Thứ Hai, 13/12/2021 16:10

Gói phục hồi kinh tế: Cẩn trọng khi “bữa tiệc tàn”

Sau cú sút giảm  mạnh ở đầu năm 2020 do dịch Covid-19 gây ra, thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng trở lại mạnh mẽ. Thậm chí, khi được “tẩm bổ” thêm bằng liều thuốc tâm lý là gói phục hồi kinh tế khổng lồ, những đỉnh cao mới có thể sẽ tiếp tục bị chinh phục. Tuy nhiên, bữa tiệc thịnh soạn rồi cũng sẽ đến lúc phải tàn...

Gói phục hồi kinh tế: Cẩn trọng khi “bữa tiệc tàn”

Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 đã gây ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế Việt Nam. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết, trong quý 3/2021, tăng trưởng GDP âm 6,17%, kéo tăng trưởng 9 tháng chỉ còn ở mức 1,42%.

Với sự ảnh hưởng như vậy, các chuyên gia đều cho rằng, điều quan trọng nhất đối với Việt Nam lúc này là cần có một gói phục hồi kinh tế, nếu không sẽ phải đối mặt với nguy cơ tụt hậu so với thế giới. Quy mô gói phục hồi kinh tế 2022 được đề xuất từ 500 nghìn tỷ đồng – 800 nghìn tỷ đồng.

Rủi ro chưa xuất hiện trong ngắn hạn

Thông tin về gói phục hồi kinh tế bắt đầu xuất hiện trên thị trường từ cuối tháng 10/2021. Sau đó, thị trường chứng khoán bắt đầu phản ứng rất mạnh. Thể hiện rõ nhất ở dòng tiền vào kênh này có dấu hiệu bùng nổ. Giá trị khớp lệnh trên sàn HOSE thường xuyên trên 1 tỷ USD.

Cá biệt, phiên ngày 3/11, tiền chảy mạnh vào nhóm cổ phiếu ngân hàng, đưa thanh khoản thị trường lên mức kỷ lục. Nếu tính cả ba sàn, giá trị giao dịch lên tới gần 52.000 tỷ đồng, tương đương 2,2 tỷ USD.

Diễn biến này khiến nhiều nhà đầu tư kỳ cựu chợt nhớ đến giai đoạn 2009. Khi đó, thị trường chứng khoán đã phản ứng hết sức tích cực với gói kích thích kinh tế, nhất là chính sách hỗ trợ lãi suất 4%. Từ mức đáy 235,5 điểm (24/2/2009), chỉ số VN-Index tăng vọt lên 624,1 điểm (22/10/2009), tương đương tăng 165% trong vòng 8 tháng.

Quả thật, bối cảnh nền kinh tế lúc đó và bây giờ, có nhiều nét tương đồng như: kinh tế chậm nhịp, người dân gặp khó khăn, Chính phủ phải có biện pháp hỗ trợ…

Tuy nhiên, nếu chỉ xét riêng ở thị trường chứng khoán thì lại có điểm khác biệt cực kỳ lớn. Cụ thể, năm 2009 thị trường chứng khoán đang ở vùng đáy, còn lúc này đây lại đạt đỉnh cao lịch sử mới. Cũng chính vì sự khác biệt lớn mà thị trường ngày càng xuất hiện nhiều quan điểm lo ngại về rủi ro bong bóng chứng khoán trong thời gian tới.

Song, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank KimEng cho rằng, VN-Index đang giao dịch quanh mức P/E 16,5 lần và nằm trong vùng trung bình nhiều năm.

“Có những cổ phiếu bị định giá vượt qua giá trị thực nhưng đây chỉ là những trường hợp cá biệt. Tình hình chung bình thường vì định giá của VN-Index vẫn chưa cao”, ông Khánh nói.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc nghiên cứu phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam còn chỉ ra 3 nguyên nhân khác giúp thị trường chứng khoán Việt khó hình thành bong bóng trong ngắn hạn.

Thứ nhất, thị trường chưa thể tạo ra “cú xì hơi kéo dài” như giai đoạn những năm 2007-2008 hay xa hơn là năm 2002 và những năm 1992 trở về trước. Bởi lẽ, khi đó thị trường “down trend” mạnh và câu chuyện hồi phục cũng rất khó.

Thứ hai, chính sách hỗ trợ đã rút được nhiều kinh nghiệm từ bài học lịch sử nên mặt bằng lãi suất chưa thể tăng sớm trở lại. Do đó, thị trường vẫn tiếp nhận được lứa nhà đầu tư mới, nguồn tiền mới.

Thứ ba, công nghệ khiến thông tin được lan tỏa nhanh, thậm chí gây ra hiệu ứng FOMO, nên chứng khoán thường dạo gần đây có xu hướng phản ứng trước, đến khi chương trình phục hồi kinh tế bắt đầu thẩm thấu vào các con số trên báo cáo của doanh nghiệp thì cũng không còn tăng mạnh nữa.

Chứng khoán hưởng lợi kép

Theo thông tin ban đầu, việc hỗ trợ người yếu thế, hay giảm thuế phí, hạ lãi suất - cấp bù cho doanh nghiệp, tạo điều kiện để SCIC mua lại các doanh nghiệp khó khăn, hỗ trợ hàng không - du lịch, lĩnh vực thiết yếu khác bị đình trệ đều là những cấu phần rất quan trọng của gói kích thích kinh tế.

Các cấu phần này sẽ tác động trực tiếp giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất nhanh chóng, kích cầu tiêu dùng, giảm chi phí doanh nghiệp thông qua thuế phí sẽ góp phần đưa GDP sẽ tăng trưởng trở lại.

Về ngành được hưởng lợi, theo ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng Công ty Chứng khoán MB (MBS) gồm các doanh nghiệp xây dựng, doanh nghiệp trúng thầu đầu tư công. Với các ngành như hàng không - du lịch thì gói hỗ trợ chỉ mang tính chất hỗ trợ, bơm máu cho doanh nghiệp sống sót chứ không mang tính quyết định. Bởi lẽ với ngành hàng không, điểm quyết định không phải là bơm bao nhiêu vốn mà phải là mở cửa kinh tế, mở cửa bay quốc tế trở lại, từ đó mới tạo ra dòng tiền thực theo đúng chiến lược “sống chung với Covid-19”.

Trong khi đó, Công ty Chứng khoán BSC chỉ ra, có 6 nhóm ngành được hưởng lợi trực tiếp và 6 nhóm ngành được hưởng lợi gián tiếp nếu có các gói phục hồi kinh tế mới và nền kinh tế mở cửa trở lại.

Cụ thể, 6 nhóm ngành sẽ hưởng lợi trực tiếp khi nền kinh tế hồi phục sau dịch Covid-19 bao gồm: bất động sản, vật liệu xây dựng, xuất nhập khẩu, hàng không, bán lẻ và sản xuất.

Đối với các nhóm ngành sẽ được hưởng lợi gián tiếp khi nền kinh tế phục hồi, BSC đánh giá, bất động sản khu công nghiệp, ngân hàng, năng lượng – tiện ích, dịch vụ tài chính, dầu khí và vận tải sẽ là 6 nhóm ngành chính được hưởng lợi.

Đáng chú ý, hầu hết các chuyên gia đều nhận định thị trường chứng khoán sẽ được hưởng lợi kép. Một mặt, gói kích thích kinh tế 2022 ở quy mô lớn hay bé đều tốt và sẽ có một lượng tiền trực tiếp chảy vào nền kinh tế. Bối cảnh nền lãi suất đang ở mức thấp như hiện nay là môi trường thuận lợi cho thị trường chứng khoán.

Mặt khác, khi các ngành nghề cùng hồi phục và nền kinh tế quay lại đà tăng trưởng, thu nhập của người dân cũng tốt lên, kéo theo nhu cầu đầu tư chứng khoán cũng tăng dần.

Cẩn trọng khi tiệc tàn

Bất kỳ một chu kỳ tăng trưởng nào của thị trường chứng khoán cũng có hai phần. Phần đầu luôn là một bữa tiệc thịnh soạn chiêu đãi tất cả các nhà đầu tư. Dĩ nhiên ai cũng muốn bữa tiệc này kéo dài không bao giờ dứt.

Tuy nhiên, lịch sử cho thấy, đó chỉ là những hy vọng không có thật, bữa tiệc nào rồi cũng đến lúc tàn. Hệ lụy của gói kích cầu 2009 là một chu kỳ suy giảm kéo dài từ năm 2010 đến năm 2013.

Nguyên nhân chính dẫn tới các hệ lụy không đáng có được ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đúc kết là do thiếu cơ chế kiểm soát tốt trong quá trình triển khai chính sách, thiếu sự phối hợp, trao đổi giữa khu vực doanh nghiệp, các cơ quan, chủ thể trong thực thi chính sách kích cầu nên khi thực hiện quy mô lớn nhưng dòng tiền ít dành cho sản xuất mà lại vào chứng khoán, đầu cơ bất động sản. Hậu quả là lạm phát tăng cao gây bất ổn nền kinh tế vĩ mô, kìm hãm sự hồi phục kinh tế.

Trước những bất cập trên, ông Đặng Hồng Anh kiến nghị với Quốc hội cần tập trung vào công tác giám sát thực thi chính sách, kích cầu kinh tế theo phương châm từ xa, từ sớm. Việc giám sát, đánh giá hiệu quả thực hiện được diễn ra song song với quá trình triển khai chính sách, đảm bảo hiệu quả cao nhất việc đưa chính sách vào đời sống của người dân.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nhấn mạnh gói hỗ trợ tổng thể phục hồi kinh tế phải tập trung “kích” cả phía cung và cầu, đảm bảo an toàn, an ninh tài chính quốc gia.

Được biết, vừa qua Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhấn mạnh, đã rút ra 4 bài học kinh nghiệm để làm cơ sở cho nghiên cứu, đề xuất và thực hiện các gói giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế tới đây.

Đó là, cần chương trình tổng thể, quy mô đủ lớn, tính đến khả năng vay trả và hấp thu của nền kinh tế; thực hiện đồng bộ, kịp thời các chính sách tài khóa-tiền tệ, mục tiêu hỗ trợ trọng tâm, trọng điểm, hỗ trợ dòng tiền cho doanh nghiệp; đặc biệt cần quan tâm công tác kiểm soát rủi ro, giám sát thực hiện chặt chẽ các gói hỗ trợ.

Vũ Phong

VnEconomy

Các tin tức khác

>   Không phải cứ hỗ trợ là bơm tiền mới, thị trường đang dựa nhiều vào tâm lý (13/12/2021)

>   VNDirect: Đầu tư công sẽ là trợ lực cho ngành xây dựng hạ tầng trong năm 2022 (14/12/2021)

>   Triển vọng nào ở IJC, HDG, SBT? (13/12/2021)

>   VNDirect: NIM ngân hàng có thể giảm trong năm 2022 (13/12/2021)

>   VNDirect kỳ vọng VN-Index đạt 1,700-1,750 điểm trong năm 2022 (13/12/2021)

>   Đòn cân tâm lý ngắn hạn của thị trường (13/12/2021)

>   Liệu Fed có thể sửa chữa sai lầm mang tên “lạm phát tạm thời”? (18/12/2021)

>   Góc nhìn tuần 13-17/12: Tích lũy để trở lại đỉnh 1,500 điểm? (12/12/2021)

>   Góc nhìn 10/12: Cân nhắc lại vị thế trong các nhịp hồi phục? (09/12/2021)

>   Góc nhìn 09/12: Xuất hiện áp lực chốt lời? (08/12/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật