Nhiều người 'chơi dài' trong năm 2021
Do dịch Covid-19, nhiều bạn trẻ phải tạm dừng công việc suốt nửa đầu năm 2021. Thời gian còn lại, họ gặp nhiều trở ngại khi không còn tiền tích lũy, thiếu cơ hội việc làm.
Những ngày cuối năm, Nguyễn Thùy Dương (27 tuổi, quận 7, TP.HCM) ngồi tính toán lại khoản tiết kiệm của mình. Sau gần một năm, con số này chẳng những không tăng lên, mà còn gần "chạm đáy".
Đối với Dương, 2021 là năm cô gần như không thể tích lũy bởi phải nghỉ việc do dịch bệnh.
Suốt 5 tháng dài, cô chỉ quanh quẩn ở nhà, cố không để tinh thần chạm đáy nhờ những bộ phim và chương trình truyền hình dài tập.
“Khi đi làm, tôi chỉ muốn ở nhà chơi. Đến khi phải ở nhà 'chơi dài', tôi lại thèm cảm giác làm việc, tiếp xúc môi trường công sở. Năm 2021 vừa qua, tôi buộc phải chơi ngoài mong muốn”, Dương cười, chia sẻ cùng chúng tôi.
Nửa năm ‘chơi’
Theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê về tác động của đại dịch đến tình hình lao động công bố ngày 12/10, giãn cách xã hội kéo dài đã làm trầm trọng hơn thị trường lao động và ảnh hưởng mạnh tới ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.
Dịch Covid-19 không chỉ ảnh hưởng đến khu vực chính thức mà còn lan rộng sang cả khu vực phi chính thức. Giờ đây, người lao động khó có thể tìm được việc làm, kể cả việc làm tạm thời trong giai đoạn này.
Dương chính là một trường hợp như vậy.
Làm việc trong lĩnh vực tổ chức sự kiện giải trí, cuối tháng 5, những dự án do cô vận hành đột ngột bị hủy do lệnh giãn cách xã hội, mặc cho các công đoạn đã được chuẩn bị kỹ lưỡng.
Ngành nghề bị ảnh hưởng trầm trọng bởi dịch khiến Thùy Dương phải nghỉ một thời gian dài, khó tích lũy tài chính.
|
Đến đầu tháng 11, khi các tấm banner sự kiện đã mờ hình in, Dương vẫn chưa thể quay trở lại công việc.
Cô cố gắng tìm kiếm một công việc thời vụ nhằm có thêm thu nhập. Tuy nhiên, tình hình vẫn không mấy khả quan.
“Giai đoạn giãn cách kéo dài hơn nhiều so với những gì tôi nghĩ. Những tháng ở nhà, tôi đã xem vô số bộ phim, ngủ suốt nửa ngày mà không có một tin nhắn công việc. Tôi tự trấn an mình hãy dành thời gian đó để nghỉ ngơi, thế nhưng tôi không vui nổi khi thu nhập bị cắt hoàn toàn”, Dương nói.
Mỹ Hạnh (28 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM) cũng chung tình cảnh.
Vài ngày trước, bộ phim mà Hạnh tham gia mới chính thức đóng máy sau hơn 5 tháng trì hoãn vì dịch bệnh. Nữ diễn viên cho biết cô chưa từng trải qua quãng nghỉ nào dài tới vậy suốt sự nghiệp nghệ thuật của mình.
“Tôi phải dừng mọi hoạt động từ tháng 6 tới tháng 11. Không làm việc, tôi hầu như không có thu nhập, phải sử dụng số tiền còn lại trong tài khoản để lo sinh hoạt. Quãng thời gian đó, tôi rất áp lực”, Hạnh tâm sự.
Mỹ Hạnh phải tạm dừng quay phim, hoãn dự án mở học viện người mẫu vì tình hình dịch bệnh phức tạp.
|
Đối với Hạnh, việc mắc kẹt trong 4 bức tường nhà suốt 24/7 gây cho cô nhiều áp lực. Cô cố gắng giải trí bằng cách xem phim, viết kịch bản và học thêm ngoại ngữ, nhưng không phải lúc nào cũng có thể giữ vững tinh thần.
Đặc biệt, những dự định cá nhân của Hạnh cũng phải dang dở vì dịch. Gánh nặng tài chính và định hướng sự nghiệp làm cô gái trẻ chênh vênh.
“Không chỉ phải tạm dừng đóng phim, tôi cũng phải hủy hợp đồng thuê mặt bằng làm lớp học người mẫu vì tình hình dịch bệnh phức tạp. Mọi thứ xung quanh tôi đều bị đảo lộn”, Hạnh trải lòng.
Vẫn còn khó khăn
Khi quay lại nhịp sống bình thường mới, ngành nghệ thuật của Mỹ Hạnh vẫn chưa thể phục hồi 100% như thời điểm trước dịch. Nữ diễn viên cho biết cô và các đồng nghiệp vẫn lo ngại nguy cơ mắc Covid-19.
“Thực tế, nhiều đồng nghiệp của tôi đã trở thành F0, đoàn phim lại phải dừng để đảm bảo sức khỏe. Việc này cũng ảnh hưởng tới tiến độ chung. Ai trong chúng tôi cũng lo lắng, nhưng đều ráng làm việc thật an toàn”, Hạnh cho hay.
Tranh thủ những tháng cuối năm, Hạnh miệt mài chạy show. Nhiều ngày sức lực mệt mỏi, cô vẫn nhận thêm dự án mới để bù lại cho khoảng thời gian nghỉ dịch.
“Giờ đây, tôi không kén chọn show lớn hay nhỏ, có việc là tôi sẽ đi làm để bù lại khoản thu nhập hao hụt trong gần nửa năm qua. Tôi sẽ tự bảo vệ sức khỏe và hy vọng tình hình năm tới sẽ khá hơn”.
Phụng Trâm dự định kiếm thêm công việc để giảm áp lực tài chính vào cuối năm.
|
Hậu giãn cách, khi cuộc sống bước vào giai đoạn bình thường mới, tinh thần và tình hình công việc của Phụng Trâm (24 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội) vẫn chưa mấy tốt lên.
“Tết năm nay không ‘ấm’ như trước” là suy nghĩ thường trực cô vào những ngày cuối năm.
5 tháng qua, Trâm phải tạm dừng công việc freelance marketing do các công ty không có nhu cầu hợp tác trong dịch.
Để trang trải sinh hoạt phí, Phụng Trâm phải dùng tới khoản tiết kiệm cá nhân.
“Nghề của tôi chưa lúc nào ‘rủng rỉnh’ tiền bạc nên trong dịch, mọi việc càng thêm khó khăn. Tôi không dám về quê phần vì lo ngại dịch, phần thì nghĩ ở thành phố biết đâu sẽ có cơ hội”, cô chia sẻ.
Tháng trước, Trâm được quay lại làm việc, ký kết hợp đồng 5 tháng với một công ty ở Hà Nội. Tuy nhiên, cô chỉ nhận 50% thù lao trước mắt, sau Tết mới được trả nốt phần còn lại.
“Đó là điều bình thường trong ngành của tôi. Thông thường, tôi tích cóp dần trong năm và sử dụng khoản tiền đó để lo sắm sửa trước Tết. Năm nay, có lẽ tôi sẽ cắt bỏ những khoản mua sắm này”, cô bày tỏ.
Vài tuần cuối cùng của năm, Phụng Trâm đang gấp rút tìm thêm dự án ngắn hạn để làm việc với mong muốn có thêm thu nhập, lo cho gia đình.
“Ban đầu, tôi cũng không nghĩ tới việc tìm thêm việc làm. Song càng về cuối năm, do có nhiều thứ phải chi tiêu và muốn về quê đón Tết với bố mẹ nên tôi sẽ cố tìm thêm dự án, dù nhỏ hay lớn”.
Trang Minh - Thục Hạnh
ZING
|