Ngành lâm nghiệp đặt mục tiêu xuất khẩu 16 tỷ USD năm 2022
Kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản năm 2021 đạt khoảng 15,87 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2020, xuất siêu cả năm của ngành lâm nghiệp ước đạt 12,94 tỷ USD, tăng 21,2% so với năm 2020...
Ổn định tỷ lệ che phủ rừng ở 42%.
|
Tại hội nghị tổng kết ngành Lâm nghiệp năm 2021, Tổng cục Lâm nghiệp đưa ra con số khá "giật mình", mặc dù số vụ vi phạm Lâm luật năm 2021 giảm 13% so với năm 2020, nhưng tổng diện tích rừng bị thiệt hại lại tăng tới 75%.
Diện tích rừng bị thiệt hại tăng gấp 1.7 lần
Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp, sản lượng gỗ khai thác năm 2021 đạt 18,1 triệu m3, tăng 5,4%; sản lượng củi khai thác đạt 18,8 triệu ste, giảm 1,6%.
Các tỉnh có sản lượng gỗ khai thác tăng cao so với năm trước như: Bắc Kạn 293,9 nghìn m3, tăng 44%; Quảng Ninh 550,6 nghìn m3, tăng 37,5%; Bắc Giang 801,6 nghìn m3, tăng 17,3%; Quảng Ngãi 2.136,3 nghìn m3, tăng 14,2%; Nghệ An 1.501,8 nghìn m3, tăng 13,8%.
Tính chung năm 2021, cả nước có 2.081 ha rừng bị thiệt hại, tăng 29,3% so với năm trước, trong đó: Diện tích rừng bị cháy là 1.229 ha, gấp 1,7 lần; diện tích rừng bị chặt, phá là 852 ha, giảm 6,2%.
Ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp.
|
Về tình hình cháy rừng, Tổng cục Lâm nghiệp cho biết chủ yếu xảy ra tại 03 tỉnh: Thừa Thiên - Huế 45 vụ (365 ha); Quảng Nam 18 vụ (329 ha); Gia Lai 10 vụ (143 ha), chiếm hơn 68% diện tích cháy rừng của cả nước. Nguyên nhân diện tích thiệt hại do cháy rừng tăng là do dịch bệnh Covid phức tạp tại một số tỉnh nên khi cháy rừng xảy ra không huy động lực lượng chữa cháy được mà phải thực hiện giãn cách xã hội tại các tỉnh như Thừa Thiên Huế, Gia Lai…
Liên quan đến vấn đề sản xuất chế biến và tiêu sản phẩm gỗ và lâm sản trong năm qua, ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp chia sẻ mặc dù chịu tác động của dịch Covid-19, song Tổng cục Lâm nghiệp đã luôn chủ động, thường xuyên phối hợp với các hiệp hội, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản để nắm bắt tình hình, từ đó, đó tham mưu để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Đồng thời Tổng cục Lâm nghiệp cũng theo dõi và hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện và xử lý các vụ tranh chấp thương mại quốc tế. Qua đó đã giúp các doanh nghiệp giảm bớt khó khăn, khôi phục và ổn định sản xuất để duy trì tăng trưởng của ngành.
Kết quả, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản năm 2021 đạt khoảng 15,87 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2020, xuất siêu cả năm của ngành lâm nghiệp ước đạt 12,94 tỷ USD, tăng 21,2% so với năm 2020.
Ngoài ra, cũng trong năm 2021, cả nước thu được 3.115 tỷ đồng từ dịch vụ môi trường rừng, đạt 111% kế hoạch thu năm và tăng 20% so với cùng kỳ. Trong đó Quỹ dịch vụ môi trường rừng Trung ương thu 1.922 tỷ đồng, Quỹ địa phương thu 1.193 tỷ đồng.
Ổn định tỷ lệ che phủ rừng ở 42%
Năm 2022, ngành lâm nghiệp đề ra kế hoạch: trồng rừng tập trung 230.000 ha (rừng phòng hộ, đặc dụng, rừng sản xuất); trồng 122 triệu cây phân tán; khai thác gỗ rừng sản xuất khoảng 31,5 triệu m3 (khai thác từ rừng trồng tập trung 21 triệu m3; khai thác cây trồng phân tán, cây vườn nhà 5,5 triệu m3; gỗ cao su 5 triệu m3.
Theo ông Bùi Chính Nghĩa, để thực hiện những mục tiêu trên, Tổng cục Lâm nghiệp đã đề ra 10 nhóm giải pháp, trong đó trọng tâm là bảo đảm tiến độ, chất lượng xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức thực hiện hiệu quả chiến lược, quy hoạch, chương trình, đề án trọng điểm.
Toàn ngành phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt 16 tỷ USD trong năm 2022; thu dịch vụ môi trường rừng 3.000 tỷ đồng. Ngành lâm nghiệp đặt ra nhiệm vụ trọng tâm trong các năm tới phấn đấu duy trì ổn định tỉ lệ che phủ rừng 42%, đồng thời nâng cao chất lượng rừng.
|
Tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 28.3.2019 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển và bền vững ngành Công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ phục vụ xuất khẩu.
Đồng thời, tập trung thực hiện phối hợp trong việc ngăn chăn tình trạng gian lận thương mại của một số doanh nghiệp xuất khẩu, kiểm soát chặt gỗ nhập khẩu từ các nước có nhiều rủi ro về nguồn gốc gỗ bất hợp pháp; tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng; thực hiện quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng.
Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết ngành Lâm nghiệp năm 2021, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh ghi nhận, biểu dương và đặc biệt ấn tượng với những kết quả, đóng góp của ngành lâm nghiệp trong bối cảnh khó khăn chung của năm 2021 - năm rất khó khăn vì dịch Covid, nhưng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã đạt kỷ lục mới.
Đặc biệt là nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội và sự đồng hành có trách nhiệm của Tổng cục Lâm nghiệp đã chủ động, linh hoạt vượt khó khăn thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu. Việc xây dựng và thực hiện quy chế phối hợp giữa Tổng cục Lâm nghiệp và các Hiệp hội, doanh nghiệp là một “hình mẫu” cần phát huy, nhân rộng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng thẳng thắn chỉ ra vẫn còn tình trạng phá rừng, vận chuyển, tàng trữ lâm sản trái phép và chống người thi hành công vụ tại một số vùng trọng điểm như: Tây Bắc, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ. Nguyên nhân chủ yếu là do người dân thiếu đất sản xuất, tình trạng di dân tự do, chuyển diện tích đất rừng sang trồng cây công nghiệp, nông nghiệp và khai thác rừng tự nhiên trái phép.
Để giải quyết tình trạng trên, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đề nghị, trong thời gian tới Tổng cục Lâm nghiệp cần tiếp tục hoàn thiện Quy hoạch ngành và xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các đề án, chương trình đã được phê duyệt. Công tác bảo vệ rừng phải được đặc biệt quan tâm, và có sự phối hợp thường xuyên, kịp thời, chặt chẽ với các địa phương.
Chương Phượng
VnEconomy
|