Chủ Nhật, 02/01/2022 21:06

Ba chủ đề kinh tế - tài chính đáng quan tâm của năm 2022

Ở thời điểm của sự chuyển giao năm 2021 sang năm 2022, có ba chủ đề đang được giới kinh tế – tài chính, cơ quan quản lý, nhà quan sát quan tâm.

Liệu Covid-19 có chấm dứt vai trò đại dịch toàn cầu vào năm 2022?

Từ khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố đại dịch toàn cầu vào tháng 3-2020, ít ai nghĩ rằng đến tận cuối tháng 12-2021 vẫn còn nhiều nước phải áp dụng lại phong tỏa một phần hay cả nước, nhất là đối với những người chưa tiêm vaccine.

Trung Quốc vừa phong tỏa thành phố Tây An của tỉnh Thiểm Tây do tình trạng gia tăng ca mắc mới. Doanh nghiệp địa phương của khu vực này đang phải thu hẹp hoạt động…

Ở phía châu Âu và Mỹ, số ca Covid-19 tiếp tục tăng nhanh và một số nước như Anh đã chứng kiến số ca nhiễm bệnh kỷ lục từ khi dịch bắt đầu. Nhiều chuyến bay bị hủy, đi lại giữa các nước dự kiến được thông suốt trong mùa đông đã bị gặp trở ngại.

Ở đây không có lời giải chắc chắn đúng và không có rủi ro, mà đòi hỏi một mức độ quyết đoán và chấp nhận rủi ro của các chính phủ trong chính sách hồi phục hậu Covid-19 của mình.

Đã có một số tổ chức nghiên cứu dự đoán rằng Covid-19 sẽ không còn là đại dịch toàn cầu vào năm 2022, mà trở thành một loại bệnh đặc hữu do tỷ lệ tiêm chủng toàn cầu tăng và sự phát triển của thuốc kháng virus có thể trở nên phổ biến hơn vào năm tới.

Tuy nhiên, biến chủng Omicron và tốc độ lây lan nhanh của nó khiến nhiều nước phải tiêm mũi vaccine thứ ba, thậm chí là đang tính tới mũi thứ tư đang gây ra nhiều lo ngại điều này sẽ cần thêm thời gian mới đạt được. Việc các nước giàu vẫn nắm nguồn vaccine trong khi nhiều nước nghèo chưa tiêm chủng đủ là một nỗi lo. Chủ nghĩa quốc gia trong cung ứng vaccine và thuốc kháng virus có thể kéo dài tiến trình thoát đại dịch của thế giới.

Vì vậy, có thể nói chúng ta vẫn có thể hy vọng có thể trở về “bình thường mới” vào cuối năm 2022, nhưng không loại trừ những rủi ro khác, để tránh bị thất vọng.

Các gói hỗ trợ kinh tế và lạm phát

Do dịch Covid-19 vẫn gây ra đứt gãy chuỗi cung ứng, duy trì chi phí vận tải toàn cầu ở mức cao (dù đã giảm không ít từ đỉnh), và do tình trạng phong tỏa kinh tế cục bộ vẫn diễn ra ở nhiều nước, các gói hỗ trợ kinh tế vẫn cần thiết.

Trung Quốc vừa cắt giảm lãi suất chính sách để hỗ trợ nền kinh tế trong khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) duy trì quan điểm không thắt chặt chính sách tiền tệ bất chấp lạm phát tăng cao kỷ lục. Đối lập với họ là những nước như Mỹ đã tiến hành siết lại van bơm tiền và dự kiến chấm dứt tiến trình bơm thanh khoản qua việc mua trái phiếu vào quí 1-2022, nhanh hơn dự kiến ba tháng. Ngoài ra, còn những nền kinh tế như Anh và một số nước đang phát triển đã tăng lãi suất trong quí 4-2021 để chống lạm phát.

Trong năm 2022, các nền kinh tế sẽ vẫn phải tìm một điểm cân bằng giữa những chính sách hỗ trợ kinh tế với nỗi lo lạm phát. Mặc dù nhiều phân tích và dự báo kinh tế cho rằng lạm phát toàn cầu đã đạt đỉnh trong năm 2021, và sẽ không tăng mạnh như vậy nữa trong năm 2022, nhưng không có nghĩa lạm phát sẽ không cao.

Mặc dù IMF dự báo đỉnh lạm phát một số nước phát triển là 6-7% trong năm 2021, nhưng năm 2022, họ cho rằng có thể lạm phát 3,5-4%, cao gấp rưỡi hoặc gấp đôi so với mục tiêu lạm phát dài hạn của những nước này. Trong khi đó, các nước đang phát triển ở châu Á đi chậm hơn trong pha hồi phục kinh tế có thể sẽ đi vào một giai đoạn tăng mạnh đầu tư và chi tiêu sau khi nền kinh tế mở cửa thông thoáng hơn và do đó mới bắt đầu đối mặt với lạm phát.

Benoît Cœuré, lãnh đạo của trung tâm sáng tạo của BIS cho rằng “rủi ro trong năm 2022 là các nền kinh tế lớn như châu Âu, Anh, Mỹ và Trung Quốc tiếp tục đi theo những con đường khác nhau và tạo ra những hệ thống kiểm soát không đồng nhất trên toàn cầu” đối với lĩnh vực tiền mã hóa.

Nỗi lo này khiến nhiều ngân hàng trung ương và chính phủ không dám mạnh tay tung ra những gói hỗ trợ kinh tế lớn vì lo sợ độ trễ của chính sách trùng với giai đoạn tăng mạnh đầu tư và tiêu dùng trong nền kinh tế. Tuy nhiên, nếu quá dè dặt, các nền kinh tế này sẽ mất đi động lực hồi phục và tăng trưởng dưới mức tiềm năng trong thời gian dài.

Ở đây không có lời giải chắc chắn đúng và không có rủi ro, mà đòi hỏi một mức độ quyết đoán và chấp nhận rủi ro của các chính phủ trong chính sách hồi phục hậu Covid-19 của mình. Để ra quyết định có tính toán hơn, sẽ cần những dữ liệu tốt nhất và kịp thời nhất đối với nền kinh tế, cũng như những quyết định chi tiêu công quyết đoán nhất vì giai đoạn này thì thanh khoản đã không còn là vấn đề chủ chốt nữa. Người dân và doanh nghiệp đang kiệt quệ cần những khoản hỗ trợ tiền tươi thóc thật.

Khung pháp lý cho thế giới tài chính số

Thế giới tài chính số đang hình thành nhanh hơn bao giờ hết với những định chế tài chính tập trung nhưng ứng dụng công nghệ mới như blockchain. Các giải pháp blockchain không đại chúng do các công ty như Amazon hay Ngân hàng JP Morgan tạo ra cho khách hàng của mình để thanh toán “nội mạng” giữa các nhà cung cấp và đối tác đang trở nên phổ biến và tiết kiệm chi phí so với các dịch vụ truyền thống như LC hay ngay cả chuyển tiền qua hệ thống SWIFT.

Vào tháng 7-2021, nhà báo Gillian Tett cảnh báo rằng những thí điểm như của JP Morgan đang thanh toán hàng tỉ đô la mỗi ngày và tiềm năng tăng trưởng chục lần của những giải pháp tài chính trên nền blockchain được xây dựng ngay trong những ngân hàng lớn hay đại công ty công nghệ như Amazon, Apple hay Google sẽ có thể làm rúng động những hệ thống thanh toán toàn cầu tồn tại từ năm 1977 như SWIFT.

Đó là nói tới tài chính tập trung. Về tài chính phi tập trung (DeFi), bất chấp rất nhiều vụ lừa đảo, rút tiền bỏ chạy diễn ra trong năm 2021, con số người sử dụng, giao dịch và sự du nhập của các giải pháp này vào các dòng game trên nền blockchain tạo ra một thế giới GameFi phức tạp hơn nữa. Chơi để kiếm tiền, lấy tiền sinh ra tiền là một khái niệm vô cùng phức tạp nhưng cũng tiềm ẩn rất nhiều vấn đề. Đâu là ranh giới của DeFi hay GameFi? Khuôn khổ pháp lý ở đâu để điều hành nó.

Vì khuôn khổ pháp lý để kiểm soát lĩnh vực tiền mã hóa (crypto) đang rất khác biệt giữa các quốc gia, Ngân hàng thanh toán quốc tế BIS (Bank for International Settlements), tổ chức đầu mối về thanh toán và an toàn hệ thống ngân hàng toàn cầu, đang đề xuất cần ban hành một bộ khuôn khổ kiểm soát hoạt động tiền mã hóa và sản phẩm tài chính phi tập trung toàn cầu, để tránh sự lệch pha trong các chính sách. Benoît Cœuré, lãnh đạo của trung tâm sáng tạo của BIS cho rằng “rủi ro trong năm 2022 là các nền kinh tế lớn như châu Âu, Anh, Mỹ và Trung Quốc tiếp tục đi theo những con đường khác nhau và tạo ra những hệ thống kiểm soát không đồng nhất trên toàn cầu” đối với lĩnh vực này.

Trong khi các nhà quản lý tập trung mối quan tâm vào crypto và DeFi, mối quan tâm của giới trẻ với thế giới metaverse đang ngày càng tăng. Việc các thiết bị Oculus VR bán chạy đồng thời ứng dụng Oculus trên điện thoại lên đầu bảng được tải vào dịp Giáng sinh là bằng chứng rõ ràng cho điều đó. Đi cùng với trào lưu này sẽ là hai trào lưu đang nổi: NFT thời trang và bất động sản trên các nền tảng blockchain.

Tương tự với vấn đề ở trên, đâu là khuôn khổ pháp lý cho các tài sản số NFT này? Việc chuyển nhượng, công nhận sở hữu và nộp thuế nên ra sao? Không công nhận sự tồn tại của các tài sản số thì không thể đánh thuế. Nhưng công nhận rồi thì khuôn khổ pháp lý ra sao là một câu hỏi.

Trong lúc mọi người vẫn còn tranh luận, một số bức hình NFT vẫn đang giao dịch với giá triệu đô la Mỹ trên các sàn giao dịch và có những loại NFT trong một tuần đã có tổng giao dịch trị giá tỉ đô. Và một số quỹ đầu tư mạo hiểm truyền thống đang nộp hồ sơ chuyển đổi mô hình ở Mỹ để có thể đầu tư tiền vào lĩnh vực này.

(*) Giảng viên Đại học Bristol, Anh

Hồ Quốc Tuấn

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Đại dịch sẽ bị dập tắt trong năm 2022? (01/01/2022)

>   Những cập nhật quan trọng về biến thể Omicron sau một tháng lây lan toàn cầu (01/01/2022)

>   Hàn Quốc: CPTPP đang thiếu các công ty chủ chốt trong lĩnh vực bán dẫn, xe điện (01/01/2022)

>   Từ xe điện cho tới thủy sản, các công ty Trung quốc lao đao vì chiến dịch “Zero covid” (31/12/2021)

>   Thị trường IPO thế giới chứng kiến nhiều “bom xịt” trong năm nay (31/12/2021)

>   Chuyên gia dự báo gì về lạm phát trong năm 2022? (31/12/2021)

>   Châu Âu hứng chịu đợt dịch do chủng Omicron trước thềm năm mới (30/12/2021)

>   WHO cảnh báo về “sóng thần ca nhiễm Covid” do biến chủng Omicron và Delta (30/12/2021)

>   Triển vọng mong manh của ngành hàng không toàn cầu trong năm 2022 (30/12/2021)

>   Các ngân hàng trung ương đẩy mạnh tích trữ vàng thay vì trữ USD (30/12/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật