Rút ngắn thời gian tiêm nhắc vắc xin Covid-19
Bộ Y tế đánh giá số ca F0 cộng đồng và tử vong có xu hướng gia tăng ở nhiều địa phương trên cả nước, yêu cầu khẩn trương tiêm vắc xin mũi nhắc lại và sẵn sàng điều kiện sản xuất thuốc điều trị trong nước.
Mũi vắc xin tiêm nhắc rút ngắn còn 3 tháng
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, để tăng cường miễn dịch phòng bệnh Covid-19 cho những người đã được tiêm chủng đủ liều cơ bản, từ khuyến cáo của Nhóm chuyên gia tư vấn chiến lược về tiêm chủng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và kinh nghiệm sử dụng vắc xin của các nước, Bộ Y tế đề nghị sở y tế các tỉnh, thành đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin Covid-19, đảm bảo hoàn thành việc bao phủ mũi 1 cho 100% dân số từ 12 tuổi trở lên trong năm 2021, và tiêm mũi 2 cho những đối tượng đã tiêm mũi 1 đủ thời gian; rà soát kỹ và tổ chức tiêm vét, đảm bảo tất cả người dân có đủ điều kiện tiêm chủng được tiêm đủ liều.
|
Thời gian tiêm nhắc vắc xin Covid-19 được rút ngắn còn 3 tháng. Đậu Tiến Đạt
|
Về tiêm liều bổ sung vắc xin Covid-19, ngày 17.12, Bộ Y tế đã ban hành Công văn số 10722/BYT-DP (Công văn 10722) gửi sở y tế các tỉnh, thành hướng dẫn. Theo bộ này, liều bổ sung tiêm cho các đối tượng là người từ 18 tuổi trở lên, trước hết bảo đảm bao phủ cho toàn bộ người từ 50 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản (tiêm 1 hoặc 2, 3 mũi tùy theo loại vắc xin) bao gồm: người có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng như người cấy ghép tạng, ung thư, HIV, đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch hoặc đã điều trị trong vòng 6 tháng;... người đã tiêm đủ liều cơ bản bằng vắc xin của Hãng Sinopharm hoặc vắc xin Sputnik V. Loại vắc xin bổ sung cùng loại với liều cơ bản hoặc vắc xin mRNA.
Thời gian tiêm nhắc vắc xin Covid-19 được rút ngắn còn 3 tháng thay vì 6 tháng. ĐẬU TIẾN ĐẠT
|
Khoảng cách tiêm 1 mũi bổ sung sau mũi cuối cùng của liều cơ bản từ 28 ngày đến 3 tháng. Đối với những người có chỉ định tiêm liều bổ sung, sau khi đã tiêm liều bổ sung thì được coi là hoàn thành liều cơ bản.
Đáng lưu ý, để giảm nguy cơ tử vong, Bộ Y tế hướng dẫn tiêm liều nhắc lại vắc xin Covid-19 cho các đối tượng là người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản hoặc liều bổ sung, ưu tiên bảo đảm bao phủ cho toàn bộ người có bệnh nền, người cần được chăm sóc dài hạn tại các cơ sở y tế, người từ 50 tuổi trở lên, người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19, nhân viên y tế.
Về loại vắc xin tiêm nhắc lại, Bộ Y tế cho biết nếu các mũi tiêm cơ bản hoặc bổ sung cùng loại vắc xin thì tiêm mũi nhắc lại cùng loại đó hoặc vắc xin mRNA; nếu trước đó đã tiêm các loại vắc xin khác nhau thì tiêm mũi nhắc lại bằng vắc xin mRNA. Nếu tiêm liều cơ bản hoặc bổ sung là vắc xin của Hãng Sinopharm thì có thể tiêm mũi nhắc lại cùng loại đó hoặc vắc xin mRNA hoặc vắc xin véc tơ vi rút (vắc xin AstraZeneca).
Thăm khám F0 tại nhà ở Q.8, TP.HCM. Ngọc Dương
|
Về khoảng cách, tiêm 1 mũi nhắc lại ít nhất 3 tháng sau mũi cuối cùng của liều cơ bản. Đối với những người đã mắc Covid-19 thì tiêm ngay sau khi hồi phục và hoàn thành việc cách ly y tế theo quy định.
Theo một chuyên gia tiêm chủng: “Với hướng dẫn trên, mũi nhắc lại có thể tiêm sau mũi tiêm cuối tiêm trước đó 3 tháng, thay vì phải chờ đến 6 tháng. Trong nước hiện đảm bảo nguồn vắc xin cho tiêm chủng”.
Lãnh đạo Bộ Y tế đề nghị ngay từ tháng 12 này, các địa phương và các bộ, ngành cần triển khai tiêm mũi bổ sung, mũi nhắc lại, căn cứ vào tiến độ cung ứng vắc xin.
Đề xuất sớm sản xuất thuốc điều trị Covid-19 kháng vi rút
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, lãnh đạo bộ này đã phân công 16 bệnh viện T.Ư hỗ trợ cho 11 tỉnh, thành phía nam về công tác điều trị, bao gồm cử bác sĩ, điều dưỡng, kiểm soát nhiễm khuẩn và cán bộ quản lý có kinh nghiệm chống dịch để tiếp tục hỗ trợ các tỉnh phía nam có số ca nặng và tử vong cao. Các đơn vị hỗ trợ triển khai đánh giá tình hình, phối hợp với địa phương rà soát phương án thu dung điều trị, tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trực tiếp kết hợp hỗ trợ từ xa, tham gia điều trị người bệnh; đồng thời đề xuất các phương án phù hợp trong phân tầng điều trị, phân loại nguy cơ và quản lý F0 tại nhà.
Về diễn biến ca bệnh, Bộ Y tế đánh giá dịch cơ bản kiểm soát nhưng xác định sẽ gia tăng các ca bệnh, ổ dịch trong cộng đồng. Nhu cầu thuốc điều trị cũng tăng lên, đặc biệt thuốc kháng vi rút Molnupiravir điều trị F0 nhẹ tại nhà.
Lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định, hiện cơ bản đã đảm bảo đủ nhu cầu đối với các thuốc phòng chống dịch, đặc biệt là với 46 thuốc thiết yếu trong danh mục điều trị F0 tại các cơ sở y tế.
Để tăng tốc tiếp cận thuốc điều trị với việc triển khai sản xuất Molnupiravir trong nước khi nhu cầu đang tăng lên, Bộ Y tế đã đề xuất lên Chính phủ và Chính phủ trình Quốc hội chấp nhận cho điều chỉnh một số quy định cho cấp giấy lưu hành thuốc mới phục vụ chống dịch khẩn cấp.
Cụ thể, theo quy định hiện hành, về sử dụng thuốc sản xuất kháng vi rút trong nước, để được cấp phép lưu hành thì nhà máy sẽ phải sản xuất tối thiểu 3 lô thuốc thử nghiệm với trung bình mỗi lô khoảng 100.000 viên, và chỉ sử dụng một lượng rất nhỏ trong số này để thực hiện kiểm nghiệm chất lượng. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn ra phức tạp, nhu cầu sử dụng thuốc trong điều trị Covid-19 rất lớn mà nguồn cung lại hạn chế, bộ này đề xuất các quy định để thuận lợi hơn trong cấp giấy đăng ký lưu hành.
Thông tin từ Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho hay, nếu các kiến nghị được Chính phủ, Quốc hội chấp thuận, VN có thể sản xuất thuốc điều trị cho phòng chống dịch ngay từ đầu năm 2022, với công suất khoảng 8 triệu liều/năm (mỗi liều là liệu trình 5 ngày điều trị). Hiện 35 công ty dược VN đã tiếp nhận nguồn nguyên liệu sản xuất Molnupiravir; 19 công ty đã nộp hồ sơ đăng ký lưu hành thuốc này.
Các tỉnh, thành cách ly F1 tại nhà
Hiện nhiều tỉnh, TP đã đạt tỷ lệ cao về bao phủ vắc xin Covid-19 cho người trong độ tuổi tiêm chủng, nhiều người thuộc trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh xác định (gọi là F1) đã được tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã được điều trị khỏi bệnh Covid-19. Để kịp thời điều chỉnh các biện pháp đáp ứng công tác phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, TP chỉ đạo sở y tế và các đơn vị liên quan thực hiện các nội dung sau:
Những người đã tiêm đủ liều vắc xin Covid-19 (thẻ xanh trên Sổ sức khỏe điện tử hoặc Giấy chứng nhận tiêm đủ liều vắc xin), liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày và không quá 6 tháng; hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm được xác định là đối tượng F1, thực hiện cách ly y tế 7 ngày tại nhà, nơi lưu trú (nếu đủ điều kiện cách ly tại nhà, nơi lưu trú), tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày tiếp theo.
Cách ly cần tuân thủ 5K, nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác... thì thông báo ngay cho cơ quan y tế để theo dõi và xử trí theo quy định; thực hiện xét nghiệm đủ 2 lần (lần 1 khi bắt đầu thực hiện cách ly, lần 2 vào ngày thứ 7)...
|
Tiêm vắc xin Covid-19 cho bệnh nhân nội trú
Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi tiếp nhận người bệnh, sàng lọc kỹ các đối tượng chưa tiêm vắc xin Covid-19, kể cả các đối tượng mới tiêm 1 mũi; phối hợp với trung tâm kiểm soát bệnh tật địa phương tiêm vắc xin cho các đối tượng nguy cơ khi đến khám bệnh, chữa bệnh (lưu ý với tất cả các trường hợp người bệnh phải nhập viện).
|
Liên Châu
Thanh niên
|