Thứ Tư, 15/12/2021 08:17

TPHCM – xưởng sản xuất kiêm thị trường tiêu thụ hấp dẫn doanh nghiệp Nhật Bản?

TPHCM đang có nhiều điểm hấp dẫn đối với các nhà đầu tư Nhật Bản trong việc lựa chọn làm cơ sở sản xuất cũng như với vai trò là thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Thông tin này được ông Mizushima Kozo, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TPHCM (JCCH) chia sẻ tại sự kiện “Kỷ niệm 20 năm Hội nghị Bàn tròn Nhật Bản tại TPHCM” vào ngày 14-12. Đây là hoạt động do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) cùng với các sở, ban, ngành Thành phố và JCCH phối hợp tổ chức dưới sự chỉ đạo của UBND TPHCM.

Ông Võ Văn Hoan (đứng) trao đổi với doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản tại sự kiện. Ảnh: Lê Hoàng

Theo ông Mizushima Kozo, TPHCM có nhiều điểm hấp dẫn đối với các nhà đầu tư Nhật Bản nói riêng và nhà đầu tư quốc tế nói chung. Đơn cử như, đối với các doanh nghiệp đầu tư cơ sở sản xuất, TPHCM cung cấp nguồn lao động trẻ và dồi dào, mức lương nhìn chung vẫn thấp so với các nước trong khu vực. Thành phố cũng đang nổi lên trở thành thị trường tiêu thụ hấp dẫn đối với nhà đầu tư không chỉ với quy mô dân số lớn nhất cả nước mà thu nhập bình quân đầu người ở mức cao, tầng lớp trung lưu gia tăng mạnh mẽ. “Những yếu tố này đưa TPHCM trở thành một thị trường tiêu thụ đầy tiềm năng”, ông Chủ tịch JCCH nói.

Ngoài ra, Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng có nền chính trị ổn định và gần gũi với  đất nước Nhật Bản. Vì vậy, số người Nhật sinh sống tại TPHCM đã tăng 1,7 lần so với 5 năm trước (khoảng 12.480 người năm 2020 so với 7.270 người năm 2015 – PV). Số lượng doanh nghiệp hội viên của JCCH tại TPHCM cũng đã vượt 1.000 vào năm 2019 và xếp thứ 3 trong số các hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại nước ngoài sau tổ chức tại Thượng Hải (Trung Quốc) và Bangkok (Thái Lan).

Tuy nhiên, ông Mizushima Kozo cũng chỉ ra điểm bất lợi trong thu hút đầu tư nước ngoài của TPHCM tới đây, đó chính là sự cạnh tranh gay gắt để có được nguồn nhân lực chất lượng cao giữa các doanh nghiệp, điều này sẽ đẩy mức lương tăng cao, giảm tính hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.

Theo ông Mizushima Kozo, chính quyền TPHCM đã làm tốt việc thường xuyên gặp gỡ, đối thoại với JCCH (một tổ chức mà trong đó phần lớn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ) trong suốt hơn 20 năm qua. Điều này đã mang lại những kết quả trong việc thu hút đầu tư từ nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau, không chỉ ở lĩnh vực sản xuất mà còn mở rộng ra các ngành khác như bán lẻ, dịch vụ, tài chính, ngân hàng…

Theo vị đại diện của JCCH, 10 năm trở lại đây, các siêu thị, trung tâm thương mại Nhật Bản như Aeon, Takashimaya, các chuỗi cửa hàng bán lẻ 24 giờ như MiniStop, FamilyMart,… đã có mặt tại nhiều nơi tại TPHCM và không ngừng gia tăng.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây tác động nặng nề tới đời sống kinh tế – xã hội, ông cho rằng chính quyền Thành phố đã cầu thị, lắng nghe, tiếp thu và thấu hiểu những khó khăn của các doanh nghiệp để có những quyết sách đúng đắn, kịp thời. “Cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản hy vọng, chính quyền Thành phố sẽ tiếp tục loại bỏ các yếu tố gây trở ngại cho hoạt động của doanh nghiệp, qua đó xây dựng mối quan hệ tin cậy giữa chính quyền và doanh nghiệp, thúc đẩy tích cực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh”, ông Mizushima Kozo nói.

Hội nghị Bàn tròn giữa UBND TPHCM và JCCH, bắt đầu từ năm 1998, đã trở thành mô hình cho “Sáng kiến ​​chung Nhật Bản-Việt Nam” dựa trên thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Nhật Bản trong năm 2003.

Là người có nhiều gắn bó với Hội nghị Bàn tròn Nhật Bản tại TPHCM, hiện là Trưởng ban Môi trường Kinh doanh kiêm Trưởng ban Pháp luật của JCCH, ông Nakagawa Motohisa bày tỏ niềm vui khi được chia sẻ về vai trò, hiệu quả mà Hội nghị Bàn tròn mang lại đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản tại đây. Sự hỗ trợ của UBND TPHCM, ITPC và các sở, ban, ngành khác trong khuôn khổ Hội nghị Bàn tròn là một trong những yếu tố hấp dẫn và thúc đẩy đầu tư từ Nhật Bản vào Thành phố.

Hội nghị Bàn tròn đã trở thành một kênh thúc đẩy sự trao đổi, xây dựng và phát triển mối quan hệ giữa các thành viên JCCH với các sở, ban, ngành liên quan, thay vì chỉ đơn giản là giải quyết kiến nghị, từ đó mang lại ý nghĩa trong việc thu hút đầu tư hơn nữa từ các công ty Nhật Bản.

Ông Võ Văn Hoan (đứng) trao đổi với doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản tại sự kiện. Ảnh: Lê Hoàng

Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, cho rằng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã trở thành động lực, tạo ra “cú hích” cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Thành phố. Riêng đối với dòng vốn FDI từ Nhật Bản vào Thành phố có sự tăng trưởng ấn tượng, sắc nét, rất tích cực, mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức do tác động của dịch Covid-19, thể hiện niềm tin của doanh nghiệp FDI Nhật Bản vào sức hút của thị trường Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng. Đây cũng là cơ hội tốt để tiếp tục mở rộng và làm sâu sắc thêm hợp tác đầu tư giữa hai bên trong bối cảnh mới.

Ông Hoan cho rằng việc tổ chức Kỷ niệm 20 năm Hội nghị Bàn tròn Nhật Bản diễn ra trong điều kiện đặc biệt như hiện nay, là điểm nhấn quan trọng trong hoạt động đầu tư, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp các nước, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản tại TPHCM, đánh dấu chặng đường đồng hành của chính quyền Thành phố cùng doanh nghiệp Nhật Bản trong quá trình phát triển.

Các cơ quan chính quyền Thành phố sẽ tiếp tục phối hợp với JCCH thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư, nhằm thu hút nhà đầu tư Nhật Bản với trình độ công nghệ, kỹ thuật hàng đầu thế giới, quan tâm đầu tư vào Thành phố trong những lĩnh vực định hướng ưu tiên, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế gắn với năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, phát triển nhanh và bền vững, mang lại lợi ích cho các bên.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố cũng chỉ đạo ITPC cùng các sở, ngành tiếp tục phối hợp với JCCH tổ chức Hội nghị Bàn tròn hàng năm, ghi nhận, giải quyết những vướng mắc, yêu cầu của doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, tổng hợp những kiến nghị của doanh nghiệp đối với với những vấn đề không thuộc thẩm quyền của Thành phố, có kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương. Định hướng hoạt động sắp tới không chỉ dừng lại ở việc tiếp nhận và giải quyết những vướng mắc, khó khăn mà cần cùng nhau xây dựng chính sách, nhằm hỗ trợ cao nhất cho doanh nghiệp.

Tính đến cuối tháng 10-2021, Nhật Bản đứng thứ 2/141 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có đầu tư nước ngoài tại Việt Nam với 4.765 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 63,94 tỉ đô la. Quy mô dự án bình quân của Nhật Bản là 13,4 triệu đô la/dự án, cao hơn quy mô dự án bình quân chung của cả nước là 11,7 triệu đô la/dự án.

Tại TPHCM, tính đến cuối tháng 11-2021, tổng số dự án của nhà đầu tư Nhật Bản là 3.218  dự án (bao gồm 1.479 dự án đầu tư trực tiếp và 1.739 trường hợp đầu tư gián tiếp thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần). Tổng vốn đầu tư đạt 7,419 tỉ đô la Mỹ (chiếm tỷ lệ 10,44% tổng vốn đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài trên địa bàn Thành phố), đứng vị trí thứ 4/116 quốc gia/vùng lãnh thổ về tổng vốn đầu tư trực tiếp trên địa bàn.

Các lĩnh vực được doanh nghiệp Nhật Bản tập trung đầu tư gồm Công nghiệp chế biến, chế tạo; bán buôn và bán lẻ; hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ; kinh doanh bất động sản; vận tải kho bãi; thông tin và truyền thông; xây dựng; dịch vụ lưu trú và ăn uống; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội; giáo dục và đào tạo…

Lê Hoàng

TBKTSG

Các tin tức khác

>   TP.HCM cần sự đột phá lớn để phát triển (15/12/2021)

>   Yếu tố nào cấu thành nên một doanh nghiệp logistics mạnh? (15/12/2021)

>   Nhà đầu tư Nhật chỉ ra những thách thức thu hút FDI sắp tới của TP.HCM (14/12/2021)

>   Sốc với giá cước vận chuyển tăng 4 lần (14/12/2021)

>   Đi xa hơn chuyển đổi số (14/12/2021)

>   Xét xử sai phạm tại SAGRI: Bị cáo Lê Tấn Hùng đóng vai trò cầm đầu (14/12/2021)

>   Ông Nguyễn Đức Chung bị tuyên án 8 năm tù, buộc bồi thường 25 tỉ đồng (13/12/2021)

>   Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Không giải ngân hết vốn đầu tư công 2021 sẽ bị thu hồi (13/12/2021)

>   Doanh nghiệp cần gì để sản xuất an toàn? (13/12/2021)

>   Xét xử sai phạm tại SAGRI: Đề nghị tuyên bị cáo Lê Tấn Hùng 30 năm tù (13/12/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật