Dịch bệnh và thương hiệu
Tôi là một trong hơn 300 hành khách của chuyến bay charter Frankfurt – Paris – Vân Đồn của Vietnam Airlines ngày 15-12 vừa qua. Chuyến bay này như nhiều người biết là giá rất mắc (tối thiểu 65 triệu đồng có bao gồm một tuần cách ly), nhưng không có sự lựa chọn.
Tôi lên máy bay lúc 13 giờ 30 tại Paris. Sau khi bị trễ một giờ (không rõ lý do) thì rời mặt đất lúc 15 giờ 40. Lúc này đa số hành khách khá mệt và đói. Khoảng 45 phút sau khi bay thì tiếp viên báo sẽ phục vụ bữa ăn trưa “gọn” vì trong hoàn cảnh dịch Covid.
Bữa ăn “gọn” là sao? Mỗi khách được phát một túi đỏ bên trong có hai cái bánh ngọt, hai cây xúc xích, một hộp sữa nhỏ và một trái quýt. Thêm vào là một chai nước suối! Thế là hết!
Có lẽ cả “bữa ăn” này tốn khoảng 30 ngàn đồng. Đa số hành khách chúng tôi ngán ngẩm, chỉ nhìn nhiều hơn ăn mặc dù khá đói. Không bia rượu, không nước ngọt hay soda, không cà phê hay trà, không mì gói luôn! Mọi người đành uống nước cầm hơi và cố gắng ngủ để quên cơn đói.
Sau khoảng 9 giờ bay thì chúng tôi được gọi dậy để dùng bữa ăn sáng. Bữa ăn sáng cũng giống bữa trước, chỉ có trái quýt được thay bằng trái táo. Vậy là xong!
Ông khách cạnh tôi – một Việt kiều Canada – than vãn và so sánh với chuyến bay Toronto – Paris trước đó: “May mà đi với Airfrance, được ăn thịt cá, không thì tôi chết đói rồi!”.
Bữa ăn sáng này chỉ kéo dài khoảng 10 phút. Đa số hành khách như tôi đều cho túi đỏ vào thẳng túi rác của các tiếp viên.
Tôi có hỏi một tiếp viên: “tụi em cũng ăn như vầy hả, tội quá?”. Người tiếp viên trả lời rất hồn nhiên: “Dạ không, tụi em ăn thứ khác ạ!”.
Sau khi máy bay hạ cánh ở Vân Đồn lúc 9 giờ thì hành khách chúng tôi phải mất thêm hơn bốn tiếng đồng hồ làm thủ tục y tế, hải quan và đi về Hạ Long trước khi vào phòng khách sạn để được ăn một bữa ăn “bình thường”.
Cũng cần nói thêm, đến lúc được check-in tại khách sạn nhưng ai nấy vẫn còn trong tình trạng bực dọc và không khí nặng nề, bởi mọi người đã quá đói và mệt mỏi sau một chặng hành trình dài trên một chuyến bay không được phục vụ chu đáo.
Tôi đi máy bay rất nhiều lần, chưa bao giờ gặp cảnh đói trên máy bay đến mức như lần này. Nếu lấy cớ do dịch bệnh để giải thích cho việc phục vụ hành khách qua loa, sơ sài như vậy thì thật gượng gạo.
Uy tín là một trong những yếu tố giúp khách hàng lựa chọn một thương hiệu. Thương hiệu rất khó đạt được mà lại rất dễ mất. Chính trong những lúc dịch bệnh này việc vượt khó cố gắng giữ vững chất lượng dịch vụ càng làm tăng thêm niềm tin của khách hàng vào thương hiệu của doanh nghiệp.
Những nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần tầm nhìn xa hơn là việc thu lợi tức tối đa nhưng nhất thời.
Cao Bùi
TBKTSG
|