Thứ Hai, 20/12/2021 09:00

“Giá” nào phải trả cho bộ xét nghiệm Covid-19?

Lệnh khởi tố, bắt tạm giam người sáng lập, tổng giám đốc Công ty cổ phần công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á), ông Phan Quốc Việt và giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật CDC Hải Dương, ông Phạm Duy Tuyến vào ngày 18/12 đã gây xôn xao dư luận. Bởi đằng sau của hiện tượng loạn giá xét nghiệm Covid-19 thời gian qua, đã lộ ra một phần của “tảng băng chìm” là cú móc ngoặc giữa Công ty Việt Á và giám đốc CDC một số địa phương nâng khống giá bộ xét nghiệm, hưởng lợi bất chính. Trong đó con số “lại quả” cho giám đốc CDC Hải Dương 30 tỷ đồng trên 5 hợp đồng cung cấp vật tư, thiết bị y tế có tổng số tiền gần 152 tỷ đã cho thấy mức độ chia chác, lủng đoạn của những “đồng tiền có chân”!

* Doanh nhân Phan Quốc Việt bị bắt vì ‘thổi giá’ kit test Covid-19 là ai?

Còn nhớ, ở thời điểm năm 2020, khi tình hình dịch bệnh trên thế giới diễn ra phức tạp và bắt đầu xâm nhập vào Việt Nam, nguồn cung ứng và chủng loại các loại kít xét nghiệm Covid-19 khá hạn chế, giá thành lại cao. Bộ Y tế thời điểm ấy đã đưa ra hướng dẫn về giá kít xét nghiệm nhanh là 238,000 đồng/mẫu, xét nghiệm khẳng định PCR là 734,000 đồng/mẫu. Mức giá này được áp dụng cho đến trước ngày 1/7/2021, tức sau đó Bộ Y tế tiếp tục có sự điều chỉnh mức giá xét nghiệm. Ngày 9/11, Bộ Y tế ban hành Thông tư áp dụng xét nghiệm SARS-CoV-2 Ag test nhanh mức tối đa là 109,700 đồng/mẫu…

Thật ra, giá xét nghiệm phụ thuộc khá nhiều yếu tố: Giá của bộ kít xét nghiệm, vật tư xét nghiệm, chi phí thực hiện xét nghiệm… Riêng bộ kít xét nghiệm lại căn theo chủng loại, tiêu chuẩn đạt độ nhạy cao hay thấp, nguồn gốc xuất xứ, số lượng mua, giá mua ở từng thời điểm tăng hay giảm của diễn biến dịch bệnh…

Nói cho thật công bằng, ở thời điểm ban đầu, khi tham gia vào cuộc đua sản xuất, nhập khẩu sản phẩm kit xét nghiệm, Công ty Việt Á là một trong những đơn vị đã tạo dựng được uy tín về chuyên môn để Bộ Y tế và Chăm sóc xã hội Anh cấp chứng nhận đạt chuẩn châu Âu cho bộ kít SARS-CoV-2 của Việt Nam sản xuất. Đây cũng chính là cơ sở để Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chấp nhận hồ sơ xem xét công nhận bộ xét nghiệm đạt tiêu chuẩn của WHO. Bộ Y tế Việt Nam sau đó đã cấp phép đăng ký lưu hành cho sản phẩm test Covid-19 của Công ty Việt Á.

Nhưng, khi tình hình dịch bệnh tăng nhanh, diễn biến bệnh nặng và ca tử vong dồn dập, công ty này thay vì giữ “ổn định giá” theo mức sàn mà Bộ Y tế đưa ra thì lại lợi dụng chủ trương phủ rộng xét nghiệm toàn dân, bắt tay với một số CDC địa phương, đẩy giá, làm giá để cùng thu lợi bất chính một cách bất nhẫn.

Có thời điểm, có những nơi giá xét nghiệm lên đến 400,000-600,000 đồng/mẫu, lấy giá mẫu đơn tính luôn cho giá mẫu gộp (làm cùng lúc nhiều mẫu)… Gánh nặng này, tính trên bình quân số người phải xét nghiệm nhiều lần, thử hỏi, người dân, doanh nghiệp (tổ chức xét nghiệm cho nhân viên, người lao động) phải chi trả như thế nào? Sự bức xúc vì phải xét nghiệm liên tục không hợp lý, tốn kém tiền bạc, thời gian và vô số rủi ro do điểm xét nghiệm không đảm bảo an toàn giãn cách. Dù được ngân sách nhà nước chi trả hay chi phí dịch vụ thì cũng là từ đồng tiền của dân, người lao động mà ra, phải sử dụng hợp lý, minh bạch.

Để có con số 30 tỷ đồng “lại quả” trên 5 hợp đồng ở một địa phương (như Hải Dương), bắt buộc phía Công ty Việt Á phải nâng giá để bù đắp “thiệt hại” cho “quả lại” kia. Và bất chấp cả đất nước đang chìm trong dịch bệnh, khốn khó, ý thức hoàn cảnh để phải thắt lưng buộc bụng, chia sẻ gánh nặng chăm lo sức khỏe người dân của nhà nước, của chính doanh nghiệp và nhân dân, một cán bộ lãnh đạo của một đơn vị chuyên trách về y tế công cộng lại xòe tay để đút túi thứ “lộc lá” đổi chác từ sức khỏe, tính mạng của người dân.

Từ cơn loạn giá của xét nghiệm Covid-19, chúng ta đang phải trả cái giá cho sự tha hóa của cán bộ y tế. Sau CDC Hà Nội với ông giám đốc Nguyễn Nhật Cảm lại đến giám đốc CDC Hải Dương và còn những giám đốc CDC tỉnh thành nào nữa? Trả cái giá cho sự tha hóa của một hay nhiều con người đã từng có ý chí, có trình độ đủ để theo đuổi “giấc mơ” cho những sản phẩm y tế made in Vietnam? Và tất cả đã phải trả giá quá đắt cho sự hoài nghi có thật ở người dân với chức năng, công cụ giám sát giá thành xét nghiệm Covid -19 nói riêng, nguồn sinh phẩm, thiết bị y tế nói chung của các cơ quan chức năng. Một lần nữa, trong hoàn cảnh khốn khó dịch bệnh lại chồng chất thói tham lam, bất chấp của một số người, đã lợi dụng, lạm dụng vị trí, công việc để tự mình hủy hoại chính “kháng thể” lương tri, chức trách làm người của mình.

Quốc Học

FILI

Các tin tức khác

>   Tia hy vọng mới: Liệu đại dịch Covid-19 có kết thúc trong năm tới? (19/12/2021)

>   Ngành dịch vụ karaoke, massage có nguy cơ bị xóa sổ khỏi thị trường? (19/12/2021)

>   Bộ Y tế đề nghị dừng các hoạt động tập trung đông người dịp Tết nguyên đán (18/12/2021)

>   Nhiều người 'chơi dài' trong năm 2021 (18/12/2021)

>   Tết này không cần quần áo mới? (18/12/2021)

>   Dịch bệnh và thương hiệu (18/12/2021)

>   Lao động ngành sản xuất có tính thời vụ được tăng 8 giờ làm thêm/tháng (18/12/2021)

>   Rút ngắn thời gian tiêm nhắc vắc xin Covid-19 (18/12/2021)

>   Protein từ cá mập có khả năng ngăn chặn cả biến thể Delta lẫn Omicron (17/12/2021)

>   Công nhận kết quả test nhanh tại nhà cho người dân: Bộ Y tế nói gì? (17/12/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật