Sự kỳ vọng của nhà đầu tư theo hướng tích cực vào gói hỗ trợ kinh tế đang phổ biến đã tạo nên một hiệu ứng tăng trưởng của thị trường chứng khoán thời gian qua. Tuy nhiên, đà tăng lần này của thị trường chứng khoán sẽ không bằng với mức tăng của thị trường năm 2008-2009 khi có gói kích thích vi có thể Chính phủ sẽ không bơm tiền mới...
Tại đối thoại chuyến đề: “Thị trường chứng khoán với gói kích thích kinh tế: Cú hích tăng trưởng và rủi ro bong bóng” được Tạp chí Kinh tế tổ chức, TS. Quách Mạnh Hào, Giảng viên Đại học Lincoln, Vương quốc Anh, người sáng lập QMV Group, cho rằng giai đoạn nhà đầu tư cần thận trọng đâu đó đã rất gần.
Cuốn phim không lặp lại
Nếu được thông qua thì đây là lần thứ 2 Việt Nam có gói kích thích kinh tế. Nhưng ông Hào cho rằng, bối cảnh kinh tế lần 2 khác hoàn toàn so với lần 1.
Bởi lẽ, vào năm 2009, kinh tế chuyển từ trạng thái thiếu tiền sang thừa tiền. Và việc bơm thanh khoản quá mức đã dẫn tới sự tăng trưởng của các thị trường tài sản, trong đó có chứng khoán.
Năm nay, tiền trên thị trường rất nhiều, thanh khoản hệ thống ngân hàng luôn dồi dào. Tiền nhiều, cộng với cỗ máy kinh tế chưa thể khôi phục để chạy đã khiến thị trường chứng khoán tăng.
“Một cách rất thẳng thắn mà nói, hầu hết những người tham gia thị trường chứng khoán đều nghĩ rằng, việc Covid-19 xuất hiện là một sự may mắn. Và may mắn đây là may mắn bất ngờ”, ông Hào nói.
Đáng chú ý, kể từ khi thông tin về gói hỗ trợ được hàm ý đưa thông qua các phát biểu của chính khách, chuyên gia kinh tế, mức độ rủi ro chung trên thị trường có xu hướng giảm. Khi đó, định giá tài sản được dâng lên. Đây một trong những yếu tố giúp chứng khoán thời gian gần đây tiếp tục tăng vọt.
Hiểu đơn giản, tâm lý nhà đầu tư đang kỳ vọng một cách tích cực vào gói hỗ trợ kinh tế là phổ biến, nó kéo theo sự tăng trưởng tích cực của thị trường chứng khoán.
Với bối cảnh hiện tại, ông Hào nhìn nhận gói kích thích kinh tế sẽ không bơm tiền mới. Thậm chí nếu có mới thì việc phát hành trái phiếu sẽ nhằm vào các nguồn tiền dư thừa nhàn rỗi hiện có trên thị trường.
“Câu chuyện của những người thiết kế gói kích thích hiện nay là họ đang muốn làm sao để chuyển đổi lượng tiền thực tế đã bơm ra nhưng chưa được sử dụng để nó quay trở về đúng mục tiêu, là đi vào các dự án về cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội… Điều này cũng giải quyết được bài toán rủi ro lạm phát”, ông Hào đánh giá.
Do đó, khi gói hỗ trợ chính thức được công bố, cỗ máy kinh tế bắt đầu hoạt động bình thường, thị trường chứng khoán sẽ phải cạnh tranh với Chính phủ trong việc sử dụng nguồn tiền của xã hội. “Không thể quá mong mỏi vào những điều đã xảy ra trong quá khứ”, ông Hào nhấn mạnh.
Tiền luân chuyển, vẫn có sóng ngành
Việc dựa quá nhiều vào tâm lý khiến thị trường thời điểm này có kỳ vọng nhiều đến mấy thì cũng sẽ không thể bền. Theo ông Hào, quá trình này có thể kéo dài khoảng 6 tháng tới một năm để chúng ta chứng kiến tiền trở lại với nền kinh tế.
Tuy nhiên, dựa trên chỉ số tự xây dựng để đo sự tham lam của thị trường, ông Hào cho biết, mặc dù tiền vào rất nhiều ở nhóm rủi ro nhưng mức độ tham lam chung đã giảm đáng kể. Chỉ khi nào xuất hiện những phiên giảm sâu vài chục điểm thì chỉ số tham lam mới tăng tăng dựng đứng.
“Chỉ báo trên đã cho tôi một suy nghĩ. Đó là dường như các nhà đầu tư chưa biết sợ, vẫn còn ham bắt đáy. Tiền theo đó vẫn muốn ở lại thị trường”, ông Hào nhấn mạnh.
Vì vậy, ông Hào nhìn nhận, hiện tại tiền chưa thể lập tức rút ra khỏi thị trường mà sẽ luân chuyển giữa các nhóm ngành. Một số ngành thì rất là tốt, một số ngành thì có thể không tốt bằng.
Trong đó, kể từ khi gói hỗ trợ kinh tế được đưa ra, 5 ngành tiền vào mạnh nhất gồm: y tế; viễn thông; xây dựng, vật liệu xây dựng; truyền thông; bất động sản. Còn đối với các ngành dòng tiền vào yếu như: tài nguyên cơ bản; bảo hiểm; dầu khí; công nghệ; du lịch; giải trí.
Theo ông Hào, có một sự chênh lệch giữa tâm lý hành vi và thực chất định giá của thị trường, tức cổ phiếu nhiều doanh nghiệp không phản ánh được kết quả kinh doanh.
Ví dụ ở câu chuyện đầu tư công, nếu ai ở đại học kinh tế quốc dân thì đều biết đến câu chuyện “giảng đường thế kỷ”. Nhà đầu tư cứ nhìn đầu tư công thì tốt, nhưng thực chất nó kéo dài đến vài năm, vài chục năm. Trong khi, doanh nghiệp nhận đầu tư công vẫn phải trả một loạt chi phí liên quan đến thị trường và bị đẩy lên bởi lạm phát. Do đó, kết quả kinh doanh thực tế có thể sẽ không tốt như là những điều mà nhà đầu tư kỳ vọng.
“Điều thú vị, người ta nghĩ đơn giản, đầu tư công hưởng lợi thì doanh nghiệp đầu tư công tốt tăng. Quan điểm của tôi là chúng ta nên chơi một cách đơn giản nhưng phải hiểu rằng, đơn giản vẫn cần có giới hạn. Bởi vì là đến một lúc nào đó thì những cái trò chơi của dòng tiền nó có thể nó sẽ kết thúc”, ông Hào chia sẻ.
Chia sẻ thêm về dấu hiệu cảnh báo khi đến điểm rủi ro cần chú ý, ông Hào cho rằng, thị trường chứng khoán vận hành theo ngành, sau đó là vận hành theo dòng tiền.
Trong đó, doanh nghiệp niêm yết trên được chia thành ba nhóm: an toàn, trung tính, rủi ro. Trong các nhóm, những doanh nghiệp mà nhà đầu tư nhìn thấy kết quả kinh doanh tốt, tiền sẽ chảy vào trước. Trái lại, kết quả kinh doanh không tốt, tiền sẽ vào sau. Khi tiền vào tất cả các doanh nghiệp thuộc nhóm rủi ro nhất, hoạt động không tốt cũng được thổi giá lên là lúc thị trường đến điểm rủi ro.
Dữ liệu ở 5 tháng gần đây cho thấy dòng tiền chảy vào nhóm rủi ro là cực kỳ lớn. Trong khi, dòng tiền vào nhóm cổ phiếu mà được cho là an toàn nhất thì nó vẫn tăng nhưng so với 2 cái nhóm rủi ro và trung tính thì không bằng. “Tôi cho rằng, giai đoạn thận trọng đâu đó đã đến rất gần”, ông Hào nói.