Vụ kit xét nghiệm Công ty Việt Á: Bắt giam nhiều lãnh đạo tại Bộ Y tế và Bộ KH-CN
Xung quanh vụ kit xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á, Bộ Công an đã khởi tố, bắt giam hàng loạt lãnh đạo, người có trách nhiệm tại Bộ Y tế, Bộ KH-CN và CDC các địa phương.
Trước bức xúc của xã hội về những lùm xùm xung quanh vụ kit xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á, Bộ Công an ngày 31.12.2021 đã khởi tố, bắt giam hàng loạt lãnh đạo, người có trách nhiệm tại Bộ Y tế, Bộ KH-CN và CDC các địa phương.
Lợi dụng chức vụ quyền hạn
Chiều qua (31.12.2021), Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thực hiện các lệnh khám xét và áp dụng biện pháp tư pháp đối với ông Nguyễn Minh Tuấn, cựu Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị - Công trình y tế (Bộ Y tế), ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) và ông Trịnh Thanh Hùng, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật (Bộ KH-CN), để điều tra về tội danh “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Đây là diễn biến mới nhất trong quá trình điều tra mở rộng vụ án “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty CP công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á), Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương (CDC Hải Dương) và các đơn vị, địa phương có liên quan.
|
Các bị can Nguyễn Minh Tuấn, Nguyễn Nam Liên và Trịnh Thanh Hùng (từ trái qua). Bộ Công an cung cấp
|
Theo các tài liệu Thanh Niên thu thập, từ đầu năm 2020, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên cả nước, trên cơ sở “đặt hàng” của Bộ Y tế, Bộ KH-CN đã xác định nhiệm vụ quốc gia bằng đề tài nghiên cứu khoa học “Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và real-time RT-PCR phát hiện chủng vi rút Corona mới 2019 (2019-nCoV)”. Nhiệm vụ quốc gia này sau đó được giao cho Học viện Quân y phối hợp với Công ty Việt Á thực hiện.
Đề tài được thực hiện từ tháng 2.2020 và dự kiến đến tháng 12.2021, Hội đồng khoa học mới tiến hành đánh giá, nghiệm thu. Tuy nhiên, căn cứ vào một số kết quả nghiên cứu đề tài, từ tháng 3.2020, Bộ Y tế đã cấp phép lưu hành tạm thời và đến tháng 4.2020 cho phép lưu hành chính thức kit xét nghiệm Covid-19 là kết quả ứng dụng của đề tài nêu trên. Đáng chú ý, đề tài khoa học này được nhà nước cấp ngân sách với số tiền gần 19 tỉ đồng, nhưng khi ứng dụng thì chỉ có tên của Công ty Việt Á.
Với sự “đóng dấu” xác nhận của Bộ KH-CN, Bộ Y tế và Học viện Quân y, Công ty Việt Á từ một doanh nghiệp tư nhân quy mô nhỏ trong 2 năm qua đã trở thành “đại gia” cung cấp kit xét nghiệm Covid-19 cho 62/63 tỉnh, thành toàn quốc với doanh thu đạt 4.000 tỉ đồng.
Mặt khác, dù là sản phẩm quốc nội, được nuôi bằng bầu sữa ngân sách, nhưng giá kit xét nghiệm của Công ty Việt Á bán cho các tỉnh, thành có mức 470.000 đồng/kit, cao gần gấp đôi so với kit xét nghiệm nhập khẩu cũng như của một số doanh nghiệp sản xuất trong nước.
Thông tin từ C03 cho biết, từ kết quả điều tra mở rộng, có căn cứ xác định dấu hiệu sai phạm trong việc quản lý, nghiên cứu và chuyển giao đề tài khoa học về sản phẩm kit xét nghiệm Covid-19 tại Bộ KH-CN, trong đó bị can Trịnh Thanh Hùng là người có liên quan. Mặt khác, việc Bộ Y tế cấp giấy phép đăng ký lưu hành cho sản phẩm của Công ty Việt Á, có liên quan đến trách nhiệm của các ông Nguyễn Minh Tuấn, Nguyễn Nam Liên.
Theo nguồn tin của Thanh Niên, danh sách những người có liên quan tại Bộ Y tế và Bộ KH-CN sẽ chưa dừng lại ở đây.
Phan Quốc Việt bị điều tra thêm tội đưa hối lộ
Trước đó, ngày 18.12.2021, C03 đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, áp dụng biện pháp tư pháp đối với 7 người có liên quan về hành vi “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Trong số này có ông Phan Quốc Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Việt Á; Vũ Đình Hiệp, Phó tổng giám đốc Công ty Việt Á, cùng nhiều người có liên quan.
C03 xác định ông Phan Quốc Việt đã lợi dụng tính chất cấp bách về nhu cầu test Covid-19 của các địa phương trên cả nước cũng như sản phẩm thuộc danh mục được áp dụng hình thức chỉ định thầu rút gọn, để cấu kết với các bên liên quan nhằm trục lợi. Cụ thể, một mặt Công ty Việt Á chủ động cung ứng kit xét nghiệm cho các bệnh viện, CDC các tỉnh, TP sử dụng; mặt khác, thông đồng với một số đơn vị bên mua hợp thức hóa hồ sơ chỉ định thầu, thông qua 12 pháp nhân của Công ty Việt Á. Mỗi thương vụ thành công, ông Phan Quốc Việt sẵn sàng chi 20% giá trị hợp đồng cho những người quyết định. Chỉ tính riêng 5 hợp đồng mua bán kit xét nghiệm với CDC Hải Dương trị giá trên 150 tỉ đồng, ông Phan Quốc Việt đã chi cho ông Phạm Duy Tuyến, Giám đốc CDC Hải Dương, số tiền 27 tỉ đồng.
Từ kết quả điều tra mở rộng, hôm qua (31.12.2021), C03 đã khởi tố bổ sung vụ án về các tội “đưa, nhận hối lộ”, đồng thời khởi tố thêm tội danh “đưa hối lộ” đối với các bị can Phan Quốc Việt, Vũ Đình Hiệp; khởi tố thêm tội danh “nhận hối lộ” đối với bị can Phạm Duy Tuyến.
Khởi tố Giám đốc CDC Nghệ An và Bình Dương
Ngoài CDC Hải Dương, C03 còn làm rõ một số lãnh đạo, cán bộ CDC Nghệ An và CDC Bình Dương đã thông đồng, câu kết với ông Phan Quốc Việt và các đối tượng liên quan thuộc Công ty Việt Á, Công ty TNHH phát triển công nghệ ứng dụng Việt Nam (Công ty VNDAT), vi phạm các quy định của luật Đấu thầu khi tổ chức đấu thầu mua vật tư phòng, chống dịch Covid-19, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Vì thế, ngày 31.12.2021, C03 khởi tố 9 bị can khác về tội “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, gồm các ông, bà: Nguyễn Văn Định, Giám đốc CDC Nghệ An; Nguyễn Thị Hồng Thắm, Kế toán trưởng CDC Nghệ An; Nguyễn Thành Danh, Giám đốc CDC Bình Dương; Trần Thanh Phong, Phó phòng Tài chính Kế toán CDC Bình Dương; Lê Thị Hồng Xuyên, nguyên phụ trách Phòng Thí nghiệm CDC Bình Dương; Tiêu Quốc Cường, Kế toán trưởng, Phó phòng Tài chính Sở Y tế Bình Dương; Nguyễn Trường Giang, Giám đốc Công ty VNDAT; Nguyễn Thị Thúy, nhân viên kinh doanh Công ty VNDAT, và Lê Trung Nguyên, Giám đốc vùng Công ty Việt Á.
|
Thái Sơn
Thanh niên
|