Liệu Fed có thể sửa chữa sai lầm mang tên “lạm phát tạm thời”?
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) càng chậm chạp trong việc phản ứng với diễn biến lạm phát thì càng làm tăng nguy cơ các chính sách bị dừng đột ngột, gây ra xáo trộn thị trường tài chính và ảnh hưởng tiêu cực lên nền kinh tế. Hiện tại, Fed cần phải giải quyết hai nhiệm vụ cùng lúc.
* Bài viết thể hiện quan điểm của Mohamed A. El-Erian
Lạm phát nghiêm trọng hơn dự báo
Các quan chức chủ chốt của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cuối cùng đã thừa nhận rằng, trong nhiều tháng qua, họ đã đánh giá sai bản chất của đợt lạm phát vừa rồi. Thực tế cho thấy sự tăng giá nghiêm trọng và dai dẳng hơn dự báo. Sự thừa nhận đó là đáng hoan nghênh, đặc biệt với khả năng lạm phát vẫn sẽ ở mức cao trong những tháng tới. Thách thức hiện nay, không chỉ đối với Fed mà còn với cả nước Mỹ và các nền kinh tế lớn khác. Trong đó, việc truyền thông và thực thi các chính sách ở các quốc gia sẽ trở nên phức tạp hơn rất nhiều do những nhận định sai lầm ngay từ đầu về tính "tạm thời" của lạm phát.
Những diễn biến của lạm phát khoảng đầu năm nay là hoàn toàn có thể hiểu được. Đà tăng mạnh của lạm phát giai trong đoạn từ tháng 3/2021 đến tháng 5/2021 phần lớn là do lạm phát năm 2020 bị kìm hãm bởi sự đóng cửa của nền kinh tế toàn cầu nhằm phản ứng với dịch bệnh Covid-19. Ngoài ra, các nhà hoạch định chính sách hy vọng rằng các thị trường sẽ nhanh chóng giải quyết sự chênh lệch giữa nhu cầu tăng mạnh và nguồn cung bị tắc nghẽn khi nền kinh tế thế giới mở cửa trở lại.
Vào mùa hè vừa rồi, một số nhà nghiên cứu trong chúng tôi thấy rõ rằng lạm phát tại thời điểm ấy bắt đầu cho thấy dấu hiệu ảnh hưởng bởi các yếu tố dài hạn thay vì chỉ là các yếu tố ngắn hạn. Các công ty đã trình bày chi tiết về sự gián đoạn mang tính chất dài hạn trong chuỗi cung ứng của họ. Tình trạng thiếu lao động ngày càng nghiêm trọng làm tăng thêm chi phí và thúc đẩy lạm phát. Rất ít các công ty kỳ vọng hai vấn đề này sẽ sớm được giải quyết và những phát biểu kiểu như thế này được lặp đi lặp lại tại các buổi họp báo cáo hàng quý.
Tuy nhiên, thay vì đánh giá lại những nhận định về lạm phát dựa trên cơ sở dữ liệu, Fed lại đi một bước khá mạo hiểm. Tính chất "tạm thời" của lạm phát không chỉ bó hẹp trong một vài tháng mã đã kéo dài thành nhiều quý. Một số nhà quan sát và quan chức thậm chí còn nghĩ ra những khái niệm mới mang tên “tạm thời kéo dài”, “tạm thời liên tục” và “tạm thời luân phiên”. Trong quá trình này, họ đã đánh mất tính khách quan trong phân tích diễn biến mang tính chất "tạm thời".
Tính nhất thời được hiểu là sự kiện chỉ diễn ra trong ngắn hạn và nhanh chóng trở về bình thường. Do đó, những thành phần tham gia vào nền kinh tế - dù là người tiêu dùng, người sản xuất hay người làm công ăn lương - không có lý do gì để phải thay đổi hành vi của họ. Thay vào đó, họ cho phép mình bỏ qua hiện tượng này.
Fed đã thay đổi thái độ
Tuy nhiên, vào cuối mùa hè, vấn đề lạm phát tiếp tục nghiêm trọng hơn (CPI tăng lên mức 6.2% vào tháng 10 và 4.1% đối với chỉ số giá tiêu dùng cá nhân cốt lõi). Tuy nhiên, Fed vẫn tin vào quan điểm lạm phát chỉ là tạm thời. Chủ tịch Jerome Powell một lần nữa nhấn mạnh trong tháng 11/2021 rằng “Lạm phát sẽ giảm đáng kể trong năm tới”.
Nhiều người lưu ý rằng Fed không có các công cụ cần thiết để gỡ tắc nghẽn cho chuỗi cung ứng hoặc thúc đẩy sự tham gia của lực lượng lao động. Nhưng nếu Fed duy trì tư duy lạm phát tạm thời này lâu hơn nữa, nó có thể tác động lên tâm lý bất an về lạm phát trong tương lai và yếu tố này sẽ tiếp tục đẩy giá cả trong nền kinh tế tăng cao. Và mặc dù điều này không có nghĩa là chúng ta sẽ quay trở lại với tỷ lệ lạm phát hai con số của thập niên 70 nhưng nó sẽ dẫn đến việc tỷ lệ lạm phát sẽ cao hơn đáng kể so với mức mà nền kinh tế và thị trường tài chính chịu đựng được.
Fed càng chậm chạp trong việc phản ứng với diễn biến lạm phát và buộc phải “phanh” gấp thì khả năng lớn đây sẽ là nhân tố chính kéo dài tình trạng lạm phát trong hiện tại và gây suy giảm uy tín của tổ chức này. Nhưng nếu mọi việc không như dự tính, Fed có nguy cơ sẽ gây ra suy thoái kinh tế, biến động mạnh trên thị trường và lây lan sang nhiều nền kinh tế khác trên thế giới.
Những sai lầm như vậy tương đối quen thuộc trong chiều dài lịch sử của kinh tế thế giới. Nhận thấy mình đang chậm trễ trong việc kìm chế lạm phát, Fed sẽ buộc phải thắt chặt chính sách tiền tệ một cách đột ngột, kéo giảm mạnh nhu cầu của thị trường và đẩy những công ty đang hưởng lợi từ đà tăng của giá cả vào thế khó. Nhiều nhân viên sẽ mất việc làm, không những thế, họ còn đánh mất đi quyền lực trong quá trình đàm phán với công ty. Thị trường trong lúc đó sẽ trải qua giai đoạn mất ổn định về tính thanh khoản và có thể gây ảnh hưởng ngược lại lên nền kinh tế vốn đang ở trạng thái dễ bị tổn thương.
Kịch bản rủi ro này đặc biệt đáng lo ngại đối với tầng lớp dân cư thu nhập thấp. Nhóm này đã phải đối mặt với tình trạng giá cả tăng cao, làm tăng mạnh chi tiêu trong ngân sách cá nhân. Họ cũng sẽ phải đối mặt với nguy cơ thất nghiệp và mất đi một khoản thu nhập quan trọng. Bên cạnh những thiệt hại không đáng có đối với nền kinh tế, điều này cũng sẽ có những tác động tiêu cực về thể chế và chính trị xã hội.
Điều đáng khích lệ là vào ngày cuối cùng của tháng 11/2021, Powell đã đột ngột quay đầu trong nhận định về lạm phát và tuyên bố rằng đã đến lúc gác khái niệm "tạm thời" sang một bên. Fed sau đó sẽ phải thực hiện hai nhiệm vụ quan trọng.
Đầu tiên là nỗ lực nhanh chóng lấy lại sự tín nhiệm của mình để từ đó Fed có thể tiếp tục việc điều hướng chính sách tương lai và thể hiện tính độc lập trong hoạt động thường ngày. Ngoài ra, Fed nên công khai chi tiết lý do tại sao họ lại mắc sai lầm về nhận định lạm phát và rút kinh nghiệm như thế nào nếu xảy ra sự cố tương tự trong tương lai.
Thứ hai, Fed phải tiếp tục giảm nhanh tốc độ mua tài sản hiện nay. Cùng lúc đó, tạm thời giảm tốc cho các chính sách kích thích nền kinh tế. Đó là những chính sách mà Fed đã liên tục ra sức ép để chúng được thông qua. Nếu thực hiện được hai nhiệm vụ trên, rủi ro mà Fed phải "thắng gấp" giữa năm 2022 sẽ được giảm thiểu đáng kể.
Giới thiệu về tác giả Mohamed A. El-Erian
Mohamed A. El-Erian từng là CEO& kiêm Giám đốc Đầu tư của Công ty quản lý quỹ đầu tư PIMCO, một trong những quỹ trái phiếu lớn nhất thế giới.
Ông hiện là Hiệu trưởng Trường Queens thuộc Đại học Cambridge và cũng là Giáo sư Thực hành tại Trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania. Ông từng là Phó Tổng giám đốc của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Ngoài ra, ông cũng từng là Chủ tịch Hội đồng Phát triển Toàn cầu của Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ông còn được vinh danh là một trong 100 nhà tư tưởng hàng đầu thế giới trong bốn năm liên tiếp. Ông cũng là tác giả của cuốn sách The Only Game in Town: Central Banks, Instability, and Avoiding the Next Collapse.
Nguồn: The Wall Street Journal
Bộ phận Phân tích Doanh nghiệp, Phòng Tư vấn Vietstock
FILI
|