Mía đường Việt Nam thế nào sau áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với đường nhập khẩu Thái Lan?
Sau khi áp dụng biện pháp phòng vệ với đường nhập khẩu từ Thái Lan giá đường trong nước đã tăng lên, giá thu mua mía đường cũng tăng, người nông dân phấn khởi mở rộng diện tích trồng mía, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tăng lên…
Năm 2020, nhập khẩu đường từ Thái Lan đạt gần 1,5 triệu tấn, tăng 330 % so với năm 2019.
|
Nhìn lại thời điểm năm 2020, Việt Nam bắt đầu thực thi cam kết trong Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), mức thuế nhập khẩu đường ở mức 5% đã khiến lượng đường nhập vào Việt Nam tăng nhanh chóng.
CÓ THỜI ĐIỂM ĐƯỜNG THÁI LAN LÀM CHỦ THỊ TRƯỜNG
Năm 2020, nhập khẩu đường từ Thái Lan đạt gần 1,5 triệu tấn, tăng 330 % so với năm 2019. Đường nhập khẩu từ Thái Lan với khối lượng lớn và giá rẻ đã gây ảnh hưởng đến ngành sản xuất trong nước.
Theo thống kê của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, trước khi ATIGA thực thi, Việt Nam có 41 nhà máy sản xuất đường. Đến năm 2010 chỉ có 30 nhà máy hoạt động, 1 nhà máy đã buộc phải đóng cửa, 17 nhà máy thua lỗ, khoảng 3.300 người lao động đã bị mất việc làm và 93.225 hộ nông dân bị ảnh hưởng do khó khăn của ngành sản xuất đường trong nước.
Diện tích trồng mía cũng bị thu hẹp đáng kể do thu nhập từ cây mía không đảm bảo cuộc sống của người nông dân. Có những dấu hiệu cho thấy đường Thái Lan bán với giá rất rẻ do bán phá giá và nhận được trợ cấp từ Chính phủ Thái Lan.
Tại tọa đàm “Thực trạng ngành mía đường Việt Nam sau khi áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại” do Tạp chí Công Thương phối hợp với Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 30/12, ông Nguyễn Văn Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, ngay sau khi chúng ta bắt đầu thực thi hiệp định từ tháng 02/2020 đã có một lượng đường nhập khẩu rất lớn tràn vào Việt Nam.
Lượng đường này gấp đôi lượng đường trong nước sản xuất vụ năm 2019-2020. Hơn nữa giá rất rẻ, chỉ xấp xỉ giá các nhà máy mua mía. “Với lượng lớn, giá rẻ như thế thì lượng đường nhập khẩu này hoàn toàn làm chủ thị trường và dìm giá đường trong nước xuống rất thấp”, ông Lộc nói.
Như vậy, đường trong nước không bán được, chuỗi sản xuất nhà máy - nông dân đứt, nhà máy không có tiền trả cho nông dân, nông dân buộc phải giảm diện tích trồng mía, nhà máy đóng cửa… ngành mía đường Việt Nam đứng trước nguy cơ xóa sổ.
Trong khi đó, nhìn sang các nước khác cũng đã hội nhập ATIGA như Việt Nam thì hiện tượng như thế chưa hề xảy ra. Ông Lộc phân tích, trước chúng ta, đã có những nước khác bao gồm Thái Lan, Phillipines và Indonesia đã thực thi cam kết ATIGA từ năm 2010, 2015.
Tuy nhiên họ hội nhập theo cách khác. Thái Lan không cho nhập khẩu đường, còn Indonesia và Phillipines cũng hội nhập, cũng thực thi ATIGA và cũng cho phép nhập khẩu đường nhưng chỉ nhập khẩu đường khi nào đường trong nước đã tiêu thụ hết.
Việt Nam lâm vào hoàn cảnh khó khăn mà các nước khác chưa từng gặp bao giờ. Đây là một bất công và ngành mía đường Việt Nam khi hội nhập.
Trước tình hình đó, 6 nhà máy đường với đại diện là Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã nộp hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với sản phẩm đường mía xuất xứ từ Thái Lan.
Sau quá trình điều tra kỹ lưỡng, ngày 9/2/2021, Bộ Công thương đã ký ban hành Quyết định số 477/QĐ-BCT về việc áp dụng thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với đường nhập khẩu từ Thái Lan.
ÁP BIỆN PHÁP PHÒNG VỆ THƯƠNG MẠI KHÔNG PHẢI NGĂN CHẶN HÀNG HÓA NHẬP KHẨU
Chính vì thế, lượng đường nhập khẩu Thái Lan từ tháng 3 năm 2021 giảm tới 75%. Điều này làm giảm tốc độ cạnh tranh không bình đẳng của đường Thái Lan đối với ngành sản xuất trong nước, từ đó giúp giá được sản xuất trong nước tăng lên. Giá thu mua mía của nông dân cũng tăng thêm từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng một tấn.
Đây là giải pháp hiệu quả để từng bước phục hồi vùng nguyên liệu của người nông dân và các doanh nghiệp sản xuất mía đường, đồng thời giảm áp lực cho các doanh nghiệp mía đường trong nước.
Ông Lộc cho biết, giá đường của Việt Nam hiện đã bắt đầu tiệm cận với các nước trong khu vực. Giá mía mà doanh nghiệp mua bằng giá mua mía mà nông dân Indonesia, Philippines được hưởng. “Hôm nay chúng tôi tự tin nói: giá mía nông dân Việt Nam được hưởng cao hơn giá mía người nông dân Thái Lan đang được hưởng”, ông Lộc lạc quan.
Ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương cũng đồng tình, khi áp dụng biện pháp phòng vệ với đường nhập khẩu, giá đường đã có dấu hiệu tăng lên. Doanh nghiệp sản xuất bắt đầu có chính sách về phát triển vùng nguyên liệu, tăng giá thu mua mía đối với người dân…
Đại diện các hộ nông dân trồng mía tỉnh Phú Yên, ông Võ Văn Út chia sẻ, ngay từ đầu niên vụ 2020-2021 khi bắt đầu có thông tin khởi xướng điều tra chống bán phá giá chống trợ cấp đối với đường có xuất xứ Thái Lan, các nhà máy đã tăng giá mua mía của nông dân cao hơn 150.000 đồng/tấn mía so với vụ 2019-2020. Thu nhập của người nông dân cũng được cải thiện hơn hẳn.
“Đến khi đã có kết luận điều tra chống bán phá giá chống trợ cấp và quyết định áp thuế chính thức đối với đường có xuất xứ Thái Lan, chúng tôi nhận thấy giá đường đã được nâng cao, nhà máy tiếp tục nâng giá mía niên vụ 2021-2022 cao hơn 100.000 đồng/tấn mía so với vụ trước. Chúng tôi rất phấn khởi vì với giá mía này đời sống bà con nông dân chúng tôi được cải thiện. Nếu giá mía này được duy trì trong thời gian sắp đến, chắc chắn chúng tôi sẽ mở rộng diện tích trồng mía hơn nữa”, ông Út hồ hởi.
Theo ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), việc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại không phải ngăn chặn hàng hóa nhập khẩu mà là đưa ra một mức giá công bằng trên thị trường.
Vì vậy, các doanh nghiệp sản xuất trong nước sẽ phải tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh của mình để có thể là cạnh tranh được với cả hàng hóa nhập khẩu.
Để tránh việc lệ thuộc vào các biện pháp, bên cạnh việc sử dụng hiệu quả các công cụ phòng vệ thương mại, ông Thắng cho rằng, doanh nghiệp cần phải nâng cao khả năng cạnh tranh của chính mình để có thể thích nghi với bối cảnh hội nhập kinh tế tốt hơn và phát triển bền vững.
Vũ Khuê
VnEconomy
|