Thứ Năm, 16/12/2021 19:40

Quy hoạch điện gió ngoài khơi 5,000 MW, các địa phương đăng ký 129,000 MW

Tại Hội thảo Phát triển điện gió ngoài khơi vì tương lai năng lượng sạch của Việt Nam chiều ngày 16/12, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng Anh cho biết trong Quy hoạch điện 8, cơ quan này xem xét nâng quy hoạch điện gió ngoài khơi lên 5,000 MW đến năm 2030, song các địa phương đăng ký tới 129,000 MW.

Tiềm năng phát triển năng lượng gió tại Việt Nam vô cùng lớn. Ảnh minh họa

Tiềm năng lớn, cơ chế còn chậm

Đánh giá về tiềm năng của điện gió ngoài khơi, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, gió ngoài khơi được đánh giá là nguồn năng lượng tái tạo duy nhất có khả năng chạy phụ tải nền cho hệ thống. Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, có đường bờ biển trải dài hơn 3,000 km với 28 tỉnh, thành phố ven biển, vì vậy tiềm năng phát triển năng lượng gió tại Việt Nam vô cùng lớn.

"Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tính đến hết ngày 31/10/2021, Việt Nam đã có 88 dự án điện gió hòa lưới với tổng công suất đặt khoảng 4.2 GW; đối với điện gió ngoài khơi, hiện đã có 35 dự án đang nghiên cứu và triển khai với tổng công suất dự kiến lên đến 60 GW. Điều này cho thấy tiềm năng điện gió ngoài khơi của Việt Nam là rất lớn, hoàn toàn bảo đảm đáp ứng nhu cầu điện năng trong tương lai.

Bên cạnh đó, cùng với năng lực và kinh nghiệm xây dựng các công trình ngoài khơi, các công trình biển và hệ thống logistics phụ trợ của ngành dầu khí hiện nay, Việt Nam có thể phát huy tốt nội lực để phát triển ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi gắn với chuỗi giá trị công nghiệp hỗ trợ và dịch vụ logistics trong những năm tới.

Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển thị trường điện gió ngoài khơi với quy mô 5-10 GW vào năm 2030, giúp tạo ra tổng giá trị gia tăng hơn 60 tỷ USD cho nền kinh tế. Nhiều tổ chức quốc tế cũng khuyến nghị quy mô tối thiểu để bảo đảm tính hiệu quả về quy mô của ngành điện gió ngoài khơi của Việt Nam tối thiểu khoảng 5 GW",  ông Nguyễn Đức Hiển cho biết.

Giám đốc Điều hành Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC), ông Ben Backwell cũng nhìn nhận rằng: "Việt Nam hiện là thị trường điện gió phát triển nhanh nhất Đông Nam Á, cũng như nhanh thứ hai tại châu Á nói chung".

Với đường bờ biển dài hơn 3,200 km, Việt Nam sở hữu nguồn tài nguyên điện gió ngoài khơi tốt, với hệ số công suất cao và số giờ tải lớn. Những tiến bộ công nghệ đạt được trong thời gian qua cũng đã tăng cường tính ổn định và dễ đoán định của điện gió ngoài khơi. Với việc đầu tư vào hệ thống truyền tải cũng như điều độ thông minh, điện gió hoàn toàn có thể trở thành nguồn chủ đạo của hệ thống năng lượng Việt Nam trong tương lai, qua đó giảm sự lệ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu.

"Thời gian qua, với hơn 3.98 GW công suất điện gió được bổ sung trong năm 2021, điện gió ngoài khơi đã sẵn sàng để trở thành một cột trụ quan trọng trong công cuộc chuyển dịch năng lượng của Việt Nam. Chúng tôi cho rằng việc nhanh chóng phát triển nguồn điện gió hết sức cấp thiết cho mục tiêu giảm phát thải ròng của Việt Nam", ông Ben Backwell nói.

Tuy nhiên, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, đến nay, điện gió ngoài khơi vẫn được coi là lĩnh vực mới ở Việt Nam. Việc thể chế hóa, cụ thể hóa chỉ đạo yêu cầu “xây dựng các chính sách hỗ trợ và cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi gắn với triển khai thực hiện Chiến lược biển Việt Nam” nêu tại Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị của các cấp, các ngành còn chậm.

Địa phương ồ ạt đăng ký làm điện gió ngoài khơi

Một thông tin đáng chú ý về "sức hút" của các dự án điện gió ngoài khơi được ông Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Bộ Công Thương đưa ra tại Hội thảo Phát triển điện gió ngoài khơi vì tương lai năng lượng sạch của Việt Nam chiều ngày 16/12, đó là: Bộ Công Thương hiện đã nhận được đề nghị làm các dự án điện gió ngoài khơi lên tới công suất 129.000 MW. Trong khi đó, Dự thảo Quy hoạch điện VIII mà Bộ Công Thương đang hoàn thiện dự kiến sẽ phát triển 5,000 MW điện gió ngoài khơi vào năm 2030 và nâng lên 40,000 MW vào năm 2045.

Bộ Công Thương đã nhận được đề nghị làm các dự án điện gió ngoài khơi lên tới công suất 129,000 MW.

"Việt Nam được đánh giá là có nhiều tiềm năng điện gió ngoài khơi, vận tốc gió ở độ cao 100 m đạt khoảng 9-10 m/s và khu vực tiềm năng nhất là miền Nam Trung Bộ. Có lẽ cũng bởi nhìn thấy tiềm năng này mà điện gió ngoài khơi đang nhận được sự quan tâm của nhiều địa phương với lượng đăng ký lên tới công suất 129,000 MW", Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết.

Ông An cũng cho biết, với cam kết đạt mức phát thải ròng zero vào năm 2050, Việt Nam sẽ xây dựng lộ trình chi tiết đối với từng ngành, từng lĩnh vực để thực hiện cam kết của mình, trong đó có lĩnh vực năng lượng sạch và năng lượng tái tạo. Hiện nay, Bộ Công Thương đang hoàn thiện Dự thảo Quy hoạch điện VIII, trong đó dự kiến đề xuất quy mô các dự án điện gió ngoài khơi đạt khoảng 5,000 MW vào năm 2030 và tăng dần tới quy mô trên 40,000 MW vào năm 2045. Nếu điều kiện kinh tế và kỹ thuật cho phép thì có thể phát triển nhiều hơn nữa.

Theo đánh giá, điện gió ngoài khơi cần phải đóng vai trò quan trọng trong tổng cung năng lượng của Việt Nam trong thời gian tới. Phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam còn giúp lan tỏa, góp phần tạo ra công ăn việc làm và từng bước hình thành ngành công nghiệp phụ trợ hỗ trợ cho lĩnh vực phát triển điện gió tại Việt Nam. Có thể nói đây vừa là cơ hội nhưng cũng vừa là thách thức rất lớn đối với lĩnh vực điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.

Quốc hội và Chính phủ Việt Nam cũng đang xem xét thúc đẩy tiến trình xã hội hóa phát triển lưới điện truyền tải, khuyến khích doanh nghiệp chủ động huy động vốn để đầu tư vào lưới điện truyền tải. Đây được kỳ vọng là giải pháp để tăng tốc đầu tư cho hạ tầng lưới điện truyền tải khu vực ven biển, phục vụ phát triển các dự án điện gió ngoài khơi.

"Mặc dù vậy, phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam là lĩnh vực còn mới mẻ. Vì vậy, còn nhiều vấn đề cần được đặt ra và giải quyết bao gồm việc xây dựng các cơ chế, chính sách, xây dựng cơ sở hạ tầng lưới điện, nâng cao năng lực thi công, xây lắp và phát triển chuỗi cung ứng nội địa. Mục tiêu trên hết vẫn là đáp ứng đủ điện cho nền kinh tế và người dân Việt Nam với chi phí hợp lý", Thứ trưởng Đặng Hoàng An lưu ý.

Ông Mark Hutchinson, Chủ tịch Nhóm công tác khu vực Đông Nam Á thuộc GWEC cho biết: "GWEC có niềm tin mạnh mẽ về việc điện gió ngoài khơi sẽ được triển khai tại Việt Nam trong vài năm tới. Chúng tôi hoan nghênh sự cởi mở của Chính phủ trong việc đối thoại với ngành để cùng đưa ra những giải pháp tháo gỡ các vướng mắc hiện tại.

Sau giai đoạn khởi tạo và triển khai 4-5 GW đầu tiên, điện gió ngoài khơi sẽ đạt được mức giảm chi phí đáng kể. Nếu được hỗ trợ mạnh mẽ trong giai đoạn này, điện gió ngoài khơi sẽ phát triển vượt bậc và nhanh chóng cạnh tranh được với các nguồn năng lượng khác".

Nhật Quang

FILI

Các tin tức khác

>   6 cửa khẩu cảng biển được nhập khẩu ô tô dưới 16 chỗ (16/12/2021)

>   Các hãng bay sẵn sàng khai thác quốc tế trở lại từ 1/1/2022 (16/12/2021)

>   Phục hồi kinh tế từ những chuyến bay hồi hương! (17/12/2021)

>   Dữ liệu là nguồn tài nguyên mới nhưng “80% lại đang ở nước ngoài” (16/12/2021)

>   Thủ tướng thúc đẩy thỏa thuận giảm 1 tỷ USD chi phí cho Vietnam Airlines (16/12/2021)

>   Thị trường Mỹ rộng cửa hàng Việt (15/12/2021)

>   Đề xuất bỏ cách ly tập trung khách quốc tế có 'thẻ xanh', xét nghiệm âm tính (15/12/2021)

>   TPHCM – xưởng sản xuất kiêm thị trường tiêu thụ hấp dẫn doanh nghiệp Nhật Bản? (15/12/2021)

>   TP.HCM cần sự đột phá lớn để phát triển (15/12/2021)

>   Yếu tố nào cấu thành nên một doanh nghiệp logistics mạnh? (15/12/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật