cổ phiếu VN30 là yếu tố chính kéo giảm VN-Index. Kết thúc phiên giao dịch ngày, VN-Index giảm nhẹ 3.08 điểm.
- VN30-Index giảm 12.86 điểm, với sắc đỏ hiện diện trên 19/30 mã cổ phiếu trong nhóm. Cổ phiếu có mức giảm sâu nhất là MSN, khi giá cổ phiếu này mất đi hơn 5% giá trị. Theo ở ngay đằng sau là VJC, ACB, HDB, TPB và PNJ, mức giảm trung bình khi kết phiên rơi vào khoảng 2%. Ở diễn biến tăng giá, cổ phiếu VRE dẫn đầu đà tăng với mức tăng kịch trần. Ngoài ra, cổ phiếu GAS, KDH và GVR cũng có cho mình mức tăng tương đối ổn, tăng khoảng 2-3%.
- Về mức độ ảnh hưởng, MSN, VHM, VIC và VCB là những mã có tác động tiêu cực nhất đến VN-Index. Riêng MSN đã làm thị trường mất đi gần 3 điểm. Ở chiều ngược lại, GAS, VRE và DIG là những mã có tác động tích cực nhất.
- Nhiều cổ phiếu thủy sản đồng loạt khởi sắc, giúp nhóm này tăng gần 5% khi kết thúc phiên giao dịch ngày 05/01/2021. Sắc tím xuất hiện ở bộ đôi VHC và CMX, những cái tên khác trong ngành cũng tăng khá mạnh. Cụ thể, MPC tăng 5.19%, ANV tăng 5.13% hay FMC tiến ở mức 3.85%.
- Ngành bất động sản có sự phân hóa nhất định và qua đó chỉ tăng nhẹ 0.46%. Trong khi những ông lớn như VHM hay KBC giảm giá, thì nhiều cổ phiếu bất động sản lại kết phiên trong sắc xanh. Có thể kể đến như cổ phiếu NLG với mức tăng hơn 1%, cổ phiếu AGG tăng mạnh hơn 2%, DXG cũng tăng 1.14%. Ngoài ra, bộ đôi cổ phiếu nóng trong thời gian qua: DIG và CEO tiếp tục duy trì mức tăng kịch trần sang phiên thứ hai liên tiếp.
- Sau khởi đầu ấn tượng, VN-Index đã không thể duy trì đà tăng của mình sang phiên kế tiếp dù có lúc tăng gần 10 điểm. Khối lượng giao dịch có sự cải thiện đáng kể trên cả hai sàn HOSE và HNX. Xu hướng tăng trong ngắn hạn đã được VN-Index xác định sau khi vượt đỉnh lịch sử, trong thời gian tới ngưỡng Fibonacci Projection 61.8% (quanh mức 1,530 điểm) sẽ là vùng kháng cự tiếp theo cần phá vỡ.
PHÂN TÍCH KỸ THUẬT
Phân tích Xu hướng và Dao động giá
VN-Index - Test lại ngưỡng Fibonacci Projection 61.8%
Trong phiên giao dịch ngày 05/01/2022, VN-Index xuất hiện trạng thái điều chỉnh sau khi tiến lên test ngưỡng Fibonacci Projection 61.8% (quanh mức 1,530 điểm). Đây vẫn sẽ là thử thách mà chỉ số cần phải vượt qua để nhịp tăng được tiếp diễn.
Nếu trạng thái điều chỉnh vẫn xuất hiện ở những phiên kế tiếp thì vùng 1,500-1,510 điểm (đỉnh cũ đã bị vượt qua của tháng 11/2021) sẽ là hỗ trợ quan trọng. Tại đây còn có sự hiện diện của ngưỡng Fibonacci Projection 50% nên độ tin cậy được tăng lên.
Chỉ báo Relative Strength Index điều chỉnh nhẹ sau khi lên test mức 70 và đang thiết lập trendline tăng ngắn hạn. Chỉ báo MACD vẫn duy trì ở trên đường tín hiệu (signal line), qua đó cho thấy tình hình vẫn còn khá lạc quan.
HNX-Index - Dòng tiền được cải thiện
Trong phiên giao dịch ngày 05/01/2022, HNX-Index xuất hiện cây nến White Opening Marubozu và vẫn đang bám sát vào đường Upper Band. Dải Bollinger Bands tiếp tục được mở rộng cho thấy tình hình vẫn đang rất khả quan.
Chỉ báo MACD và Relative Strength Index đang duy trì những tín hiệu tích cực. Bên cạnh đó, khối lượng giao dịch tăng cao và vượt mức trung bình 20 ngày, qua đó cho thấy dòng tiền đang được cải thiện.
Mục tiêu mà chỉ số hướng đến sẽ là vùng 500-510 điểm (ngưỡng Fibonacci Projection 61.8%). Đây cũng là mục tiêu theo nguyên lý đối xứng sau khi chỉ số vượt hoàn toàn vùng đỉnh tháng 11/2021.
Phân tích Dòng tiền
Biến động của dòng tiền thông minh: Chỉ báo Negative Volume Index của VN-Index đang nằm trên đường EMA 20 ngày. Nếu trạng thái này tiếp tục duy trì trong những phiên tới thì rủi ro sụt giảm bất ngờ (thrust down) sẽ được giảm thiểu.
Biến động của dòng tiền từ khối ngoại: Khối ngoại bán ròng trong phiên giao dịch ngày 05/01/2022. Nếu nhà đầu tư nước ngoài duy trì hành động này trong những phiên tới thì khả năng thị trường lao dốc sẽ tăng lên.
II. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG NGÀY 05/01/2022
Bộ phận Phân tích Kinh tế & Chiến lược Thị trường, Phòng Tư vấn Vietstock
FILI
|