Dự án Pi Network đã đạt được gì sau 3 năm toàn hứa hẹn?
Gần đây, nhiều người tham gia đào đồng Pi do đội ngũ phát triển thông báo đang chuẩn bị đưa vào hoạt động trên mạng chính thức. Tuy nhiên, lộ trình của dự án này chưa rõ ràng.
* Nhà đầu tư hốt hoảng vì Pi biến mất
* Ứng dụng Pi Network biến mất khỏi Play Store
Pi Network (Pi) là dự án đào tiền số miễn phí trên điện thoại, xuất hiện vào giữa năm 2018. Trong tuyên bố, đội ngũ quản lý đặt mục tiêu biến Pi trở thành đồng tiền số phổ biến nhất thế giới, được người dân sử dụng trong cuộc sống hàng ngày.
Tuy nhiên sau 3 năm đi vào hoạt động, đồng tiền số trên vẫn gần như vô giá trị. Pi không được dùng trong việc trao đổi hàng hóa cũng như chưa xuất hiện trên các sàn giao dịch tiền số.
Đồng Pi vẫn gần như vô giá trị
Nhiều người dùng tham gia đào Pi với tư tưởng không cần bỏ vốn, chỉ cần sở hữu điện thoại di động. Tuy đội ngũ phát triển gọi việc khai thác là "đào" Pi, thực chất ứng dụng trên smartphone chỉ mang tính năng điểm danh. Người dùng sẽ tăng tốc "đào" Pi khi mời gọi được nhiều người khác qua mã giới thiệu.
Đó là lý do nhiều người không ngại đưa tin giả, phóng đại về dự án và mời gọi bạn bè, người thân tải app với mã của mình. Tuy nhiên, đến nay sau hơn 3 năm phát triển, đồng Pi vẫn gần như vô giá trị khi không có sàn giao dịch nào chấp nhận, cũng không có giá trị đổi chác hàng hóa.
Trên trang web của mình, đội ngũ phát triển thừa nhận giá trị của Pi hiện tại xấp xỉ 0, đồng thời so sánh Pi với Bitcoin vào năm 2008, khi đồng tiền mã hóa hàng đầu chỉ vừa giới thiệu sách trắng (whitepaper).
Đội ngũ phát triển cho rằng giá trị của Pi "xấp xỉ bằng 0".
|
Nhà phát triển cho biết việc có thêm nhiều người dùng là đặc điểm mấu chốt để tăng giá trị của loại tài sản này. Theo công bố vào tháng 11, Pi Network hiện có 29 triệu người dùng đến từ 250 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, những con số này đến nay chưa có tác động gì đến giá đồng Pi.
Ngoài ra, đội ngũ hứa hẹn việc Pi sẽ có thể quy đổi ra tiền thật sau khi mainnet (đưa vào hoạt động trên mạng chính thức). Ở tài khoản Twitter chính thức, đội ngũ phát triển Pi thường xuyên nhắc đến mainnet cùng cụm từ "sắp hoạt động".
Tuy nhiên, trong lộ trình phát triển (roadmap), Pi Network không có bất cứ mốc thời gian cụ thể nào để người dùng theo dõi quá trình hoàn thiện dự án. Đây là điểm khác biệt so với phần lớn dự án dựa trên blockchain hiện nay, khi tính minh bạch là yếu tố quan trọng nhất. Sau 3 năm vận hành, ngày Pi Network được khởi chạy mainnet vẫn là bí ẩn lớn.
Một cột mốc khác mà nhóm phát triển Pi từng nhắc đến là trao đổi ngang hàng đồng Pi vào quý IV/2019. Theo website chính thức, việc trao đổi ngang hàng sẽ giúp người sở hữu Pi có thể quy đổi ra tài sản thật trong giao dịch với người dùng khác. Tuy nhiên, đến nay tính năng này vẫn chưa được áp dụng.
Trang thông tin tiền số CoinMarketCap cũng đã cảnh báo rằng dự án này từng vướng phải các vụ lùm xùm. “Pi Network đang gây ra nhiều tranh cãi. Vui lòng nghiên cứu dự án trước khi đầu tư”, CoinMarketCap cảnh báo. Sau thông báo này, tài khoản Pi Network cho biết họ muốn hợp tác với CoinMarketCap để tự duy trì trang thông tin trên nền tảng.
Trong khi nhà phát triển không có thông báo chính thức, nhiều thành phần trong cộng đồng Pi Network vẫn liên tục đưa thông tin giả mạo, chưa được kiểm chứng để lôi kéo thêm người tham gia.
Bài đăng thông báo khởi chạy mainnet của dự án Pi Network không công bố thời gian chính thức.
|
“Hôm nay SpaceX phóng máy tính Raspberry Pi vào không gian. Pi đã được khai thác bằng siêu máy tính 10 năm nay và giờ nó được phóng ra ngoài vũ trụ”, người dùng Nguyễn Toàn đăng bài trong hội nhóm đào đồng Pi.
Bên cạnh đó, nhiều người dùng trong các hội nhóm đào Pi đặt ra những mục tiêu giá “không tưởng” cho đồng tiền số đang có giá trị bằng không này. “Thà nghèo chứ không bán Pi. Chỉ bán khi Pi giá 1.000 USD”, tài khoản Giang Lê đăng bài trong hội Pi Network Việt Nam.
Những ý kiến phản bác, phân tích lỗ hổng trong hoạt động của Pi Network được nêu ra trong hội nhóm đều bị những người đào Pi cho là phá hoại, ngăn chặn cơ hội làm giàu của cộng đồng.
Pi không thể thay thế tiền pháp định
Pi được các thợ đào kỳ vọng là đồng tiền mã hóa thế hệ mới. Các quản trị viên của cộng đồng đào Pi thường so sánh dự án này với việc Bitcoin bị chỉ trích trong những ngày đầu phát hành.
Đồng thời, nhóm người này dự phóng tương lai của đồng Pi có thể thay thế Bitcoin. Tuy nhiên, hiện Pi chỉ là những con số hiển thị trên ứng dụng điện thoại.
Gần đây, một số thành viên đào Pi khoe nhau việc giao dịch Pi để đổi lấy tài sản có giá trị cao như xe hơi hay thậm chí là nhà cửa. Bên cạnh đó, theo nhiều “nhà đầu tư” Pi, hiện tại ứng dụng đào tiền số miễn phí này được tích hợp cửa hàng có tên Pi ***** Mall, cho phép người dùng mua hàng bằng đồng Pi.
Tuy vậy, những giao dịch này chỉ mang tính chất trao đổi ngang hàng, tự phát vì đồng Pi hiện chưa có giá trị. Với việc cập nhật tính năng mua hàng bằng đồng Pi, nhiều người đào tiền số bằng smartphone cho rằng đồng tiền số này có thể thay thế tiền pháp định trong tương lai.
Bên cạnh đó, giao diện trang web mypi****.com cho phép mua bán hàng hóa thật bằng đồng Pi cũng được nhiều thành viên này chụp ảnh, đăng tải trên hội nhóm. Tuy nhiên, ngay khi truy cập, trang web hiện thông báo vật phẩm hiển thị chỉ là dữ liệu thử nghiệm, không có thật.
Trang web mua bán bằng đồng Pi được lan truyền rộng rãi trong các cộng đồng đào tiền số bằng điện thoại.
|
Trả lời chúng tôi, PSG.TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp tại Học viện Tài chính nhận định rằng một loại tiền tệ phải gắn với nhà nước hoặc tổ chức cụ thể mới có đơn vị bảo đảm mới được dùng để giao dịch hàng hóa. Đằng sau đồng tiền hợp pháp là vàng, hàng hóa hay uy tín của tổ chức vận hành.
Ông Thịnh cho rằng đồng Pi nói riêng và phần lớn các loại tiền số nói chung không được xem là tiền. Loại hình này được trao đổi trong một nhóm người tham gia với hình thức là tài sản ảo. Vì tính biến động liên tục của giá trị tùy thuộc vào cung cầu thị trường nên các loại tài sản mã hóa này không thể được áp dụng như phương tiện trao đổi hàng hóa.
Nếu ai đó tuyên truyền rằng Pi thay thế được tiền tệ, đó là thông tin lừa đảo
PSG.TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính
|
“Những thông tin người sáng lập đồng Pi trước đây tuyên bố rằng họ sẽ đưa đồng tiền này lên sàn, được dùng trong giao dịch hàng hóa thay thế tiền pháp định là những thông tin mang tính lừa đảo”, ông đánh giá.
Theo PSG.TS Đinh Trọng Thịnh, phần lớn quốc gia trên thế giới đều không chấp nhận tiền số như một loại hình thanh toán. Chỉ một quốc gia chấp nhận tiền số như phương tiện giao dịch là Bitcoin tại El Salvador.
“Đồng tiền mã hóa giá trị cao như Bitcoin vẫn chưa được các nhà nước lớn chấp thuận thì những thông tin tuyên truyền rằng Pi sẽ thay thế tiền tệ, thực hiện chức năng thanh toán trong nền kinh tế hoàn toàn là lừa đảo”, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh nói thêm.
Từng bị chuyên gia đánh giá thiếu an toàn bảo mật
Ứng dụng Pi Network từng bị chuyên gia đánh giá thiếu an toàn về bảo mật, làm lộ thông tin cá nhân của người dùng. Vào tháng 5, hai nhà nghiên cứu bảo mật là manhnho và Cu64 của dự án Chống lừa đảo đã phân tích ứng dụng Pi Network phiên bản 1.30.3 trên hệ điều hành Android, được tải về từ Play Store.
Pi Network có một tính năng gọi là Nhóm khai thác. Trong mục này, người dùng có thể mời bạn bè mình sử dụng Pi. Nếu chọn tính năng Mời, ứng dụng sẽ yêu cầu quyền truy cập danh bạ trên điện thoại.
Vấn đề bảo mật nằm ở hệ thống quản lý dữ liệu của người dùng. Khi người dùng lựa chọn xóa tài khoản Pi, các dữ liệu liên quan đến họ, bao gồm cả danh bạ, vẫn còn trên máy chủ. Nhóm nghiên cứu cho thấy họ có thể khôi phục dữ liệu này.
Tính năng Mời của ứng dụng Pi yêu cầu quyền truy cập danh bạ điện thoại để mời những người có trong danh bạ. Ảnh: TA.
|
Bằng cách lấy token xác thực của ứng dụng và gửi yêu cầu lên máy chủ, hai nhà nghiên cứu đã lấy lại được toàn bộ danh bạ mà ứng dụng Pi đã tải lên, ngay cả khi họ đã thực hiện yêu cầu xóa tài khoản của mình.
Ngoài ra, sau khi mở mã nguồn của Pi Network trên Android, ông Nguyễn Việt Dinh, Trưởng mảng công nghệ công ty Symper cho biết ứng dụng chứa nhiều thư viện quảng cáo phổ biến.
Sáng 21/12, ứng dụng Pi Network biến mất khỏi Google Play khiến nhiều người dùng mất niềm tin. Số còn lại một mực tin rằng đội ngũ phát triển ẩn ứng dụng này khỏi Play Store nhằm chuẩn bị chạy mainnet cho đồng tiền số Pi. Đến đêm cùng ngày, ứng dụng này xuất hiện trở lại trên Google Play Store.
Sau 4 năm hoạt động, ứng dụng Pi Network thường xuyên nằm trong danh sách ứng dụng mạng xã hội được tải về nhiều nhất trên iOS tại Việt Nam. Trong khi đó, app “đào Pi” trên Android đạt hơn 10 triệu lượt tải về.
An Khang - Xuân Sang
ZING
|