Thứ Ba, 28/12/2021 13:44

Kinh tế thế giới năm 2022: Sẵn sàng quay lại quỹ đạo tăng trưởng

Các nền kinh tế lớn tiếp tục là đầu tàu dẫn dắt tăng trưởng, kinh tế Việt Nam cũng được nhận định sẽ phục hồi tốt hơn trong năm 2022 nhờ những bước cải thiện mạnh mẽ từ quý cuối cùng của năm 2021.

Toàn cảnh cảng hàng hóa ở thị xã Thái Thương, tỉnh Giang Tô, miền Đông Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Sau hai năm chao đảo vì đại dịch COVID-19, kinh tế thế giới được dự báo sẽ vững bước hơn trên con đường quay lại quỹ đạo tăng trưởng trong năm 2022.

Đó là nhờ đà phục hồi đã được củng cố trong năm 2021 khi các nước chuyển sang “sống chung an toàn với COVID-19,” triển khai các gói kích thích tăng trưởng hậu COVID-19, những nút thắt trong chuỗi cung ứng cũng dần được tháo gỡ.

Tuy nhiên, nỗi lo về những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 cùng sức ép lạm phát vẫn là những nguy cơ có thể làm chậm lại quá trình tăng trưởng.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2022 có thể đạt 4,9% trong khi Oxford Economics dự báo mức tăng 4,5%.

Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR), có trụ sở tại London (Anh) thậm chí còn cho rằng tổng giá trị nền kinh tế thế giới trong năm 2022 sẽ vượt ngưỡng 100.000 tỷ USD, lần đầu tiên trong lịch sử và sớm hơn 2 năm so với dự báo trước đó.

Có thể tổng kết đánh giá chung của các tổ chức lớn trên thế giới về kinh tế toàn cầu năm tới bằng nhận định lạc quan của ngân hàng lớn nhất nước Mỹ JPMorgan: “Năm 2022 sẽ là năm toàn cầu phục hồi hoàn toàn, mọi thứ sẽ quay trở lại bình thường như trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra.”

Phục hồi tăng trưởng được cho là sẽ diễn ra trên diện rộng trong bối cảnh các chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 được đẩy mạnh giúp hầu hết các nước mở cửa trở lại, dần khai thông những nút thắt trong chuỗi cung ứng, tiêu dùng.

Tuy nhiên, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) được đánh giá sẽ không đồng đều. Các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ chứng kiến đà phục hồi mạnh nhất; trong khi Mỹ, châu Âu và các nền kinh tế mới nổi vốn đã mở cửa từ khi tỷ lệ các ca mắc COVID-19 còn cao sẽ ghi nhận tốc độ tăng trưởng chậm hơn.

Xét về mô hình tăng trưởng, những nền kinh tế phụ thuộc vào sản xuất sẽ được hưởng lợi từ việc nới lỏng các nút thắt trong chuỗi cung ứng, trong khi việc nới lỏng giãn cách và tái cân bằng chi tiêu tiêu dùng được cho là đem lại lợi ích cho các nước phụ thuộc vào du lịch.

Các nền kinh tế lớn tiếp tục là đầu tàu dẫn dắt tăng trưởng của thế giới, với Mỹ được dự báo tăng khoảng 4%, Khu vực đồng tiền chung châu Âu là 4,2%.

Hàng hóa được xếp tại cảng ở Corringham, phía đông thủ đô London, Anh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tỷ lệ tăng trưởng giảm so với năm 2021 phản ánh đà tăng trưởng đã ổn định sau thời gian tăng vọt từ đáy suy thoái, bên cạnh việc các gói hỗ trợ khẩn cấp kích thích kinh tế dần dược dỡ bỏ khi mở cửa và các ngân hàng trung ương không còn nới lỏng chính sách tiền tệ.

Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng với nhịp độ riêng, được dự báo ở mức 5,2-5,4%. Các thị trường mới nổi ước tính đạt tốc độ tăng 4,9%, chủ yếu nhờ đà tăng mạnh của các nền kinh tế châu Á (5,7%, đi đầu là Ấn Độ và Indonesia), trong khi Brazil và Nga chậm lại, lần lượt 0,5% và 2,7%.

Khu vực Đông Nam Á được các nhà kinh tế dự báo sẽ ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong năm 2022, đặc biệt là từ quý 2 trở đi, nhờ việc đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng, tái mở cửa và các chính sách tiền tệ hỗ trợ.

Kinh tế Việt Nam cũng được nhận định sẽ phục hồi tốt hơn trong năm 2022 nhờ những bước cải thiện mạnh mẽ từ quý cuối cùng của năm 2021 sau giai đoạn giảm sâu do dịch COVID-19.

Đại dịch COVID-19 với sự xuất hiện của biến thể mới Omicron của virus SARS-CoV-2 vẫn là yếu tố chính tiềm ẩn những nguy cơ trì hoãn sự phục hồi và thời điểm kinh tế thế giới trở lại mức bình thường như trước đại dịch.

Đà lây lan nhanh của biến thể này buộc các chính phủ phải liên tục thay đổi chính sách phòng dịch trong khi tâm lý lo sợ cản trở người dân tham gia các hoạt động kinh tế xã hội và giảm chi tiêu. Những điều này sẽ tiếp tục tác động tiêu cực đến việc mở cửa trở lại du lịch quốc tế, khôi phục thương mại và hệ thống chuỗi cung ứng trên toàn thế giới.

Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell đã cảnh báo biến thể Omicron là một rủi ro đối với nền kinh tế Mỹ, Trung Quốc và châu Âu, những động lực thúc đẩy kinh tế toàn cầu hiện nay.

Trong kịch bản xấu nhất mà Oxford Economics dự báo cho kinh tế thế giới, Omicron là biến thể hết sức nguy hiểm và khiến nhiều khu vực trên thế giới bị phong tỏa, tăng trưởng của toàn thế giới có thể giảm tới 2,2 điểm % so với kịch bản khả quan, xuống còn 2,3% trong năm 2022.

Sản xuất xe ôtô tại nhà máy Ford Hải Dương. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Lạm phát tăng cao tiếp tục là nỗi lo của kinh tế thế giới trong năm tới. Với những diễn biến giá cả của năm 2021, trong đó lạm phát tại Mỹ tiệm cận mức 7% và hầu hết các thị trường lớn đều chứng kiến tình trạng giá cả tăng mạnh sau hàng thập niên ổn định, các nhà kinh tế không còn cho rằng đây là hiện tượng nhất thời.

Theo một phân tích của CEBR, nếu các nền kinh tế không có biện pháp đối phó với lạm phát, thế giới sẽ phải gồng mình chống chọi với suy thoái vào năm 2023 hoặc 2024.

Trong khi đó, Tổng giám đốc Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) Mathias Cormann nhận định lạm phát tăng đột biến “là rủi ro chính” đối với triển vọng lạc quan của kinh tế toàn cầu năm 2022.

Tuy nhiên, sức ép lạm phát được cho sẽ bắt đầu giảm từ quý 2/2022, trong bối cảnh các điều kiện khiến giá cả tăng mạnh như nhu cầu tiêu dùng, sự gián đoạn chuỗi cung ứng và tình trạng thiếu lao động đã được cải thiện đáng kể cuối năm 2021 và dần trở nên ổn định.

Morgan Stanley Research dự báo rằng lạm phát ở các thị trường lớn sẽ đạt đỉnh rồi giảm hơn 2 điểm phần trăm trong suốt năm 2022. Còn theo Oxford Economics, lạm phát sẽ giảm từ mức đỉnh 5% trong quý 4/2021 xuống còn 2,8% trong năm 2022, thấp hơn mức trung bình 3,2% của năm 2019.

Điều này sẽ kích thích sức tiêu dùng của các hộ gia đình và giảm bớt áp lực đối với các ngân hàng trung ương trong việc phải thắt chặt chính sách tiền tệ một cách mạnh mẽ.

Việc các nước triển khai những cam kết giảm phát thải khí nhà kính và xanh hóa nền kinh tế, đã được đưa ra tại Hội nghị lần thứ 26 của Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (gọi tắt là COP26), dự báo cũng sẽ tác động đến cấu trúc và tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2022.

Chưa thể kỳ vọng sẽ có những bước đi đột phá ngay trong năm đầu tiên thực hiện các cam kết, nhưng có một điều chắc chắn là sang năm 2022, các chính phủ và khu vực tư nhân sẽ chịu những áp lực rất lớn trong việc đẩy nhanh tiến trình cắt giảm khí carbon.

Đặc biệt, nền kinh tế thế giới có thể sẽ được tái định hình một cách mạnh mẽ từ việc hạn chế sử dụng dầu mỏ và khí đốt.

Viễn cảnh các nhà đầu tư rút vốn khỏi các dự án sử dụng nhiên liệu hóa thạch có thể dẫn đến nguồn cung giảm mạnh hơn cầu, gây thiếu cung thường xuyên, từ đó đẩy giá dầu tăng cao và biến động thường xuyên.

Việc giá năng lượng leo thang cũng là nguyên nhân chính đẩy lạm phát tăng trong năm 2021, bởi vậy, đây sẽ là yếu tố mà các nhà hoạch định chính sách phải cân nhắc.

Những kịch bản về tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 vẫn còn nhiều điều chưa chắc chắn và rõ ràng do bị đại dịch COVID-19 chi phối.

Thế giới đến giờ vẫn chưa biết hết về biến thể Omicron để có thể dự báo được hướng tác động của biến thể này đến triển vọng kinh tế toàn cầu, cũng không thể loại trừ một số rủi ro tiềm ẩn sẽ trở thành yếu tố cản trở đà phục hồi kinh tế.

Mặc dù vậy, ngay cả những dự báo tiêu cực nhất cũng khẳng định rằng kinh tế thế giới đã sẵn sàng trở lại quỹ đạo tăng trưởng như trước đại dịch.

Những chuyển đổi rõ rệt trong các xu hướng kinh tế vĩ mô chủ chốt báo hiệu năm 2022 sẽ là một giai đoạn phục hồi mới của kinh tế toàn cầu./.

Phương Hà

Vietnam+

Các tin tức khác

>   Những công ty góp phần định hình năm 2021: Robinhood, Pfizer và Tesla thuộc tốp đầu (28/12/2021)

>   Trung Quốc bơm 31 tỷ USD vào nền kinh tế (28/12/2021)

>   Các nền kinh tế mới nổi châu Á: Sẽ phải đi theo con đường riêng (28/12/2021)

>   Dịch Covid-19 và bước lùi trong cuộc chiến chống nghèo đói toàn cầu (28/12/2021)

>   Kinh tế giảm tốc, Trung Quốc vội chuyển từ thắt chặt sang nới lỏng (27/12/2021)

>   Biến chủng Omicron bắt đầu tác động tới kinh tế Mỹ (27/12/2021)

>   CEBR: Kinh tế thế giới sẽ vượt mốc 100,000 tỷ USD vào năm 2022 (27/12/2021)

>   Netflix đã thay đổi ngành giải trí toàn cầu như thế nào? (27/12/2021)

>   Chuỗi cung ứng toàn cầu chao đảo vì cách chống dịch của Trung Quốc (25/12/2021)

>   Sau thuốc của Pfizer, FDA phê duyệt thêm thuốc đặc trị Covid của Merck (24/12/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật