Thứ Tư, 15/12/2021 09:41

Thị trường Mỹ rộng cửa hàng Việt

Hiện Mỹ đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Trong tương lai gần thị trường này vẫn rất tiềm năng với nhiều nhóm ngành chủ lực, nhờ quy mô dân số lớn và sức tiêu dùng cao.

Ảnh minh họa: LONG THANH

Thị trường chủ lực

Dưới tác động tiêu cực của dịch Covid-19, ngành dệt may Việt Nam tưởng không thể về đích với kim ngạch xuất khẩu đã đề ra từ đầu năm nhưng với khả năng phục hồi nhanh chóng của các doanh nghiệp (DN) thì xuất khẩu dệt may năm nay ước đạt 39 tỷ USD tăng 11,2% so với năm ngoái.

Trong số các thị trường xuất khẩu chính của dệt may Việt Nam, hiện Mỹ vẫn chiếm thị phần lớn nhất (hơn 50% thị phần), dự báo trong tương lai gần vị thế này vẫn được giữ vững.

Chia sẻ với ĐTTC, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM, cho biết sau thời gian trầm lắng vì dịch, sự phục hồi tiêu dùng của thị trường Mỹ khá nhanh, trong khi châu Âu hay Nhật Bản chậm hơn. Đặc biệt các nhà nhập khẩu tại Mỹ rất tin tưởng DN Việt do khả năng đáp ứng khá tốt trước đòi hỏi khắt khe của thị trường này.

Tương tự, với da giày Mỹ cũng là thị trường chủ lực. Hiệp hội Da giày, túi xách Việt Nam cho biết, cứ 1 người Mỹ tiêu thụ khoảng 6 đôi giày dép/năm, 1,3 đôi giày dép xuất xứ từ Việt Nam. Trong những năm qua, Mỹ là thị trường nhập khẩu nhiều nhất mặt hàng giày dép các loại của Việt Nam. Xuất khẩu sang thị trường này chiếm tới hơn 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành.

Đáng chú ý, các mặt hàng giày dép hay dệt may không phải thế mạnh của các nhà sản xuất nội địa Mỹ. Vì thế, với việc Mỹ dỡ bỏ những chính sách ưu đãi giày dép xuất khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ đang tạo cơ hội cạnh tranh thuận lợi hơn cho giày dép xuất khẩu của Việt Nam.

Về ngành gỗ, Việt Nam cũng đang là nguồn cung cấp đồ nội thất bằng gỗ lớn nhất thế giới cho thị trường Mỹ. Năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, xuất khẩu đồ gỗ qua Mỹ khó đạt 10 tỷ USD, chỉ dừng lại khoảng 8 tỷ USD nhưng cũng đã vượt mức kỷ lục của năm 2020.

Theo nhiều nhận định, với nhu cầu làm việc tại nhà ngày càng tăng cao, triển vọng tăng trưởng cho các mặt hàng đồ gỗ nội thất tại Mỹ không nhỏ, nên mức kỳ vọng 10 tỷ USD của ngành gỗ Việt Nam sẽ sớm đạt được.

Bên cạnh những mặt hàng chủ lực dệt may, da giày và đồ gỗ, nông sản thực phẩm cũng rất có tiềm năng vào thị trường Mỹ. Tại phiên tư vấn xuất khẩu sang thị trường Mỹ mới đây, ông Bùi Huy Sơn, Tham tán Công sứ, Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, đã mang đến thông tin rất tích cực cho ngành hàng nông sản, thực phẩm.

Cụ thể, năm 2021 giá trị doanh thu bán lẻ nông sản, thực phẩm của Mỹ tăng mạnh, cho thấy nhóm hàng này hồi phục nhanh chóng, thậm chí vượt qua thời điểm trước đại dịch. Về dài hạn, nhu cầu nhóm nông sản, thực phẩm của Mỹ tiếp tục tăng, cơ cấu không thay đổi nhưng số lượng tăng đáng kể từ năm 2021-2025.

Việt Nam trong 10 tháng năm nay, ngoại trừ gạo và cà phê, các mặt hàng còn lại đều tăng trưởng xuất khẩu khi sang Mỹ. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, 11 tháng năm 2021, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 84,8 tỷ USD, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến kim ngạch thương mại trao đổi 2 chiều giữa Việt Nam và Mỹ sẽ đạt mức kỷ lục 100 tỷ USD vào cuối năm nay.

DN trưởng thành từ thách thức

Có thể thấy thị trường Mỹ còn dư địa rất lớn với hầu hết ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam. Theo đó, ở khu vực miền Tây, người Mỹ gốc Việt tại đây tương đối nhiều, sức mua cao lại có thói quen tiêu dùng gần với người Việt nên cơ hội cho hàng Việt vào sâu hơn khu vực này rất rộng mở.

Còn ở miền Nam, nhiều nhà nhập khẩu Mỹ đã liên lạc với Trung tâm giới thiệu sản phẩm Việt Nam tại New York để tìm kiếm các nhà cung cấp từ Việt Nam. Trong đó, các mặt hàng được đề xuất nhiều là nông sản, thực phẩm, dệt may, y tế phòng chống dịch, giày dép, đồ gỗ nội thất, hàng thủ công mỹ nghệ…

Cơ hội nhiều, miếng bánh lớn nhưng thách thức đi kèm sẽ không nhỏ, nhất là với thị trường có yêu cầu cao như Mỹ. Đơn cử, ngành gỗ đang phải đối mặt những quy định ngày càng khắt khe hơn về tính hợp pháp của gỗ nguyên liệu. Hồi đầu tháng 10, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan thay mặt Chính phủ ký thỏa thuận với Trưởng Đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai về kiểm soát khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp.

Thỏa thuận thể hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam tăng cường kiểm soát nguồn gốc và chuỗi cung ứng gỗ. Điều này sẽ buộc DN phải nâng cao năng lực, chú trọng đến việc đáp ứng các chứng chỉ về nguồn gốc nguyên liệu sản xuất, nhất là nguyên liệu nhập khẩu. Tương lai ngành gỗ chỉ có thể tăng trưởng xuất khẩu ổn định khi rủi ro về tính pháp lý của nguồn cung gỗ nhập khẩu được giải quyết.

Bên cạnh việc đáp ứng các yêu cầu về sản phẩm hay nguyên liệu, các nhà nhập khẩu Mỹ đòi hỏi ngày càng cao về tính trách nhiệm xã hội, họ ưu tiên đặt hàng những “DN xanh”. Thực tế, hiện nay đa số DN trong các ngành công nghiệp như dệt may hay da giày đều đang hướng đến đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại, sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm khi xuất khẩu.

Tuy nhiên, với DN nhỏ và vừa thực hiện điều này không dễ vì nguồn tài chính hạn chế. Thách thức nữa là phòng vệ thương mại (PVTM). Tính đến nay Mỹ là quốc gia điều tra và áp dụng biện pháp PVTM nhiều nhất với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Cách đây ít ngày mặt hàng mật ong của Việt Nam đã bị áp thuế ở mức hơn 400%. Tuy đây mới là quyết định sơ bộ của Bộ Thương mại Mỹ nhưng nó đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới DN xuất khẩu mật ong Việt Nam.

Nhìn rộng hơn, theo thống kê chưa đầy đủ, trung bình  2/3 số lượng vụ việc điều tra PVTM của nước ngoài với hàng xuất khẩu Việt Nam không dẫn đến kết quả bất lợi cho các DN, nhưng hành trình theo đuổi vụ kiện, hoàn thiện hồ sơ, chi phí… cũng khiến DN hao tổn nhiều công sức. Dù vậy, cơ hội và thách thức đan xen sẽ giúp DN Việt trưởng thành hơn, hoàn hiện mình tốt hơn để thâm nhập thị trường Mỹ sâu rộng hơn.

Thị trường Mỹ còn dư địa rất lớn với hầu hết ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam. Dự kiến kim ngạch thương mại trao đổi 2 chiều giữa 2 nước sẽ đạt mức kỷ lục 100 tỷ USD vào cuối năm nay.

Thanh Lâm

Sài Gòn Đầu Tư Tài Chính

Các tin tức khác

>   Đề xuất bỏ cách ly tập trung khách quốc tế có 'thẻ xanh', xét nghiệm âm tính (15/12/2021)

>   TPHCM – xưởng sản xuất kiêm thị trường tiêu thụ hấp dẫn doanh nghiệp Nhật Bản? (15/12/2021)

>   TP.HCM cần sự đột phá lớn để phát triển (15/12/2021)

>   Yếu tố nào cấu thành nên một doanh nghiệp logistics mạnh? (15/12/2021)

>   Nhà đầu tư Nhật chỉ ra những thách thức thu hút FDI sắp tới của TP.HCM (14/12/2021)

>   Sốc với giá cước vận chuyển tăng 4 lần (14/12/2021)

>   Đi xa hơn chuyển đổi số (14/12/2021)

>   Xét xử sai phạm tại SAGRI: Bị cáo Lê Tấn Hùng đóng vai trò cầm đầu (14/12/2021)

>   Ông Nguyễn Đức Chung bị tuyên án 8 năm tù, buộc bồi thường 25 tỉ đồng (13/12/2021)

>   Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Không giải ngân hết vốn đầu tư công 2021 sẽ bị thu hồi (13/12/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật