Thứ Ba, 28/12/2021 09:40

Các nền kinh tế mới nổi châu Á: Sẽ phải đi theo con đường riêng

2021 là một năm không mấy tốt đẹp cho các nền kinh tế mới nổi ở châu Á. Dịch Covid-19 bùng phát, phương pháp chống dịch zero Covid như Trung Quốc làm đứt gãy sản xuất; dòng vốn đầu tư rút ra khỏi một số nước dựa nhiều vào du lịch như Thái Lan; Việt Nam cũng nằm trong cái tên về tình trạng đứt gãy chuỗi sản xuất… Những điều này đã khiến diện mạo kinh tế của các thị trường này không mấy khả quan.

Chờ đà hồi phục kinh tế từ quý II-2022

Các dự báo về dòng vốn cho rằng năm 2022 sẽ chứng kiến một lượng lớn vốn ở thị trường Mỹ đổ ra nước ngoài, điểm đến dự báo hàng đầu lại là các nền kinh tế đã phát triển như châu Âu, Nhật Bản, Singapore.

Trong khi khu vực kinh tế mới nổi ở châu Á vẫn đang trong tiến trình hồi phục kinh tế, đồng thời cũng đang chuẩn bị đối mặt với nỗi lo về lạm phát. Bản thân các nền kinh tế này có một giai đoạn tăng trưởng khó khăn trong quý II và quý III do tác động của chủng virus Delta, và vừa có tín hiệu khởi sắc trong quý IV thì lại gặp trở ngại từ chủng virus mới Omicron, đe dọa các kế hoạch mở cửa du lịch và hàng không của nhiều nước.

Về mặt sản xuất, khó khăn vẫn còn đó khi những biện pháp giãn cách xã hội hay phong tỏa ở một số nước như Trung Quốc được áp dụng trở lại mỗi khi có một vài ca bệnh, dẫn đến đứt gãy chuỗi sản xuất và chuỗi cung ứng lao động.

Nhập khẩu lạm phát từ nước ngoài và mức tăng giá do các đứt gãy nêu trên từ nội địa, sẽ tạo áp lực tăng chi phí sản xuất ở những nước này. Vì vậy, quý I-2022 vẫn sẽ chưa quá sáng sủa với những nền kinh tế mới nổi ở châu Á. Nói một cách nào đó, với những nền kinh tế này, quý I-2022 vẫn là giai đoạn mà hồi phục kinh tế chưa xong, trong khi rủi ro từ Covid-19 và lạm phát đã chực chờ.

Tuy nhiên, với các số liệu hồi phục sản xuất đáng khích lệ trong tháng 10 và 11-2021, được thể hiện qua chỉ số PMI, vẫn thấy một số tín hiệu đáng lạc quan cho các đầu tàu sản xuất của khu vực này, bao gồm Việt Nam.

Nếu các nền kinh tế mới nổi có thể tránh được tình trạng phải đóng cửa các khu vực sản xuất trở lại, họ sẽ còn nhiều dư địa để đẩy nhanh đà tăng trưởng kể từ quý II-2022.

Đà hồi phục sản xuất từ cuối năm 2021 sẽ tiếp tục cộng thêm sự hồi sinh của ngành du lịch, hàng không cũng như hoạt động bán lẻ dịch vụ, nền kinh tế phi chính thức của nhiều nước sẽ tiếp sức cho đà hồi phục kinh tế.

Với mức độ tiêm chủng được đẩy lên nhanh ở các nước đang phát triển trong khu vực ASEAN, đây có thể xem là điểm sáng ở khu vực thị trường mới nổi. Bởi những nước này chưa bị tác động quá nặng nề bởi làn sóng dịch mới như các nền kinh tế mới nổi ở Đông Âu, cũng không áp dụng chính sách zero Covid như Trung Quốc, nên sẽ có tiềm năng khôi phục sản xuất và hoạt động dịch vụ du lịch tốt hơn, cũng như thu hút vốn FDI.

Các NHTW sẽ phải “đi dây” giữa lạm phát và hỗ trợ kinh tế

Lạm phát là rủi ro với những nền kinh tế này. Vì tiến trình hồi phục kinh tế của họ chưa hoàn tất, ngân hàng trung ương (NHTW) các nước này phải cố gắng duy trì một chính sách tiền tệ không thắt chặt hoặc nới lỏng tương đối để hỗ trợ đà hồi phục kinh tế, thay vì chọn con đường khóa van bơm tiền hay tăng lãi suất.

Nhưng song song đó, lạm phát nhập khẩu qua con đường giá năng lượng, giá lương thực, hoặc đầu vào vật tư cho nông nghiệp cao sẽ góp phần gây sức ép lạm phát lên nền kinh tế. Các NHTW ở những nước này không có dư địa lớn về tốc độ tăng trưởng kinh tế đã hồi phục với tốc độ tăng GDP cao nhất của cả thập niên như ở Anh hay Mỹ, để có thể tiến hành các giải pháp tiền tệ thắt chặt chống lạm phát.

Nói cách khác, trong năm 2022, NHTW của nhiều nền kinh tế đang phát triển ở châu Á sẽ phải “đi dây” giữa hai áp lực: Một là áp lực hỗ trợ nền kinh tế còn đang chật vật hồi phục sau những tổn thất do đứt gãy sản xuất và thị trường lao động không thể hoạt động bình thường gây ra. Hai là áp lực đảm bảo chính sách tiền tệ có thể phản ứng kịp thời khi lạm phát tăng mạnh.

Vấn đề ở đây lạm phát bao nhiêu thì cần phản ứng? Nếu lạm phát tăng từ 2% lên 4% có cần siết chặt tiền tệ ngay hay không? Đây sẽ là lựa chọn khó khăn nếu lạm phát tăng mạnh từ những tháng đầu năm 2022.

Về góc nhìn của cá nhân người viết, lạm phát trong 2022 ở những nền kinh tế mới nổi châu Á tuy có thể cao hơn 2021, nhưng vẫn có thể ở mức chấp nhận được chứ không đến mức 8-9%, thậm chí 2 con số như nhiều người dự đoán.

Có nhiều nguyên nhân làm cơ sở cho nhận định này. Thứ nhất, tình hình lạm phát khu vực các nền kinh tế phát triển được cho đã tạo đỉnh và sẽ sớm bình ổn, giảm sức ép lan tỏa lạm phát từ các nước này ra toàn cầu.

Thứ hai, giá dầu thô của năm 2022 dự kiến sẽ ở mức bình quân 65-70USD/thùng, đặc biệt là từ nửa cuối 2022 khi nguồn cung dự kiến sẽ bắt kịp và vượt nhu cầu. Đây là mức thấp so với con số 70-85USD/thùng trong quý IV-2021.

Thứ ba, chỉ số Baltic Exchange Dry Index giảm hơn 50% kể từ đỉnh tháng 10-2021, phản ánh “nút cổ chai” trong hoạt động vận chuyển quốc tế đã bắt đầu được gỡ ra.

Thứ tư, sự hồi phục dần hoạt động kinh tế sau thời gian dài siết chặt các hoạt động giãn cách xã hội để chống dịch sẽ giúp hồi phục chuỗi cung ứng nội địa ở các nền kinh tế này.

Vì những lý do trên, áp lực lạm phát của các nền kinh tế mới nổi ở châu Á tuy có thể sẽ tăng lên trong năm sau, nó vẫn nằm trong ngưỡng chấp nhận được của các chính phủ mà không cần phải tăng lãi suất đáng kể.

Điều này cho phép các NHTW ở những nước này có thêm điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp và người dân với chính sách tiền tệ “thích ứng” với hiện trạng của nền kinh tế, nghĩa là không bơm tiền quá mạnh nhưng không siết chặt.

Nếu môi trường vĩ mô được duy trì ở trạng thái “thích ứng” như vậy, tăng trưởng kinh tế và sự luân chuyển của dòng vốn sẽ được khơi thông và hoạt động kinh tế sẽ dần khôi phục. Trở lại bình thường hoàn toàn có lẽ là chưa thể, nhưng hồi phục lại mức tăng trưởng kinh tế 5-6% của nhiều nền kinh tế trong khu vực này hoàn toàn trong tầm tay.

Vì vậy, nếu dùng chữ “quật khởi” như cách mà Mỹ, Anh tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất cả mấy thập niên nhờ các gói kích thích kinh tế lớn chưa từng có, có thể không phù hợp cho khu vực kinh tế đang phát triển ở châu Á trong năm 2022.

Các nước này sẽ đi theo con đường riêng, quay trở lại con đường tăng trưởng 5-6% của mình, không đột phá quật khởi ngay, mà trở lại đường đua để chạy tiếp với tốc độ bình thường của mình, nhanh gấp 1,5-2 lần tốc độ bình thường của các nền kinh tế đã phát triển.

TS. HỒ QUỐC TUẤN, Giảng viên Đại học Bristol, Anh

Sài Gòn Đầu Tư Tài Chính

Các tin tức khác

>   Dịch Covid-19 và bước lùi trong cuộc chiến chống nghèo đói toàn cầu (28/12/2021)

>   Kinh tế giảm tốc, Trung Quốc vội chuyển từ thắt chặt sang nới lỏng (27/12/2021)

>   Biến chủng Omicron bắt đầu tác động tới kinh tế Mỹ (27/12/2021)

>   CEBR: Kinh tế thế giới sẽ vượt mốc 100,000 tỷ USD vào năm 2022 (27/12/2021)

>   Netflix đã thay đổi ngành giải trí toàn cầu như thế nào? (27/12/2021)

>   Chuỗi cung ứng toàn cầu chao đảo vì cách chống dịch của Trung Quốc (25/12/2021)

>   Sau thuốc của Pfizer, FDA phê duyệt thêm thuốc đặc trị Covid của Merck (24/12/2021)

>   Niềm tin của người tiêu dùng Mỹ cải thiện vào đầu tháng 12 (24/12/2021)

>   Trung Quốc tích trữ đến 70% lương thực thế giới, khiến giá toàn cầu tăng mạnh (24/12/2021)

>   Tổng thống Biden ký luật cấm nhập khẩu hàng từ Tân Cương (24/12/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật