Thứ Bảy, 01/01/2022 15:05

Đại dịch sẽ bị dập tắt trong năm 2022?

Dù Covid-19 đang trỗi dậy vì Omicron, đại dịch vẫn có thể sẽ dần lắng xuống vào năm 2022. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng sự bất bình đẳng vaccine cần được khắc phục.

Covid-19 trong năm 2022 ảnh 1

Lúc này đây, hy vọng đại dịch chấm dứt trong năm mới có vẻ xa vời, khi các nước đặt ra quy định giới hạn mới để ngăn chặn Omicron. Thế giới đang chứng kiến sự trở lại của một cảm giác quen thuộc từng xuất hiện vào đầu đại dịch.

“Chúng ta sắp đối diện thêm một mùa đông khó khăn”, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedos Adhanom Ghebreyesus, nói vào tuần trước.

Nhưng các chuyên gia y tế cho rằng thế giới lúc này đã được trang bị tốt hơn một năm trước để khuất phục đại dịch, với kho vaccine an toàn và tương đối hiệu quả đang ngày một tăng dần, cùng các phương thức điều trị mới ra đời.

“Chúng ta có những công cụ có thể khuất phục đại dịch”, Maria Van Kerkhove, chuyên gia hàng đầu của WHO về khủng hoảng Covid-19, trả lời phòng viên trong tháng 12/2021.

“Chúng ta có khả năng chấm dứt đại dịch vào năm 2022”, bà nhấn mạnh.

Tuy nhiên, bà van Kerkhove lưu ý những công cụ ấy phải được dùng đúng cách.

Tiêm chủng toàn cầu vẫn là chìa khóa

Một năm đã trôi qua kể từ khi những liều vaccine đầu tiên được tung ra thị trường, khoảng 8,5 tỷ mũi vaccine đã được tiêm trên toàn cầu. Tới tháng 6/2022, thế giới ước tính sẽ kịp tiến độ sản xuất khoảng 24 tỷ liều vaccine, thừa dùng cho mọi người trên Trái Đất.

Nhưng tình trạng bất bình đẳng vaccine vẫn còn là vấn đề nghiêm trọng. Trong lúc nhiều nước giàu triển khai mũi tăng cường cho người đã tiêm đủ 2 mũi, người thuộc nhóm rủi ro cao và nhân viên y tế tại nhiều nước nghèo vẫn đang chờ mũi đầu tiên.

Covid-19 trong năm 2022 ảnh 2

Một người đàn ông tại Israel được tiêm mũi thứ 4 trong chương trình thí điểm tiêm mũi tăng cường để đối phó Omicron vào ngày 27/12. Ảnh: Reuters.

Khoảng 67% người dân ở nước thu nhập cao đã tiêm ít nhất một liều, theo dữ liệu từ Liên Hợp Quốc. Con số này ở các nước thu nhập thấp là chưa tới 10%.

Sự mất cân bằng ấy có khả năng sẽ bị khoét sâu khi nhiều nước gấp rút triển khai liều tăng cường để đối phó Omicron.

Dữ liệu ban đầu cho thấy Omicron, biến chủng nCoV đã lan nhanh khắp toàn cầu kể từ khi được ghi nhận ở Nam Phi từ cuối tháng 11, có khả năng kháng vaccine hơn các chủng trước.

Mũi tăng cường dường như có thể kéo lại hiệu quả bảo vệ nhưng WHO khẳng định để chấm dứt đại dịch, ưu tiên lúc này vẫn phải là tiêm mũi đầu cho người rủi ro cao trên thế giới.

Tầm nhìn thiển cận

Tình trạng Covid-19 lây nhiễm tràn lan ở một số nơi đã làm tăng đáng kể nguy cơ xuất hiện các biến chủng mới nguy hiểm hơn, các chuyên gia cảnh báo. Vì thế, kể cả khi các nước giàu tiêm mũi 3, thế giới vẫn chưa an toàn chừng nào mọi người đều được bảo vệ một phần.

“Không nước nào có thể dùng mũi tiêm tăng cường để chấm dứt đại dịch”, ông Tedros nói vào tuần trước. “Các chương trình tiêm tăng cường cho toàn dân mà không phân biệt đối tượng nhiều khả năng sẽ kéo dài đại dịch, thay vì chấm dứt nó”.

Sự xuất hiện của Omicron là bằng chứng cho điều này, Michael Ryan, Giám đốc của WHO về tình trạng khẩn cấp, nói với AFP. “Virus đã tận dụng cơ hội ấy để tiến hóa”.

Gautam Menon, giáo sư vật lý và sinh học thuộc Đại học Ashoka (Ấn Độ), đồng ý rằng các nước giàu có sẽ được lợi khi họ đảm bảo nước nghèo nhận được vaccine.

“Thật là thiển cận khi cho rằng chỉ cần tự tiêm cho bản thân là có thể giải quyết được vấn đề”, ông Menon nói.

Covid-19 trong năm 2022 ảnh 3

Một cuộc biểu tình phản đối quy định về tiêm chủng tại Wellington, New Zealand vào ngày 16/12. Tâm lý do dự vaccine có thể làm tăng con số tử vong vì Covid-19 toàn cầu, theo chuyên gia. Ảnh: Reuters.

Ông Ryan cho biết việc đẩy mạnh tiêm chủng sẽ đưa chúng ta tới thời điểm mà Covid-19 sẽ lắng xuống và hoạt động theo quy luật ít gây đảo lộn hơn. Nhưng ông cũng cảnh bảo nếu thế giới không giải quyết vấn đề bất bình đẳng vaccine, tương lai có thể có những diễn biến nghiêm trọng hơn.

Chẳng hạn, một kịch bản “ác mộng” là đại dịch được cho phép hoành hành không kiểm soát trong lúc các biến chủng mới đều đặn xuất hiện. Một chủng mới có thể gây ra đại dịch khác song song với Covid-19.

Sự hỗn loạn và tin giả sẽ làm giảm tín nhiệm của người dân đối với chính quyền và khoa học. Hệ thống y tế sẽ sụp đổ, gây ra bất ổn chính trị.

Trên đây là một trong số những kịch bản “khả dĩ”, theo ông Ryan. “Kịch bản hai đại dịch song song đặc biệt đáng ngại. Chúng ta đã có một virus đang gây ra đại dịch, trong khi nhiều virus khác đang xếp hàng chờ sẵn”, ông Ryan nói.

Nhưng nếu độ phủ vaccine toàn cầu được đẩy cao, Covid-19 sẽ trở thành bệnh đặc hữu và được kiểm soát phần lớn, các đợt bùng dịch cũng sẽ nhẹ hơn và xảy ra theo mùa. Khi đó, tuy virus không biến mất hoàn toàn, chúng ta sẽ học cách sống chung với nó như cúm, theo các chuyên gia.

Về cơ bản nó sẽ trở thành “một phần thông thường của cuộc sống”, ông Andrew Noymer, nhà dịch tễ học thuộc Đại học California tại Irvine (Mỹ), nói với AFP.

Covid-19 trong năm 2022 ảnh 4

Bệnh nhân thở oxy tại một bệnh viện ở Congo vào ngày 24/12. Ảnh: Reuters.

Bệnh viện quá tải

Nhưng thế giới vẫn chưa đạt đến mức độ như vậy. Các chuyên gia cũng cảnh báo không nên lạc quan thái quá trước các dấu hiệu ban đầu về việc Omicron gây bệnh nhẹ hơn. Họ chỉ ra rằng tốc độ lây lan nhanh của chủng này vẫn có thể làm quá tải hệ thống y tế.

“Khi có quá nhiều ca mắc thì kể cả đó là ca bệnh nhẹ hơn, các bệnh viện vẫn sẽ gặp áp lực lớn”, chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ, ông Anthony Fauci, nói với đài NBC News vào tuần trước.

Cảnh tượng bệnh nhân phải thở qua ống thở trong những bệnh viện quá tải, và cảnh những hàng người tranh nhau tìm oxy cho người thân chưa bao giờ chấm dứt, theo AFP.

Hình ảnh những bãi hỏa táng dã chiến khắp Ấn Độ khi Delta quét qua chính là biểu tượng cho những thiệt hại về người trong đại dịch. Số liệu chính thức cho thấy gần 5,5 triệu người trên toàn cầu đã chết vì Covid-19, nhưng con số thực tế có thể còn cao hơn nhiều lần.

Tâm lý lo ngại vaccine có thể khiến con số ấy tiếp tục tăng.

Ở Mỹ, nước chịu hậu quả nặng nề nhất với hơn 800.000 ca tử vong, những dòng cáo phó ngắn vẫn không ngừng xuất hiện trên FacesOfCovid, trang Twitter dành riêng để tưởng nhớ nạn nhân Covid-19. Nhiều người trong đó chưa tiêm chủng.

“Amanda, một viên dạy toán 36 tuổi ở Kentucky. Chris, thầy giáo bóng bầu dục ở Kansas. Cherie, 40 tuổi, giáo viên ngữ văn lớp 7 tại Illinois. Tất cả đều có ảnh hưởng lớn tới cộng đồng nơi họ sống. Tất cả đều được yêu mến sâu sắc”, một bài đăng gần đây viết. “Tất cả đều chưa tiêm chủng”.

Quốc Đạt

ZING

Các tin tức khác

>   Những cập nhật quan trọng về biến thể Omicron sau một tháng lây lan toàn cầu (01/01/2022)

>   Hàn Quốc: CPTPP đang thiếu các công ty chủ chốt trong lĩnh vực bán dẫn, xe điện (01/01/2022)

>   Từ xe điện cho tới thủy sản, các công ty Trung quốc lao đao vì chiến dịch “Zero covid” (31/12/2021)

>   Thị trường IPO thế giới chứng kiến nhiều “bom xịt” trong năm nay (31/12/2021)

>   Chuyên gia dự báo gì về lạm phát trong năm 2022? (31/12/2021)

>   Châu Âu hứng chịu đợt dịch do chủng Omicron trước thềm năm mới (30/12/2021)

>   WHO cảnh báo về “sóng thần ca nhiễm Covid” do biến chủng Omicron và Delta (30/12/2021)

>   Triển vọng mong manh của ngành hàng không toàn cầu trong năm 2022 (30/12/2021)

>   Các ngân hàng trung ương đẩy mạnh tích trữ vàng thay vì trữ USD (30/12/2021)

>   Giá thực phẩm sẽ còn tăng trong năm 2022? (30/12/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật