WHO cảnh báo về “sóng thần ca nhiễm Covid” do biến chủng Omicron và Delta
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo về một “trận sóng thần ca nhiễm Covid-19” trên thế giới, trong bối cảnh một số quốc gia gồm Pháp và Mỹ ghi nhận số ca nhiễm mới lập kỷ lục...
Một điểm test Covid ở sân bay quốc tế Cape Town, Nam Phi, hôm 2/12 - Ảnh: Bloomberg/Getty.
|
Phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 29/12, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus sử dụng từ “sóng thần” để miêu tả việc Omicron – biến chủng có khả năng lây nhiễm mạnh – đẩy cao làn sóng lây nhiễm vốn có do biến chủng Delta.
“Điều này đang và sẽ tiếp tục đặt ra áp lực rất lớn lên đội ngũ y bác sỹ đã kiệt sức và hệ thống y tế đang bên bờ vực sụp đổ, cũng như một lần nữa đảo lộn cuộc sống và sinh kế của người dân”, ông Tedros nói trước báo giới vào thời điểm tròn 2 năm kể từ khi Covid được phát hiện lần đầu ở Vũ Hán, Trung Quốc.
Giới chức WHO gần đây dẫn các nghiên cứu từ một số quốc gia cho thấy rằng biến chủng Omicron có khả năng gây bệnh nhẹ hơn so với các biến chủng trước. Tuy nhiên, ông Tedros nhấn mạnh rằng hệ thống y tế của thế giới đang đối mặt với một “bài kiểm tra” khắc nghiệt.
“Đang có một quan niệm cho rằng biến chủng này nhẹ hơn hoặc ít nghiêm trọng hơn”, ông Tedros nói. “Nhưng chúng ta đang đánh giá thấp về mức độ nguy hiểm, bởi khả năng lây nhiễm cao hơn có thể làm gia tăng số ca nhập viện và tử vong”.
Những phát biểu này của người đứng đầu WHO được đưa ra trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 bình quân mỗi ngày ở Mỹ trong 7 ngày gần nhất vượt mức 265.000 ca vào hôm thứ Ba tuần này, mức cao nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu – theo dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins.
Tại một cuộc họp báo ngày thứ Tư, Giám đốc Rochelle Walensky của Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ nói: “Chỉ trong vòng có vài tuần, Omicron đã lây nhanh chóng mặt và chúng tôi cho rằng biến chủng này sẽ tiếp tục lan rộng trong những tuần tới đây”.
Tại Pháp, Bộ trưởng Bộ Y tế Oliver Veran sử dụng những ngôn từ tương tự như WHO, nói rằng nước này đang đối mặt một “cơn thuỷ triều” kép gồm hai biến chủng Omicron và Delta.
Pháp ghi nhận 208.000 ca nhiễm mới trong ngày thứ Tư, con số kỷ lục kể từ khi đại dịch bắt đầu, ông Veran cho biết và nhấn mạnh rằng tốc độ lây nhiễm là chưa từng có tiền lệ.
Tại Đức, nhà chức trách báo cáo 13.129 ca mắc biến chủng Omicron trong ngày thứ Tư, tăng 26% so với hôm thứ Ba.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đức Karl Lauterbach nói tình hình thực tế tệ hơn nhiều so với những gì thể hiện trên các con số thống kê. Ông ước tính rằng số ca nhiễm thực tế có thể cao gấp 2-3 lần những gì được công bố, đồng thời nhấn mạnh “có sự gia tăng rõ rệt” số ca mắc Omicron và gọi xu hướng này là “đáng lo ngại”.
Ông Lauterbach kêu gọi người dân ăn mừng năm mới trong đêm giao thừa theo cách không dẫn tới những chuỗi lây nhiễm mới. “Làm ơn hãy ăn mừng theo nhóm nhỏ thôi”, ông nói.
Tại Mỹ, cố vấn y tế cấp cao nhất của Nhà Trắng, tiến sỹ Anthony Fauci, nói rằng đúng là có những bằng chứng rõ rệt cho thấy “mức độ nghiêm trọng thấp hơn” của biến chủng Omicron, có thể do mức độ miễn dịch đã gia tăng với virus Sars-CoV2 hoặc do bản chất ít nguy hiểm hơn của biến chủng mới. Tuy nhiên, ông Fauci nhấn mạnh không nên chủ quan.
Trong một cuộc trao đổi với hãng tin CNBC ngày thứ Tư, ông Fauci dự báo làn sóng Omicron ở Mỹ có thể đạt đỉnh vào cuối tháng 1. Tuy nhiên, các CDC Mỹ đã đưa ra hướng dẫn mới, rút ngắn thời gian cách ly đối với những người mắc Covid không có triệu chứng xuống 5 ngày, từ 10 ngày trước đó.
“Chúng tôi biết rằng sau 5 ngày, nguy cơ truyền nhiễm virus ở người mắc Covid đã giảm đi rất nhiều”, bà Walensky phát biểu.
Ông Tedros tiếp tục bày tỏ lo ngại về tốc độ phân phối vaccine chậm chạp trên thế giới.
Hơn 90 quốc gia trên thế giới đã không đạt được mục tiêu tiêm vaccine Covid cho 40% dân số trước cuối năm, do nguồn cung vaccine hạn chế, vaccine đã hết hạn khi tới nơi, hoặc thiếu trang thiết bị để phục vụ cho việc tiêm như xi-lanh.
Một phân tích của tờ Financial Times cho thấy số mũi tiêm nhắc lại ở các nước giàu đã nhiều hơn cả tổng số mũi tiêm ở các nước nghèo. Các nhà khoa học từ lâu đã cảnh báo rằng việc phân phối không đều vaccine, cùng với tốc độ lây nhiễm mạnh hơn, có thể dẫn tới sự xuất hiện của những biến chủng Covid đáng ngại hơn.
WHO hiện đang kêu gọi tất cả các quốc gia trên thế giới đến giữa năm 2022 tiêm vaccine Covid được cho ít nhất 70% dân số.
An Huy
VnEconomy
|