Thứ Ba, 07/12/2021 10:52

Triển khai Mobile Money, vì sao phải thận trọng, từng bước?

Không giống như các dịch vụ viễn thông di động đơn thuần khác, Mobile Money được “ràng buộc trong những quy định chặt chẽ” và nhà mạng triển khai dịch vụ được khuyến nghị phải làm thận trọng, từng bước, không vội vàng...

Hai trong số ba doanh nghiệp viễn thông được cấp phép triển khai thí điểm Mobile Money là VNPT (VinaPhone) và Viettel đã đưa dịch vụ Mobile Money vào sử dụng - Ảnh minh họa.

Những ngày cuối tháng 11 đầu tháng 12 này, hai trong số ba doanh nghiệp viễn thông được cấp phép triển khai thí điểm Mobile Money là VNPT (VinaPhone) và Viettel đã đưa dịch vụ Mobile Money vào sử dụng. Mạng di động còn lại là MobiFone cũng đang lên lịch để góp mặt vào sân chơi thanh toán không dùng tiền mặt trong thời gian sớm nhất.

MOBILE MONEY PHỦ SÓNG TOÀN QUỐC

Tại thời điểm công bố dịch vụ Mobile Money hôm 25/11, ông Ngô Diên Hy, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT - nhà mạng đầu tiên được phép cung cấp dịch vụ này, cho biết thuê bao của VNPT/VinaPhone trên phạm vi cả nước đều có thể sử dụng dịch vụ. Theo ông Hy, tập đoàn hiện đang sở hữu mạng lưới điểm kinh doanh gồm hơn 10.000 điểm giao dịch, 10.000 điểm giao dịch ủy quyền và hơn 200.000 điểm kinh doanh liên kết, phủ rộng và sâu khắp 63 tỉnh thành cả nước, do vậy dịch vụ Mobile Money có thể dễ dàng tiếp cận tới ngay cả những địa bàn vùng sâu, vùng xa, những nơi có điều kiện cơ sở vật chất khó khăn.

“Mỗi thuê bao VinaPhone giờ đây đều có thể trở thành một tài khoản ngân hàng với đầy đủ các chức năng nạp, rút, chuyển tiền và thanh toán các dịch vụ”, Phó tổng giám đốc VNPT Ngô Diên Hy cho hay.

Đối với Viettel, nhà mạng đang sở hữu lượng thuê bao di động lớn nhất với khoảng 60 triệu thuê bao, từ ngày 1/12, các thuê bao của Viettel đã đăng ký thông tin thuê bao chính chủ và sử dụng dịch vụ viễn thông liên tục trong ít nhất ba tháng liền kề có thể sử dụng Viettel Money mà không cần tài khoản ngân hàng.

“Chúng ta không được làm vội vàng, không quản lý được thì rất nguy hiểm. Vì đây là phương tiện thanh toán nhưng được đảm bảo, bởi một đồng tiền số trong Mobile Money được đảm bảo bởi một đồng tiền thật”.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long.

Ông Phạm Trung Kiên, Tổng giám đốc Tổng công ty Dịch vụ số Viettel, cho biết thuê bao của Viettel ngay cả khi không có kết nối Internet, chỉ cần có “sóng di động Viettel” (tức các thuê bao điện thoại không phải là smartphone – PV) đều có thể sử dụng Viettel Money. Tại thời điểm cung cấp dịch vụ, Viettel Money có hơn 300 tiện ích được cá nhân hóa theo nhu cầu của mỗi khách hàng về mua bán, chuyển tiền, đầu tư, bảo hiểm, thanh toán các dịch vụ như hóa đơn điện, nước, học phí, mua vé máy bay, tàu xe, mua bảo hiểm, mua sắm trên các sàn thương mại điện tử...

Với MobiFone, ông Bùi Sơn Nam, Phó Tổng giám đốc nhà mạng này cho biết MobiFone mới được cấp phép là đơn vị trung gian thanh toán nên sẽ phải kiện toàn hệ thống, do vậy sẽ cung cấp dịch vụ Mobile Money muộn hơn VNPT và Viettel một chút. Cụ thể, MobiFone dự kiến khoảng cuối năm nay và đầu năm sau (2022) sẽ triển khai test nội bộ và cho khách hàng trong phạm vi nhất định sử dụng dịch vụ. Thời gian test khoảng ba tuần đến một tháng, sau đó nhà mạng sẽ cung cấp dịch vụ Mobile Money cho thuê bao MobiFone trên phạm vi toàn quốc.

VÌ SAO PHẢI THẬN TRỌNG, TỪNG BƯỚC?

Mặc dù Mobile Money không như các dịch vụ viễn thông đơn thuần trước đây khi “được ràng buộc trong những quy định chặt chẽ”, nhưng các nhà mạng triển khai dịch vụ này vẫn được khuyến nghị phải làm thận trọng, từng bước, không vội vàng, đồng thời phải báo cáo đột xuất, báo cáo định kỳ đến các bộ ngành liên quan theo định kỳ từng quý, năm.

Cụ thể, ngay trong quyết định của Ngân hàng Nhà nước về việc chấp thuận triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ, có yêu cầu doanh nghiệp viễn thông trong quá trình triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money phải thực hiện bốn yêu cầu.

Thứ nhất, đảm bảo tuân thủ đầy đủ các nội dung liên quan quy định về mục tiêu, phạm vi thực hiện thí điểm, nội dung thí điểm, tổ chức thực hiện, các hành vi bị cấm theo quy định tại Quyết định 316/QĐ-TTg ngày 9/3/2021 của Thủ tướng về việc phê duyệt triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money.
Thứ hai, chịu trách nhiệm đối với mọi hoạt động trong quá trình vận hành, triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money.

Thứ ba, tách bạch dịch vụ Mobile Money được chấp thuận thực hiện thí điểm với các dịch vụ khác và cung cấp đầy đủ thông tin tới khách hàng để tránh gây nhầm lẫn, hiểu nhầm cho khách hàng khi sử dụng dịch vụ.
Thứ tư, báo cáo đột xuất theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước, báo cáo định kỳ hàng quý, hàng năm về tình hình, kết quả triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money gửi Ngân hàng Nhà nước, Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an.

"Để triển khai thành công Mobile Money, điều quan trọng là làm sao để khách hàng tin tưởng dịch vụ, mà để khách hàng tin tưởng thì dịch vụ phải chất lượng, tiện lợi và an toàn".

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng.

Khi tham gia sự kiện công bố Mobile Money của VNPT, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long hơn một lần nhấn mạnh rằng doanh nghiệp viễn thông triển khai thí điểm dịch vụ cần làm đến đâu chắc đến đấy, phải đáp ứng được nhu cầu quản lý của cơ quan quản lý tiền tệ.

“Chúng ta không được làm vội vàng, không quản lý được thì rất nguy hiểm. Vì đây là phương tiện thanh toán nhưng được đảm bảo, bởi một đồng tiền số trong Mobile Money được đảm bảo bởi một đồng tiền thật”, ông Long nói và cho rằng để làm đến đâu chắc chắn đến đấy, thì “vấn đề rất quan trọng là quản lý thông tin thuê bao phải chính xác, rất chính xác, thì mới đảm bảo được yêu cầu phát triển của cơ quan quản lý”.

Theo lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, Mobile Money là một lĩnh vực mới và đây là công cụ thanh toán nhưng đòi hỏi phải có nghiệp vụ ngân hàng, do vậy cần các cơ quan liên quan quan tâm chỉ đạo sát sao để doanh nghiệp viễn thông thực hiện đúng theo tinh thần của quyết định, giấy phép và chỉ đạo của Chính phủ.

Thứ trưởng Phạm Đức Long cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an tiếp tục quan tâm, đồng hành, tạo điều kiện để các doanh nghiệp triển khai đúng theo quy định. “Việc này rất quan trọng, vì thời gian vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước qua rất nhiều bước soát xét nhưng đây mới chỉ là điều kiện để cấp phép thí điểm, việc triển khai cũng cần sự đồng hành, theo dõi sát sao của các cơ quan quản lý để doanh nghiệp đảm bảo thực hiện đúng quy định, bởi ranh giới dịch vụ rất mong manh và nếu thực hiện không khéo thì rất dễ sai quy định”, Thứ trưởng Phạm Đức Long nhấn mạnh.

CÁCH THỨC TRIỂN KHAI THÀNH CÔNG

So với thế giới, Mobile Money không phải là dịch vụ hoàn toàn mới, bởi Việt Nam là nước 97 trong tổng số 193 quốc gia triển khai dịch vụ này. Còn tính theo nhà mạng viễn thông thì VNPT (mạng đầu tiên của Việt Nam triển khai Mobile Money) là nhà mạng thứ 311. Việc triển khai tùy điều kiện của từng quốc gia. Cũng có nhiều nước phát triển không triển khai Mobile Money.

Khi cung cấp dịch vụ Mobile Money, các mạng di động đều cho biết sẽ đưa dịch vụ này đến người dùng một cách đơn giản, an toàn, xóa bỏ những rào cản vốn có trong lĩnh vực dịch vụ tài chính số.

Ông Huỳnh Quang Liêm, Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT, cho biết dịch vụ Mobile Money trên VNPT Pay sẽ liên tục được cập nhật, hoàn thiện các tính năng để dịch vụ ngày một thân thiện và thuận tiện cho khách hàng ở mọi điểm chạm, đơn giản, dễ sử dụng, đảm bảo an toàn, bảo mật.

Còn theo ông Phạm Trung Kiên, việc làm chủ công nghệ cho phép Viettel áp dụng các giải pháp bảo đảm an toàn thông tin cấp độ cao nhất, bao gồm công nghệ nhận diện các giao dịch, thuê bao bất thường để kịp thời bảo vệ quyền lợi cho người sử dụng.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Phạm Tiến Dũng, cho rằng Mobile Money là một giải pháp quan trọng và hữu hiệu để Việt Nam có thể triển khai dịch vụ tài chính đến mọi người dân, đặc biệt là những người ở vùng sâu vùng xa chưa có tài khoản ngân hàng. Đây chính là thế mạnh của dịch vụ này do không cần tài khoản ngân hàng, không cần liên kết tài khoản ngân hàng như ví điện tử, mà chỉ cần thông tin thuê bao trong điện thoại di động, chỉ cần có điện thoại được phủ sóng di động, là người dân đã có thể thực hiện được dịch vụ thanh toán không tiền mặt để chi trả cho các hoạt động mua sắm hàng hóa dịch vụ của mình.

Tuy nhiên, theo ông Dũng, để triển khai thành công Mobile Money, điều quan trọng là làm sao để khách hàng tin tưởng dịch vụ, mà để khách hàng tin tưởng thì dịch vụ phải chất lượng, tiện lợi và an toàn. “Ngoài ra, Mobile Money phải được triển khai ứng dụng ở các mạng lưới, đơn vị chấp nhận thanh toán, qua đó người sử dụng dùng tài khoản Mobile Money của mình để thanh toán các dịch vụ điện nước, truyền hình và những dịch vụ thiết yếu khác”, ông Dũng chia sẻ.

Dưới góc nhìn của Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long, trước đây các nhà mạng viễn thông có làm fintech, tuy nhiên quy mô thị trường nhỏ hẹp nên khi làm còn ở tâm thế “vừa ném đá vừa dò đường”. Nhưng với dịch vụ Mobile Money, mọi thuê bao viễn thông nếu đủ điều kiện đều có khả năng tham gia thanh toán qua tài khoản. Như vậy, với Mobile Money, các nhà mạng sẽ thực sự bước vào thị trường fintech, mở ra không gian mới cho các nhà mạng.

“Với việc cấp phép này, các nhà mạng đã bước sang lĩnh vực mới, mở ra không gian mới trong ngành nghề kinh doanh của các đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông. Các nhà mạng chính thức bước vào thị trường fintech”, Thứ trưởng Phạm Đức Long nói, đồng thời đánh giá dịch vụ Mobile Money chỉ là một phương tiện trong các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, nhưng sẽ là phương tiện thanh toán tiện ích và hữu hiệu nhất nếu các nhà mạng cung cấp được dịch vụ thực sự đơn giản và tiện ích tới khách hàng.

Để Mobile Money thành công và phát triển đúng theo kỳ vọng, thực hiện được mục tiêu hỗ trợ vùng sâu vùng xa thu hẹp khoảng cách số, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, giới chuyên môn cho rằng các doanh nghiệp viễn thông bên cạnh việc quan tâm tới thị trường, thì còn cần lưu ý đặc biệt đến sự trải nghiệm của khách hàng, từ đó tạo sự lan tỏa để Mobile Money “cất cánh”.

Thủy Diệu

VnEconomy

Các tin tức khác

>   Nới room và kiểm soát room? (07/12/2021)

>   BIDV dự kiến phát hành hơn 1 tỷ cổ phiếu trả cổ tức (06/12/2021)

>   TP.HCM: Kiện ngân hàng đòi tiền vì 'vỡ nợ' với 45 app vay tiền trực tuyến (06/12/2021)

>   PV-Mobile Banking ra mắt tính năng mới xuất hiện lần đầu tiên trên thị trường (06/12/2021)

>   Cùng HDBank ‘Vui Tết sum vầy - Đong đầy tiền tỷ’ (06/12/2021)

>   Mirae Asset: Có thể tăng lãi suất nếu áp lực lạm phát trở lại trong năm 2022 (06/12/2021)

>   Có thể mở thẻ ngân hàng trực tuyến từ 01/01/2022 (06/12/2021)

>   HDBank mở rộng thêm 03 điểm giao dịch mới tại Hưng Yên và Quảng Nam (04/12/2021)

>   Kiệt sức, cạn tiền, doanh nghiệp hàng không xin vay lãi suất 0% (03/12/2021)

>   Sacombank nhận giải thưởng quốc tế từ International Business Magazine  (03/12/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật