Chính sách mới của Chính phủ có hiệu lực từ tháng 1/2022
Các chính sách mới có hiệu lực từ tháng 1/2022 bao gồm tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng; doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài phải ký quỹ 2 tỷ đồng; Vi phạm hành chính trong lĩnh vực quy hoạch bị phạt tới 500 triệu đồng...
Dưới đây là các quy định, chính sách mới bắt đầu có hiệu lực từ tháng 1/2022.
Bảo đảm công khai, minh bạch giá trang thiết bị y tế khi lưu hành trên thị trường
Nghị định 98/2021/NĐ-CP ban hành ngày 8/11/2021 của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.
Theo đó, quản lý giá trang thiết bị y tế theo cơ chế thị trường, tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân kinh doanh trang thiết bị y tế theo quy định của pháp luật; bảo đảm công khai, minh bạch giá trang thiết bị y tế khi lưu hành trên thị trường.
Niêm yết giá bán buôn, bán lẻ trang thiết bị y tế bằng đồng Việt Nam tại nơi giao dịch hoặc nơi bán trang thiết bị y tế của cơ sở kinh doanh trang thiết bị y tế; thông báo công khai trên bảng, trên giấy hoặc bằng các hình thức khác.
Công khai giá trúng thầu trang thiết bị y tế của các cơ sở y tế công lập; không được mua bán trang thiết bị y tế khi chưa có giá kê khai và không được mua bán cao hơn giá kê khai trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Y tế tại thời điểm mua bán.
Vi phạm quy định về quản lý giá trang thiết bị y tế sẽ bị phạt đến 20 triệu đồng
Có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, Nghị định 124/2021/NĐ-CP ban hành ngày 28/12/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 4/9/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm và Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Trong đó, Nghị định 124/2021/NĐ-CP bổ sung Điều 78a vi phạm quy định về quản lý giá trang thiết bị y tế vào sau Điều 78 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP. Cụ thể, phạt tiền từ 15-20 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Không thực hiện việc kê khai giá trang thiết bị y tế trước khi lưu hành tại Việt Nam; mua bán trang thiết bị y tế khi chưa có giá kê khai hoặc mua bán cao hơn giá kê khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế tại thời điểm mua bán.
Trích dẫn không đúng nguồn thông tin thống kê sẽ bị phạt đến 1 triệu đồng
Có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, Nghị định 100/2021/NĐ-CP ban hành ngày 15/11/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thống kê.
Trong đó, Nghị định bổ sung khoản 1a vào sau khoản 1 Điều 13: Phạt tiền từ 500.000-1.000.000 đồng đối với hành vi trích dẫn không đúng nguồn thông tin thống kê khi phổ biến, đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc các ấn phẩm.
Quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công
Nghị định 99/2021/NĐ-CP ban hành ngày 11/11/2021 của Chính phủ quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.
Nghị định này quy định chi tiết về quản lý, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư công cho dự án, công trình, nhiệm vụ quy hoạch, nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công.
Tăng thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn
Có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, Nghị định 102/2021/NĐ-CP ban hành ngày 16/11/2021của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, hóa đơn; hải quan; kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số; quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc Nhà nước; kế toán, kiểm toán độc lập.
Trong đó, Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn. Cụ thể, sửa đổi điểm a khoản 1 Điều 8 thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn là 2 năm (quy định cũ là 1 năm).
Sửa đổi điều kiện đối với thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu
Có hiệu lực từ ngày 2/1/2022, Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ban hành ngày 1/11/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 về kinh doanh xăng dầu.
Trong đó, Nghị định sửa đổi điều kiện đối với thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu. Một trong các điều kiện được sửa là thương nhân phải có hệ thống phân phối xăng dầu: Tối thiểu 10 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc sở hữu hoặc thuê với thời hạn thuê từ 5 năm trở lên, trong đó có ít nhất 5 cửa hàng thuộc sở hữu của doanh nghiệp; tối thiểu 40 tổng đại lý kinh doanh xăng dầu hoặc đại lý bán lẻ xăng dầu hoặc thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của thương nhân.
Quy định chi tiết thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính
Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ban hành ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.
Nghị định số 118/2021/NĐ-CP quy định về: Đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính; quy định về vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính; áp dụng quy định về xử phạt vi phạm hành chính và quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính.
Theo quy định, việc quy định hành vi vi phạm hành chính phải bảo đảm các yêu cầu sau: Có vi phạm các quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm, điều cấm của pháp luật về trật tự quản lý hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước; đáp ứng yêu cầu bảo đảm trật tự quản lý hành chính nhà nước; hành vi vi phạm hành chính phải được mô tả rõ ràng, đầy đủ, cụ thể để có thể xác định và xử phạt được trong thực tiễn.
Hình thức xử phạt, mức xử phạt được quy định đối với từng hành vi vi phạm hành chính và phải căn cứ vào các yếu tố sau: Tính chất, mức độ xâm hại trật tự quản lý hành chính nhà nước của hành vi vi phạm; đối với hành vi vi phạm không nghiêm trọng, có tính chất đơn giản, thì phải quy định hình thức xử phạt cảnh cáo; mức thu nhập, mức sống trung bình của người dân trong từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; mức độ giáo dục, răn đe và tính hợp lý, tính khả thi của việc áp dụng hình thức, mức phạt.
Vi phạm hành chính trong lĩnh vực quy hoạch bị phạt tới 500 triệu đồng
Có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, Nghị định số 122/2021/NĐ-CP ban hành ngày 28/12/2021 của Chính phủ quy định mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đầu tư và đấu thầu là 300 triệu đồng; lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp là 100 triệu đồng và lĩnh vực quy hoạch là 500 triệu đồng.
Phạt nặng người điều khiển xe ô tô đón trả khách trên đường cao tốc
Có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, Nghị định 123/2021/NĐ-CP ban hành ngày 28/12/2021 sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 31/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Trong đó, Nghị định bổ sung khoản 7a vào sau khoản 7 Điều 23 xử phạt người điều khiển ô tô chở hành khách, ô tô chở người và các loại xe tương tự ô tô chở khách, chở người vi phạm quy định về vận tải đường bộ như sau: Phạt tiền từ 10-12 triệu đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi đón, trả khách trên đường cao tốc.
Bổ sung khoản 8a vào sau khoản 8 Điều 24 xử phạt người điều khiển ô tô tải, máy kéo (bao gồm cả rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo theo) và các loại xe tương tự ô tô vận chuyển hàng hóa vi phạm quy định về vận tải đường bộ. Cụ thể, phạt tiền từ 10-12 triệu đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi nhận, trả hàng trên đường cao tốc.
Phân biệt đối xử về giới trong lao động bị phạt tới 30 triệu đồng
Nghị định số 125/2021/NĐ-CP ban hành ngày 28/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.
Trong đó, Nghị định quy định, mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới đối với cá nhân là 30 triệu đồng.
Tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng
Theo Nghị định 108/2021/NĐ-CP ban hành ngày 7/12/2021 của Chính phủ điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng, từ ngày 1/1/2022 điều chỉnh tăng thêm 7,4% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng của tháng 12/2021. Nghị định 108/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 20/1/2022.
Hỗ trợ tìm việc làm cho người được giáo dục tại xã, phường, thị trấn
Nghị định 120/2021/NĐ-CP ban hành ngày 24/12/2021 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.
Nghị định quy định cụ thể các nội dung cơ bản trong giáo dục tại xã, phường, thị trấn gồm:
a) Phổ biến, giáo dục pháp luật về quyền, nghĩa vụ của công dân, các quy định của pháp luật liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật của người được giáo dục.
Phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy, về tác hại của việc sử dụng ma túy đối với sức khỏe, gia đình và cộng đồng cho đối tượng là người sử dụng trái phép chất ma túy;
b) Giáo dục về kỹ năng sống, hỗ trợ học văn hóa, hướng nghiệp, dạy nghề, hỗ trợ tìm việc làm cho người được giáo dục;
c) Tổ chức cho người được giáo dục tham gia các hoạt động công ích tại cộng đồng với hình thức phù hợp;
d) Giáo dục về truyền thống tốt đẹp của quê hương, đất nước;
đ) Các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ khác theo quy định của pháp luật nhằm thúc đẩy việc phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng.
Doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài phải ký quỹ 2 tỷ đồng
Theo Nghị định số 112/2021/NĐ-CP ban hành ngày 10/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, doanh nghiệp Việt Nam hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (doanh nghiệp dịch vụ) phải thực hiện ký quỹ 2 tỷ đồng tại một ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.
Đối với doanh nghiệp dịch vụ giao nhiệm vụ cho chi nhánh thực hiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng phải ký quỹ thêm 500 triệu đồng đối với mỗi chi nhánh được giao nhiệm vụ.
Quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy
Nghị định 105/2021/NĐ-CP ban hành ngày 4/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống ma túy có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, trong đó quy định quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy.
Thời hạn quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy là 1 năm, kể từ ngày Chủ tịch UBND cấp xã ra quyết định quản lý.
Trong thời hạn quản lý, nếu người đang có quyết định quản lý bị phát hiện tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy mà không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 23 của Luật Phòng, chống ma túy thì Chủ tịch UBND cấp xã có thẩm quyền ra quyết định quản lý mới, trong đó xác định lại thời hạn quản lý là 1 năm, kể từ ngày ra quyết định quản lý mới.
Điều kiện cơ sở y tế thực hiện xác định tình trạng nghiện ma túy
Có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, Nghị định 109/2021/NĐ-CP ban hành ngày 8/12/2021 của Chính phủ quy định cơ sở y tế thực hiện xác định tình trạng nghiện ma túy phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:
Thứ nhất, là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh với phạm vi hoạt động chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa nội hoặc chuyên khoa tâm thần hoặc điều trị hỗ trợ cai nghiện ma túy hoặc điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; cơ sở giám định pháp y tâm thần.
Thứ hai, bác sỹ xác định tình trạng nghiện ma túy phải có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa tâm thần hoặc đa khoa hoặc chuyên khoa nội hoặc chuyên khoa y học cổ truyền. Trường hợp bác sỹ có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đa khoa hoặc chuyên khoa nội hoặc chuyên khoa y học cổ truyền thì phải có chứng nhận đã hoàn thành khóa tập huấn về xác định tình trạng nghiện ma túy do cơ sở có chức năng đào tạo cấp.
Thứ ba, cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm để thực hiện được quy trình chuyên môn xác định tình trạng nghiện ma túy, phù hợp với hình thức tổ chức, phạm vi hoạt động chuyên môn của chuyên khoa.
Chính sách ưu đãi và chế độ đặc thù đối với Bộ đội Biên phòng
Nghị định số 106/2021/NĐ-CP ban hành ngày 6/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều Luật Biên phòng Việt Nam có hiệu lực từ ngày 21/1/2022. Nghị định này quy định chi tiết về hệ thống tổ chức; chính sách ưu đãi và chế độ đặc thù đối với Bộ đội Biên phòng; phối hợp giữa bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương trong thực hiện nhiệm vụ biên phòng.
Nghị định nêu rõ, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng thuộc Bộ đội Biên phòng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biên giới, hải đảo có thời gian từ 5 năm trở lên nếu có nhu cầu chuyển gia đình đến định cư ổn định cuộc sống lâu dài ở khu vực biên giới, hải đảo được chính quyền địa phương nơi chuyển đến ưu tiên giao đất ở theo quy định của pháp luật về đất đai; hỗ trợ về chỗ ở, nhà ở cho gia đình, việc làm cho vợ hoặc chồng của sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng thuộc Bộ đội Biên phòng và được hưởng các chế độ, chính sách khác theo quy định.
Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng ngoài được hưởng chế độ tiền lương, phụ cấp và các chính sách khác trong Quân đội còn được hưởng phụ cấp trách nhiệm bảo vệ biên giới, hải đảo trong thời gian trực tiếp làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới, hải đảo.
Hạnh Mai
VnEconomy
|